Thưởng Tết Nguyên
Đán 2016:
Người được ô-tô, người đủ tô phở
Cập nhật lúc 07:45
Đồ họa về mức thưởng tết cho người lao động của
một số tỉnh, thành phố (ảnh trái). Đồ họa: VĂN ĐỨC DŨNG
Đến chiều 19.1, theo thông tin từ Bộ
LĐTBXH dựa trên số liệu khảo sát của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư với
13.178 doanh nghiệp và 2,4 triệu lao động, mức thưởng Tết Nguyên đán 2016 cao
nhất là 624 triệu đồng, trong khi thấp nhất 40.000 đồng. Dù đây chưa phải là
thống kê cuối cùng về tình hình thưởng tết 2016 nhưng cũng cho thấy mức chênh
lệch “khủng khiếp”, thậm chí nhiều lao động còn không nhận được một đồng
thưởng tết.
“Tôi không có thưởng tết”
Đây là chia sẻ của cô giáo Phạm Thị Thắm
- giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 2 xã Nậm Sỏ, huyện
Tân Uyên (tỉnh Lai Châu). Cô Thắm cho biết, năm nay do trường tu sửa cơ sở
vật chất nhiều, lại dành thêm kinh phí để đầu tư việc ăn, ở cho các em học
sinh nên giáo viên trường không có quà tết, thưởng tết.
“Cũng có năm nhà trường có quà tết tùy theo mức xếp loại A,
B, C cho giáo viên, mức cao nhất là 1,2 triệu đồng. Chúng tôi đã quen với
việc không có thưởng tết, nhưng thấy nơi này, nơi nọ trong nước thưởng cao
nên cũng có phần ưu tư, giá chúng tôi cũng được thưởng tết để có quà tết cho
gia đình thì vui hơn. Lương tôi hiện nay là 6 triệu đồng/tháng, chồng tôi là
giáo viên cũng được khoảng chừng đó, lại nuôi 2 con nhỏ, thuê nhà, thuê người
bế con nên cũng còn nhiều khó khăn” - cô Thắm cho hay.
Chị N.T.Q - giảng viên Trường Đại học
Quốc gia Hà Nội - cũng choáng váng vì mức chênh lệch tiền thưởng tết giữa các
doanh nghiệp (DN), địa phương. Chị Q tâm tư: “Làm việc cả năm, cuối năm trông
chờ vào vài đồng tiền thưởng tết, vậy mà tiền thưởng chẳng bằng số lẻ của
những người có mức thưởng “khủng”. Nghĩ mà tủi phận”.
Theo bà Tống Thị Minh - Vụ trưởng Vụ
Tiền lương (Bộ LĐTBXH) - có 87% số DN báo cáo dự kiến có tiền thưởng Tết
Nguyên đán 2016 với mức thưởng bình quân khoảng 1 tháng lương (khoảng 5,53
triệu đồng/người, tăng 15,7% so với năm 2015). Tính đến chiều 19.1, người có
mức thưởng cao nhất là 624 triệu đồng (DN FDI ở Hải Dương) và thấp nhất
40.000 đồng (DN FDI Bình Phước). Ngoài mức chênh lệch giữa các địa phương,
tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM cũng ghi nhận mức chênh lệch khá lớn:
Hà Nội thưởng cao nhất 100 triệu đồng, thấp nhất 450.000 đồng; TPHCM thưởng
cao nhất 600 triệu đồng, thấp nhất 3,09 triệu đồng. “Tuy nhiên, mức thưởng
trên mới là tạm tổng kết đến hết ngày 19.1 vì còn khá nhiều DN chưa chốt và
công bố mức thưởng tết, do đó các con số về mức cao nhất, thấp nhất chưa hẳn
là con số cuối cùng” - bà Minh nhận định.
Chia sẻ về mức thưởng tết chênh lệch,
anh Vũ Hồng Luyện - công nhân Cty TNHH Yamaha motor Việt Nam (KCN Nội Bài, Hà
Nội) - cho biết: “Mức chênh lệch thưởng tết ảnh hưởng nhiều đến tâm tư của người
lao động (NLĐ) có mức thưởng thấp. Qua thông tin báo đài, tôi được biết trên
địa bàn Hà Nội có NLĐ (làm ở bộ phận quản lý cao cấp) mức thưởng là hơn 100
triệu đồng, tuy nhiên cũng có những người chỉ nhận được 450.000 đồng. Nhìn
vào mức thưởng trên, chắc chắn những NLĐ phải nhận mức lương thấp không khỏi
chạnh lòng, bởi công sức họ trong năm cũng chỉ mua được một vài cái bánh
chưng và một con gà, trong khi đó, có những người được thưởng tết bằng mấy
năm lương của họ”.
Doanh nghiệp đang nợ hàng chục tỉ đồng
lương
Bà Tống Thị Minh cho biết thêm, trong
tổng số trên 13.000 DN báo cáo đến ngày 31.12.2015, vẫn còn 14 doanh nghiệp ở
8 tỉnh, thành phố nợ khoảng 16,5 tỉ đồng tiền lương của 2.300 lao động và hơn
1.700 DN chưa có kế hoạch thưởng tết hoặc không có tiền thưởng tết cho NLĐ.
Anh Đỗ Việt Anh - CNLĐ Cty TNHH Jeongsan STC Vina (KCN Khai Quang, Vĩnh Yên,
Vĩnh Phúc) - chia sẻ: “Thực sự tôi không quan tâm đến mức thưởng của những
đơn vị khác. Có thể, các Cty lớn, tình hình sản xuất kinh doanh tốt thì có mức
thưởng cao hơn những Cty khác. Tất nhiên, nếu cùng làm trong một Cty mà có sự
chênh lệch lớn về lương, thưởng thì rất dễ gây chạnh lòng, chán nản, thậm chí
có khi gây ra những hành động tiêu cực. Cty tôi chưa công bố gì về thưởng
tết, nhưng bản thân tôi không thấy sốt ruột gì vì trước sau cũng có, còn mức
bao nhiêu thì phụ thuộc vào tình hình sản xuất kinh doanh của Cty”.
Chung quan điểm, anh Hoàng Xuân Trường - CN Cty Sumitomo
Heavy (KCN Bắc Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) - cho rằng, dù thời điểm này Cty
chưa công bố mức thưởng tết nhưng khi nghe thông tin các DN khác thưởng cho
vị trí quản lý hàng trăm triệu đồng, anh thấy bình thường. “Mức thưởng cao là
ở những vị trí quản lý cấp cao, còn mức thưởng thấp là những CNLĐ trực tiếp,
vì vậy phải có sự chênh lệch” - anh Trường bày tỏ.
Ngân hàng làm ăn tốt, nhân viên kỳ vọng thưởng lớn: Các
“ông lớn” trong ngành ngân hàng là VietinBank, Vietcombank đã lên kế hoạch
thưởng tết cho nhân viên 2 tháng lương. Ông Lê Đức Thọ - TGĐ VietinBank - cho
biết, thu nhập của nhân viên VietinBank luôn ở mức cạnh tranh nhất so với các
ngân hàng trên thị trường, với kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2015 nên
ngân hàng sẽ thưởng cho mỗi nhân viên 2 tháng lương. Ngoài thu nhập từ lương,
nhân viên ngân hàng được hưởng các chế độ đãi ngộ tài chính và phi tài chính
xứng đáng; các cán bộ được VietinBank điều động, luân chuyển nhận nhiệm vụ
tại các địa bàn/đơn vị khó khăn hơn cũng được hưởng các đãi ngộ hợp lý.
Vietcombank cho biết mức thưởng tết cho nhân viên ngân hàng thấp nhất là 2 tháng
lương. Techcombank mặc dù vẫn chưa tiết lộ con số tiền thưởng cụ thể dành cho
nhân viên, tuy nhiên năm 2015, ngân hàng này đạt lợi nhuận tăng trưởng tốt,
lợi nhuận trước thuế ở mức 2.037 tỉ đồng, vượt mục tiêu là 2.000 tỉ đồng.
Điều này đặt nhiều hy vọng về con số thưởng tết mà nhân viên Techcombank nhận
được sẽ tốt hơn so với năm ngoái. Lan Hương
Theo LĐO
|
Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét