Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2016

“Tiến sĩ hư danh”, “công trình giải ngân” và “vàng - thau lẫn lộn”!

 

Cập nhật lúc 09:11

 

 Mong rằng các cô, các bác bớt chút thời gian, nghĩ ra những cái giản dị, thực tiễn với cuộc sống, phục vụ cho lao động, sản xuất nhằm “đỡ phần”, “bớt việc” cho mấy bác “hai lúa”, để người nông dân chuyên tâm vào việc gieo trồng, không phải “bận tâm” chế tạo ra máy này, máy nọ…
 

 
(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

“Chất lượng đào tạo tiến sĩ Việt Nam thấp, nguyên nhân do đâu?” là một trong những câu hỏi chính được đặt ra tại buổi tọa đàm “Nâng chất lượng đào tạo tiến sĩ” do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 10/11.
Tại cuộc tọa đàm, nhiều nguyên nhân và giải pháp đã được đưa ra. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga thì có 4 nguyên nhân chính. Thứ nhất là người học động cơ và mục tiêu không phù hợp. Thứ hai là người hướng dẫn nghiên cứu sinh thiếu năng lực. Thứ ba, không chấp hành nghiêm qui chế đào tạo. Thứ tư, quy định hiện hành về mở ngành, quy trình đào tạo, quy định về kinh phí đào tạo không còn phù hợp.
PGS.TS Vũ Lan Anh, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Luật Hà Nội cho rằng điều đầu tiên phải là chất lượng đầu vào và quá trình đào tạo, đánh giá kết quả đầu ra.
GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh GS Nhà nước thì đề nghị cần đòi hỏi những tiêu chuẩn cụ thể, nên bám chặt vào tiêu chí đào tạo tiến sĩ ở khu vực và thế giới. Ít tiến sĩ cũng được nhưng phải chất lượng, không nên chạy theo số lượng.
Song, có lẽ “hấp dẫn” nhất, “thu hút” nhất là ý kiến thẳng băng của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội:
"Tiến sĩ giỏi, giáo sư giỏi, thực tài, được sử dụng đúng, trọng dụng và đãi ngộ thỏa đáng sẽ tạo được động lực cạnh tranh lành mạnh trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, trong đó có việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ. Những tiến sĩ rởm và hư danh sẽ không còn đất để nảy nở và xã hội đào thải. Còn hòa cả làng, nếu đánh đồng bằng cấp năng lực, "vàng thau lẫn lộn" trong sử dụng và đãi ngộ là nguyên nhân sâu xa dẫn đến hiện tượng chất lượng và quy mô lớn đào tạo tiến sĩ hiện nay".
Thực ra, “hấp dẫn” và “thu hút” không phải bởi ý kiến của GS Đức mới mẻ. Cách đây cả thế kỉ, hai nhà thơ đất Thành Nam là cụ Tam nguyên Nguyễn Khuyến và Nhà thơ Tú Xương đã từng viết về những “tiến sĩ rởm”, “tiến sĩ hư danh” mà GS Đức nhắc tới rồi.
Trong bài “Tiến sĩ giấy”, Nhà thơ Tú Xương viết về sự vô danh bằng câu hỏi thảng thốt: “Ông đỗ khoa nào, ở xứ nào - Thế mà hoa, hốt, với trâm, bào?...”.
Sâu sắc và hóm hỉnh, Tam nguyên Nguyễn Khuyến chế giễu thẳng băng loại người không có công trình, tác phẩm, chỉ nhờ “Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng”: “Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai - Cũng gọi ông nghè có kém ai - Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng - Nét son điểm rõ mặt văn khôi”.
Song, những điều GS Đức nói “hấp dẫn” và “thu hút” bởi giờ đây, đã một thế kỉ qua, “tiến sĩ giấy” hình như không giảm đi mà còn gia tăng. Điều này làm đau lòng những nhà khoa học chân chính khi “vàng - thau lẫn lộn”.
Song, công bằng thì người dân không phải không có lý khi đội ngũ những nhà khoa học của chúng ta khá hùng hậu còn những công trình khoa học hình như còn khiêm tốn lắm. Và đó đây, vẫn còn những tiến sĩ giấy “Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai”…
Có một tin vui cho nền khoa học Việt Nam, ngày 10/10 vừa qua, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Giáo sư, Phó giáo sư cho 702 người, bổ sung đáng kể vào đội ngũ khá đông đảo các nhà khoa học Việt Nam.
Trong đó, nổi lên nhiều gương mặt trẻ như Giáo sư Trần Đình Thắng, 41 tuổi (sinh năm 1975), ngành hóa học, Trường ĐH Vinh. Tân PGS Trần Xuân Bách, 32 tuổi (1984). PGS Bách từng tốt nghiệp tiến sĩ loại xuất sắc tại Canada, sau đó là tiến sĩ và được bổ nhiệm chức danh Assistant Professor (PGS dự khuyết) kiêm nhiệm tại ĐH Johns Hopkins, Hoa Kỳ, ngôi trường xếp hạng nhất thế giới về Y tế công cộng. Càng vui hơn, khi PGS Bách tâm sự: “Tôi mong muốn đào tạo các nghiên cứu viên trẻ, tạo ra môi trường khoa học cần thiết để chuẩn bị cho các sinh viên y khoa các kỹ năng học thuật ngay từ những năm đầu của chương trình đào tạo”.
Song, vui mà lo đấy. Lo rằng nhiều nhà này, nhà nọ thế, sao nước mình đến cái đinh ốc vẫn phải đi nhập ngoại. Nhiều GS. TS thế, sao thấy vắng lắm nhưng công trình khoa học tầm cỡ.
Đành rằng việc nghiên cứu khoa học khác với việc chế tạo ra cái máy bóc hành, gặt lúa và càng khác xa với cái việc làm ra chiếc đinh ốc… Song, nhiều nhà khoa học, kỹ thuật mà chẳng lẽ để cái đinh ốc cũng phải đi nhập ngoại?
Vì thế, mong rằng các cô, các bác bớt chút thời gian, nghĩ ra những cái giản dị, thực tiễn với cuộc sống, phục vụ cho lao động, sản xuất nhằm “đỡ phần”, “bớt việc” cho mấy bác “hai lúa”, để người nông dân chuyên tâm vào việc gieo trồng, không phải “bận tâm” chế tạo ra máy này, máy nọ…
Mong hơn nữa, là những công trình thật sự mang tính khoa học, thực sự vì mục đích khoa học chứ không lấy mục đích “giải ngân” làm chính.
Và mong nữa, những nghiên cứu được ứng dụng vào cuộc sống, không phải “cất vào ngăn kéo” hoặc “bê lên nóc tủ”!
(Theo Dân trí) Bùi Hoàng Tám

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét