Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

Ủy viên TƯ phải thực sự xuất sắc, không 'nhúng chàm'


Cập nhật lúc 07:20     

Những người vào trong Trung ương không được có những khuyết điểm như mất dân chủ, tham nhũng.

Hôm nay, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 khai mạc tại Hà Nội. Sự kiện chính trị lớn nhất đất nước được chờ đợi sẽ bầu ra những gương mặt ủy viên Trung ương khóa mới hết lòng vì dân, vì nước.
Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng QH: Đóng góp cụ thể

Đi dự Đại hội, các lãnh đạo của các địa phương, các ngành phải mang trong mình một tinh thần "hồng" và "chuyên" để tham gia thảo luận, bầu cán bộ Đảng xuất sắc tham gia vào TƯ, tham gia vào Bộ Chính trị.
Ủy viên TƯ Đảng phải là người tiêu biểu trong số 4,5 triệu đảng viên. Phải là người tiêu biểu về đạo đức, tài năng, có tư duy đổi mới, đặc biệt là có đóng góp cụ thể cho đổi mới.

đại hội Đảng 12, nhân sự, Trần Đình Huỳnh 
Ông Nguyễn Viết Chức. Ảnh: Hoàng Long
 Nếu ủy viên TƯ Đảng là đại biểu địa phương thì phải đóng góp những gì, đổi mới trong kinh tế - chính trị - xã hội như thế nào. Người dân ở địa phương có hài lòng với anh không. Đại hội Đảng lần này lấy tiêu đề rất rõ ngay đầu tiên là" đẩy mạnh, tăng cường việc xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh", vậy đảng bộ của anh có trong sạch vững mạnh không, có chống tham nhũng không.
Những người vào trong TƯ phải là người đại diện xuất sắc, tiêu biểu thật sự và tất nhiên cá nhân mình không được "nhúng chàm", không được có những khuyết điểm như mất dân chủ, tham ô, tham nhũng, nhũng nhiễu, mất đoàn kết, không có khả năng tập hợp cán bộ, quần chúng nhân dân xung quanh mình để đẩy mạnh đổi mới.
Nếu cảm nhận có khuyết điểm như vậy thì không nên tham gia TƯ, ngược lại Đại hội cũng không nên bầu những người đó vào TƯ. Bản thân chúng tôi luôn luôn đặt vấn đề các ủy viên TƯ được bầu phải là những người xuất sắc, xuất sắc trong con mắt của đồng chí bạn bè, xuất sắc về đạo đức tư tưởng, phải là người tiên phong trong sạch. Lấn cấn một tí bụi thôi cũng đã cảm giác không xứng đáng. 
Tuy nhiên cũng không thể nói một đồng chí TƯ hoàn toàn không có một khuyết điểm gì. Bác Hồ cũng đã nói chỉ có người trong quan tài với người chưa sinh ra thì mới không có khuyết điểm thôi. Trong sự nghiệp đổi mới, càng làm thì cũng có những khuyết điểm này, khuyết điểm kia, người có bản lĩnh phải nhìn nhận thẳng vào những yếu kém, hạn chế của mình để khắc phục, sửa chữa.
Nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng Trần Đình Huỳnh: Tâm thức không vì lợi ích nhóm
Nghị quyết của Đảng vẫn nói đảng viên là người ưu tú, đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc đã qua rất nhiều khâu lựa chọn, từ đại hội chi bộ lên đại hội huyện, đại hội tỉnh rồi tới Đại hội toàn quốc.

 đại hội Đảng 12, nhân sự, Trần Đình Huỳnh
  Ông Trần Đình Huỳnh. Ảnh: V.Anh
Điều này có nghĩa họ đều là những người ưu tú nhất trong những người ưu tú rồi. Vì vậy tôi mong muốn Đại hội phát huy tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tức là làm thế nào để cho những người có tài, có đức có dịp được xuất thân. 


Các đại biểu dự Đại hội với tâm thức không vì lợi ích nhóm mà vì lý tưởng của Đảng, vì lợi ích của nhân dân để làm sao hoạt động, đóng góp ý kiến, xây dựng sao cho xứng đáng với niềm tin của toàn Đảng.
Ông mong chờ như thế nào ở thành công của Đại hội?

Theo tôi, Đại hội thành công nằm ở 2 vấn đề. Thứ nhất là những quyết sách của Nghị quyết và thứ hai là bầu ra Ban chấp hành TƯ, tức là vấn đề nhân sự. 
Nhân sự bao giờ cũng là vấn đề khó. Ngay cả những vị được giới thiệu thì cũng phải tự xét mình xem mình có xứng đáng nữa không.
Muốn thế phải lắng nghe ý kiến của nhân dân, phải lắng nghe ý kiến quần chúng. Tôi cho rằng quần chúng bây giờ đánh giá cũng khá tinh tường, chỉ có điều người ta nói ra hay thầm thì thôi.
Bác Hồ từng nói “trong đại hội thì im tiếng, ngoài Đảng thì nhiều mồm”. Cho nên trong Đại hội phải nói hết ý kiến của mình một cách trung thực và phải biết lắng nghe nhau.
Một vấn đề khác tôi thấy trong dự thảo văn kiện có nói độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ... được giữ vững nhưng theo tôi phải nói thêm rằng “tuy vậy Hoàng Sa và một phần Trường Sa vẫn bị nước ngoài chiếm đóng”.
Hàng ngày, hàng giờ báo đài đưa tin về chuyện này. Các đấu tranh trên bình diện chính trị, ngoại giao... đều liên tục nhắc đến. Tôi cho rằng nếu không đưa vấn đề này vào sẽ là thiếu sót.
Ngay tiêu đề dự thảo báo cáo chính trị nêu việc “phát huy sức mạnh toàn dân tộc” thì vấn đề chủ quyền quốc gia, vấn đề độc lập, tự do, hạnh phúc chính là những yếu tố thu hút, phát huy sức mạnh toàn dân tộc.
Chỉ khi vững mạnh bằng nội lực của chính mình, chúng ta mới giữ vững được chủ quyền. Ngược lại nếu không mạnh thì ta sẽ còn tiếp tục bị bắt nạt.
Không nên e ngại gì mà văn kiện lại không đưa vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa vào. Đặc biệt Đảng ta lại là Đảng cầm quyền, đại diện cho lợi ích dân tộc.
(Theo VietNamNet) Hồng Nhì - Kim Khánh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét