Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

Lại bàn về chuyện Quốc huy

Cập nhật lúc 08:34    

Họa sĩ Bùi Trang Chước từng nhọc nhằn trong quá trình sáng tạo nên Quốc huy Việt Nam. Một tổ hợp những những đường nét họa tiết tỷ mỉ công phu không phải sự miêu tả sao chụp chi li, mà điển hình khoát hoạt một hồn cốt Việt. Vân vi cũng là tính đếm lộ trình vất vả của gia đình họa sĩ Bùi Trang Chước trong việc đòi lại tên cho tác giả quốc huy.

Kỳ I: Chuyện của bà hàng nước

Xế về mé phải Bệnh viện Đống Đa ngay sát Công viên 1-6 gần khu tập thể của tôi có mấy quán nước. Quán mà bọn tôi hay ghé là quán bà Trang. Thoạt đầu thì không biết người phụ nữ đã luống tuổi hay mặn chuyện với khách ấy là con gái của một họa sĩ nổi tiếng. Bà Trang học Đại học Mỹ thuật Việt Nam từng làm nhiều năm ở Bộ Ngoại thương. Giờ thì mở quán nước nhì nhằng cho vui tuổi hưu…
Những khi bà rảnh khách, tôi được bà kể nhiều về ông cụ thân sinh, họa sĩ Bùi Trang Chước. Trong số 12 người con của cụ có mấy người học ở trường mỹ thuật sau này cũng thành họa sĩ.

Bà Trang thuật lại rằng, đầu năm 1956, họa sĩ Bùi Trang Chước được giao nhiệm vụ vẽ một bộ giấy bạc chỉ trong bảy ngày mà như cha bà nói, là việc phải làm liên tục hơn một tháng. Ông đã ở lỳ trong buồng suốt cả tuần làm việc cật lực suốt cả ngày lẫn đêm. Vợ con phải đưa cơm vào. Duy nhất anh trai bà khi ấy mới 9 tuổi rất sáng dạ, thường được bố kèm cặp về hội họa nên được ông cho phép vào buồng hầu vài việc vặt. Người con trai ấy sau này cũng nối được nghiệp cha và hai cha con cùng thiết kế nhiều mẫu tiền cho nhà nước. Tiếc anh mất hơi sớm…

Ông bạn tôi cũng là hàng xóm của bà Trang có cái thú khá nhã là chơi tem, sau một hơi thuốc lào đã nối thêm chuyện của bà Trang. Rằng họa sĩ Bùi Trang Chước còn rất thần tình trong việc chế tạo các con tem.


Mẫu quốc huy được chọn.

Như ông nhấn nhá rằng, Bùi Trang Chước là một trong những người vẽ tem bưu chính đầu tiên ở Việt Nam và toàn Đông Dương. Năm 1944, Toàn quyền Đông Dương Decoux cho phát hành loại tem mới có giá trị nghệ thuật cao. Các mẫu tem này được họa sĩ Bùi Trang Chước thực hiện với các đợt phát hành liên tiếp. Đó là các mẫu tem Nam Giao, Hoàng đế Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương, Hội chợ Sài Gòn, Ký túc xá Đại học Đông Dương, Nhà vua Sihanouk, Alexandre de Rhodes... với nhiều mẫu và mệnh giá khác nhau.


Họa sĩ Bùi Trang Chước

Tháng 9/1955, họa sĩ Bùi Trang Chước đã hoàn thành mẫu quốc huy cuối cùng gồm 1 bản màu và 2 bản tách màu đen trắng. Theo các tài liệu của gia đình, sau khi hoàn thành bản vẽ mẫu quốc huy cuối cùng này, do nhiệm vụ đặc biệt và tuyệt mật của Chính phủ giao, ông lên đường sang Trung Quốc để vẽ và in tiền. Chính vì vậy, ông không có điều kiện chỉnh sửa, hoàn thiện quốc huy theo sự góp ý của Trung ương sau kỳ họp Quốc hội vào tháng 9/1955. Nhiệm vụ chỉnh sửa, hoàn thiện này sau đó được giao cho họa sĩ Trần Văn Cẩn.

Trước đó, việc thiết kế tem chỉ dành riêng cho các họa sĩ Pháp. Những mẫu tem ấy sau Cách mạng Tháng 8/1945 vẫn được sử dụng, bằng cách in đè dòng chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên. Năm 1951, nhà nước phát hành một bộ 3 mẫu tem chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và họa sĩ Bùi Trang Chước chính là tác giả; hai năm sau tiếp tục phát hành bộ tem Gặt lúa gồm 4 mẫu. Tháng 10/1954, bộ tem Chiến thắng Điện Biên Phủ với 4 mẫu. Từ năm 1955, ông tiếp tục cho ra đời các bộ tem Cải cách ruộng đất (7 mẫu); Mừng Chính phủ về Thủ đô (4 mẫu); Đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan (4 mẫu); Anh hùng Cù Chính Lan (7 mẫu); Anh hùng Mạc Thị Bưởi (4 mẫu)... Từ năm 1956 đến 1971, Bùi Trang Chước vẫn là người vẽ tem chủ lực của ngành bưu chính.

Nhưng cái tài, cái công với nước của người cha của bà Trang không chỉ có vẽ tiền và tem. Họa sĩ Bùi Trang Chước chính là tác giả mẫu Quốc huy Việt Nam. Nhưng một thời gian dài thiên hạ đã không biết đến cái tài, cái công ấy của họa sĩ Bùi Trang Chước. Khi ông mất, gia đình đã kiên trì trong nhiều năm để làm cái việc đòi lại tên cho tác giả Quốc huy Việt Nam.

Em gái bà Trang không phải là họa sĩ học ngành tài chính được gia đình phó thác cho việc đấu tranh đòi lại quyền lợi cho người cha.

Những câu chuyện không đầu không cuối của bà Trang đưa tôi về Khu tập thể Thành Công gặp người em gái của bà, chị Bùi Minh Thủy.

Chị Thủy bê ra một tập khổ lớn đóng bìa các tông nặng trịch. Đó là toàn bộ hồ sơ những mẫu phác thảo quốc huy cùng đơn thư, công văn này khác liên quan đến vụ việc. Tạm gọi là tập hồ sơ đòi quyền tác giả. Tôi đếm được 131 địa chỉ mà gia đình chị từng gửi đơn thư. Mà không chỉ gửi một lần.

Tạm tóm tắt các lá đơn thế này.

Họa sĩ Bùi Trang Chước sinh năm 1915 ở Phú Thượng, Từ Liêm, Hà Nội. Ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1941. Ông tham gia cuộc vận động sáng tác mẫu quốc huy Việt Nam được phát động tháng 6/1951. Từ năm 1953- 1955, họa sĩ Bùi Trang Chước đã có 94 bản vẽ nghiên cứu, phác thảo và hàng chục bản vẽ chì chi tiết mà ông muốn thể hiện trong mẫu quốc huy. Từ những nghiên cứu đó, ông đã hoàn thành 15 bản vẽ mẫu quốc huy đa dạng nhưng thống nhất về ý tưởng để gửi cấp trên lựa chọn.

Đến tháng 10/1954, từ hơn 300 mẫu quốc huy của các hoạ sỹ tham gia, cuối cùng chỉ còn 15 mẫu của tác giả duy nhất là Bùi Trang Chước được lựa chọn để trình Chính phủ. Mẫu số 1 có nền đỏ sao vàng, tượng trưng cho quốc kỳ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; mặt trời mọc tượng trưng cho nước ta ở phương Đông, tượng trưng cho buổi bình minh của một kỷ nguyên mới và là tương lai của nền dân chủ cộng hoà; bông lúa tượng trưng cho nông nghiệp và giai cấp nông dân cùng cái đe tượng trưng cho công nghiệp và giai cấp công nhân (mẫu số 1 qua 3 lần chỉnh sửa sau này trở thành mẫu 18).

Theo di bút “Tôi vẽ mẫu quốc huy” của họa sĩ Bùi Trang Chước viết ngày 26/4/1985, ông đã tiếp thu những ý kiến đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với mẫu vẽ số 1, “Hình tượng cái đe là thủ công nghiệp cá thể, nên dùng hình tượng tượng trưng cho nền công nghiệp hiện đại”... (Còn nữa).

(Theo Tiền Phong) XUÂN BA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét