Giáo
dục, góc nhìn qua lăng kính “đột phá” (1)
Cập nhật lúc 14:30
Sự bát nháo trong xuất bản và bán sách giáo khoa năm học
2020-2021 không phải là vấn đề hóc búa đến mức Bộ Giáo dục và Đào tạo không
thể dự báo.
Có vẻ như chủ trương đổi mới toàn diện
giáo dục và đào tạo đã bắt đầu phát huy tác dụng nhưng không phải với giáo
dục nói chung mà chủ yếu với nhóm lợi ích “Cai thầu giáo dục”.
Nhóm lợi ích “Cai thầu giáo dục” bao
gồm nhiều thành phần: Người/cơ quan quản lý giáo dục, lãnh đạo nhà xuất bản,
người viết sách, doanh nghiệp/đại lý phân phối, một bộ phận nhà giáo,…
Sự bát nháo trong xuất bản và bán sách
giáo khoa năm học 2020-2021 không phải là vấn đề hóc búa đến mức Bộ Giáo dục
và Đào tạo không thể dự báo.
Vì sao chỉ đến khi dư luận xã hội bức
xúc, báo chí tung ra hàng loạt bài thì Bộ Giáo dục và Đào tạo mới vội vã ban
hành một số chỉ đạo?
Trên không gian mạng, một số ý kiến quy
lỗi cho tác giả, nhà xuất bản, lãnh đạo cơ sở giáo dục các cấp ở địa phương.
Phải chăng đó chỉ là nhìn cây mà không
thấy rừng?
Trước hết xin nói đôi điều về “rừng”:
Người viết không tham vọng chỉ rõ đâu
là nguyên nhân của sự lùm xùm trong giáo dục cũng như không dám khuyến cáo
các vị chức sắc mà chỉ nêu lên vài suy nghĩ.
Biết rằng dù nói nhiều cũng chẳng mấy
ai nghe bởi trong mấy năm qua, mỗi năm đã viết hơn chục bài về chính sách vĩ
mô trong giáo dục.
Riêng chuyện sách giáo khoa năm học
2020-2021, cần phải nói ngay trách nhiệm để thiếu sách giáo khoa, sách kém
chất lượng, tình trạng sách giáo khoa bán kèm với hàng loạt tài liệu “ăn
theo” đều liên quan đến chủ trương “xã hội hóa giáo dục” không được kiểm
soát chặt chẽ. Trách nhiệm trực tiếp thuộc về lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đây không phải là “chụp mũ” mà dựa vào
Nghị quyết số 88 năm 2014 và Nghị quyết số 51 năm 2017 của Quốc hội “Về đổi
mới Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa phổ thông”.
Theo các nghị quyết nêu trên, Quốc hội
giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa giáo dục
phổ thông (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông).
Tuy nhiên, sau sáu năm (tính từ khi ban
hành Nghị quyết 88) đến năm 2020 này, Bộ Giáo dục và Đào tạo không hoàn thành
nhiệm vụ mà Quốc hội giao phó.
Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thành
việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa phổ thông thì có xảy ra tình trạng
thiếu sách, bán sách kèm các ấn bản khác như hiện nay?
Mấy chục năm nay, đặc biệt là thời kỳ
cả nước cầm súng bảo vệ tổ quốc, có bao giờ phụ huynh phải chạy khắp thành
phố mà không mua nổi bộ sách
giáo khoa (lớp 6) cho con em khi ngày khai giảng đã qua?
Theo đánh giá của một số đại biểu Quốc
hội “Những kết quả chính đã đạt được sau gần 6 năm thực hiện Nghị quyết 88,
gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 51 của Quốc hội, đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo
đã ban hành được chương trình giáo dục phổ thông mới, cơ bản đáp ứng được yêu
cầu của các nghị quyết”. [1]
(Ảnh minh hoạ: Báo Đại Đoàn kết).
|
Sáu năm nghĩa là hơn một nhiệm kỳ mới
chỉ hoàn thành được “chương trình giáo dục phổ thông”, vậy bao nhiêu năm nữa
mới đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo?
Có đại biểu Quốc hội cho rằng “Việc
biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa của Bộ bằng ngân sách nhà nước trong bối
cảnh này vừa không cần thiết, vừa khó bảo đảm chất lượng và sẽ ảnh hưởng tiêu
cực đến việc thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa”. [1]
Ý kiến của vị đại biểu Quốc hội nêu
trên có đại diện cho mong muốn của cử tri, có phải mang hàm ý “xã hội hóa”
trong lĩnh vực giáo dục quan trọng hơn trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ
Giáo dục và Đào tạo?
Quốc hội hiện đứng trước hai khả năng,
hoặc là ban hành nghị quyết mới thay thế các nghị quyết đã ban hành nhưng
không được thực thi hoặc là truy rõ trách nhiệm người/cơ quan không thực hiện
nghị quyết của Quốc hội, tức là vi phạm quy định trong một văn bản quy phạm
pháp luật?
Gần đây đã xuất hiện khả năng mới, đó
là chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Phải tạo được
những bước đột phá thực sự về thể chế để giải quyết những vấn đề thực tiễn
đang đặt ra, rất thiết thực và cụ thể”. [2]
Phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng cho thấy
những “đổi mới, cải cách” thể chế được thực hiện hàng chục năm qua cho đến
nay chưa đáp ứng những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, nói cách khác dẫu là
“đổi mới” hay “cải cách” thì vẫn chưa “thực sự”, chưa “đột phá” và điều này
không chỉ nói về thể chế kinh tế hay thể chế chính trị mà bao trùm mọi hoạt
động của “Hệ thống chính trị” trong đó có giáo dục và đào tạo.
Vậy “đột phá” trong giáo dục đào tạo là
gì?
Là trả lời theo tư duy khoa học mấy câu
hỏi:
- Triết lý giáo dục của Việt Nam là gì?
- Giáo dục độc lập hay gắn kết hữu cơ
với cơ chế thị trường (và đó là cơ chế thị trường nào, định hướng hay không
định hướng)?
- Nhà giáo hay học sinh là trung tâm
trong nhà trường?
- Xã hội hóa giáo dục đến mức nào là
vừa?
- Giáo dục cần quản lý theo mô hình nào
(quân đội, công an hay doanh nghiệp)?
Hiện giáo dục đang được quản lý theo mô
hình thời trước đổi mới, giáo dục đang bị chia nhỏ theo kiểu “Hoa thơm mỗi
bộ, ngành, địa phương hưởng một ít”.
Toàn bộ nguồn lực và nhân lực và quyền
lực giáo dục bị phân tán, bị chia năm xẻ bảy thì làm sao tạo nên sức mạnh để
“đột phá”?
Không ít bộ, ngành, địa phương chỉ nhìn
thấy lợi ích của cơ quan, đơn vị mình mà không quan tâm đến bộ phận khác,
điều này không phải cá biệt mà diễn ra thường xuyên.
Việc nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam,
Đài truyền hình trung ương cho phát clip “Nhặt xương cho thày” có cho thấy
tầm nhìn của lãnh đạo cơ quan truyền thông với sự nghiệp giáo dục?
Một ví dụ cho thấy mọi cố gắng của nhà
giáo, của ngành Giáo dục trong cách dạy trẻ em phát âm tiếng Việt đều có thể
uổng phí khi xem, nghe thuyết minh mấy chục tập đầu của bộ phim dài 90 tập
“Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình”.
Người đọc thuyết minh vốn là Nghệ sĩ ưu
tú phát âm các từ “chiến tranh”, “chính trị” theo kiểu “xì hơi” giống nhau cả
hai cụm ký tự ghép biểu thị phụ âm “ch” và “tr”.
Vậy trẻ em phát âm theo đài truyền hình
hay theo thày cô?
Vừa qua hàng loạt cơ sở giáo dục bị
phát hiện đào tạo siêu tốc, cấp khống văn bằng, các “lò ấp thạc sĩ, tiến sĩ”
hoạt động hết công suất nhưng việc xử lý người sử dụng văn bằng “rởm” hình
như mới chỉ “gãi từ vai trở xuống”.
Năm 2015 Vtv.vn đăng bài viết: “Bằng
giả hoành hành: Chỉ có thể 'chui' vào cơ quan nhà nước”.
Cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
Phạm Vũ Luận cho rằng: “Việc học giả, bằng giả, học thật nhưng chất lượng giả
chỉ có thể “chui” vào hệ thống công chức nhà nước, không chui vào được tư
nhân, doanh nghiệp nước ngoài”. [3]
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhán mạnh:
“Nếu cơ chế tuyển người và sử dụng người trong các cơ quan nhà nước, doanh
nghiệp nhà nước mà đổi mới theo chất lượng thì chất lượng giáo dục sẽ tự
nhiên kéo theo”. [3]
Những phát ngôn nêu trên cho thấy chính
“cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước” - nơi tuyển dụng và sử dụng người
có bằng giả - là một trong những yếu tố khiến chất lượng giáo dục không được
cải thiện.
Phải chăng đang có tình trạng rừng
không dành cho cây mà cho dây leo và cỏ dại?
Theo cách ví von của một vị nguyên Bộ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu giáo dục vẫn là đoàn tàu với mấy chục
triệu hành khách (nhà giáo, nhà quản lý và học sinh, sinh viên) chạy trên
đường ray thì tăng tốc hay rẽ ngang đều có thể gây nên tai nạn.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú
Trọng từng nêu ý kiến:
“Trên có chính sách thì dưới có đối
sách”;
“Một số người có chức có quyền giữ tác
phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như
một “ông vua con” ở đấy!”.
Liệu chính sách mà Bộ Giáo dục và Đào
tạo ban hành có vượt qua cửa ải của những “ông vua con” phụ trách địa phương,
đơn vị?
“Rừng” là như thế liệu “cây” có thể
sống khỏe?
(Còn nữa)
Tài liệu tham khảo:
[1]
https://vtv.vn/giao-duc/bo-gddt-khong-can-bien-soan-them-bo-sach-giao-khoa-bang-kinh-phi-tu-ngan-sach-202006140019275.htm
[2]
https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/chuan-bi-va-tien-hanh-that-tot-dai-hoi-xiii-cua-dang-dua-dat-nuoc-buoc-vao-mot-giai-doan-phat-trien-moi-615015/
[3]
https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/bang-gia-chi-lot-duoc-vao-co-quan-nha-nuoc-1393975396.htm
(Theo GDVN) Xuân Dương
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét