Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2016

Ở Hà Nội, tôi luôn thấy thói a dua, bắt chước


“Thấy người ăn khoai vác mai đi đào” vốn là câu nói chỉ sự a dua, bắt chước của người dân thôn dã. Nhưng ở Hà Nội lâu năm, tôi nhận thấy cái đặc tính ấy hiện rõ hơn trong đời sống thị thành, như một thứ vết dấu của quá khứ.
Những năm cuối của thế kỷ trước, trên phố Sinh Từ (nay là Nguyễn Khuyến) có một quán phở rất đông khách. Bánh phở thái tay, sợi to, mềm, nước dùng đậm vị nước mắm. Sáng sáng, giáo sư ngồi lẫn với phu hồ, công chức ngồi cùng bàn “xe ôm”, xôn xao húp đến giọt nước cuối cùng. Thỉnh thoảng lại thấy cái quán bị chuyển đi cách mấy số nhà. Chỗ cũ, mọc lên một quán mới, tồn tại ít lâu.
Rồi chỗ mới lại thành quán mới, cũng tồn tại ít lâu. Còn cái quán phở quen của tôi cứ chuyển đi xa dần. Bữa sáng cuối cùng tôi ăn ở quán đó là vỉa hè trên phố Quốc Tử Giám, bên ngoài hàng rào Bộ Kế hoạch - Đầu tư. Ông chủ bảo: “Mai tôi lại chuyển đi, chủ nhà nào mà tôi thuê cũng nghĩ là bán phở sẽ đông khách”.
Bạn tôi, khi mới tốt nghiệp Đại học Kiến trúc cũng thuê nhà mở quán cafe bên một con phố vắng. Quán nghèo, nhưng deco phá cách, đồ uống tinh nên đông khách lắm. Chủ nhà xin góp vốn làm chung, rồi đòi tăng mức đầu tư đến giới hạn cậu bạn tôi không thể theo nổi, đành bỏ đi mở quán mới. Lần này, cậu nhất quyết không cho chủ nhà chung, họ tìm cách quấy khách. Lại chuyển.
Đến một hôm cậu ấy hỏi tôi: “Ông nhìn xem tôi có giống người Palestine không?”. Tôi lắc đầu. “Vậy thôi, tôi đi làm chứ không bán cafe nữa”. Những ông chủ đã từng cho cậu ấy thuê nhà cuối cùng đều không thể kinh doanh cafe.
 Ở Hà Nội, tôi luôn thấy thói a dua, bắt chước
Mặt phố Hà Nội - nơi đắc địa để kinh doanh buôn bán. Ảnh: Lam Thanh/ ANTĐ
Những người bán hàng mang thân phận Palestine ở Hà Nội như bạn tôi không hiếm. Nếu chúng ta để ý thì điều dễ nhận thấy nhất ở dung mạo Hà Nội là sự tạm bợ. Mặt phố là khuôn mặt của thành phố, nhưng cũng là nơi người ta bán hàng. Cái tâm trạng nay đây mai đó của những người bán hàng luôn phải đề phòng chủ nhà tìm cách chấm dứt hợp đồng thuê nhà khiến nhiều người không dám đầu tư một cách bền vững. Thói ăn xổi ở thì cũng từ đó mà ra.
Dạo này người ta hay nói chuyện khởi nghiệp. Đó là chuyện tốt. Phong trào khởi nghiệp sẽ thúc đẩy các ý tưởng kinh doanh sáng tạo. Nhưng, khởi nghiệp ở Hà Nội thì vô cùng khó khăn bởi những ý tưởng khởi nghiệp nếu thành công sẽ nhanh chóng trở thành một thứ mốt và những người khởi nghiệp sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng bị cạnh tranh bởi những đối thủ “cùng” ý tưởng, nhưng có nhiều lợi thế hơn.
Sống ở Hà Nội là sống chung với sự chìm khuất, nơi mà những người tiên phong sẽ luôn phải về đích cuối cùng. Bởi thế, những người thành công là những người luôn biết giấu mình, nếu có nổi tiếng thì cũng là nổi tiếng trong những lời đồn đoán. Nếu không, họ sẽ giống như người nông dân tìm được luống khoai ngon và hý hửng mang về, hôm sau cả làng sẽ vác mai đi đào bằng hết.
“Thấy người ăn khoai vác mai đi đào” là câu chuyện xuất phát từ nông thôn, kể về đặc tính của người dân thôn dã. Nhưng điều đó luôn đúng và đúng một cách bền vững đối với người Hà Nội. Cũng phải thôi, người Hà Nội trước sau đều về đây từ những miền thôn dã, lai kinh cùng họ hàng, thân hữu sau những biến cố chốn cung đình. Họ về Hà Nội, mang theo những tập tính tốt, xấu nơi quê hương của mình.
Những tập tính xấu, ở quê xưa đôi khi bị kiềm chế bởi làng nước trông vào. Nhưng ở chốn kinh kỳ, đất chín người mười làng thì lo chi làng nước.
(Theo An ninh Thủ đô) Phạm Trung Tuyến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét