Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016

Địa phương xin Trung ương “giải cứu” cho các khoản chi “tiếp khách”


Cập nhật lúc 09:45  

Câu chuyện “nợ tiền tiếp khách” không phải là kinh điển, nó tồn tại ở nhiều địa phương trong cả nước, với số tiền từ vài chục, vài trăm triệu đến vài tỷ đồng, từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực.
Vụ “điều nữ giáo viên đi hầu rượu” vẫn chưa ngã ngũ, bởi một bên cho là tự hào chính đáng vì nhiệm vụ chính trị, bên còn lại nhận định rằng việc đó là không nên, là thiếu chuyên nghiệp, thậm chí là phản giáo dục. Từ câu chuyện này, nó liên quan đến một “nỗi khổ” khó nói của mà nhiều doanh nghiệp, nhiều cấp chính quyền cơ sở luôn phải đối diện đó chính là vấn nạn tiếp khách, bồi dưỡng,...
Văn hóa "chơi được"
Văn hóa người Việt, hình như quá hiếu khách, trọng lý thì ít mà trọng tình thì nhiều, đã thế, từ lâu lại sống quen với “cơ chế xin cho”, nặng tư duy ban ơn và đền nghĩa, đánh giá sự chân tình trong mọi mối quan hệ giao tiếp bằng thái độ “chơi được”, và cụ thể thực tế cái sự “chơi được” trên bàn tiệc… đã khiến cho nhiều doanh nghiệp, nhiều cơ quan công quyền phải bấm bụng mếu máo, dở khóc dở cười vì nan giải bài toán kinh phí.
Nhớ lại tháng 09 vừa qua, một văn bản do ông Bùi Hữu Uyển – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hải Dương ký khiến cộng đồng mạng buồn cười nhưng cũng đành “ngậm ngùi” theo. Rằng “dù đã cố gắng tiết kiệm, nhưng do có quá nhiều đoàn đến thăm vào một thời gian ngắn, đơn vị không đủ kinh phí để đón tiếp, Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy Hải Dương còn nợ số tiền là 310 triệu đồng mà không có nguồn để chi trả”.
Địa phương xin Trung ương “giải cứu” cho các khoản chi “tiếp khách”
Câu chuyện “nợ tiền tiếp khách” ở trên không phải là kinh điển, nó tồn tại ở nhiều địa phương trong cả nước, với số tiền từ vài chục, vài trăm triệu đến vài tỷ đồng, từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực. Tra mạng, bạn đọc có thể dễ dàng biết được thông tin tài khoản rỗng của Thành ủy Bạc Liêu lúc bàn giao nhiệm kỳ vào năm ngoái, hay có thể biết được ở Cà Mau, một chủ quán đòi đốt trụ sở UBND xã vì cán bộ nợ tiền tiếp khách… gần 50 triệu đồng.
Rồi theo dõi vụ Trịnh Xuân Thanh đang là tâm điểm của dư luận cả nước, bạn đọc sẽ kinh ngạc với khái niệm lập “quỹ đen” lên đến 80 tỷ đồng để tiếp khách, chi tiền sinh nhật cho bố sếp Thanh hơn nửa tỷ đồng, lái xe chi tiền tiếp khách gần 1,2 tỷ đồng…
Như vậy, rõ ràng vấn nạn tiếp khách và nợ tiền tiếp khách đang khiến nhiều địa phương đau đầu, nhất là những địa phương có ngân sách eo hẹp, hàng năm trung ương buộc phải rót vốn về. Mà đâu chỉ xét riêng việc tiệc tùng ăn uống, còn phải cử người ra đón, chi phí nhà nghỉ, chuẩn bị quà cáp mang về, khách đi cả đoàn thì phải chu đáo cho cả đoàn. Thậm chí, nhiều quan khách còn thiếu tế nhị dẫn thêm thân nhân, người quen khiến cho cái khó xử ấy… lại càng thêm khó xử. Đó là chưa kể đến những vấn đề về tệ nạn xã hội, về vi phạm đạo đức xảy ra khi “cuộc vui” đã bị rượu bia làm… tê tê say say.
Tư duy tiền chùa
Có rất nhiều nguyên nhân để giải thích hiện tượng lãng phí ngân sách công kể trên. Nhưng, cái mà dư luận nghi ngờ nhất, lên án nhất vẫn là tư duy xài tiền chùa, của công không ai xót, chi tiêu vô tội vạ… của các công vụ, quan vụ có thẩm quyền, lấy cớ “trao đổi kinh nghiệm” thì ít mà “liên hoan văn nghệ” thì nhiều… khiến tiền thuế dân càng ngày lại càng thêm thâm hụt.
Mặc dù Bộ Tài chính đã có những quy định điều chỉnh kịp thời và rõ ràng, nhưng vấn nạn tiếp khách đã khiến cho nhiều kế toán viên phải khổ sở, động não lách luật hết cỡ, nếu chịu khó vào các diễn đàn tài chính, câu hỏi được trao đổi nhiều nhất vẫn là “làm thế nào để hợp thức hóa hóa đơn tiếp khách, khoản chi phong bì, khoản chi bồi dưỡng…”
Cụ thể mới đây, ngày 14/11, công ty Công nghiệp hóa chất Trung Trung bộ có trụ sở tại Đà Nẵng đã bị tiến hành kiểm tra bởi sai phạm về mua hóa đơn thanh quyết toán, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Thể hiện rõ nhất là những hóa đơn VAT hầu hết ghi “tiếp khách ăn uống” nhưng trớ trêu thay đơn vị xuất hóa đơn lại kinh doanh mặt hàng ốc vít, bu-lông…
Từ lâu, có một lời đồn truyền khắp cả nước rằng nước Việt có tới hai “mùa thu”, một mùa thu theo nghĩa đen thì rất đẹp, “mùa thu” còn lại theo nghĩa bóng, rất tiêu cực, thường xảy ra vào dịp cuối năm Tết đến, mùa của tiếp khách, của văn hóa phong bì, quà cáp biếu xén…
Tháng 04 năm nay, tại lễ công bố Báo cáo kinh tế Việt Nam quý 1-2016 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức, các chuyên gia kinh tế đều bày tỏ lo ngại lãi suất và lạm phát năm nay sẽ tăng cao bởi nguyên nhân chính là do thâm hụt ngân sách quá lớn, thu không đủ chi cộng với áp lực trả nợ công. Và vấn nạn tiếp khách, nợ tiền tiếp khách tràn lan ở mọi cấp nếu không kiểm soát được sẽ góp phần tô đen thêm bức tranh ngân sách vốn đã ảm đạm này.
Quốc hội đang họp, hy vọng QH cùng CP thực hành tiết kiệm, đưa bài toán tiết kiệm vào nghị trường như một quyết sách quan trọng hàng đầu, để đất nước mình mỗi năm chỉ có một mùa thu, đẹp và đúng nghĩa.
(Theo TuanVietNam) Minh Phước

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét