Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

Lo tiền trôi sông

Cập nhật lúc 08:33
    
Phải công nhận Hà Nội nhiều năm qua khá nỗ lực trong tìm ra các giải pháp chống ùn tắc giao thông và tăng lượt, chuyến vận tải công cộng bằng xe buýt trong nội đô.
Dù được đánh giá là đã có những bước tiến ban đầu trong việc tăng lượng người sử dụng xe buýt nhưng thực tế người dân Thủ đô không mấy mặn mà trong việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng có chi phí khá rẻ này. Đến nay, người sử dụng xe buýt vẫn chủ yếu là người già, sinh viên. Với cán bộ công chức, dân kinh doanh, các tuyến buýt hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu. Thời gian di chuyển quá lâu, chen chúc, chật chội vào giờ cao điểm và chưa thực sự thuận tiện cho người dân... vẫn là những rào cản nhất định.
Cũng khó có thể trách dân khi, với đặc thù đô thị quá nhiều ngõ ngách, thời gian chờ đợi lâu trong các tuyến xe buýt hiện không thể giúp người dân di chuyển thuận tiện đến các khu vực khác nhau của thành phố. Chính vì vậy, dù giá vận chuyển rẻ nhưng đa phần người dân vẫn chọn tự mình lái xe ô tô hay xe máy và chấp nhận đối mặt khói bụi ngột ngạt khi tham gia giao thông để tiết kiệm thời gian và công sức di chuyển.
Cũng có ý kiến hoài nghi số tiền hơn 1.000 tỷ đồng vốn đầu tư với nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới sẽ không phát huy nhiều tác dụng khi tuyến đường dài 14km mà xe buýt nhanh chạy qua là một trong số các tuyến đường có mật độ người tham gia lưu thông đông nhất. Đến nay, không ai dám chắc thời gian lưu thông thực tế của tuyến buýt nhanh có đảm bảo yêu cầu 45 phút/chặng trong bối cảnh người dân Hà Nội đã quá quen với việc tham gia giao thông kiểu “mạnh ai lấy đi”.
Nhiều chuyên gia trong ngành giao thông cho rằng, việc tuyến buýt nhanh đầu tiên chỉ có vận tốc trung bình 30km/h, không xây dải phân cách cứng cho làn đường riêng trong khi người tham giao thông quá đông sẽ khó tránh khỏi việc bị các phương tiện ô tô, xe máy lấn làn làm giảm tốc độ của xe. Như vậy mục tiêu vận chuyển nhanh chắc chắn khó đảm bảo. Còn với phương án duy trì lực lượng thanh tra, cảnh sát giao thông để đảm bảo các phương tiện không lấn làn buýt nhanh vào giờ cao điểm chắc chắn là phương án bất khả thi.
Việc Hà Nội nỗ lực đưa buýt nhanh vào vận hành, trong thời điểm buộc phải hoàn thành dự án theo cam kết với Ngân hàng Thế giới sau gần 10 năm ì ạch triển khai, cũng là nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, với mật độ dân số tăng nhanh trong vài năm trở lại đây trong khi các cao ốc, chung cư liên tiếp đươc xây dựng ngay giữa vùng lõi của thành phố, càng khiến áp lực quá tải giao thông đè nặng lên hệ thống nhiều đường giao thông vốn không được mở rộng từ hàng chục năm qua. Cảnh ùn ứ, tắc đường mỗi khi đến giờ cao điểm thường xuyên như cơm bữa. Dân số tăng nhanh nhưng thành phố đến nay vẫn loay hoay với đủ loại phương án hạn chế phương tiện cá nhân. Bế tắc vẫn hoàn bế tắc mỗi khi các phương án đưa ra lấy ý kiến dư luận lại bị “ném đá” dữ dội.
Bài toán di chuyển nhanh cho người dân Hà Nội chỉ có thể được giải chừng nào lãnh đạo thành phố làm được việc đầu tiên là tạm ngừng để hàng loạt chung cư, nhà cao tầng mọc lên trong các quận trung tâm đồng thời đẩy mạnh phát triển các phương tiện công cộng đi đôi với hạn chế xe ô tô, xe máy cá nhân cũng như tăng cường mở rộng thêm đường. Còn nếu không các dự án nghìn tỷ, phát triển vận tải bằng buýt nhanh có thể sẽ lại sớm muộn trôi sông.
(Theo Tiền phong) Phạm Tuyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét