Thứ Tư, 11 tháng 3, 2020

 MUA BÁN CHỨNG CHỈ NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM:

Cần làm rõ trách nhiệm của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Cập nhật lúc 15:44                
Theo chương trình, khóa đào tạo cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm có thời gian 3 tháng, nhưng thực chất học viên không cần đến lớp vẫn được đi thi và có những tấm chứng chỉ xếp loại khá-giỏi. Đặc biệt, trên chứng chỉ có chữ ký và dấu đỏ của lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Liệu nhà trường có biết việc học và thi “bát nháo” trong những khóa học này?


Đại học Sư phạm là đơn vị cấp chứng chỉ, nhưng liệu lãnh đạo nhà trường có biết chất lượng thực sự đằng sau tấm chứng chỉ này? Ảnh: P.V

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đóng vai trò gì?
Trong bài viết trước, chúng tôi đã phản ánh việc Công ty cổ phần Giáo dục Việt Nam (có trụ sở  tại A3P2, Khu tập thể giáo viên Đại học ngoại ngữ, Cầu Giấy, Hà Nội) tổ chức các khóa đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm theo kiểu “bát nháo”. Học viên chỉ cần đóng tiền và không cần đi học.
Để giúp học viên đủ điều kiện dự thi và được cấp chứng chỉ, nhân viên của công ty này đã hướng dẫn học viên “ký khống” vào tờ danh sách điểm danh các môn học. Đến hôm tổ chức kỳ thi, các thí sinh đều được cung cấp sẵn tài liệu và mang vào phòng thi để chép.
Là những học viên hiếm hoi có mặt gần như đầy đủ trong suốt khóa học này, chúng tôi cũng chứng kiến nhiều câu chuyện “dở khóc dở cười” của những người đi thi. Họ đang giảng dạy ở nhiều trường đại học có tiếng trong nước, thậm chí có cả tiến sĩ được đào tạo tại Mỹ, nhưng muốn là giảng viên ở Việt Nam thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Tấm chứng chỉ này, họ thừa nhận có được không phải bằng việc “thực học”, “thực thi”.
Cũng trong suốt khóa học, khi thắc mắc về việc tại sao vắng bóng người học, mỗi buổi chỉ lác đác vài học viên, các nhân viên của Công ty cổ phần Giáo dục Việt Nam đã nhanh chóng “trấn an” chúng tôi bằng việc nhắc đến “thương hiệu” của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Đầu tiên là khi đến đăng ký khóa học, nhân viên của công ty này nhiều lần nhấn mạnh Công ty Cổ phần Giáo dục Việt Nam liên kết với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức. Công ty sẽ đứng ra thu tiền học phí, trả chứng chỉ đúng hẹn cho học viên. Còn giảng viên, chương trình học, đề thi và chứng chỉ đều do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cấp.
“Các bạn yên tâm, chứng chỉ có dấu đỏ, chữ ký của lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Công ty đã có thâm niên trong lĩnh vực đào tạo, với mạng lưới phủ khắp cả nước, không chỉ liên kết với Đại học Sư phạm mà còn liên kết với nhiều trường khác. Các bạn cần chứng chỉ gì cũng có”- một nhân viên Công ty Cổ phần Giáo dục Việt Nam đon đả khi chúng tôi đến đăng ký học.
Thực tế qua quá trình ghi nhận, đúng như nhân viên công ty này quảng cáo, trong tất cả các buổi học và thi của khóa đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mà chúng tôi tham gia, đều có mặt các giảng viên tự xưng đến từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. 
 Sau khi đối chiếu danh sách giảng viên tham gia giảng dạy cho khóa học thì đúng là một số người có nằm trong danh sách giảng viên cơ hữu của trường này.
Còn trong các buổi thi, giám thị cũng tự nhận là người của Viện Nghiên cứu Sư phạm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) và khẳng định chứng chỉ của khóa học là do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cấp.
Cũng những giám thị này, dù nhìn thấy thí sinh trong phòng thi có hành vi gian lận, nhưng vờ như không thấy. Kết quả là 100% học viên của khóa học đều có chứng chỉ, đều đạt khá, giỏi.
Biết thi cử lộn xộn, vẫn liên kết
Cũng trong suốt 3 tháng diễn ra khóa học, có một số buổi, nhân viên của Công ty Cổ phần Giáo dục Việt Nam và kể cả giảng viên tỏ ra rất nghiêm túc trong việc giám sát sĩ số lớp, điểm danh người học. Nhưng đến ngày diễn ra kỳ thi, chúng tôi mới ngỡ ngàng khi học viên tấp nập đến thi, trái ngược hoàn toàn với không khí vắng lặng của các buổi học trước đó, khi chỉ lác đác vài người đến lớp.
Nếu như cả quá trình học kéo dài 3 tháng, sĩ số lớp chỉ khoảng 10 người/buổi học thì ngày thi danh sách thí sinh lên đến 90 người.
Nhiều học viên thừa nhận họ chấp nhận đóng tiền nhiều hơn để không phải đều đặn đến lớp và được nhân viên của công ty dặn chỉ cần hôm thi có mặt để chép bài. Còn lại… “đã có công ty lo”. Họ lo bằng cách nào? Chính là việc hướng dẫn cho học viên ký điểm danh khống để hợp thức hóa quá trình đào tạo.
Trong các buổi thi, khi đem thắc mắc “tại sao không tổ chức học và thi ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, mà lại tổ chức ở trụ sở của công ty bên ngoài?”, “người đang là giảng viên cũng phải học và thi số tín chỉ như người vừa tốt nghiệp”?, một giám thị tự nhận là người của Viện Nghiên cứu Sư phạm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) nói: “Trường mình liên kết với công ty này để người ta tuyển sinh. Trường cũng rất sợ chuyện lộn xộn”.
Theo như lời người này thì họ biết việc liên kết tuyển sinh với các trung tâm, công ty phía ngoài sẽ khó tránh việc đào tạo bát nháo, thi cử lộn xộn. Vậy tại sao đã biết mà vẫn liên kết.
Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm được xem là tấm “giấy thông hành”, đủ điều kiện để đi giảng dạy trong các cơ sở giáo dục. Trong khi giáo dục là một lĩnh vực quan trọng, ảnh hưởng đến mọi nhà, vậy mà những tấm chứng chỉ sư phạm lại có được bằng việc mua bán và gian lận.
NHÓM PV Báo Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét