Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

Ba kiến nghị của GS Trần Văn Nhung gửi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội

Cập nhật lúc 19:59  


“Tôi rất vui mừng vì vừa được Chủ tịch gửi tặng hoa và thiếp chúc mừng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2016. Thư này đã được gửi theo đường chính thức nhưng tôi xin mạn phép được chia sẻ niềm vui này trên Facebook cá nhân và nhân tiện xin nêu một vài kiến nghị nhỏ…”.

Đây là chia sẻ của GS Trần Văn Nhung (Tổng Thư kí Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT) trong bức thư vừa được ông đăng tải trên trang facebook cá nhân.
Chia sẻ với PV Dân trí vào chiều 22/11, GS cho biết, là công dân Thủ đô đã 51 năm, đây là lần đầu tiên ông nhận được sự ưu ái này từ lãnh đạo của TP Hà Nội. Điều đó khiến ông rất vui và cảm động bởi Chủ tịch là lãnh đạo trẻ nhưng đã có quan tâm sâu sắc tới người công tác trong ngành giáo dục như ông trong ngày lễ Hiến chương Nhà giáo.
 Lẵng hoa và thiệp mừng do Chủ tịch Nguyễn Đức Chung gửi tặng GS Nhung nhân ngày 20/11 (ảnh: Nhân vật cung cấp)
Lẵng hoa và thiệp mừng do Chủ tịch Nguyễn Đức Chung gửi tặng GS Nhung nhân ngày 20/11 (ảnh: Nhân vật cung cấp)
Được sự đồng ý của GS Trần Văn Nhung, Dân trí xin phép được đăng tải toàn văn bức thư gửi Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung:
"Hà Nội, 22/11/2016
Kính thưa Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung,
Tôi rất vui mừng vì vừa được Chủ tịch gửi tặng hoa và thiếp chúc mừng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2016. Tôi xin cám ơn Chủ tịch, xin phép được chia sẻ niềm vui này trên FB và nhân tiện xin nêu một vài kiến nghị nhỏ (thư này cũng đã được gửi theo đường chính thức). Đây cũng là lần đầu tiên, tôi nhận được sự ưu ái này từ lãnh đạo TP Hà Nội, mặc dù đã là công dân Thủ đô 51 năm qua.
Đã nhiều lần tôi tự hào nói với các bạn bè Việt Nam và thế giới rằng Hà Nội là thủ đô duy nhất ở Đông Nam Á có đủ bốn mùa xuân, hạ, thu đông. Vì vậy Thủ đô yêu dấu của chúng ta rất thực tế nhưng cũng rất lãng mạn, nhiều cây xanh có lá đủ bốn mùa, tuy sắc màu có thay đổi, và phái đẹp Hà Nội có cơ hội lý tưởng để biểu diễn đủ kiểu thời trang, ngắn và mỏng về mùa nóng, dài và dày về mùa lạnh, từ những tà áo dân tộc giản dị cho đến những bộ cánh ấn tượng thời hội nhập.
Tôi rất vui mừng với những đổi thay đầy hứa hẹn của Hà Nội trong những năm gần đây, để sớm trở thành Thủ đô văn minh, xanh, sạch, đẹp, xứng với truyền thống người Tràng An thanh lịch. Xin nêu một ví dụ nhỏ: Hàng ngày đi làm, tôi ngắm nhìn hàng cây phượng vĩ mới được trồng đã kịp ra lá xanh giăng khắp Thành phố mà mừng thầm trong lòng. Tôi rất ủng hộ Quỹ “Một triệu cây xanh cho Việt Nam” và tin rằng những hàng cây mau xanh tốt để sớm góp phần che nắng cho bà con và các em học sinh, sinh viên trong những ngày oi bức. Có điều rất hay là cây phượng xanh lá, đỏ hoa vào đúng những ngày hè nóng bỏng nhất, để che bớt nắng gắt. Nó cũng đồng thời nhắc nhở các thầy cô giáo và bố mẹ, hè đến rồi cần phải để cho các em học sinh, sinh viên có được những ngày hè đúng nghĩa, được chơi, được bơi, cơ thể khỏe mạnh, phát triển hài hòa, giàu chất nhân văn. Tôi cũng mong rằng cùng với Quỹ “Một triệu cây xanh cho Việt Nam” sẽ sớm có Quỹ “Một triệu thanh niên tài trí trong thế kỷ XXI cho Việt Nam” để Hà Nội và cả nước có thêm những tài năng trẻ mới. Những cây mới được trồng và những con người mới được đào tạo đầu thế kỷ XXI sẽ vun đắp cho Thủ đô và cả nước trong cả thế kỷ này để vững bước đi lên hội nhập với khu vực và thế giới văn minh, một cách tự tin, bình đẳng, lành mạnh và hiệu quả.
Kính thưa Chủ tịch,
Nhân dịp này tôi cũng xin có vài kiến nghị nhỏ cụ thể gửi Chủ tịch về những đường phố với những hàng cây xanh mới được trồng :
1. Thêm vào cuối các biển chỉ đường phố các số nhà liền kề bên tay trái và tay phải, để, ví dụ, đến ngã tư biết ngay nên rẽ trái hay phải, tiết kiệm thời gian.
2. Nên dành, ví dụ, 5% tổng số đường phố của Thủ đô đặt bằng tên của các danh nhân trên thế giới tiến bộ, để thấy dân tộc Việt Nam biết trân trọng và kế thừa di sản văn minh của nhân loại. Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay việc này càng cần thiết. Xem các thủ đô trên thế giới thường dành bao nhiêu % đường phố cho việc này để ta học tập. Hiện nay ta có rất ít đường phố với tên quốc tế.
3. Sau khi sử dụng đủ các tên Việt Nam, quốc tế tiêu biểu để đặt tên các đường phố, nên chăng đặt tên các phố còn lại bằng cách sử dụng các con số theo tọa độ để dễ nhớ, dễ tìm. Nhiều thành phố hiện đại trên thế giới đã làm như vậy trong thời đại công nghiệp.
Vài ý kiến nhỏ và kỹ thuật này tôi đã đề xuất từ những năm cuối thập niên 1990, khi còn là Ủy viên Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội, nay xin phép được nhắc lại.
Tôi xin kính chúc Chủ tịch và các đồng chí lãnh đạo Thủ đô khỏe mạnh để góp phần tiếp tục lãnh đạo TP Hà Nội phát triển, xứng tầm với một Thủ đô văn hóa một nghìn năm tuổi!
Kính thư,
Trần Văn Nhung".
(Theo Dân trí) Mỹ Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét