5 triệu tỷ đồng đang “chôn” ở doanh nghiệp nhà nước
Cập nhật lúc 10:04
Chiều
6/12, chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh
nghiệp nhà nước (DNNN), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn cho rằng, việc
“chôn” đến 5 triệu tỷ đồng ở các DNNN đã khiến cho nợ công, nợ xấu tăng cao.
Do đó, tới đây, nếu bộ trưởng và lãnh đạo các doanh nghiệp không thực hiện cổ
phần hóa (CPH) theo lộ trình sẽ bị xử lý nghiêm.
Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, lãnh đạo các doanh nghiệp nhà
nước phải thực hiện nghiêm lộ trình sắp xếp, đổi mới, CPH. Ảnh: Văn Kiên
Ads by Adsia
Hạ giá doanh
nghiệp vì nhóm lợi ích
Theo ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, sau 15 năm sắp
xếp lại theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 3 khóa 9, DNNN đã giảm mạnh từ
6.000 xuống còn 718 DN.“Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thúc đẩy sự
cạnh tranh bình đẳng, tạo môi trường lành mạnh cho mọi thành phần kinh tế
phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp khu vực tư nhân”, ông Hà nói.
Tuy vậy, ông Hà cho biết, dù đã giảm mạnh về số lượng nhưng DNNN và DN
do Nhà nước giữ cổ phần chi phối, đặc biệt là tập đoàn kinh tế, tổng công ty
nhà nước vẫn còn nhiều. Một số DNNN tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao. Theo
báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty thì hệ số nợ phải trả trên
vốn chủ sở hữu bình quân năm 2015 là 1,23 lần. Đồng thời còn tình trạng lãng
phí, thất thoát nguồn lực trong khai thác, chế biến, xuất khẩu tài nguyên,
khoáng sản, trong đầu tư xây dựng cơ bản.
“Bộ, ngành
nào, Chủ tịch, Tổng giám đốc tập đoàn, tổng công ty nào làm chậm, làm thất
thoát, tư tưởng không làm theo lộ trình đã phê duyệt thì phải đuổi thôi”.
Thủ tướng
Nguyễn Xuân
Phúc
Theo
ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dệt may Việt Nam, việc CPH chậm
là do tâm lý người đứng đầu DNNN muốn “làm ông chủ giả”, xài vốn nhà nước
khỏe hơn ông chủ thật bỏ tiền ra để kinh doanh”. Bởi chỉ cần bảo toàn vốn là
được nên không cần phải đẩy nhanh CPH để “chiến đấu” với thương trường...
Ông Nghị cũng thẳng thắn
đưa ra cảnh báo về tình trạng “làm xấu doanh nghiệp đi để bán giá thấp cho
nhóm lợi ích. “CPH cũng như bán một cái nhà, trước khi bán cần phải chống
thấm, chống dột, chỉnh trang để đẹp hơn và bán được với giá cao nhất. Tuy
nhiên, thực tiễn lại có DNNN cố tình “làm cái nhà xấu đi” để bán giá
thấp cho nhóm lợi ích...”, ông Nghị cảnh báo.
Ông Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng chỉ ra một thực
tế, trước đây khi triển khai CPH, Chính phủ các bộ, ngành đều nói “anh
nào không làm được thì thay” nhưng rồi cũng chưa thực hiện được. “Thay người
thì khó nên tôi đề nghị thực hiện theo cách, nếu cấp trưởng nào thực hiện
chậm thì bàn giao để cho cấp phó làm CPH. Chứ nói thật, thay lãnh đạo thì ở
mình cũng khó lắm, không dễ”, ông Hiếu nói. Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đề nghị khi lựa chọn
lãnh đạo vào các DNNN, cần phải chọn những người có đạo đức, chuyên môn.
Xử lý nghiêm
cán bộ chậm cổ phần hóa
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa
DNNN là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhưng kết quả đạt được còn rất hạn chế,
mới CPH được số vốn 8%, còn 92% số vốn của nhà nước vẫn nằm trong các DNNN.
Trong khi báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, 350 doanh nghiệp sau khi được
CPH, kết quả, lợi nhuận, nộp ngân sách đều tăng…
Điều đó cho thấy, việc CPH, sắp xếp DNNN tạo ra lợi ích rất lớn. “Hiệu
quả rõ ràng như vậy mà sao chúng ta cứ ngại, chúng ta không làm. Chúng ta cứ
để mãi như vậy thì không biết đến bao giờ sắp xếp, CPH thành công được DNNN.
Cái chúng ta cần phải tích cực sắp xếp, đổi mới DNNN đúng lộ trình, đúng cách
làm để thay đổi quản trị doanh nghiệp, tạo môi trường minh bạch, công bằng,
tạo niềm tin cho doanh nghiệp tư nhân cùng phát triển mạnh mẽ”, Thủ tướng
nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng chia sẻ rằng, tài sản và vốn ở DNNN theo báo cáo là còn
đến hơn 5 triệu tỷ đồng. Trong khi nợ công của đất nước rất cao, cần huy động
vốn xã hội vào đầu tư, cần tiền làm việc khác, nhất là đầu tư xây dựng các
công trình hạ tầng quan trọng, thông qua huy động vốn xã hội. “Vậy vì sao một
chính sách tốt như vậy chúng ta lại không làm? Chúng ta cần thống nhất, lộ
trình và kiên quyết thực hiện”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân khiến cho việc sắp xếp,
đổi mới, CPH DNNN chậm trễ là do còn vướng mắc về thể chế và cách làm. Tuy
nhiên cái mắc lớn nhất được Thủ tướng chỉ ra là lợi ích và động lực. “Lợi ích
cục bộ chính là rào cản lớn đối với tiến trình CPH, chưa tạo động lực để đẩy
mạnh việc CPH.
Chưa kể đến tư tưởng của các Bộ là không muốn CPH, chậm CPH để dễ quản
lý, dễ tăng lương, dễ làm những việc này, kia. Chưa kể giữ lại để dễ huy
động. Hôm nay tôi có khách này, ông DNNN à, đãi ngộ cho tôi. Chứ cái ông đã
CPH rồi thì còn lâu mới có việc đó”, Thủ tướng nói.
Do đó Thủ tướng đề nghị phải tạo ra môi trường cạnh tranh cả đầu vào,
đầu ra trong khu vực DNNN. Vì thực tế, lâu nay DNNN không có động lực, hoạt
động ít cạnh tranh, ít phải tìm đầu vào, đầu ra. “Khu vực DNNN phải nhỏ đi,
nhưng từng DNNN phải mạnh và hiệu quả phải cao hơn. Giảm quy mô nhưng hiệu
quả tăng lên, vốn phải được bảo toàn phát huy tác dụng tốt hơn”, Thủ tướng
nói và khẳng định: “Ngân sách khó khăn như thế mà cứ chôn vốn vào đây thì nợ
công, nợ xấu không tăng lên sao được”.
Thủ tướng khẳng định tới đây sẽ giao trách nhiệm cá nhân các bộ
trưởng, bộ ngành, địa phương phải thực hiện được lộ trình về sắp xếp, đổi
mới, CPH DNNN như quyết định đề ra. “Bộ, ngành nào, Chủ tịch, Tổng giám đốc
tập đoàn, tổng công ty nào làm chậm, làm thất thoát, tư tưởng không làm theo
lộ trình đã phê duyệt thì phải đuổi thôi.
Các đồng chí không làm
thì phải đuổi các đồng chí thôi”, Thủ tướng khẳng định đó là thái độ cương
quyết, rõ ràng. Ngoài ra Thủ tướng cũng lưu ý, việc CPH phải bán đúng giá trị
thị trường, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, nhất là vấn đề liên quan
đến đất đai. Không để xảy ra tình trạng, bán mấy héc ta đất có giá trị rất
lớn mà chỉ được vài chục tỷ đồng.
(Theo
Tiền phong) Văn Kiên
|
Thứ Tư, 7 tháng 12, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét