Trang Bloomberg News viết về thế hệ lãnh đạo mới của Việt Nam
Cập nhật lúc 14:19
Mạng tin Bloomberg News ngày 27/1 cho rằng
Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam là dịp để các đại
biểu lựa chọn thế hệ lãnh đạo mới.
Các nhà
lãnh đạo Việt Nam đều có mục tiêu chung là làm thế nào để nhanh chóng tận
dụng những cơ hội và điều kiện thuận lợi để đưa đất nước phát triển đi lên.
Điều này có ý nghĩa quan trọng khi nền kinh tế Việt Nam chưa thực sự tăng
trưởng bền vững, dễ chịu tác động của nhiều yếu tố, nhất là hoạt động của
giới đầu tư.
Theo
trang mạng trên, với một thị trường đang phát triển đầy hứa hẹn, Việt Nam
hiện là một trong những lựa chọn lý tưởng của giới doanh nghiệp nước ngoài.
Năm
2015, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng hơn 17% so với
năm 2014 lên mức kỷ lục gần 15 tỷ USD. Với dân số ước tính khoảng 90 triệu
người, trong đó 60% đang ở độ tuổi dưới 35, một môi trường công nghệ năng
động, giá nhân công thấp, chi phí sử dụng đất rẻ... chắc chắn Việt Nam sẽ trở
nên thịnh vượng trong tương lai.
Để duy trì được lợi thế trên, Việt Nam cần củng cố những nền tảng kinh tế cơ bản.
Theo
Bloomberg News, Việt Nam hiện còn phụ thuộc vào lao động giá rẻ và xuất khẩu
một số mặt hàng chủ lực, và điều này vô hình trung đang tạo ra những rào cản
không nhỏ cho những chính sách có thể giúp tạo ra việc làm có mức lương cao
hơn.
Trong
khi đó, lực lượng lao động trẻ chủ yếu tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh,
hứa hẹn sẽ đem lại sự bùng nổ trong ngành công nghệ và dịch vụ.
Yếu tố then chốt để hiện thực hóa được lợi thế này là tăng cường hỗ trợ các ngành công nghiệp bằng cách đơn giản hóa hệ thống thuế, đầu tư vào giáo dục và đấu tranh chống tham nhũng. Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện vào khoảng 2.170 USD, và Việt Nam đặt mục tiêu tăng lên mức 3.200-3.500 USD vào năm 2020, trong khi duy trì lạm phát ở mức dưới 5% và giữ thâm hụt ngân sách dưới 4% GDP. Tuy nhiên, để làm được điều đó, các nhà lãnh đạo Việt Nam cần giải quyết được hai vấn đề. Thứ nhất, cần tận dụng ưu thế về nhân khẩu học. Hiện trung bình cứ 2 người trong độ tuổi lao động chỉ phải nuôi 1 người phụ thuộc. Tuy nhiên, trong vòng hai thập kỷ tới, số người trên 65 tuổi có thể tăng gấp đôi. Điều này đòi hỏi các nhà lãnh đạo Việt Nam phải nhanh chóng có những biện pháp khuyến khích khu vực tư nhân phát triển để lực lượng dân số trẻ có thể phát huy sức mạnh và nhanh chóng trở thành tầng lớp trung lưu, tăng số người đóng thuế, đảm bảo nguồn tài chính cho quỹ an sinh và duy trì ổn định xã hội về lâu dài.
Thứ hai,
không bỏ lỡ những cơ hội do mức tăng trưởng kinh tế cao mang lại. Trong bối
cảnh nền kinh tế toàn cầu khá u ám, dự kiến tăng trưởng 7% trong năm 2016 của
Việt Nam là một điểm sáng. Đây có thể là bước đệm để Hà Nội thúc đẩy các cải
cách như đẩy mạnh tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước và mở cửa thị trường cho
đầu tư nước ngoài.
Việc
Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nếu được
Quốc hội thông qua, sẽ là động lực lớn cho các ngành kỹ thuật, chế biến thủy
hải sản, may mặc và sản xuất bia. Theo một số ước tính, TPP sẽ giúp Việt Nam
tăng trưởng khoảng 10% trong vòng 15 năm tới.
Bloomberg News cho rằng Việt Nam chỉ có thể hiện thực hóa được mục tiêu trên với điều kiện phải thay đổi. Sự tăng trưởng của Việt Nam hiện đang làm lợi cho doanh nghiệp nước ngoài nhiều hơn là các doanh nghiệp trong nước. Việc dựa vào chi phí lao động và đất đai rẻ có thể giúp Việt Nam đạt được mức tăng trưởng cao trong ngắn hạn, nhưng muốn tăng trưởng bền vững thì Việt Nam cần những cải cách để tăng năng suất lao động. Năm 2016 là năm đánh dấu 30 năm “Đổi mới” - công cuộc đã góp phần đưa Việt Nam vào hàng ngũ các nước có thu nhập trung bình. Trong vòng 30 năm tới, Việt Nam cần giảm bớt sự lệ thuộc vào lao động giá rẻ và xuất khẩu hàng hóa, thay vào đó cần tập trung vào các sáng kiến, đổi mới, đồng thời loại bỏ những yếu tố tiêu cực để giúp nền kinh tế phát triển./.
TTXVN/VIETNAM+
|
Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét