Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2020

Nga quá mạnh trước kiểu trừng phạt 'muỗi đốt'

Cập nhật lúc 15:03  

Câu hỏi đặt ra là, các lệnh trừng phạt Nga trong suốt 6 năm qua có mang lại hiệu quả mong muốn nào cho phương Tây hay không?

Lời cảnh báo gây sốc dọa Nga
Nhà kinh tế học nổi tiếng người Nga Valentin Katasonov nhận định Nga sẽ phải đối mặt với sự sụp đổ thảm khốc của hệ thống ngân hàng. Đó không phải là sự trì trệ hay suy thoái mà là sự sụp đổ ở quy mô khủng khiếp.
Theo ông Katasonov, nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ sắp tới của các ngân hàng là do cuộc khủng hoảng thanh khoản, có thể bắt đầu ở Nga vào đầu tháng 10/2020 và đến giữa tháng thì quá trình sụp đổ sẽ bắt đầu. Nguyên nhân là do nhu cầu của người tiêu dùng không phục hồi.
Theo chuyên gia này, ngay cả sau khi nhà nước hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người dân bình thường, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn không thể đạt được mức doanh thu để không chỉ đảm bảo hoàn vốn mà còn có đủ tiền để trả các khoản đóng góp xã hội và thuế.

Ông Katasonov lưu ý rằng ngay trong những tháng tới, ngành ngân hàng có thể xuất hiện bức tranh ngừng trệ, khi không có bất kỳ chuyển động nào của tiền giữa các tài khoản. Nói cách khác, các ngân hàng đơn giản là không cần thiết.
Điều này sẽ đồng nghĩa với sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng, bởi để nó tồn tại dòng tiền phải luân chuyển. Vị chuyên gia này dự đoán, tiền ngừng luân chuyển đồng nghĩa với cái chết của ngân hàng và điều này có thể xảy ra với hệ thống trong tương lai gần.
Nhận định gây sốc trên được đưa ra trong bối cảnh phương Tây thúc đẩy áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga với cáo buộc nước này tiến hành một cuộc tấn công bằng chất độc thần kinh nhằm vào nhân vật đối lập Alexey Navalny, điều mà Moscow nhiều lần bác bỏ.
Phó Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Cherith Norman Chalet nhấn mạnh Washington sẽ phối hợp với các đồng minh để buộc những đối tượng liên quan đến vụ đầu độc này phải chịu trách nhiệm, trong đó có hành động “thông qua chính sách hạn chế các khoản tài chính dành cho những hành vi thâm độc”.
Phát biểu tại một phiên họp của Hội đồng Bảo an về vấn đề vũ khí hóa học ở Syria, bà Norman-Chaletch nói: “Nga trước đây đã sử dụng chất độc thần kinh trong nhóm ‘Novichok’...Chúng tôi hối thúc Nga hợp tác toàn diện với cuộc điều tra của cộng đồng quốc tế. Những đối tượng liên quan, kể cả những kẻ thực hiện và những kẻ ra lệnh, đều phải chịu trách nhiệm”.
Phương Tây cũng tiếp tục trừng phạt Nga với cái cớ liên quan tới vấn đề Ukraine hay can thiệp bầu cử. Hội đồng châu Âu ngày 10/9 tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định kéo dài lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức ở Nga và Ukraine thêm 6 tháng, đến ngày 15/3/2021.


Hàng rào trừng phạt của phương Tây tiếp tục bủa vây Nga

Cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ thông báo Washington đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 4 cá nhân có liên hệ với Nga, và cáo buộc những đối tượng này tìm cách gây ảnh hưởng tới tiến trình bầu cử Mỹ. Tuyên bố của bộ này nêu rõ họ đã liệt Andrii Derkach - nghị sĩ Ukraine - và 3 công dân Nga là các nhân viên của Cơ quan Nghiên cứu Internet Nga vào danh sách đen.
Cơ quan Nghiên cứu Internet Nga là tổ chức thường xuyên bị Mỹ cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 và bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ năm 2018.
Ngày 12/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moscow sẽ đưa ra câu trả lời cho các lệnh trừng phạt mới của phương Tây nhằm vào nước này. Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, Ngoại trưởng Lavrov nói: "Nguyên tắc có đi có lại trong các vấn đề quốc tế vẫn chưa bị hủy bỏ. Chúng tôi sẽ xem những lệnh trừng phạt đó là gì. Dĩ nhiên, chúng tôi sẽ có phản ứng. Không thể để vấn đề này trôi qua mà không đưa hành động nào".
Trước đó, ngày 10/9, Điện Kremlin đã lên án tuyên bố của Mỹ là không thể chấp nhận được khi cho rằng giới chức cấp cao Nga có thể đứng đằng sau vụ đầu độc chính trị gia đối lập Alexei Navalny. Sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng đó là một "cơ hội đáng kể" để giới chức cấp cao Nga hạ lệnh tiến hành vụ đầu độc Navalny, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: "Chúng tôi coi bất kỳ sự ám chỉ trực tiếp hay gián tiếp nào rằng các quan chức Nga dính líu tới vụ việc đó là không thể chấp nhận".
Trừng phạt kiểu “muỗi đốt”
Giữa lúc căng thẳng gia tăng và có khả năng phương Tây sử dụng “bài” cũ là các đòn trừng phạt nhằm vào Nga, hãng tin Reuters thừa nhận năng lực tài chính của Nga quá mạnh để có thể bị phá vỡ.
Được củng cố bởi trữ lượng dầu khí khổng lồ, tỷ lệ nợ trên GDP của Nga dự kiến sẽ chỉ là 20% trong năm nay, chưa bằng 1/5 so với Mỹ, Anh hay Pháp và 1/3 của Trung Quốc.
Cùng với hơn nửa nghìn tỷ USD dự trữ, một ngân hàng trung ương mạnh mẽ và chính sách tài khóa thận trọng, ông Daniel Moreno- Trưởng bộ phận thị trường nợ của Ngân hàng Mirabaud- cho rằng điều đó khiến Nga trở thành một trong những thị trường mạnh nhất mà ông nhìn thấy và có thể ngăn chặn bất kỳ lệnh trừng phạt nào kể cả là khắc nghiệt nhất.


Nga quá mạnh và đủ sức ngăn chặn bất kỳ lệnh trừng phạt nào của phương Tây?

Reuters dẫn lời ông Moreno nói: "Điều chúng ta biết là hơn 6 năm qua kể từ khi các sự kiện ở Ukraine xảy ra, Mỹ và EU liên tục áp đặt các lệnh trừng phạt. Câu hỏi đặt ra là, các lệnh trừng phạt này có mang lại hiệu quả mong muốn nào cho phương Tây hay không? Tôi nghĩ câu trả lời là hoàn toàn 'không'".
Trong những tuần qua, dư luận hay nói về việc EU từ bỏ dự án Dòng chảy phương Bắc 2 cho đến vụ đầu độc Navalny, căng thẳng cuộc bầu cử đầy tranh cãi ở Belarus, cùng với sự sụt giảm mới về giá dầu và cuộc bầu cử sắp diễn ra ở Mỹ đã làm giảm từ 5%-12% giá trị đồng rúp, trái phiếu chính phủ và thị trường chứng khoán của Nga.
Điều này đã diễn ra tương tự như ở năm 2014 và năm 2018 khi các nhà đầu tư quốc tế cũng đã cắt giảm việc nắm giữ trái phiếu chính phủ “OFZ”. Đối với các nhà đầu tư có tầm nhìn trung hoặc dài hạn, những kiểu động thái này luôn đảo ngược- trái phiếu Nga tăng hơn 20% vào năm ngoái và cổ phiếu tăng 40%- và thậm chí phản ứng với các mối đe dọa mới dường như trở nên ít hơn trong thời gian gần đây.
Ví dụ, dữ liệu của JP Morgan cho thấy rằng các khách hàng của công ty này đã đầu tư nhiều hơn vào trái phiếu Nga- thậm chí là “quá tải” theo đánh giá của nhà quản lý quỹ- điều này diễn ra thường xuyên hơn bất kỳ thời điểm nào ít nhất trong 6 năm qua.
Reuters đánh giá, lãi suất “thực tế” cao- lạm phát âm- cùng với các nguyên tắc cơ bản mạnh mẽ khác của Nga đã giúp thu hút các nhà đầu tư trở lại. Người nước ngoài đã sở hữu kỷ lục 35% thị trường trái phiếu OFZ mệnh giá bằng đồng rúp trước dịch COVID-19 và giá dầu sụt giảm đã gây ra một cuộc tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi trong năm nay.


Nhân vật đối lập A. Navalny là "con bài" mới nhất trong trò chơi trừng phạt của phương Tây chống Nga

Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch cho rằng nguy cơ Nga bị phương Tây trừng phạt hơn nữa là rất cao, đặc biệt là khi cuộc đua bầu cử Mỹ đang nóng lên, nhưng không nhiều khả năng sẽ có các bước đi quyết liệt, chẳng hạn như lệnh cấm vận hoàn toàn đối với sở hữu nợ của Nga hay các ngân hàng của Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.
Tất nhiên, người Nga hiểu rõ những lợi thế và thách thức trong tình hình hiện nay, đặc biệt khi đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 10/9 đánh giá, sự sụt giảm GDP của nước này do đại dịch COVID-19 ít hơn so với các nước khác, không chỉ do cấu trúc của nền kinh tế, mà phần lớn là do các biện pháp hỗ trợ của chính phủ.
Tổng thống Putin nói: "Tôi muốn lưu ý mức độ suy thoái kinh tế ở Nga, sự sụt giảm GDP, hóa ra ít hơn so với các quốc gia hàng đầu khác. Chúng ta biết rằng trong quý 2 năm nay, mức suy giảm GDP của Nga là 8,5%, ở Mỹ là 9,5%, Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) –là 15%”.
Theo Tổng thống Putin, “các biện pháp có mục tiêu, được suy nghĩ kỹ lưỡng và quan trọng nhất là hỗ trợ kịp thời các tập thể lao động, doanh nghiệp, toàn bộ các ngành công nghiệp, được Chính phủ Nga thực hiện ở cấp liên bang và cấp địa phương".
(Theo Đất Việt) Đông Triều

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét