Thứ Năm, 24 tháng 9, 2020

Giáo dục

 Tiền trường

Cập nhật lúc 14:29  


Vũ Ngọc Bảo

Hàng chục đôi mắt nhìn tôi như người ngoài hành tinh khi tôi từ chối nộp 100 nghìn đồng phí nhận tin nhắn tại buổi họp phụ huynh năm ngoái.

Vì thế, trong cuộc họp tuần trước cho đứa cháu, vẫn với các phụ huynh đó, tôi không dám phản ứng, im lặng chuẩn bị tiền để nộp, ghi chép lại các khoản về báo với chị tôi. Chị có bốn đứa con đang học phổ thông. Bởi cuộc họp phụ huynh đầu năm dồn vào một, hai ngày nên anh, chị và người nhà phải chia nhau đi họp cho bốn cháu. Tôi đi họp cho cháu thứ ba.

Cháu tôi học tiểu học tại một trường công của thành phố. Cũng như năm ngoái, cô chủ nhiệm giải thích những khoản tiền cần đóng. Các khoản phải thu bắt buộc gồm: bảo hiểm cho học sinh 504 nghìn đồng; đồng phục với hai bộ trên lớp, hai bộ quần áo thể dục, hai bộ quần áo bán trú, tổng cộng 6 bộ quần áo với chi phí 1,2 triệu đồng; tiền sách giáo khoa 325 nghìn đồng; tiền nước uống mỗi tháng 12 nghìn đồng, thu luôn cả năm là 144 nghìn đồng; tiền vệ sinh lớp học 200 nghìn đồng một năm; sách tiếng Anh 80 nghìn đồng. Các khoản phải nộp định kỳ hàng tháng bao gồm tiền ăn và tiền phụ thu chăm sóc các cháu 900 nghìn đồng; phụ phí học buổi chiều 100 nghìn đồng, phụ thu học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài 200 nghìn đồng, tiền điện và tiền photo tài liệu học thu theo tháng. Đó là chưa kể các quỹ khuyến học, quỹ phòng chống thiên tai, quỹ giúp đỡ bạn nghèo, biển đảo, tiền tin nhắn báo điểm thi là 100 nghìn đồng.

Bên cạnh đó, cô cũng nêu ra một số hạng mục trong trường xuống cấp, cần sửa chữa ngay, như một số vòi nước vệ sinh hư hỏng, lan can cầu thang bị gãy, một số cửa kính bị bể. Những hạng mục này, nếu muốn sửa chữa, nhà trường phải làm đề xuất gửi cấp trên phê duyệt và phải đợi cấp ngân sách theo thủ tục nên rất mất thời gian. Vì vậy, "trường kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ". Nhìn thanh sắt bị mọt đầu nhọn hoắt ngay cầu thang từ cuối năm ngoái chưa được sửa, các phụ huynh nhắc nhau mỗi người đóng thêm 300 nghìn đồng.

Ban đại diện phụ huynh lớp sau đó giải thích các khoản chi cho năm học trước như: lắp thêm quạt trần trong phòng học, thay thế bóng đèn cũ để các con không bị hại mắt, tổ chức các buổi tiệc trung thu, ngày tết thiếu nhi, liên hoan... Và rồi đề xuất con số thu quỹ cho học kỳ một năm học mới tối thiểu là 800 nghìn đồng một cháu. Tôi cộng lại, tổng cộng các khoản phải chi cho cháu tôi đầu năm học này là hơn 4,8 triệu đồng.

Đây chỉ là một trong các khoản tiền anh chị tôi phải chi vào đầu năm học cho một trong bốn đứa con. Năm ngoái, tôi đã bị "kỳ thị" ra mặt khi từ chối nộp 100 nghìn đồng phí nhận tin nhắn. Bởi thứ nhất đây là khoản tiền không bắt buộc phải đóng mà chị tôi đã rất nặng gánh tiền trường đầu năm. Thứ hai, cháu tôi ghi chép bài rất cẩn thận, trong khi tin nhắn cũng chỉ báo điểm thi học kỳ, điểm tổng kết, nên tôi quyết định tiết kiệm khoản này.

Với bốn đứa nhỏ đang học phổ thông, số tiền phải đóng đầu năm học gấp hơn hai lần tiền lương giáo viên của chị tôi. Mỗi tháng, học phí và các khoản học thêm, ngoại khóa cũng chiếm gần nửa thu nhập của chị. Tôi nhớ lại hình ảnh người đàn ông nắm chặt con rắn đang cắn mình trong tay khi vào viện cấp cứu mà không khỏi nao lòng. Rắn cắn vào đùi, nơi động mạch có thể dẫn nọc độc lên tim rất nhanh, nhưng anh không hề buông tay. Tỉnh dậy sau khi được các bác sĩ cấp cứu, câu đầu tiên anh hỏi: "con rắn đâu?". Theo người nhà, người đàn ông liều bắt con rắn đó là để lấy tiền đóng học phí cho con.

Chưa có thống kê đầy đủ về tổng các khoản chi trong toàn xã hội dành cho giáo dục, nhưng quan sát từ gia đình mình và xã hội, tôi cho rằng tiền trường chiếm tỷ trọng không nhỏ trong tổng chi tiêu của số đông hộ gia đình. Với gia đình nghèo, chi cho giáo dục vẫn là gánh nặng nên ở nhiều nơi, vẫn còn không ít cha mẹ ngậm ngùi cho con cái mình nghỉ học.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khi phát biểu tại Diễn đàn Giáo dục Thế giới được tổ chức tại London năm 2019 cho biết, hàng năm ngân sách quốc gia chi cho giáo dục của Việt Nam chiếm 5,8% GDP, nếu tính cả đóng góp của hộ gia đình là 8% GDP. Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm quốc nội - GDP - năm 2019 đạt 261,6 tỷ USD. Nghĩa là, chi cho giáo dục hơn 1,5 tỷ USD.

Các khoản chi cho giáo dục Việt Nam tăng dần đều trong các năm qua so với mức chi tiêu chung của quốc gia, thậm chí cao hơn rất nhiều so với trung bình chung của thế giới hay các nước có nền giáo dục phát triển. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, năm 2008, Việt Nam chi cho giáo dục chiếm khoảng 4,9% GDP so với trung bình thế giới là 4,34% GDP. Năm 2016, tỷ trọng này tăng lên 5,65% so với bình quân của thế giới là 4,49%.

Theo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017, tổng chi cho công tác giáo dục, đào tạo, dạy nghề của Việt Nam tương đương 24% chi thường xuyên của ngân sách. Cao gấp 2,5 lần chi cho y tế, dân số và kế hoạch hóa gia đình, gấp 19 lần khoản đầu tư cho khoa học công nghệ. Tỷ trọng đó cũng cao hơn rất nhiều so với chi cho giáo dục của Mỹ là 15% (2018) và Singapore là 16% (2018)

Các nghiên cứu quốc tế đều chỉ ra rằng chi cho giáo dục ở các quốc gia phát triển có tương quan dương với chất lượng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Còn với các con rồng châu Á, đầu tư cho giáo dục chính là bí quyết giúp họ cất cánh, với hàm ý đầu tư tốt cho giáo dục đồng nghĩa với đầu tư cho tương lai thịnh vượng.

Tuy vậy, kết luận này dường như chưa đúng với Việt Nam, bởi kết quả thu được của nền giáo dục Việt Nam còn khá khiêm tốn. Theo bảng xếp hạng Báo cáo tin tức Mỹ với 80 nền giáo dục năm 2019, Việt Nam được xếp hạng 65/80. Báo cáo "Sự sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai" của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2018 xếp Việt Nam thứ 68/100 về chất lượng giáo dục toán và khoa học, 63/100 về tư duy phản biện trong dạy học và đứng thứ 75/100 về chất lượng đào tạo đại học. Các con số đều dưới mức trung bình. Trong khu vực, chất lượng giáo dục của chúng ta bị xếp sau Malaysia, Thái Lan, Philippines, Singapore mặc dù chúng ta đang chi nhiều hơn họ.

Các khoản thu vô lý hoặc chưa thuyết phục cha mẹ học sinh vẫn diễn ra ở các trường học, các cấp, ở cả trường công và trường tư trên cả nước. Giáo dục, xét cho cùng, là một mặt hàng thiết yếu và phổ biến, bắt buộc mọi gia đình phải chi tiêu. Nhà nước cũng đã đầu tư không nhỏ từ ngân sách với kỳ vọng nâng cao chất lượng giáo dục. Các tỉnh, thành cũng có quy chế với các khoản thu của trường học, vậy mà nhiều năm qua, "cái giá" của mặt hàng này vẫn bị nổi trôi. Chúng ta lo kiểm soát sát sao giá mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, điện, nước, nhưng dường như không đủ sát sao với tiền trường.

Cha mẹ chúng ta đều mong ước con mình được "hay chữ" nên bao giờ cũng "yêu thầy". Ta rất sẵn lòng chia sẻ khó khăn, đóng góp nếu thấy hợp lý. Các phụ huynh sẽ rất mau quên khoản 100 nghìn tiền tin nhắn cho con, nhưng băn khoăn về niềm tin với hệ thống dạy và học thì còn đó.

(Theo VnExpress) Vũ Ngọc Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét