Đề xuất ưu ái mọi doanh nghiệp: Đừng để tiền đi nhầm!Cập nhật lúc 09:36Bất kỳ cam kết nào cũng là tiền của dân, nếu tiền hỗ trợ đi sai chỗ, nguồn lực của nền kinh tế sẽyếu đi và lại phải đi vay...Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế - TS Bùi Trinh, Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam trước đề xuất giảm 30% thuế thu nhập cho mọi doanh nghiệp trong năm. Lợi cho doanh nghiệp FDI? PV: - Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính vừa đề xuất Chính phủ trình Quốc hội phương án giảm 30% thuế thu nhập cho tất cả doanh nghiệp trong năm 2020, thay vì chỉ giảm 30% thuế thu nhập cho các doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng như nghị quyết trước đó đưa ra. Theo ông, đề xuất này có mang nhiều ý nghĩa trong việc giải cứu cộng đồng doanh nghiệp? TS Bùi Trinh: - Tôi tự hỏi khi đưa ra đề xuất này họ đã nghiên cứu gì hay chưa? Nếu có, đây cũng là một đề xuất chỉ có lợi cho các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI. Theo số liệu mà Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2020 do Tổng cục Thống kê (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (chiếm 93% tổng số doanh nghiệp) suốt từ năm 2011-2018 luôn có lợi nhuận trước thuế âm, và tình trạng thua lỗ của doanh nghiệp loại này có xu hướng tăng lên. Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp siêu nhỏ bình quân giai đoạn 2011-2015 là -0,9%, sang giai đoạn 2016-2018 là -1,3%; doanh nghiệp nhỏ tỷ suất lợi nhuận trước thuế bình quân giai đoạn 2011-2015 là -0,1%, giai đoạn 2016-2018 là -0,3%.
Có thể thấy, dù không có dịch Covid-19, các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ cũng mấp mé bờ vực phá sản. Khi doanh nghiệp toàn thua lỗ thì giảm hay không giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng không có ý nghĩa và không liên quan gì tới họ, bởi về bản chất, thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ áp dụng cho doanh nghiệp có thu nhập (tức có lãi). Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì chỉ doanh nghiệp khỏe, có lãi mới được hưởng, còn đa số thua lỗ thì không được hưởng lợi gì. Một vấn đề khác, về hiệu quả sản xuất, tính toán từ số liệu thống kê cho thấy, trong ba loại hình doanh nghiệp (nhà nước, ngoài nhà nước và FDI) chỉ có doanh nghiệp FDI sử dụng đồng vốn và sản xuất kinh doanh hiệu quả (tỷ lệ giá trị gia tăng so với doanh thu thuần khoảng 15%). Thậm chí, nếu khu vực này khai báo lợi nhuận đúng với thực tế thì hiệu quả có thể còn cao hơn nữa. Đối với thành phần kinh tế ngoài nhà nước (gồm kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế cá thể) - cơ bản là làm gia công, tỷ lệ giá trị gia tăng của khu vực này so với doanh thu thuần rất thấp (dưới 10%) và hầu như không thay đổi trong suốt gần 10 năm trở lại đây. Còn doanh nghiệp nhà nước có tỷ lệ giá trị tăng thêm so với doanh thu thuần khoảng 11%. Như vậy, nếu bây giờ ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì e rằng chỉ có các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI được lợi, mà như đã nhiều lần khẳng định, khối doanh nghiệp này đã lợi đủ đường, giờ lại giảm thuế thu nhập cho nữa thì “lợi chồng lợi”, trong khi nguồn lực của Nhà nước bị lãng phí, tạo nên sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, làm cho môi trường kinh doanh xấu đi. Theo nguyên tắc về thường trú của Hệ thống các tài khoản quốc gia (SNA), phần giá trị tăng thêm của khu vực có vốn nước ngoài được tính vào GDP, sau đó các doanh nghiệp trong khu vực này có thể giữ phần lợi nhuận lại để tái đầu tư và cũng có thể chuyển tiền về “nước mẹ”. Như vậy, tuy khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp cao vào tăng trưởng GDP nhưng lại góp phần không nhỏ làm luồng tiền chảy ra nước ngoài thuần túy tăng nhanh hơn tăng trưởng GDP khá nhiều khi họ chuyển lợi nhuận về nước. Cụ thể, trong giai đoạn 2007 - 2017, tăng trưởng bình quân GDP theo giá hiện hành là 22% trong khi tăng trưởng về luồng tiền chảy ra nước ngoài thuần là 32%, từ đó làm tỷ lệ GNI (tổng thu nhập quốc gia) so với GDP (tổng sản phẩm trong nước) giảm từ 97,2% năm 2007 xuống còn 95,2% năm 2017. Đây cũng chính là lý do mà một số chuyên gia cho rằng càng tăng trưởng GDP, nguồn lực của đất nước càng bị suy giảm khi tăng trưởng dựa vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Cho đến nay đóng góp lớn nhất vào GDP của Việt Nam vẫn là khu vực kinh tế cá thể (bao gồm các hộ kinh doanh cá thể, xe ôm, những người bán hàng rong…), khu vực dễ bị tổn thương và cần chú ý nhất trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Một mặt nó cho thấy, nền kinh tế vẫn èo uột, mặt khác, những đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế cá thể để tạo nên GDP của đất nước là điểm cần lưu ý khi xem xét hoạch định các chính sách hỗ trợ, kích cầu. PV: Theo kết quả khảo sát lần 3 của Ban IV, được thực hiện sau khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Việt Nam, có 20% doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động, 76% doanh nghiệp không cân đối được thu chi, 2% doanh nghiệp đã giải thể và chỉ có 2% doanh nghiệp tạm thời chưa bị ảnh hưởng do đại dịch. Từ kết quả khảo sát này, nhiều ý kiến cho rằng thay vì dùng ngân sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp bị ảnh hưởng chưa nhiều hoặc vẫn làm ăn tốt trong dịch bệnh, đây phải là nhóm doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, cho ngân sách nhà nước. Ông chia sẻ như thế nào với quan điểm này? TS Bùi Trinh: - Đúng là như vậy. Các doanh nghiệp vẫn sống khỏe, làm ăn tốt và có lãi trong bối cảnh dịch bệnh làm sao phải hỗ trợ, trái lại phải đóng góp nhiều hơn, nhất là doanh nghiệp FDI. Nhiều năm nay, mức đóng góp của doanh nghiệp FDI vào nền kinh tế Việt Nam, như tôi đã chỉ ra nhiều lần, hầu như phía Việt Nam không thu được gì từ công nghệ, lao động, đến thuế từ khu vực này, trong khi luồng tiền chảy ra ngoài qua chi trả sở hữu hàng năm là cực lớn. Xét cụ thể, để xem đóng góp của FDI thực sự là bao nhiêu cần nhìn vào thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế trực thu) mà khối này nộp vào ngân sách. Năm 2016, tổng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp của khối FDI được miễn giảm và ưu đãi ở mức 35.300 tỷ đồng. Tại nhiều doanh nghiệp FDI, tổng số thuế được ưu đãi từ khi đi vào hoạt động tương đương số vốn họ bỏ ra đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, khi đầu tư sang Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp FDI đều báo cáo lỗ hoặc lãi một chút. Như vậy, thuế thu nhập doanh nghiệp phía Việt Nam thu được cũng chẳng là bao. FDI được kỳ vọng giúp giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, nhưng lao động người Việt tại các doanh nghiệp FDI năm cao nhất cũng chỉ chiếm 6%, trong khi đó lao động trong khu vực kinh tế tư nhân chiếm tới 43%. Hầu hết các doanh nghiệp FDI đều làm gia công rồi xuất khẩu nên gần như không có sự lan tỏa gì về công nghệ. Hỗ trợ nhưng đừng để người dân phải gánh nợ PV: Ông hình dung những hệ lụy gì có thể xảy ra nếu hỗ trợ không đi đúng địa chỉ, doanh nghiệp thực sự cần thì không nhận được hỗ trợ hoặc được hỗ trợ không xứng đáng, còn nguồn lực nhà nước lại đi giúp cho nhóm doanh nghiệp “giàu”?
TS Bùi Trinh: - Bất cứ cam kết hỗ trợ nào cũng là tiền thuế của dân. Nếu Nhà nước chi ra quá nhiều thì nợ công sẽ tăng cao, nguồn lực của nền kinh tế yếu đi và khi ấy lại phải đi vay, mà người dân lại phải trả số tiền nợ ấy qua thuế. Cho nên, thay vì hỗ trợ tràn lan, chỉ nên hỗ trợ những đối tượng thực sự khó khăn, tránh để cuối cùng người dân lại phải gánh hết, bởi tiền hỗ trợ chính là tiền thuế của dân (thu gián tiếp) rồi sau đó lại tìm mọi cách để thu từ dân. Chẳng hạn, ai cũng thấy các doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu đi lại giảm. Để giảm bớt khó khăn, một trong những giải pháp được các doanh nghiệp vận tải thực hiện là tăng giá vé, nhưng như vậy lại đổ đầu người dân. Báo cáo của Tổng cục Thống kê công bố đầu tháng 7 đưa ra con số việc làm của 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị tác động xấu do dịch. Lực lượng lao động và lao động có việc làm đều giảm trên 2 triệu người, là mức giảm lớn nhất trong vòng 10 năm qua. Còn tại cuộc điều tra, cũng của Tổng cục Thống kê, nhằm đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thực hiện vào tháng 4/2020, thu nhập bình quân tháng của lao động trong quý II/2020 giảm 525.000 đồng so với quý trước và giảm 279.000 đồng so với cùng kỳ, xuống 5,2 triệu đồng. Đây là năm đầu tiên trong vòng 5 năm qua thu nhập của lao động trong quý II giảm so với cùng kỳ năm (giảm 5,1%). Thế nhưng, trong khi hầu hết các loại thuế nhà nước thu được giảm, thì thuế thu nhập cá nhân thu được lại tăng. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, thu thuế thu nhập cá nhân 8 tháng qua đạt 77.100 tỷ đồng, trong đó tháng 6 thu được 6.900 tỷ đồng, tháng 7 là 7.400 tỷ đồng và tháng 8 vọt lên 10.400 tỷ đồng. Đại dịch Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới và Việt Nam, đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái với sự sụt giảm còn nghiêm trọng hơn cả thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008-2009. Trong bối cảnh đó, một trong những động lực để kinh tế Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng dương trong năm nay là kích thích tiêu dùng của dân cư. Tiêu dùng cuối cùng của dân cư phụ thuộc vào hai yếu tố, nghịch biến với giá cả và đồng biến với thu nhập của họ. Khi tổng thuế thu nhập cá nhân thu được tăng sẽ dẫn tới thu nhập của dân cư và đương nhiên tiêu dùng cuối cùng giảm, kéo theo GDP giảm và ảnh hưởng lan tỏa - giảm thiểu sản xuất của chu kỳ sản xuất sau. Nguồn lực của nền kinh tế thực chất là chỉ tiêu tiết kiệm, tiết kiệm là nguồn lực cơ bản để tái đầu tư. Tiết kiệm bắt đầu hình thành từ GDP, cộng phần thu được từ sở hữu, trừ phần chi trả sở hữu, cộng chuyển nhượng thuần túy, trừ tiêu dùng cuối cùng. Nếu “thu được từ sở hữu trừ chi trả sở hữu – chi trả sở hữu thuần” là một số âm và số âm này ngày càng lớn dẫn đến tiết kiệm ngày càng nhỏ lại. Trong khi tiết kiệm là nguồn cơ bản để đầu tư, nếu tiết kiệm luôn nhỏ hơn khoản cần đầu tư thì nhu cầu vay sẽ càng lớn. PV: - Trong bối cảnh đại dịch ảnh hưởng tới mọi mặt của hoạt động kinh tế, sàng lọc các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực mà ngân sách nhà nước chỉ có hạn, câu hỏi hỗ trợ ai, hỗ trợ ngành nào, như thế nào nhiều lần được đặt ra. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp cần cụ thể hóa ra sao? TS Bùi Trinh: - Hỗ trợ ai, hỗ trợ cái gì và như thế nào thì phải xem ngành nào, doanh nghiệp nào thực sự bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhân đây, tôi nhắc lại đề nghị của Ủy
ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho các tập đoàn nhà nước tiếp cận
gói tín dụng 250.000 tỷ đồng, thời hạn 3 năm, lãi suất 0% được đưa ra trước
đó. Đó là một cách tiếp cận vốn không đúng đối tượng. Xét về hiệu quả hoạt động kinh doanh của khối này cho thấy, năm 2011, các doanh nghiệp nhà nước cần 1,8 đồng vốn tạo để ra 1 đồng doanh thu thuần, đến năm 2018 tỷ lệ này tăng lên 3,06 đồng vốn mới tạo được 1 đồng doanh thu thuần. Điều này phản ánh những thất thoát, lãng phí, đầu tư vào những công trình không hiệu quả, không làm tăng giá trị tài sản của những chu kỳ sản xuất sau, xây những công trình phúc lợi, công cộng chưa cần thiết... Doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn không hiệu quả nhưng phải lưu ý rằng nguồn vốn cơ bản là vốn vay. Nợ vay của khối doanh nghiệp nhà nước cao hơn vốn chủ sở hữu rất nhiều. Cụ thể, bình quân giai đoạn 2011 – 2015, trong 100 đồng vốn của khối doanh nghiệp nhà nước chỉ có 25 đồng là vốn chủ sở hữu, 75 đồng là nợ phải trả. Do đó, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu bình quân giai đoạn 2011-2015 là 3,02:1. Đến năm 2018, tỷ lệ nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu là 4,3:1, nghĩa là khối doanh nghiệp nhà nước chỉ có 1 đồng vốn mà đi vay tới 4,3 đồng để hoạt động. Tách riêng khu vực doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cũng rất cao, năm 2018 tỷ lệ này là 3,2:1, so với tỷ lệ bình quân toàn khối là 4,3:1 ở trên, cho thấy tỷ lệ vay nợ trên vốn chủ sở hữu của khối doanh nghiệp mà Nhà nước không nắm 100% vốn có mức nợ còn cao hơn, đa phần trong đó là các doanh nghiệp nhà nước không được Nhà nước bảo lãnh, không được xem như nợ công nên nguy cơ rủi ro cho vay cũng rất cao. Trong bối cảnh dịch bệnh, du lịch, khách sạn nhà hàng, vận tải… là những ngành bị ảnh hưởng rất nhiều và cần hỗ trợ; cần phải hỗ trợ những ngành nào có sức lan tỏa trong nền kinh tế, tránh hỗ trợ mang tính lợi ích nhóm, hỗ trợ những đối tượng không cần hỗ trợ gây lãng phí nguồn lực của nhà nước, tạo nên sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, làm mất niềm tin của doanh nghiệp và người dân. (Theo Đất Việt) Thành Luân |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét