Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

Không có sự lựa chọn khác cho Bộ trưởng Trần Tuấn Anh?

Cập nhật lúc 08:19 
  
Vụ việc của ông Vũ Huy Hoàng dù có kết quả như thế nào thì rồi cũng sẽ phải qua đi. Vấn đề quan trọng bây giờ và cả lâu dài là xử lý những hậu quả mà ông này để lại cho ngành công thương nói riêng, cho nền kinh tế đất nước nói chung.
 

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Có lẽ cũng cần nhắc lại, “di sản” mà ông Vũ Huy Hoàng để lại nghiêm trọng như thế nào.
Về tổ chức, đó là sự bổ nhiệm “đúng qui trình” nhưng “đậm mùi o bế cháu con”. Không ít cán bộ kém tài, thiếu đức đã được “đôn” lên những vị trí rất cao mà Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy… là những điển hình.
Về chính sách phát triển kinh tế, không ít những rào cản mà điển hình là Thông tư 37 vừa bị bãi bỏ qui định mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may khiến các doanh nghiệp lĩnh vực này mất hàng ngàn tỉ đồng/năm là một ví dụ nhỏ.
Đối với đời sống xã hội, là tình trạng ô nhiễm từ các nhà máy, khu công nghiệp và phá vỡ môi trường từ các công trình thủy điện, nhất là khối tài sản 30.000 tỉ đồng đầu tư vào những dự án “đắp chiếu”, gây tổn hại vô cùng lớn cho nền kinh tế đất nước.
Không chỉ thế, những khuyết điểm trên còn ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương, gây bức xúc trong xã hộị…
Vì thế, Quốc hội vừa phải ban hành Nghị quyết phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng.
Giờ đây, vụ việc của ông Vũ Huy Hoàng dù có kết quả như thế nào chăng nữa, rồi cũng sẽ phải qua đi. Vấn đề quan trọng lúc này là xử lý những hậu quả mà ông này để lại cho ngành công thương nói riêng, cho nền kinh tế đất nước nói chung.
Có lẽ chính vì điều đó cộng với nhận thức “Công tác cán bộ là then chốt của then chốt – Hồ Chủ tịch”, hiện nay, Bộ Công Thương đang có một cuộc “cách mạng” về công tác tổ chức. Bằng một cuộc “Diên Hồng", Bộ đã lấy ý kiến mọi cán bộ trong cơ quan về kiện toàn bộ máy cho phù hợp theo hướng tinh gọn, tránh sự cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.
Trên cơ sở đó, Bộ sẽ cắt giảm từ 35 đầu mối xuống chỉ còn 28 đầu mối. Điều này đồng nghĩa với một loạt cán bộ cấp vụ và tương đương sẽ được điều chuyển công tác khác.
Đây có thể được coi như “cuộc cách mạng” về nhân sự, đòi hỏi một quyết tâm rất cao, một bản lĩnh chính trị kiên định và cả sự dũng cảm của người đứng đầu nên rất đáng hoan nghênh như lời ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT T.Ư: “Tôi thấy việc Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thực hiện kiện toàn cấu trúc, tinh giản bộ máy là tin mừng, hoan nghênh Bộ trưởng Trần Tuấn Anh”.
Tuy nhiên, đây là cuộc xử lý tầm qui mô bởi trước đó, ngay khi mới nhậm chức, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã cho thay 4 ghế lãnh đạo cấp vụ khá quan trọng là Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ và Trợ lý Bộ trưởng.
Song, xem xét một cách công bằng thì đây cũng là việc bắt buộc phải làm bởi như đánh giá ở trên, những bê bối tại Bộ Công Thương dưới thời Bộ trưởng Hoàng là rất trầm trọng. Trong khi đó, Bộ này lại có vai trò vô cùng to lớn trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Vì thế, có lẽ Bộ trưởng Trần Tuấn Anh không còn con đường nào khác là phải làm một cuộc “cách mạng” ẩn chứa nhiều áp lực này.
Chỉ mong rằng lãnh đạo Bộ mà đứng đầu là Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lựa chọn được “đúng người, đúng việc với tiêu chí công khai minh bạch, tìm ra người tài đức, không chọn người nhà, người dám làm, dám chịu trách nhiệm và đảm bảo không ai phải chạy chọt để xin xỏ chức quyền, ai là người có năng lực sẽ được Bộ trưởng tìm đến và giao trọng trách” như một vị đại diện của Bộ đã từng trả lời phỏng vấn trên Dân trí.
(Theo Dân trí) Bùi Hoàng Tám

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét