Thứ Tư, 14 tháng 12, 2016

Xe buýt nhanh: Nguy cơ “vỡ trận” dự án 1.100 tỉ đồng

Cập nhật lúc 14:47
    
 
Hạ tầng nhà chờ xe buýt nhanh BRT vẫn đang ngổn ngang (Ảnh chụp ngày 13.12.2016 trên đường Tố Hữu (Hà Nội). Ảnh: HẢI NGUYỄN
Ngày mai (15.12) là thời điểm dự kiến vận hành thử tuyến xe buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội (được đầu tư 55 triệu USD - tương đương trên 1.100 tỉ đồng - bằng vốn vay Ngân hàng Thế giới) từ bến Kim Mã (quận Ba Đình) đến Yên Nghĩa (quận Hà Đông). Thế nhưng nhiều hạng mục, nhà ga của tuyến xe buýt này vẫn còn ngổn ngang.
Điều đáng lo nhất là tuyến xe buýt nhanh này sẽ gây thêm nỗi “kinh hoàng tắc nghẽn giao thông” sẵn có trên đường Tố Hữu, Lê Văn Lương, Láng Hạ... Điều này làm cho xe buýt nhanh không nhanh hơn xe máy và chưa chắc đã có lợi thế vượt trội so với xe buýt thường. Sự nghi ngại tuyến buýt nhanh sẽ “vỡ trận”, làm hỗn loạn thêm tình hình giao thông của thủ đô là hiện thực.
Tham vọng giảm ách tắc giao thông
Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho hay, Trung tâm cùng TCty vận tải Hà Nội dự kiến thời gian chạy xe trên tuyến cho tuyến BRT giai đoạn đầu là 45 phút/lượt xe (chậm hơn 8 phút so với thiết kế và nhanh hơn thực tế hiện nay từ 5 - 10 phút); Vận tốc khai thác đạt 19,6km/giờ (chậm hơn so với vận tốc thiết kế 4,2km/giờ và nhanh hơn so với tuyến buýt nhanh chạy thử hiện nay từ 2 - 3,6km/giờ).
Theo phương án Tramoc xây dựng, trước mắt, vé dùng cho xe buýt nhanh vẫn là vé thẻ giấy thông thường như vé xe buýt và được bán tại các điểm nhà chờ. Vé lượt dự kiến là 7.000 đồng/lượt. Vé tháng áp dụng như vé tháng của xe buýt thông thường. Tuyến buýt nhanh có số hiệu 99, lộ trình bến xe Kim Mã - bến xe Yên Nghĩa.
Sau 1 năm chậm tiến độ, dự án này dự kiến sẽ được vận hành vào ngày 15.12. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại nhiều nhà ga, bến chờ còn khá ngổn ngang. Vào chiều ngày 13.12, trên tuyến đường Láng Hạ - Lê Văn Lương- Giảng Võ…các công nhân vẫn đang thực hiện các công việc vệ sinh, lắp đặt các hạng mục chưa hoàn thiện.
Thực tế vào lúc 15h, ngày 13.12, PV đã làm khảo sát đi xe máy từ Bến xe Yên Nghĩa tới Kim Mã chỉ mất khoảng 30 phút. Như vậy, so với phương tiện di chuyển phổ biến hiện nay là xe máy thì thực tế tuyến buýt nhanh này cũng không nhanh hơn được bao nhiêu.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Dương Đức Thắng - Phó phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông - Sở GTVT TP. Hà Nội cho hay: “Với tiến độ dự án dự kiến ngày 15.12, đơn vị này sẽ tiến hành chạy thử xe buýt nhanh BRT để xem quá trình vận hành và tính toán những yếu tố phát sinh kỹ thuật. Vào thời điểm 31.12, loại hình xe buýt nhanh BRT Hà Nội sẽ được chính thức đưa vào khai thác, sử dụng.”
Ông Thắng cho biết thêm: “Trên trục đường Bến xe Yên Nghĩa - Bến xe Kim Mã lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông khá đông nên việc tổ chức giao thông cũng sẽ gặp phải những khó khăn nhất định. Do vậy thời gian vận hành thử loại hình buýt này, các đơn vị sẽ có những đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp. Hiện nay, các đơn vị liên ngành GTVT đang tiếp tục hoàn thiện công tác hạ tầng, bao gồm điểm đầu, cuối, sơn kẻ làn đường riêng, tổ chức biển báo giao thông, biển báo hướng dẫn để đảm bảo có làn đường riêng cho xe buýt nhanh. Bên cạnh đó là việc phối hợp điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu, lắp đặt camera giám sát để phục vụ tốt nhất cho hệ thống xe buýt nhanh và hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới hoạt động của các phương tiện khác”.

Xe buýt nhanh: Nguy cơ “vỡ trận” dự án 1.100 tỉ đồng ảnh 1 
Hiện nay tuyến buýt thường vẫn đi chung với tuyến buýt nhanh BRT (ảnh chụp ngày 13.12). Ảnh: TRẦN VƯƠNG
TS Nghiêm Xuân Đạt - Phó Chủ tịch Hiệp hội môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam - cho rằng, việc triển khai đưa vào hoạt động xe buýt nhanh BRT là điều cần thiết, tuy nhiên phải đảm bảo hạ tầng giao thông.
Buýt nhanh gặp đường tắc
Cũng theo TS Nghiêm Xuân Đạt, trước mắt chúng ta nên làm thí điểm, theo dõi và bất cập là phải tháo gỡ ngay. Theo khảo sát của PV Lao Động chiều 13.12, chỉ trên một đoạn khoảng 6km từ đầu đường Tố Hữu nối với đường Lê Văn Lương ra Khuất Duy Tiến đã có khoảng 30 khu đô thị, tòa nhà cao tầng án ngữ ngay mặt đường. Trong đó, nhiều khu đô thị có quy mô từ 2 - 3 vạn dân như Khu đô thị Trung Văn; Khu đô thị La Khê - Văn Khê, Khu đô thị Dương Nội. Đa số tòa nhà đã hoàn thiện, lượng dân cư đến sinh sống khá lớn như: Tây Hà, Bắc Hà, Tòa nhà SJC, Tòa nhà Licogi 13, Chung cư Hacinco, Tòa nhà Starcity hay Tháp Hoa Kim Cương cao khoảng 30 tầng...
Bên cạnh đó, nhiều tòa nhà cao tầng khác sắp đến ngày hoàn thiện như: HUD cao hơn 30 tầng, Ecolife Caption. Bên cạnh các tầng nổi với khoảng từ 25 đến hơn 30 tầng, các tòa nhà này đều có thêm từ 2 - 4 tầng hầm. Phần lớn các tòa nhà này đều theo mô hình trung tâm thương mại ở dưới và khu nhà ở trên cao. Các hướng cửa đều quay ra mặt đường Tố Hữu và đường Lê Văn Lương.
Hệ quả của việc này là trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài cả cây số vào những giờ cao điểm buổi sáng và chiều. Vào giờ cao điểm hàng ngày, từng hàng xe ôtô, xe máy nối đuôi nhau xếp hàng nhích từng mét. Tình trạng càng nghiêm trọng hơn khi các phương tiện giao thông từ trong tòa nhà đổ ra đường, gặp ngay dòng phương tiện đang đông nghẹt xếp hàng trên đường nên đã tắc càng tắc.
Tương tự, mật độ giao thông ở giờ cao điểm của tuyến Láng Hạ - Giảng Võ - Kim Mã vào giờ cao điểm cũng luôn xảy ra ùn tắc kéo dài. Phương án có một tuyến xe buýt riêng đi vào hoạt động ngay phía bên trái đường cũng nhận được nhiều ý kiến lo lắng từ phía người dân. Anh Mai Thành Đạt (Kim Mã, Hà Nội) cho hay: “Nhiều địa điểm người dân phải băng ngang qua đường nếu muốn sử dụng loại hình buýt này, đặc biệt trong giờ cao điểm thì rất nguy hiểm”.
Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội KTS Việt Nam, cách quy hoạch thiếu chiến lược tạo một số tuyến đường xuyên tâm tại Hà Nội hiện nay đã tạo ra giao thông kiểu “con lắc”. Khu đô thị thiết kế kiểu vệ tinh nhưng hệ thống trường học, bệnh viện chưa thực sự hoàn chỉnh (mới giải quyết chỗ ở). Vì vậy vào giờ cao điểm, các con đường xuyên tâm lại quá tải do mọi người phải đi lại vào nội đô để học hành, mưu sinh...

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thuỷ: Nguy cơ vỡ trận vì cán bộ yếu về chuyên môn và tầm nhìn
Việc xây dựng tuyến xe buýt nhanh chỉ mất nửa năm, 1 năm vì đầu tư không có gì ghê gớm nhưng ở Việt Nam do bê nguyên xi mô hình ở nước ngoài lại đòi hỏi quá cao nên cuối cùng kéo dài 4 - 5 năm gây ra lãng phí. Hiện đường thủ đô quá chật, mặt cắt nhỏ, các phương tiện quá nhiều, nên nếu xe buýt chạy đường riêng thì phương tiện khác không biết đi đường nào. Điều này cho thấy cán bộ yếu kém về chuyên môn và tầm nhìn.
Chuyên gia Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội:Cán bộ quản lý cần thay đổi tư duy
Phải chạy thử, rồi rút kinh nghiệm, thậm chí ngừng lại để bổ sung các điều kiện kỹ thuật cho đảm bảo. Các nhà quản lý giao thông cần thay đổi tư duy, phải tham khảo ý kiến các chuyên gia nhà khoa học, người dân chứ không thể “cứ hứng lên làm theo nhiệm kỳ” và cứ “có dự án thì ký ngay còn có làm sao thì hết nhiệm kỳ rồi” thì chẳng có ai chịu trách nhiệm.
Sẽ xử phạt phương tiện đi vào làn xe buýt nhanh BRT
Ông Vũ Hà - Giám đốc Ban QLDA đầu tư phát triển giao thông đô thị, Sở GTVT - cho hay, do đặc thù giao thông trên địa bàn Hà Nội nên trong phương án vận hành cũng như phương án tổ chức giao thông phải linh hoạt, như tốc độ di chuyển, gờ dải phân cách thay bằng vạch kẻ liền và đinh phản quang. Về việc làm thế nào để hạn chế phương tiện đi vào làn đường dành riêng cho buýt BRT, ông Vũ Hà cho biết, khi đã phân luồng thì phương tiện đi vào sẽ bị xử phạt. Tại các nhà chờ dọc tuyến đều có lắp camera ghi lại hình ảnh và xử phạt nguội. Tuy nhiên, trong những tình huống cần thiết, CSGT có thể điều tiết, phân luồng phương tiện đi vào làn đường này để giải tỏa.
Khi tuyến buýt nhanh BRT có số hiệu 99 đi vào vận hành, sẽ điều chỉnh lộ trình tuyến buýt số 22 để giảm trùng lặp với tuyến BRT trên trục Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương. 
(Theo Lao động)  NHÓM PHÓNG VIÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét