Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

Giảm biên chế: Khéo lại né ‘hậu duệ’, loại người tài?

Cập nhật lúc 15:16  
   
Phải có bộ tiêu chí đánh giá công chức dựa trên cơ sở sự hài lòng của người dân chứ không phải “hài lòng” của một vài cá nhân, tập thể.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch của Chính phủ về tinh giản biên chế mới đây, nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tiễn thực hiện đã được nêu ra, chẳng hạn để đủ chỉ tiêu, không khéo phải tinh giản cả người làm được việc?  
“Nhân dịp” tinh giản loại người tài? 
Sự bùng nổ biên chế trong một thời gian dài đã làm cho bộ máy nhà nước ta “phình” ra quá cỡ, lên đến 2,8 triệu công chức, viên chức. Con số “cồng kềnh” này gây áp lực lên quỹ lương, trong khi cải cách hành chính ì ạch cản trở quá trình phát triển của đất nước. Tinh giản biên chế trở thành nhiệm vụ cấp bách, nhưng những rào cản trong thực tiễn không hề ít.         
Thứ nhất, một trong những tiêu chí làm căn cứ tinh giản là năng lực, trình độ và hiệu quả công việc. Đây là những khái niệm khá trừu tượng, phải đong đếm thế nào để xác định được người kém năng lực, người không hoàn thành nhiệm vụ? Nếu chỉ căn cứ vào bằng cấp thì những bất cập trong giáo dục, bệnh thành tích, nạn mua bằng… khiến ngay cả tấm bằng tiến sĩ ở ta cũng bị hoài nghi. 
Hơn nữa, công việc của công chức nhà nước có đặc thù riêng, ở nhiều lĩnh vực, khó có thể đánh giá hiệu thực hiện trong thời gian ngắn. Đặc biệt khi cấp dưới phục tùng cấp trên thì kết quả của công việc luôn có tính chất liên đới đến nhiều người.  
Thứ hai, đặc điểm tính cách người Việt trọng tình hơn trọng lý, luôn sợ mất lòng người khác, “rào trước đón sau”. Trong khi tinh giản biên chế nếu làm đúng sẽ không có chỗ cho tư tình bạn bè, anh em, đồng nghiệp. Liệu người đứng đầu có đủ bản lĩnh, sự công tâm để vượt qua tình cảm cá nhân, nể nang, đặt việc công lên trên cảm tình, quan hệ riêng. 

Tinh giản biên chế, công chức, biên chế, bằng cấp, con ông cháu cha, cả họ làm quan
 Ảnh chụp tại ngày thi tuyển vào Bộ Nội vụ, tháng 1/2013. Ảnh: Lê Anh Dũng
Thứ ba, những câu chuyện ầm ĩ trên báo chí như “chạy công chức 100 triệu” hay “cả họ làm quan” càng làm dấy lên lo ngại vào biên chế nhà nước bằng trí tuệ chỉ là thứ yếu, còn quyết định phải là quan hệ, tiền tệ, hậu duệ như dân gian vẫn bàn luận. Vấn nạn con ông cháu cha mà xã hội vẫn hay ví von là “COCC” sẽ là thách thức không nhỏ. Bởi vậy, không loại trừ trường hợp người tài, có năng lực “nhân dịp” tinh giản lại bị loại trừ hợp pháp. 
Thứ tư, tinh giản biên chế sẽ đụng chạm đến “cần câu cơm” của không ít người đang làm việc trong khu vực nhà nước. Đành rằng ai không đủ năng lực sẽ bị đào thải, nhưng đằng sau đó còn là vấn đề an sinh xã hội sẽ giải quyết như thế nào khi bỗng dưng có hàng chục, hàng trăm ngàn người thất nghiệp? 
Để dân chấm điểm 
Muốn vượt qua những rào cản trên, chúng ta cần có một cơ chế rõ ràng, minh bạch, có người giám sát, chịu trách nhiệm, có lộ trình từng bước và phải khoa học chứ không thể để tình trạng “cha chung không ai khóc”.  
Trước tiên, phải làm sáng tỏ tính toán khoa học của chỉ tiêu tinh giản. Bộ Nội vụ đưa ra con số 100.000 công chức. Nhưng có lãnh đạo đánh giá đến 30% công chức “cắp ô”, hay Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH Nguyễn Đình Quyền cho rằng: “cho tôi toàn quyền, tôi sa thải 40% nhân viên”?  
Quan trọng hơn cả, phải có bộ tiêu chí đánh giá công chức dựa trên cơ sở sự hài lòng của người dân chứ không phải “hài lòng” của một vài cá nhân, tập thể. Đây là cách đánh giá khách quan nhất, công bằng nhất, không bị chi phối bởi các loại quyền lực khác chen vào. 
Bởi nếu dựa vào bản đánh giá phân loại công chức hằng năm e rằng khó chính xác khi chúng vẫn phần nhiều dựa trên “tinh thần đồng đội”. Và liệu rằng có mấy nhân viên đủ bản lĩnh phê bình những mặt hạn chế của sếp? Ai có thể hiểu thấu mọi ngóc ngách ngõ hẻm khi các cuộc góp ý, kiểm điểm bị lợi dụngbiến thành nơi thanh toán tư thù, đào sâu khuyết điểm, hạn chế hòng loại trừ những người không cùng phe cánh?  
Các bộ ngành dù có “trăm tay ngàn mắt” cũng không thể sâu sát đến 2,8 triệu công chức và hàng ngàn hàng vạn cơ quan nhà nước. Việc đánh giá công chức để tinh giản biên chế phải có sự tham gia của nhân dân, dựa vào dân. Nhà nước phải tạo không gian để người dân tham gia với tư cách bên thứ 3 có vai trò giám sát và phản biện, để người dân có thể chấm điểm cơ quan công quyền.  
(Theo TuanVietNam) Trương Khắc Trà
Tại hội nghị triển khai kế hoạch của Chính phủ về tinh giản biên chế hôm 12/01/2016, Vụ trưởng Tổ chức biên chế (Bộ Nội vụ) Thái Quang Toản cho hay, trong năm 2015 và số đăng ký 6 tháng đầu năm nay, có 25 lượt bộ, ngành và 64 lượt địa phương tinh giản biên chế với số người giải quyết tinh giản là 9.129.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét