Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2016

Hỏi đúng quy trình và những câu trả lời biết trước!

 Cập nhật lúc 07:00    


Quốc hội được quyền chất vấn, Chính phủ bắt buộc trả lời, thế còn những sai sót của Quốc hội thì ai được quyền chất vấn?

Hỏi đúng quy trình và những câu trả lời biết trước!

Trong phiên chất vấn tại hội trường Quốc hội vừa qua, có hai câu hỏi được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu lên là “có hay không lợi ích nhóm trong bổ sung quy hoạch dự án thép Cà Ná - Ninh Thuận?” và “Bộ trưởng có dám hứa rằng nếu để xảy ra vấn đề gì thì Bộ trưởng có từ chức không?

Chắc chắn những người tỉnh táo không ai nghĩ Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sẽ trả lời rằng “có thể có lợi ích nhóm nhưng Bộ chưa phát hiện được…”?

Không chỉ những người quan tâm đến phiên chất vấn mà những người hiểu biết đều có thể thấy, một khi dự án đã được chính quyền tỉnh đề xuất, Bộ Công Thương và Chính phủ đã đưa vào quy hoạch thì câu trả lời sẽ là “không có lợi ích nhóm trong các dự án thép và dự án thép Cà Ná vì phát triển bền vững, không phải câu chuyện đánh đổi môi trường” (Nld.com.vn 15/11/2016).

Một câu hỏi đã biết chắc câu trả lời, vậy hỏi để mà hỏi hay hỏi “theo quy trình”?

Câu hỏi “Bộ trưởng có dám hứa rằng nếu để xảy ra vấn đề gì thì Bộ trưởng có từ chức không?” có gì đó hơi giống như một đại biểu quốc hội đã đề cập đến “văn hóa từ chức” từ mấy năm trước.

Trước khi nêu lên đôi chút băn khoăn về câu hỏi này, người viết muốn nói đến câu chuyện thời sự đang được dư luận quan tâm là việc xử lý nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Cho đến nay, trả lời chính thức truyền thông, các quan chức cả Quốc hội và Chính phủ đều chưa biết phải xử lý ông Vũ Huy Hoàng như thế nào, xử lý kỷ luật hay hình sự?

Nếu xử lý kỷ luật, liệu có thể vận dụng kinh nghiệm của Thành phố Hồ Chí Minh xử lý ông Nguyễn Thành Rum, nguyên giám đốc sở VH-TT&DL thành phố với hình thức “phê bình rút kinh nghiệm” hay vụ ông Trần Văn Truyền với hình thức “cảnh cáo” về phía Đảng, không có hình thức xử lý về phía chính quyền.

Nếu xử lý hình sự thì phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cho đến nay hình như việc này chưa có tiền lệ.
Ngành Tư pháp Việt Nam đã từng có hai vụ án: vụ nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải (liên quan đến đường dây 500 KV Bắc Nam) xảy ra khi ông Hải chưa nghỉ hưu.
Vụ nguyên Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá khởi tố ngày 27 tháng 9 năm 2012 khi ông Giá nghỉ hưu như ông Vũ Huy Hoàng song ông Giá đã chuyển sang làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB.
Tháng 5 năm 2014, ông Trần Xuân Giá được Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tạm đình chỉ vụ án, cho đến nay chưa thấy thông tin về việc xét xử lại?

Hai ông Vũ Huy Hoàng và ông Trần Văn Truyền có chức vụ tương đương và cũng đều đã nghỉ hưu, nếu xử lý hình sự ông Hoàng e là phải xem lại không chỉ ông Truyền mà còn khá nhiều trường hợp đã xử lý trước đây.
Ví dụ trường hợp ông Trương Tấn Thiệu, nguyên Phó bí thư, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Ông này cũng làm trái các quy định của pháp luật trong việc giao đất đối với một số các dự án, thay đổi chủ đầu tư, phương thức đầu tư, cùng một số sai phạm khác gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thu nhiều tỷ đồng của ngân sách, gây dư luận bất bình trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân”. [1]

Hình thức xử lý với ông Trương Tấn Thiệu là cảnh cáo về mặt Đảng và thôi chức về mặt chính quyền, không bị xử lý hình sự dù rằng ông Thiệu “gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thu nhiều tỷ đồng của ngân sách, gây dư luận bất bình trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân”.

Quả là việc xử lý cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu gặp rất nhiều khó khăn song liệu có khó đến mức cả hệ thống chính trị vẫn chưa tìm được hướng xử lý?
Quay lại với câu hỏi “Bộ trưởng có dám hứa rằng nếu để xảy ra vấn đề gì thì Bộ trưởng có từ chức không?”

Thứ nhất, dự án mới chỉ ở giai đoạn khởi động, đưa vào quy hoạch, ngay cả khi đã được Quốc hội phê duyệt(chưa nói nhiều dự án khác duyệt rồi vẫn không được triển khai) thì việc đề cập đến chuyện từ chức của Bộ trưởng liên quan đến Dự án thép Cà Ná e là hơi vội vã.

Thứ hai, giả sử dự án chính thức được duyệt và nhà máy chính thức đi vào hoạt động, thời gian từ nay đến lúc đó sẽ là mấy nhiệm kỳ Bộ trưởng?

Cứ cho rằng thép Cà Ná được phê duyệt “siêu tốc” thì trong nhiệm kỳ hiện tại của Bộ trưởng, chắc chắn nhà máy thép Cà Ná chỉ có thể hoàn thành phần xây dựng cơ bản.

Nếu giai đoạn Bộ trưởng đương nhiệm quản lý không xảy ra sự cố, khi người khác thay thế thì sự cố mới xảy ra, vậy ai sẽ phải từ chức?
Chẳng lẽ một người không còn chức vụ phải viết đơn từ chức hay là Đại biểu tin rằng Bộ trưởng đương nhiệm sẽ còn tại vị nhiều nhiệm kỳ nữa? 
Một số câu hỏi khác dành cho Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ cũng có gì đó mà người nghe cảm thấy khó hiểu.
Khó hiểu về nội dung hỏi và khó hiểu cả về tâm thế người hỏi.

Câu hỏi “Trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc này như thế nào” liên quan đến việc bộ sách giáo khoa công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại được “thí điểm đại trà” tại 48 tỉnh trước khi Nghị quyết 88 của Quốc hội ra đời.

Trách nhiệm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là xử lý những sai sót (nếu có) của bộ sách giáo khoa và các vấn đề liên quan đến pháp lý của việc thí điểm kể từ bây giờ chứ quá khứ là trách nhiệm của người tiền nhiệm, nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.
Bởi thế, cũng có ý kiến tỏ ra băn khoăn khi đại biểu hỏi như vậy.

Chất vấn về thi trắc nghiệm quốc gia tốt nghiệp THPT, một đại biểu nêu ví dụ: “Phòng thi của các cháu chọn ra một bạn học giỏi nhất, sau đó cho sức dầu gió rất nhiều, để khi trả lời trắc nghiệm thì cứ phương án một bạn ấy ho một tiếng, phương án hai thì ho hai tiếng, cả phòng thi sẽ tích theo các phương án mà bạn ấy ho. Trong quy chế thi không ai cấm thí sinh ho. Như vậy đây có phải là phương án tốt hay không?".

Báo Tuoitre.vn viết: “Phần chất vấn của đại biểu Nga đã khiến cả nghị trường cười ồ”. [3]

Tại sao lại cười ồ? Tại vì đại biểu này không hiểu thi trắc nghiệm quốc gia khác thi trắc nghiệm mà các cháu thực hiện tại các trường là như thế nào?.

Hình thức thi trắc nghiệm quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2017 đã công bố và giải thích rất rõ, đề thi trắc nghiệm của tất cả thí sinh trong cùng một phòng là không giống nhau (do phần mềm tự động lựa chọn).
Vì đề thi khác nhau nên dù có ho như “đại liên tuột cò” thì cũng chẳng giúp được ai ngoại trừ mất thời gian của chính mình.

Vụ việc hàng chục giáo viên tại Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh bị chính quyền huy động đi tiếp khách cũng có ý kiến đề nghị Bộ trưởng Giáo dục “phải làm thế nào để chấm dứt tình trạng điều giáo viên đi làm tiếp viên”?

Người viết không đồng tình với cách làm phản cảm của UBND huyện Hồng Lĩnh cũng như sự “chấp nhận vui vẻ” của một số cô giáo huyện này.
Người viết cũng nhận thấy một vài từ ngữ mà Bộ trưởng Nhạ sử dụng (vui vẻ) là chưa chuẩn xác và không nên.

Tuy nhiên cần nhận rõ một thực tế là Bộ Giáo dục & Đào tạo không quản lý về nhân sự giáo viên phổ thông, cũng không quản lý kinh phí giáo dục tại địa phương. Bộ Giáo dục & Đào tạo chỉ quản lý chương trình giảng dạy phổ thông theo quy định của Nhà nước.

Bộ Giáo dục & Đào tạo không quản lý người, không quản lý tiền! Vậy nên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chẳng thể làm gì ngoài việc gửi kiến nghị đến lãnh đạo địa phương.

Câu chất vấn này đúng ra phải dành cho Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh hoặc Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chứ không phải Bộ trưởng Giáo dục.

Đa số Bộ trưởng mới nhậm chức chưa đầy một năm, đó là khoảng thời gian đầy biến động trong nước và quốc tế: vụ biển miền Trung bị đầu độc, vụ kiện Biển Đông, vụ lũ lụt tại miền Trung, hạn hán tại đồng bằng Nam Bộ…

Nói một cách công bằng, trách nhiệm của các Bộ trưởng trước hết là thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên cương vị mới đảm nhận, đồng thời phải xử lý sự cố (nếu có) mà các vị tiền nhiệm để lại.

Song không vì thế quy trách nhiệm cho Bộ trưởng đương nhiệm về sai lầm của người tiền nhiệm hoặc những vấn đề mà Bộ không liên quan.

Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn đều hạn hẹp và do đó một số câu hỏi, câu trả lời đã làm mất khá nhiều thời gian của Quốc hội. Liệu có nên duy trì hình thức chất vấn như hiện tại?

Quốc hội được quyền chất vấn, Chính phủ bắt buộc trả lời, thế còn những sai sót của Quốc hội thì ai được quyền chất vấn?

Liệu có nên tổ chức phiên chất vấn ngược, Chính phủ hỏi, Quốc hội trả lời?

Tại nhiều nước, Quốc hội là nơi soạn thảo và ban hành luật, ở nước ta Quốc hội là nơi chờ Chính phủ soạn thảo luật để thẩm định, thông qua.

Có lẽ vì thế các Đại biểu hầu như nặng về chất vấn mà nhẹ về đề xuất, gợi ý giải pháp.

Đặt câu hỏi luôn dễ hơn nghĩ câu trả lời, chất vấn luôn dễ hơn nghĩ và thực hiện công việc.

Đến bao giờ các Đại biểu mới làm đủ chức trách mà nhân dân giao phó, là người theo dõi, giám sát một cách sát sao hoạt động của các cơ quan hành pháp ngay tại cơ sở chứ không phải chờ mấy tháng một lần để nêu câu hỏi tại Hội trường Diên Hồng?

Tuy nhiên, người viết cũng cho rằng về phía Chính phủ, cụ thể là các Bộ trưởng, cần phải gạt bỏ tâm lý nhiệm kỳ, cứ làm đã, nếu có sai sót người kế nhiệm sẽ phải gánh chịu như một vị nguyên Bộ trưởng đã từng “vui vẻ” phát biểu trước Quốc hội.

Một Chính phủ kiến tạo, một Chính phủ hành động đòi hỏi các thành viên Chính phủ không chỉ liêm chính mà còn phải năng động, sáng tạo.
Đặc biệt là cần cảnh giác khi tham mưu, ban hành những chủ trương chính sách có thể có kẽ hở tạo điều kiện cho sự liên kết giữa quan chức và giới kinh doanh bởi “Tế bào Quan Doanh” luôn là tế bào gốc của “nhóm lợi ích”.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/hai-chu-tich-tinh-bi-ky-luat-2389690.html
[2]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Sach-cua-Giao-su-Ho-Ngoc-Dai-den-dau-phay-cung-khong-vo-gia-tri-post172408.gd
[3] http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20161116/tu-lenh-nganh-giao-duc-phung-xuan-nha-tra-loi-chat-van/1219996.html
(Theo Giáo dục VN) Xuân Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét