TKV miệng
than khó, tay vung tiền!
Cập nhật lúc
09:15
Hàng vạn lao động ngành than đang bức xúc trước
việc vung tay quá trán của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam
Dù đang trong thời điểm khó khăn nhưng để
kỷ niệm ngày truyền thống thợ mỏ, Tập đoàn Than Khoáng
sản Việt Nam (TKV) vẫn yêu cầu các đơn vị chi hàng chục tỉ đồng...
Những người trong cuộc bức xúc
Cụ thể, để kỷ niệm tròn 80 năm ngày truyền
thống công nhân vùng mỏ (12.11.1936-12.11.2016), TKV đã rầm rộ tổ chức hàng
chục sự kiện lớn nhỏ. Đặc biệt, TKV đã cho in hàng vạn chiếc logo kỷ niệm
chương bằng bạc với chi phí lên đến hàng chục tỉ đồng trong khi cả ngành than
đang phải đối mặt với thực trạng giảm sản lượng, việc làm và thu nhập bị sụt
giảm.
Văn bản số 4850 ngày 13-10-2016 của TKV gửi
các công ty con nói trên nêu rõ: “Để ghi dấu ấn chặng đường 80 năm truyền
thống ngành, lãnh đạo tập đoàn chủ trương tặng mỗi CB-CNVLĐ một sản phẩm bằng
bạc do một đơn vị trong tập đoàn chế tác làm quà tặng..., với đơn giá là
640.000 đồng/sản phẩm”.
Văn bản trên yêu cầu các đơn vị của TKV chi
tiền mua quà tặng căn cứ theo quỹ phúc lợi và các nguồn quỹ khác từ chính
doanh nghiệp (DN) họ. Ngoài ra, TKV cũng yêu cầu các đơn vị chi thưởng trong
dịp lễ kỷ niệm mỗi lao động theo mức từ 1 triệu đến 2 triệu đồng/người.
Theo một chủ cửa hàng kinh doanh vàng bạc
thì với logo như thế này nếu đặt từ 1.000 sản phẩm trở lên thì chỉ mất tối đa
hơn 300.000 đồng/chiếc
Công văn của TKV yêu cầu các đơn vị mua
logo kỷ niệm chươngẢnh: DUY NGỌC
Việc chi thưởng trong dịp lễ kỷ niệm 80 năm
là hết sức ý nghĩa, thiết thực với gần 12 vạn lao động trong tập đoàn. Tuy
nhiên, mức thưởng trích từ các nguồn ở đơn vị sản xuất có sự khác biệt. Nhiều
đơn vị do khó khăn nên chi thưởng bình quân 1 triệu đồng tiền mặt, cùng quà
tặng là logo thợ mỏ (tổng cộng 1,64 triệu đồng), các đơn vị khá hơn thì chi
thưởng 2 triệu đồng/người và quà tặng kể trên.
Trước sự việc trên, nhiều cán bộ và công
nhân trong ngành đã tỏ ra bức xúc, cho rằng chiếc huy hiệu logo thợ mỏ Việt
Nam mà mỗi CB-CNVLĐ ngành than nhận được là sự lãng phí.
Anh Trần Văn H., một thợ mỏ công tác tại
Công ty Kho vận Hòn Gai, buồn rầu: “Chúng tôi phải giảm ngày công vì than tồn
nhiều không bán được. Thu nhập chỉ gần 4 triệu đồng/tháng nên khi cầm trên
tay món quà ý nghĩa này mà lòng nặng trĩu. Với thu nhập của chúng tôi thì như
thế là lãng phí quá. Bởi chúng tôi cần tiền thưởng chứ đâu cần món quà xa xỉ này”.
Một vị chủ tịch Công đoàn của đơn vị trực
thuộc Tập đoàn TKV cho rằng với người có điều kiện tài chính thì không vấn đề
gì nhưng với phần đông thợ mỏ còn khó khăn, việc thưởng tiền sẽ thiết thực
hơn logo nhiều.
Giám đốc một công ty con (xin được giấu
tên) trong tập đoàn cũng bức xúc: Thời điểm này, tập đoàn đang khó khăn chồng
chất bởi than tồn kho lớn, giá bán cao do điều hành yếu kém khiến TKV phải
liên tục “cầu cứu” Chính phủ, các bộ, ngành có cơ chế tháo gỡ, giúp ngành
than vượt khó. Lãng phí hàng chục tỉ đồng vào logo huy hiệu là điều khó chấp
nhận.
Kê chi phí?
Theo ghi nhận của phóng viên, ngay sau khi
nhận được chiếc logo “quý giá” trên, không ít công nhân đã mang bán cho các
cửa hiệu vàng, bạc ở khu vực TP Hạ Long và Cẩm Phả (Quảng Ninh) nhưng chỉ
được mua lại với giá 150.000 đến 200.000 đồng/chiếc.
Qua khảo sát, một số cửa hàng vàng bạc cho
biết những logo thợ mỏ đem bán qua thử đều có khoảng 90% thành phần bạc. Tại
cửa hàng vàng bạc đá quý HL (đường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long), nhân viên cửa
hàng sau khi cân đồng bạc có logo tên của Công ty Than Hà Lầm đã xác định
đồng bạc trên nặng 4,3 chỉ, hàm lượng bạc đạt 92%. Theo nhân viên cửa hàng,
họ sẽ thu mua đồng bạc này với giá chỉ 170.000 đồng/tấm. Với đồng xu có hàm
lượng bạc 92%, cửa hàng sẽ mua với giá 40.000 đồng/chỉ. Còn với những đồng
bạc chỉ đạt hàm lượng bạc 80% thì chỉ mua với giá hơn 30.000 đồng/chỉ. Còn
công chế tác thì tùy thuộc vào mỗi nơi họ lấy công khác nhau.
Còn theo cửa hàng kinh doanh vàng bạc LC
(khu 2, phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long), để chế tác ra đồng xu bạc có trọng
lượng 4,3 chỉ, hàm lượng bạc 92% và có khắc tên TKV hay các công ty than như
trên nếu đặt từ 1.000 sản phẩm trở lên thì chỉ mất tối đa hơn 300.000
đồng/đồng xu. “Thậm chí, sản phẩm do thợ lành nghề của cửa hàng chế tác còn
đẹp hơn những đồng bạc công nhân bán lại rất nhiều” - chủ cửa hàng nhận xét.
Lãnh đạo TKV lên tiếng
Trao đổi với phóng viên, đại diện TKV cho
hay việc làm trên cơ sở đã thống nhất và xuất phát từ ý tưởng có một món quà
ý nghĩa, ghi dấu ấn 80 năm truyền thống của thợ mỏ ngành than, lãnh đạo tập
đoàn và Công đoàn đã nghiên cứu, đề xuất ý tưởng làm kỷ niệm chương bằng bạc.
Đơn vị được đặt chế tác, sản xuất những tấm kỷ niệm chương này là Công ty
TNHH MTV Đá quý Việt Nhật (Vimico).
Tuy nhiên, vị này cũng phủ nhận toàn bộ đơn
vị trực thuộc tập đoàn đặt làm sản phẩm này, mà chỉ có 50 đơn vị trên cơ sở
cân đối từ nguồn quỹ phúc lợi đã trực tiếp liên hệ với chi nhánh Đá quý Việt
Nhật đặt làm sản phẩm. Vị này cũng giải thích giá trị một kỷ niệm chương hoàn
chỉnh gồm cả nguyên liệu lẫn tiền công chế tác… nhưng khi anh em đem bán thì
có thể người ta chỉ mua phần nguyên liệu nên thường giá rẻ hơn nhiều so với
sản phẩm hoàn chỉnh chứ không phải vì bán được giá thấp (chỉ có một phần
nguyên liệu) mà nói sản phẩm không đạt chất lượng hay bị kê giá lên (!?).
Thủ
tướng yêu cầu TKV báo cáo
Liên quan đến vụ việc này, ngày 30-11, Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công văn yêu cầu TKV kiểm tra, công khai chi phí
làm quà tặng, trong đó có việc đúc logo làm kỷ niệm chương cho CB-CNV ngành
than và xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân sai phạm.
Cũng theo yêu cầu của Thủ tướng, TKV phải
báo cáo phương án tái cơ cấu, tiết kiệm chi phí, thực tế lượng than tồn kho
và việc bảo đảm đời sống cho cán bộ, công nhân mỏ. Kết quả thực hiện báo cáo
lên Thủ tướng trước ngày 15-12-2016.
(Theo Người Lao Động) Trọng Đức - Duy Ngọc
|
Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét