Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2020

Con Ngài mày đi ăn đêm; Đạp gãy cành mềm sợ quái gì … ao

Cập nhật lúc 15:51                

Trong tiếng Việt, từ “ngài” được dùng với nhiều nghĩa.

Với cụm từ “Mắt phượng, mày ngài” thì “ngài” gắn với lông mày và dùng để ca ngợi vẻ đẹp của cả đàn bà lẫn đàn ông.
Cho đến nay, cuộc tranh luận liên quan đến từ “ngài” mà đại thi hào Nguyễn Du sử dụng trong truyện Kiều mô tả dáng vẻ của Từ Hải (Râu hùm, hàm én, mày ngài), Thúy Vân (Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang) và gái làng chơi (Bên thì mấy ả mày ngài) hình như vẫn chưa kết thúc.
Một số tác giả hiểu biết chữ Nho cho rằng “mày ngài” của Từ Hải là loại “Ngọa tàm mi” nghĩa là hình dáng con tằm đang nằm ngủ, còn “mày ngài” của gái làng chơi là “Nga mi” nghĩa là râu con bướm.
Cách giải thích từ “nga mi” có vẻ xúc phạm đến phái Nga mi vốn là môn phái mà môn đồ chủ yếu là nữ nhưng không hiểu vì sao lại được một số học giả sử dụng.
Tuy nhiên, dẫu có là mày ngài hay nét ngài thì cũng đều liên quan đến một loại sâu, cụ thể là sâu tằm, và có lẽ vì thế mà người Việt còn mô tả một loại người có bộ lông mày “Sâu róm”.
Thực ra cụ Nguyễn Du đã rất cẩn thận, với anh hùng và gái làng chơi cụ dùng từ “mày ngài”, riêng Thúy Vân là người đoan chính nên cụ Nguyễn Du không dùng “mày ngài” mà là “nét ngài”.
Theo các nhà sinh vật học thì đa số dính đến “Con ngài” đều thuộc loại “ăn đêm”.
Tiếng Việt rắc rối thì khỏi phải bàn, thế nên dẫn nhập một chút vừa là để quay lại với chủ đề “con ngài” đã được đề cập trong bài “Sâu, bướm và “Ngài” ” vừa là nói đến khái niệm cũ nhưng lại mới là “Mày – Ngài”.
Nét gạch ngang trong cụm từ “mày – ngài” có thể bỏ đi để trả lại nguyên nghĩa của cụ Nguyễn Tiên Điền, nhưng bạn đọc cũng có thể thay bằng “và”, “là”, “hay”, “hoặc”,… tùy theo tâm trạng, tuy nhiên khi dùng từ “là” thì nên cẩn thận.
Nói thế để bạn đọc suy xét thêm về trường hợp ngài đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc.


Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc đăng đàn tại nghị trường. (Ảnh: Quochoi.vn)

Ông này vừa có đơn xin thôi đại biểu Quốc hội và chức Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phát triển công nghiệp Tân Thuận (Công ty Tân Thuận) - đơn vị 100% vốn Nhà nước do Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh quản lý.
Phó giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh Từ Lương cho biết ngài đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc “đã gửi đơn xin thôi nhiệm vụ vào ngày 25/8, sau hai ngày lộ thông tin có hai quốc tịch, và ngày 27/8 gửi giải trình”. [1]
Không biết “đơn xin thôi nhiệm vụ” của ngài Phạm Phú Quốc mà ông Từ Lương đề cập chỉ là nói đến chức Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận hay cũng xin thôi cả “nhiệm vụ đảng viên”?
Mới đây, một bài báo đã nhắc khéo các cơ quan chức năng về chuyện của ông Quốc, rằng “Để “không suy diễn”, có lẽ nên công khai nguồn gốc tài sản của ông Quốc!”. [2]
Báo chí chỉ dám “nhắc khéo” bởi đã có lời khuyên từ Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, rằng “Đến thời điểm này chúng ta nên tôn trọng đại biểu Quốc hội vì ông đã có báo cáo chính thức trước công luận, tổ chức Đảng tại sao có quốc tịch thứ hai", rằng “Chúng ta nên tôn trọng lời thú thật của Đại biểu Phạm Phú Quốc là do gia đình bảo lãnh chứ không nên suy diễn, có bước đi quá dài tìm hiểu số tiền này từ đâu ra”. [1]
Không biết dân chúng nghe lời khuyên giải của ông Trưởng ban Phan Nguyễn Như Khuê có cảm thấy yên lòng, có nên nghe lời ông mà “tôn trọng” ngài đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc vì ông ta đã có “lời thú thật” và đã có “báo cáo chính thức” trước Đảng, trước công luận sau khi hồ sơ mật có tên “Hồ sơ đảo Síp (The Cyprus Papers) công bố khắp thế giới và sau khi dân chúng cả nước đã biết tỏng là vợ chồng ngài Phạm Phú Quốc có quốc tịch Síp từ năm 2018?
Về lời khuyên “Không nên suy diễn, có bước đi quá dài tìm hiểu số tiền này từ đâu ra” có phải ý ông Khuê là nói về số tiền khoảng 2,5 triệu USD (tương đương 57 tỷ đồng) được cho là vợ chồng ngài Phú Quốc “đầu tư” để lấy quốc tịch Síp?
Và cụm từ “chúng ta không nên …” mà ông Phan Nguyễn Như Khuê sử dụng có phải chỉ bao hàm truyền thông cùng người dân hay cũng gồm cả các cơ quan chống tham nhũng trung ương và địa phương?
Nói cách khác, phải chăng ông Khuê muốn sự việc đến đây là kết thúc, “chúng ta” hãy để cho ông Quốc và gia đình ông này yên ấm trong “chiếc ổ” đã được dọn sẵn bên Tây?
Và phải chăng nói như ông Khuê cũng có nghĩa rằng việc ông Quốc không báo cáo Ban Tổ chức Thành ủy, không báo cáo Quốc hội chuyện trở thành công dân Síp chỉ là chuyện nhỏ, không nên vì thế mà “xé” ra to?
Vậy còn quy định trung thực khi kê khai tài sản, quy định 19 điều đảng viên không được làm đối với đảng viên Phạm Phú Quốc có nên xem xét?
Chuẩn bị sẵn quốc tịch nước ngoài phải chăng vẫn không mất tình yêu tổ quốc, vẫn trung thành với lý tưởng của Đảng?
Chuyện “Lót ổ sân sau” của một bộ phận không nhỏ quan chức chắc chẳng ai lạ và chuyện phạm tội lẩn trốn ra nước ngoài như
,
,
,… không phải chỉ là cá biệt.
Lạ là ở chỗ ngót triệu người phải kê khai tài sản, mỗi năm chỉ phát hiện vài ba người không trung thực và danh sách công bố năm 2018, 2019 không thấy tên ông Phạm Phú Quốc, một cán bộ thuộc diện Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh quản lý.
Nhờ có báo chí nước ngoài và cho đến bây giờ mới phát hiện gia đình ông Quốc có khối tài sản thuộc loại to lớn như thế, phải chăng việc kê khai tài sản chỉ mang tính hình thức, không có tác dụng răn đe mà còn tốn thời gian, tiền bạc?
Một khi số người thuộc diện trung ương quản lý đã bị xử lý (mới nhất là cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung) đã lên đến khoảng trăm người thì diện Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý chẳng lẽ chỉ có mấy chục người?
Lạ còn ở chỗ chỉ một Công ty Tân Thuận mà Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh quản lý đã liên quan đến khá nhiều nhân vật vốn thuộc diện “ngài” như Tất Thành Cang, Tề Trí Dũng, Phạm Phú Quốc,…
Hai “ngài” Tất Thành Cang, Tề Trí Dũng đã bị cơ quan chức năng xử lý, còn vì sao lại có lời khuyên “nên tôn trọng” ngài Phạm Phú Quốc thì có lẽ chỉ người trong cuộc mới rõ.
Với một cán bộ lãnh đạo thuộc diện Thành ủy quản lý đã nộp đơn công khai thừa nhận có quốc tịch nước ngoài – nghĩa là gián tiếp thừa nhận đã lừa dối cả Đảng, Quốc hội và Cử tri nhưng lại được đề nghị “nên tôn trọng” thì phải chăng chúng ta cũng nên “tôn trọng” cách tuyên truyền, giải thích của ông Phan Nguyễn Như Khuê?
Thương cho thân phận dân nghèo, bài thơ của người xưa có câu:
“Con cò mày đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi, ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng …”.
Ngày nay, thời thế đảo ngược, “chúng ta” không thương mà phải “tôn trọng” người nhiều tiền như ngài dân biểu Phạm Phú Quốc, bởi với những người như thế câu ca dao trên từ lâu lắm rồi đã có biến thể:
“Con ngài mày đi ăn đêm
Đạp gãy cành mềm, sợ quái gì … ao
“Lòng nào” ông khối, thì sao?
Động đậy ông phắn, ông vào EU”./.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/hop-bao-lam-ro-thong-tin-dai-bieu-quoc-hoi-pham-phu-quoc-mang-hai-quoc-tich-93864.html
[2] https://dantri.com.vn/blog/de-khong-suy-dien-co-le-nen-cong-khai-nguon-goc-tai-san-cua-ong-quoc-20200903032043899.htm
(Theo GDVN) Xuân Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét