Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

 Chất vấn và "sợi dây" trách nhiệm

Cập nhật lúc 14:25
Một trong những mục đích của chất vấn là để làm rõ trách nhiệm...
 Chất vấn và "sợi dây" trách nhiệm
Một phiên họp toàn thể của Quốc hội khoá 14.

Danh sách bộ trưởng đã được chốt, các nhóm vấn đề cũng đã quyết xong, tuần làm việc mới  Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày (từ 15 đến 17/11) cho các phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Một trong những mục đích của chất vấn là để làm rõ trách nhiệm. Tất nhiên, rõ được đến đâu còn phụ thuộc rất nhiều vào cả hai phía, người chất vấn và người trả lời chất vấn, cộng với vai trò quan trọng của người điều hành hoạt động này.

Kỳ này, tất cả các vị bộ trưởng lên "ghế nóng" đều mới được bổ nhiệm chưa đầy năm. Nhưng các nhóm vấn đề cần được làm rõ trách nhiệm thì đều đã kéo dài từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác.

Ở nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, tất cả các vấn đề đều đã cũ, nhưng câu chuyện về trách nhiệm thì còn mới tinh.

Chẳng hạn, đánh giá chất lượng, quy hoạch các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi và bảo đảm an toàn xã lũ là vấn đề từng rất rất nóng ở Quốc hội khoá 13. Điển hình là ở kỳ họp cuối năm 2013, một số vị đại biểu đã đề nghị làm rõ trách nhiệm trước hậu quả nặng nề do vận hành thuỷ điện gây ra. Không chỉ điều tra xử lý mà có ý kiến cho rằng nếu cần thì xử lý hình sự thật nghiêm một vài ví dụ điển hình.

Nhưng, chỉ trước kỳ họp này của Quốc hội có vài  ngày thì đích thân Thủ tướng phải yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì làm rõ trách nhiệm việc xả lũ của một số hồ thuỷ điện, gây thiệt hại cho nhân dân.

Vẫn thuộc nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là đánh giá tổng thể, phương án xử lý các dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả, các dự án đã có quyết định đầu tư nhưng không triển khai, để hoang hoá, lãng phí.

Đây là nội dung rất nóng ở nghị trường ngay từ đầu kỳ họp. Vì, chỉ riêng 5 dự án xơ sợi Đình Vũ, gang thép Thái Nguyên, bột giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình, nhiên liệu sinh học Dung Quất đã làm tiêu tan trên 30 nghìn tỷ. Nhưng câu trả lời về trách nhiệm thì vẫn trống trơn.

Khi giải trình ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận thực tế là không chỉ có 5 dự án này mà còn một số dự án khác còn tiềm ẩn những nguy cơ tồn đọng và các vướng mắc không được tháo gỡ kịp thời và sẽ có khả năng kém hiệu quả gây ra nguy cơ mất vốn, đầu tư từ nguồn lực của nhà nước cũng như nguồn lực của xã hội. 

Riêng 5 dự án tai tiếng nói trên, theo Bộ trưởng thì diễn ra một thời gian rất dài, vì thế chưa báo cáo được đầy đủ với Quốc hội và sẽ báo cáo sau.

Chất vấn, chính là cơ hội để làm rõ câu hỏi về trách nhiệm đại biểu đặt ra nhưng Bộ trưởng chưa thể có câu trả lời, như ví dụ nêu trên.

Bộ trưởng Bộ Công Thương còn phải trả lời về kiểm soát kinh doanh đa cấp, quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, hàng giả,  hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc. Đó cũng là những vấn đề đã trở đi trở lại rất nhiều trong các phiên chất vấn nhiệm kỳ trước. Và "sợi dây"  trách nhiệm vẫn liên tục được rút đến nay vẫn chưa rõ ràng.

Cũ hơn cả thuỷ điện và kinh doanh đa cấp là vấn đề kỷ luật công vụ, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, quy hoạch, luân chuyển cán bộ - nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

Mới, có chăng là những hiện tượng gần đây đã đẩy lo lắng của cả cử tri và đại biểu về công tác cán bộ lên một cấp độ mới.

Ngay phiên khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã báo cáo với Quốc hội bức xúc của cử tri về địa chỉ "lợi ích nhóm".

Sau đó, báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng, Chính phủ cũng lần đầu tiên thẳng thắn đánh giá: một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, không hoàn thành trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân.

Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cũng phản ánh dư luận cử tri, về các trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế là người thân, trong gia đình, có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ... gây nghi ngờ, bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của nhân dân...

Vì thế, không khó hiểu khi chất lượng cán bộ đã được đa số các vị đại biểu chọn là một trong bốn nhóm vấn đề của lần chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ mới.

Nhưng, như một số vị đại biểu chia sẻ, để "sợi dây trách nhiệm" không còn nối dài, thì chất vấn phải đạt được mục đích: làm rõ trách nhiệm. 
(Theo VnEconomy) NGUYÊN THẢO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét