Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2016

USD tăng vọt, NDT giảm kỷ lục: Mối đe dọa cuối năm


Cập nhật lúc 08:47

Đồng USD Mỹ tăng dữ dội sau “cơn bão” Donald Trump và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc xuống mức thấp nhất 6 năm qua… đang tiềm ẩn rủi ro lớn đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.

 “Cơn bão” Donald Trump
Trong khi cả thế giới cũng như các nhà đầu tư và doanh nghiệp Việt Nam chưa hết lo ngại về những diễn biến bất thường từ thị trường Mỹ và châu Âu trong vài tháng gần đây, từ cú sốc Brexit đến cơn địa chấn “Donald Trump” thì một cơn bão mới đang hình thành.
Trong phiên giao dịch ngày 11/11, đồng Nhân dân tệ (NDT) đã được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ấn định giảm phiên thứ 6 liên tiếp, giảm tổng cộng 1% so với cuối tuần trước xuống mức: 6,8115 NDT đổi 1 USD.
Trong phiên liền trước, thời điểm ông Trump trúng cử tổng thống Mỹ, với biên độ dao động +/-2%, đồng NDT trên thị trường thế giới có lúc giảm xuống dưới ngưỡng 6,8 NDT đổi 1 USD và là mức thấp nhất trong hơn 6 năm qua.
 USD tăng vọt, NDT giảm kỷ lục: Mối đe dọa cuối năm
Đồng NDT xuống mức thấp nhất 6 năm so với USD.
Như vậy, so với thời điểm cú sốc và cũng là bước ngoặt lịch sử chuyển đổi cơ chế tỷ giá giữa năm 2015, đồng NDT hiện nay đã rớt giá thêm rất nhiều. Trước đó, trong 3 ngày từ 11-13/8/2015, PBoC đã 3 lần hạ tỷ giá tham chiếu lần lượt là 1,9%, 1,6% và 1,1%, đưa đồng NDT giảm tổng cộng gần 5% xuống còn 6,45 NDT/USD, mức thấp kỷ lục trong suốt 4 năm trước đó.
Tính từ thời điểm đó tới nay, NDT đã giảm dần đều và mất tổng cộng thêm khoảng 5,5% và chỉ ngừng giảm trong vài khoảng thời gian ngắn ngủi trong các nỗ lực Trung Quốc đưa đồng tiền này vào rổ tiền tệ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Đồng NDT được dự báo sẽ tiếp tục mất giá “cả trong và ngoài nước” trong thời gian tới, kể cả nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thực thi các chính sách thương mại cứng rắn với Trung Quốc. Trước đó, trên CNN Money, một giả thuyết đã được đưa ra cho rằng, Trung Quốc giảm giá mạnh đồng NDT như một biện pháp kích thích kinh tế. Đây là cách nhanh nhất để hồi sinh các nhà máy sản xuất trong nước.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cho rằng, đồng NDT đang giảm mạnh trong khi VND không biến động nhiều so với USD. Điều này bất lợi cho Việt Nam vì hàng Trung Quốc sẽ càng ngày càng trở nên rẻ hơn khi nhập khẩu vào Việt Nam, và hàng Việt Nam bán sang Trung Quốc sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Đây là áp lực lớn đối với đồng VND.
Trên thực tế, tỷ giá USD/VND gần như không biến động trong nhiều tháng qua, chỉ xoay quanh ngưỡng 22.290 đồng (NH mua) và 22.370 đồng (bán), thậm chí còn giảm so với hồi cuối năm 2015.
Trước đó, ngay từ đầu năm, nhiều CTCK đã bày tỏ quan ngại với ẩn số Trung Quốc, đặc biệt là xu hướng phá giá đồng tiền nước này. Nếu đồng VND không giảm theo thì xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước sẽ gặp khó còn, còn ngược thì nhiều người lo ngại về sự mất ổn định và dòng tiền ngoại có thể rút ra khỏi TTCK.
Cú sốc cho doanh nghiệp Việt?
Đánh giá về khả năng biến động tỷ giá, ông Huỳnh Minh Tuấn, trưởng phòng mối giới chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect cho rằng, USD/VND sẽ không biến động nhiều do cán cân thanh toán của Việt Nam khá tốt, dự trữ ngoại hối cũng khá cao (hơn 40 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay). 
 USD tăng vọt, NDT giảm kỷ lục: Mối đe dọa cuối năm
Những chính sách thương mai trong tương lai của Trump có thể ảnh hưởng
tới thế giới.
TS. Hiếu cũng thừa nhận thanh khoản USD hiện vẫn tốt, không có dấu hiệu căng thẳng. Nhưng với đà mất giá của đồng NDT (NHTW Trung Quốc đang dần thả nổi NDT) thì có thể đồng VND sẽ phải điều chỉnh đối với USD để hỗ trợ xuất khẩu.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, trong thời gian qua, nhiều đồng tiền giảm rất mạnh, không chỉ NDT mà còn bảng Anh, Euro và gần đây nhất là Peso của Mexico… đều sụt giảm. Đà giảm giá có thể còn tăng lên sau khi ông Trump thực hiện các cam kết giảm thuế, ưu tiên giành suất lao động nhiều hơn cho dân Mỹ…
Trong một thế giới mà đa số các nước thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua đẩy mạnh xuất khẩu, hiện tượng một số đồng tiền đang giảm giá rất nhanh sẽ khiến cho nhiều nước đứng ngồi không yên. Cường quốc duy nhất đang chứng kiến đồng tiền của mình mạnh lên chính là Mỹ.
Mặc dù vậy, xuất khẩu vào nước này trong thời gian tới có thể sẽ ngày càng khó khăn. Nếu như trước kia, Mỹ áp đặt các hàng rào phi thuế quan thì dưới thời Donald Trump nhiều khả năng vị tổng thống này sẽ thực hiện chính sách bảo hộ mậu dịch cực đoan.
Để giải bài toán này, theo ông Hiếu, việc xem xét lại tỷ giá USD/VND là cần thiết. Mức độ điều chỉnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tốc độ giảm giá của đồng NDT, quyết định của Fed trong tháng 12 và tình hình địa chính trị ở một số nơi trên thế giới. Mức điều chỉnh có thể đâu đó khoảng 1%.
Còn về khả năng bảo hộ mậu dịch cực đoan của Mỹ, theo ông Hiếu, thì Việt Nam cũng cần phải “Quid pro quo” (ăn miếng trả miếng). Việt Nam cũng cần nhập khẩu hàng Mỹ nhiều hơn để đổi lấy những “quotas” xuất khẩu hàng Việt Nam sang Mỹ.
Cũng theo ông Hiếu, chiến thắng của ông Trump là điều bất ngờ và nhiều người lo ngại ông Trump sẽ đưa nước Mỹ vào một "trật tự thế giới" mới, trong đó toàn sự đối đầu và phân hóa. Những phản ứng của thị trường tài chính trong vài ngày qua cũng là bất thường, theo chiều hướng yêu kẻ bảo thủ và ghét kẻ cấp tiền. Và đó là lý do tại sao mọi người cần phải “tighten your seat belt (thắt dây an toàn lại)”.
(Theo Vef.vn) M. Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét