Bộ Chính
trị: "Chỉ vay trong khả năng trả nợ"
Cập nhật lúc 07:12
Quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết vừa ban hành đó là
chỉ chi trong khả năng của nền kinh tế và chỉ vay trong khả năng trả nợ; siết
chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách Nhà nước, tăng cường công khai,
minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp, hạn chế và tiến tới xoá bỏ
cơ chế "xin - cho".
Nợ
công và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn
nguy cơ mất an toàn
Quản lý nợ công
còn hạn chế, yếu kém
Bộ Chính trị
vừa ban hành nghị quyết về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà
nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Nghị quyết đánh
giá, trong những năm qua, công tác tài chính - ngân sách Nhà nước và quản lý
nợ công đã có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế
- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội,
xử lý các vấn đề cấp bách về thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó
với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, bên
cạnh kết quả đạt được, công tác tài chính - ngân sách Nhà nước và quản lý nợ
công vẫn còn hạn chế, yếu kém. Cụ thể, quy mô thu ngân sách so với tổng sản
phẩm trong nước (GDP) giảm nhanh, cơ cấu thu chưa hợp lý, thiếu bền vững; các
nguồn lực đất đai, tài nguyên, công sản chưa được huy động, quản lý và sử
dụng có hiệu quả; tình trạng trốn thuế, thất thu và nợ thuế còn nghiêm trọng.
Nhu cầu chi
ngân sách không ngừng tăng, vượt khả năng cân đối nguồn lực; thu không đủ
chi, tích lũy ngân sách cho đầu tư phát triển thấp. Cơ cấu chi ngân sách chưa
hợp lý, tỉ trọng chi thường xuyên tăng cao, chi đầu tư phát triển giảm; tỉ
trọng chi ngân sách Trung ương giảm, chi ngân sách địa phương tăng. Cân đối
ngân sách Nhà nước khó khăn, bội chi cao, phải vay đảo nợ; nhiều địa phương
chưa có khả năng cân đối ngân sách và điều tiết về ngân sách Trung ương.
"Nợ công
và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy
cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ", Nghị quyết nêu. Bên
cạnh đó, nợ đọng xây dựng cơ bản và ứng trước ngân sách còn lớn; việc quản
lý, sử dụng vốn vay còn bất cập; thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân
đối nghĩa vụ trả nợ. Việc sử dụng ngân sách và vốn đầu tư công còn lãng phí,
thất thoát, kém hiệu quả.
Nguyên nhân chủ
quan là chủ yếu
Bộ Chính trị
đánh giá, những hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan do những
khó khăn, yếu kém của nền kinh tế nước ta và những tác động của tình hình
kinh tế thế giới, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Theo đó, nhận
thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa đối với lĩnh
vực tài chính - ngân sách Nhà nước và quản lý nợ công chưa đầy đủ, thống
nhất, dẫn đến đổi mới, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách chưa quyết
liệt, thiếu nhất quán, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Hệ thống quản
lý phí, thuế còn nhiều bất cập; chính sách giá đối với nhiều loại hàng hoá,
dịch vụ công thiết yếu chưa theo cơ chế thị trường, còn bao cấp, trợ cấp, trợ
giá, hỗ trợ chi phí khá lớn.
"Ý thức
chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm; việc thực hiện nghĩa vụ thu, nộp
ngân sách và quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế, yếu kém;
chưa chủ động, tích cực khai thác các nguồn lực; còn bị động, trông chờ, ỷ
lại sự hỗ trợ từ ngân sách", Nghị quyết nêu.
Cùng với đó là
việc thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng
còn chậm và chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Khu vực sự nghiệp công lập đổi
mới chậm và còn nhiều bất cập; việc thực hiện chủ trương khuyến khích xã hội
hoá, thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính chưa đạt yêu cầu.
Việc ban hành
và thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương là cần
thiết, nhưng cũng làm tăng nhanh chi thường xuyên. Chức năng, nhiệm vụ quản
lý ngân sách nhà nước, quản lý đầu tư công, nợ công, còn chồng chéo, chưa gắn
trách nhiệm cân đối ngân sách, vay và trả nợ với việc phân bổ, sử dụng vốn
đầu tư công.
Kỷ cương, kỷ
luật tài chính còn bị buông lỏng; công tác thanh tra, kiểm tra còn nhiều bất
cập; chế tài xử lý vi phạm chưa nghiêm. Công tác nắm tình hình, phân tích, dự
báo còn nhiều hạn chế.
Trần nợ công từ 65% GDP sẽ rút xuống còn
60% GDP vào năm 2030
Đến năm 2030,
trần nợ công là 60% GDP
Tại Nghị quyết
này, Bộ Chính trị đặt mục tiêu, tỉ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước giai
đoạn 2016 - 2020 bình quân khoảng 20 - 21% GDP, phấn đấu tổng thu ngân sách
bằng khoảng 1,65 lần giai đoạn 2011 - 2015.
Trong tổng thu
ngân sách Nhà nước, tỉ trọng thu nội địa khoảng 84 - 85%, tỉ trọng thu dầu
thô và thu xuất nhập khẩu khoảng 14 - 16%; tỉ trọng thu ngân sách Trung ương
60 - 65%. Sau năm 2020, tỉ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước so với GDP được
duy trì ở mức ổn định, hợp lý.
Tỉ lệ chi ngân
sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 bình quân khoảng 24 - 25% GDP. Trong tổng
chi ngân sách nhà nước, tỉ trọng chi đầu tư phát triển khoảng 25 - 26%; tỉ
trọng chi thường xuyên dưới 64%; ưu tiên bảo đảm chi trả nợ, chi dự trữ quốc
gia. Sau năm 2020, quy mô chi xác định phù hợp với mục tiêu phát triển kinh
tế - xã hội, khả năng cân đối nguồn lực, bảo đảm an toàn nợ công.
Song song với
việc giữ vững an ninh tài chính quốc gia, mục tiêu là phải bảo đảm cân đối
ngân sách tích cực, giảm dần tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020
xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP, hướng tới cân bằng thu -
chi ngân sách nhà nước.
Quy mô nợ công
hằng năm trong giai đoạn 2016 - 2020 không quá 65% GDP, nợ chính phủ không
quá 55% GDP và nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP. Đến năm 2030, nợ
công không quá 60% GDP, nợ chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của
quốc gia không quá 45% GDP.
Chỉ vay trong
khả năng trả nợ
Theo quan điểm
chỉ đạo của Bộ Chính trị, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước và quản lý nợ công
phải đặt trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng
trưởng, bảo đảm hiệu quả, toàn diện, công bằng, bền vững, động viên hợp lý
các nguồn lực.
Thực hành triệt
để tiết kiệm, chống lãng phí; xác định tiết kiệm là quốc sách hàng đầu; chỉ
chi trong khả năng của nền kinh tế và chỉ vay trong khả năng trả nợ.
Siết chặt kỷ
luật, kỷ cương tài chính - ngân sách Nhà nước, tăng cường công khai, minh
bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp về thu, chi ngân sách Nhà nước, sử
dụng vốn vay và xử lý nợ công, hạn chế và tiến tới xoá bỏ cơ chế "xin -
cho".
Kết hợp hài hoà
giữa giải quyết các vấn đề quan trọng, cấp bách với các vấn đề cơ bản, dài
hạn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân
sách Trung ương, phát huy sự chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, địa
phương; thu hút tối đa nguồn lực của xã hội.
Điều chỉnh quan
hệ giữa tích lũy và tiêu dùng, giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát
triển; tiết kiệm chi thường xuyên để tăng tỉ trọng chi đầu tư phát triển, chi
trả nợ trong tổng chi ngân sách Nhà nước và giảm bội chi ngân sách Nhà nước.
Thực hiện huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực ngân sách Nhà nước gắn với các
ưu tiên chiến lược của nền kinh tế.
Nghị quyết cũng
nêu rõ, việc đổi mới công tác quản lý tài chính - ngân sách Nhà nước phải phù
hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, hỗ trợ hiệu quả quá trình hội nhập
kinh tế quốc tế; bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền đất nước.
(Theo
Dân trí) Bích Diệp
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét