Thứ Tư, 14 tháng 12, 2016

Vụ bổ nhiệm cán bộ siêu tốc: Chờ cách 'tự xử' văn minh nhất

 Cập nhật lúc 09:24

“Người dân giờ đây không chỉ trông chờ vào cách xử lý của cơ quan thẩm quyền, mà cái họ trông chờ nhiều nhất chính là cách tự giải quyết vấn đề sai phạm của mình một cách văn minh nhất từ lãnh đạo, quan chức”, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền trao đổi với phóng viên Tiền Phong về vụ bổ nhiệm siêu tốc tại Ban chỉ đạo Tây Nam bộ.

Ông Vũ Minh Hoàng (bìa phải). 
Ông Vũ Minh Hoàng (bìa phải).

Quy trình đang bị làm đen tối
Việc bổ nhiệm cán bộ “siêu tốc” tại Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận xã hội. Bà nhìn nhận đánh giá gì về việc này?
Chưa đánh giá về mặt năng lực, nhưng qua tìm hiểu, tôi nhận thấy những người được bổ nhiệm đều là trí thức. Đã là người trí thức, anh phải ý thức được điều mình nói và làm. Nói cách khác là phải có lòng tự trọng, mà lòng tự trọng, tính chính danh phải đặt lên hàng đầu.
Nếu không ý thức, nhận thức được điều đó thì chưa biết họ có làm được gì hay không, nhưng ai cũng thấy những nguy hại trước mắt rồi. Sự bất công, bất bình đẳng về xây dựng đội ngũ cán bộ còn kéo theo rất nhiều nguy hại khác cho xã hội, nguy hại cho dân, nguy hại cho đất nước.
Trong nhiều trường hợp bổ nhiệm không đúng, hoặc thiếu quy trình họ lại viện lý do chọn người tài cho cơ quan, đơn vị mình?
Chúng ta đang xây dựng một Chính phủ kiến tạo, minh bạch, một Chính phủ hành động vì dân. Trên thực tế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện tâm huyết của mình, và đã nói “chọn người tài, không chọn người nhà”.
Điều quan trọng bây giờ là chúng ta phải làm trong sạch cái gọi là “quy trình”. Khi để người dân nghi ngờ vào sự minh bạch của một quy trình thì ta nói bao nhiêu đi nữa về nó cũng chẳng còn ai tin. 
Đại biểu Quốc hội  Phạm Thị Minh Hiền
Tuy nhiên qua theo dõi việc bổ nhiệm cán bộ ở Ban chỉ đạo Tây Nam bộ vừa qua, tôi thấy cách trả lời của những người có liên quan chỉ là ngụy biện. Họ cứ nói lý do vì chọn người tài, nhưng có nhiều yếu tố để nhận diện người tài, như phải có trải nghiệm thực tiễn, có cống hiến mới được đề bạt, cất nhắc vào vị trí lãnh đạo chứ. Việc anh có nhiều kiến thức, có nhiều bằng cấp, thậm chí là đang du học chưa hẳn đã là người tài.
Chúng ta đã thấy rất nhiều vụ việc tiêu cực, hậu quả xảy ra từ việc bổ nhiệm cán bộ trong thời gian qua. Việc bổ nhiệm trong trường hợp này là bất thường, khuất tất. Khi báo chí phản ánh, người dân không đồng tình, những người có chức năng lại giải thích theo kiểu ngụy biện. Người ta đang đánh đồng giữa năng lực với bằng cấp, điều đó hoàn toàn không được. Đó là cách hiểu méo mó tinh thần của Thủ tướng.
Thưa bà, cần phải làm thế nào để việc bổ nhiệm vừa “đúng quy trình”, vừa không để vì quy trình mà để lọt người tài?
Dù gì đi nữa cũng cần phải công khai, minh bạch, có thể linh động, nhưng không thể khuất tất. Người dân đang dần mất lòng tin vào công tác cán bộ. Bây giờ người dân và cử tri cứ nghe đến “quy trình” là dị ứng lắm. Mà từ “quy trình” không có lỗi, cũng đâu phải xấu. Chỉ những người có quyền đang cố áp dụng quy trình một cách méo mó, làm đen tối nó. Nếu anh thực hiện đúng quy trình thì việc gì phải giấu giếm, khuất tất, bổ nhiệm một cách siêu tốc, chóng mặt như thế?
Điều quan trọng bây giờ là chúng ta phải làm trong sạch cái gọi là “quy trình”. Khi để người dân nghi ngờ vào sự minh bạch của một quy trình thì ta nói bao nhiêu đi nữa về nó cũng chẳng còn ai tin.
Vụ bổ nhiệm cán bộ siêu tốc: Chờ cách 'tự xử' văn minh nhất ảnh 1 
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền.

Người dân mong chờ điều gì?
Theo bà, vụ việc này cần có hướng giải quyết như thế nào cho phù hợp nhất?
Sẽ có nhiều đại biểu Quốc hội nói về việc Bộ Nội vụ, hay các cơ quan chức năng có thẩm quyền phải vào cuộc sau khi thông tin được khui ra. Còn ở góc độ của tôi và ngay cả với người dân, không chỉ trông chờ vào cách xử lý của cơ quan thẩm quyền. Cái người dân trông chờ nhiều nhất vào lãnh đạo, quan chức chính là cách tự giải quyết vấn đề sai phạm của mình một cách văn minh nhất.
Lâu nay cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, giám sát nhưng có phát hiện ra vấn đề đâu. Nhiều vụ việc lại toàn do báo chí, người dân phát hiện ra cả. Người dân có thể theo dõi cách giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, nhưng sẽ không lớn bằng chính người trong cuộc tự giải quyết thế nào, cái đó mới thực sự mang lại lòng tin cho người dân.
Còn với riêng trường hợp của Vũ Minh Hoàng, bà có nhắn nhủ gì?
Qua báo chí, Vũ Minh Hoàng khẳng định mình là người tự tin, có đủ năng lực, tiêu chuẩn, đủ khả năng làm vị trí đó. Nhưng Hoàng mới chỉ nói thôi chứ chưa làm. Bây giờ Vũ Minh Hoàng phải khẳng định, chứng minh sự tự tin của mình. Rõ ràng quy trình bổ nhiệm có vấn đề ngay từ đầu. Vậy Vũ Minh Hoàng hãy thể hiện sự tự tin đó bằng hành động đi, buông bỏ, từ chối chức vụ phó vừa được bổ nhiệm đi. Đó cũng là cách ứng xử văn minh nhất với một cán bộ còn rất trẻ như Vũ Minh Hoàng.
Cảm ơn bà.
(Theo Tiền phong) Dũng Nguyễn thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét