Cần
mở rộng điều tra vụ 'ăn dày' trên lưng người bệnh
Cập nhật lúc 10:38
Đó là ý kiến Tuổi Trẻ Online ghi nhận được sau khi phát hiện vụ việc
thổi giá thiết bị y tế, 'ăn dày' trên lưng người bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai.
Thanh tra Chính phủ đang chỉ đạo thanh tra diện rộng việc mua sắm thiết bị y
tế cả nước.
Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
“Việc
khởi tố vụ án "thổi giá" thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai là
một hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề đạo đức xã hội cũng như ý thức tuân thủ pháp
luật trong ngành y”.
Các ý kiến phát biểu với Tuổi Trẻ sau đây cho thấy xã hội hóa
nhằm chia sẻ gánh nặng cho các bệnh viện công đầu tư máy móc hiện đại nhưng
khi không quản chặt chẽ, có lợi ích nhóm thì người bệnh lãnh đủ.
* Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội):
Bệnh viện cần hoàn trả số tiền chênh lệch
Chuyện nâng khống giá thiết bị y tế tại một số bệnh viện do
Công ty BMS cung cấp để trục lợi là vụ việc hết sức nghiêm trọng,
làm mất niềm tin của người dân đối với các cơ sở y tế, khám chữa
bệnh.
Đây là hành vi đáng lên án vì gây thiệt hại nặng nề đối
với người bệnh trực tiếp sử dụng thiết bị này, đồng thời gây thất
thoát cho Nhà nước. Vì vậy, cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều
tra, làm rõ hành vi của các cá nhân có liên quan để xử lý.
Về quyền lợi của người bệnh trực tiếp chi trả cho những
thiết bị, dịch vụ "khống giá" này, cơ quan điều tra cũng
cần làm rõ số tiền thực tế chiếm đoạt, trục lợi mà những người
này thực hiện. Từ đó cần yêu cầu những người này bồi thường, khắc phục
hậu quả.
Trong đó bệnh viện cần chịu trách nhiệm hoàn trả cho
người bệnh số tiền chênh lệch đã thanh toán mức dịch vụ tính theo
giá bị nâng khống và có quyền yêu cầu những người liên quan bồi thường,
khắc phục hậu quả đó.
Vụ án này được phát hiện, xét xử kịp thời, nghiêm minh sẽ là bài
học để răn đe những người bất chấp đạo đức, táng tận lương tâm, ăn chặn tiền
của Nhà nước, người dân.
* Một nguyên lãnh đạo bệnh viện tuyến trung ương:
Ngừng xã hội hóa ở tuyến trung ương
Ban đầu xã hội hóa y tế là một chính sách tốt. Áp dụng bắt đầu từ
những năm 1999-2000, khi đó tài chính cho bệnh viện công rất thiếu do ngân
sách chưa nhiều, viện phí thấp, bảo hiểm y tế chi trả chưa được như hiện nay,
muốn phát triển kỹ thuật phải xã hội hóa.
Nhưng muốn để xã hội hóa tốt và đúng hướng thì đảng ủy, ban giám
đốc bệnh viện trước hết phải xác định mũi nhọn và dự án cần xã hội hóa: thiết
bị gì bệnh viện mua được, thiết bị gì ngân sách đầu tư, thiết bị gì xã hội
hóa... Phải có cụ thể, không xã hội hóa tràn lan.
Thứ nữa là các dự án xã hội hóa chỉ nên kéo dài trong 8-10 năm,
đó là tính theo thời gian khấu hao của một đời thiết bị, không nên kéo dài
hơn. Sau thời gian này, thiết bị và kỹ thuật phải được bàn giao cho bệnh viện.
Theo tôi, tổng thời gian cho chương trình xã hội hóa y tế chỉ nên
kéo dài 25 năm. Chúng ta đã thực hiện từ năm 1999-2000, tức là đến nay đã kéo
dài hơn 20 năm.
Xã hội hóa đã hết sứ mệnh của nó ở bệnh viện tuyến trung ương,
tuyến tỉnh, hiện chỉ nên xã hội hóa ở bệnh viện tuyến huyện và bệnh viện đa
khoa khu vực. 5-10 năm tới thì tuyến huyện cũng thôi xã hội hóa.
Vì sao như vậy? Vì bệnh viện hiện tự chủ tài chính hết rồi, những
bệnh viện lớn tuyến trung ương, tuyến tỉnh hoàn toàn có thể đầu tư thiết bị
bởi họ thu từ hàng trăm tỉ đến hàng ngàn tỉ viện phí/năm, những thiết bị y tế
như vừa được xã hội hóa để đầu tư, bệnh viện hoàn toàn có thể đầu tư được.
* Một thẩm phán TAND TP Hà Nội:
Các bệnh viện khác có không?
Do vụ án mới trong giai đoạn khởi tố, chưa đưa ra xét xử nên chưa
thể bàn xem ai là người phải đền bù số tiền đã chiếm đoạt của bệnh nhân.
Tuy nhiên, đây là vụ án với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản
nên những bệnh nhân được xác định là nạn nhân, còn những người thực hiện hành
vi phạm tội phải thực hiện trách nhiệm đền bù.
Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ có trách nhiệm của bệnh viện
trong vụ án hay không, sau này khi kết luận truy tố đưa ra xét xử, xác định
được cụ thể hành vi từng cá nhân, đơn vị thì ngoài xử lý hình sự còn có trách
nhiệm bồi thường cho người bệnh.
Vụ án này được nhìn nhận không chỉ là vấn đề về luật pháp mà còn
là yếu tố con người, những người bị khởi tố đã có sự tha hóa, trục lợi ngay
trên chính nỗi đau của người bệnh.
Rất cần một cuộc điều tra trên diện rộng để làm rõ tại các bệnh
viện khác có tình trạng nâng khống giá thiết bị y tế nhằm trục lợi hay không
để xử lý triệt để, tránh tái diễn và đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng hơn
thế, thiệt hại rất nhiều cho người dân và cho cả quốc gia.
Thanh tra diện rộng việc mua sắm
thiết bị y tế trên cả nước
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một thanh tra
viên cao cấp của Thanh tra Chính phủ cho biết trong trường hợp liên doanh
liên kết giữa Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS, căn cứ thông tư
15/2007/TT-BYT hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong
việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết mua sắm trang thiết bị ở bệnh
viện công hay là Luật giá thì đều phải có cơ quan quản lý nhà nước thẩm định
giá, chứ không thuê doanh nghiệp thẩm định giá.
Cơ quan quản lý nhà nước sẽ làm đúng
quy định quy trình 6 bước, khảo sát giá thị trường, lấy báo giá, giá nhập khẩu
cộng với chi phí thì khó có chuyện nâng khống lên 4-5 lần như vậy.
Trên thực tế không chỉ riêng Bệnh viện
Bạch Mai, tại một số đơn vị khác cũng có tình trạng thuê công ty thẩm định
giá để rồi thiết bị y tế bị nâng khống lên nhiều lần trước khi đưa vào bệnh
viện.
Hiện nay Thanh tra Chính phủ đang chỉ
đạo thanh tra diện rộng việc mua sắm thiết bị y tế trên cả nước, việc nâng
khống giá thiết bị có diễn ra phạm vi rộng hay hẹp sẽ được làm rõ.
(Theo
Tuổi trẻ) LAN ANH - THÂN HOÀNG - DANH TRỌNG thực hiện
|
Thứ Hai, 7 tháng 9, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét