Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Vì sao Mỹ tăng cường “tấn công” Nga và Tổng thống Putin?

Cập nhật lúc 07:05 

(Quan hệ quốc tế) - Các nhà phân tích Nga cho rằng, phương Tây đang tăng cường cuộc chiến thông tin nhằm hạ thấp vị thế của Nga và bôi nhọ cá nhân Tổng thống Putin.

Mỹ tăng cường “tấn công” Nga và Putin
Trong bối cảnh tình hình Syria vẫn rối như canh hẹ, vòng đàm phán mới giữa các lực lượng của chính phủ Syria và phe đối lập ở Geneva không được như ý muốn bởi phe “đối lập ôn hòa” tẩy chay cuộc đàm phán thì Mỹ và phương Tây đang tăng cường “tấn công” Nga và cá nhân Tổng thống Putin.
Quốc gia đóng vai trò quan trọng nhất trong giải quyết cuộc xung đột ở Syria là Moscow. Tuy nhiên, một vài ngày trước cuộc đàm phán, đã ghi nhận những hành vi có mục tiêu rõ ràng là làm tổn hại tới vị thế của Nga và uy tín của Tổng thống Vladimir Putin.
Đầu tiên, các phương tiện truyền thông phương Tây đã nhắc nhở về vụ scandal có liên quan đến Alexander Litvinenko, một trung tá FSB đã trốn sang London vào năm 2000.
Sau đó, Litvinenko và nhà sử học Yuri Felshtinsky đã hợp sức viết một cuốn sách, trong đó phê bình cơ quan đặc nhiệm Nga và cá nhân Vladimir Putin, với nhiều cáo buộc vô căn cứ.
Litvinenko đã chết vào năm 2006. Kết quả điều tra cho thấy anh ta đã thiệt mạng vì bị nhiễm độc chất phóng xạ polonium-210.
Phía Anh quả quyết rằng, động cơ chính trong “vụ giết hại” Litvinenko là Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) đã ra tay “trả thù kẻ đào ngũ”. Phía Nga nghiêng về giả thuyết đơn giản hơn là cựu điệp viên này đã buôn bán chất phóng xạ và đã chết do sơ suất trong quá trình vận chuyển.
 Vi sao My tang cuong “tan cong” Nga va Tong thong Putin?
Moscow cáo buộc Mỹ đang tăng cường tuyên truyền chống Nga
Ngày 26 tháng 1, đài BBC đã phát hành bộ phim tài liệu có tựa đề “Sự giàu có bí mật của Putin”. Kênh truyền hình Anh cáo buộc Tổng thống Nga “tham nhũng kinh khủng”, nhưng dựa trên cơ sở là những bằng chứng mà trên thực tế chỉ là lời tuyên bố của một số cá nhân.
Một người trong số đó là nhà chính trị học Stanislav Belkovsky đã nói về một “khối tài sản” khổng lồ của Tổng thống Nga, dựa vào những nguồn tin bí mật mà ông ta “không thể tiết lộ”.
Không chỉ như thế, đại diện Bộ Tài chính Hoa Kỳ, chuyên trách vấn đề các lệnh trừng phạt của Mỹ chống Nga là ông Adam Szubin, khi phát biểu trên kênh truyền hình BBC đã gọi ông Putin là "hiện thân của nạn tham nhũng" ở Nga.
Điều đáng nói là trước đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Ernest tuyên bố rằng quan điểm của Bộ Tài chính Hoa Kỳ “phản ánh tầm nhìn của chính quyền Barak Obama”. Do đó, Bộ ngoại giao Nga đã nổi giận đùng đùng và ra tuyên bố phản đối những lời xúc phạm vô căn cứ đối với ông Putin.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố, ông không thể hình dung nổi một đại diện ngoại giao chính thức của Hoa Kỳ lại có thể buông ra những lời khiếm nhã, xúc phạm đến nguyên thủ quốc gia khác. Giả sử đó là ông thì chắc chắn sẽ bị Tổng thống Putin sa thải ngay lập tức.
 Vi sao My tang cuong “tan cong” Nga va Tong thong Putin?
Không chỉ các quan chức cấp dưới mà ngay cả Tổng thống Mỹ Barak Obama cũng đã nhiều là hạ thấp uy tín của Tổng thông Nga Putin
Tuy nhiên, đây cũng không phải lần đầu giới chính trị Mỹ cố tình hạ uy tín của ông Putin và cũng không chỉ các quan chức cấp dưới, mà ngay cả Tổng thống Mỹ Barak Obama cũng đã nhiều lần có những lời lẽ thiếu tôn trọng, dè bỉu, châm chọc Tổng thống Nga Putin.
Ví dụ như vào năm 2013, trong bối cảnh Nga đồng ý cho Edward Snowden lưu trú tạm tại sân bay Sheremetyevo ở thủ đô Moscow, rồi sau đó là cấp qui chế tị nạn cho cựu điệp viên CIA và NSA, ông Obama đã gọi Tổng thống Nga là "cậu học trò buồn chán ngồi dãy ghế cuối lớp”.
Hay khi bình luận về phần tham gia của Nga vào cuộc xung đột Syria, trong chương trình "60 phút" của kênh CBS ngày 9-10-2015, ông Obama cũng đã có những lời lẽ khiếm nhã về kỹ năng lãnh đạo của ông Putin. Ngoài ra, còn nhiều tình huống khác nữa.
 Phương Tây muốn gì khi tăng cường nói xấu Nga và Putin?
Trong thời gian mấy tháng gần đây, truyền thông Mỹ và châu Âu đã tăng cường “cuộc tấn công thông tin” vào nước Nga và cá nhân ông Putin. Cuộc chiến này được thực hiện với mục đích gì?
Phá khả năng gỡ bỏ trừng phạt của châu Âu với Nga
Ngày 26 tháng 1 vừa qua, hãng Bloomberg cho biết rằng, năm 2016 có thể là năm cuối cùng áp dụng lệnh trừng phạt chống lại Nga, do cuộc khủng hoảng chính trị ở Kiev, sau khi Nga sáp nhập Crimea và nội chiến bùng nổ ở 2 tỉnh ly khai Donetsk và Lugansk, thuộc miền Đông Ukraine.
Hai ngày sau đó, nhà phân tích của Forbes là ông Kenneth Raposa xác nhận rằng, giới kinh doanh phương Tây đang quan tâm đến việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống Nga, bởi hiện nay tình hình xung đột giữa 2 nước cộng hòa ly khai ở vùng Donbass với chính quyền trung ương ở Kiev đã lắng dịu.
Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble nhắc nhở về việc châu Âu cần phải duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Nga để giải quyết cuộc xung đột Syria. Còn Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron tuyên bố rằng, phải bãi bỏ lệnh trừng phạt nếu các bên thực hiện đầy đủ thỏa thuận Minsk.
Do đó, mục đích của giới chức Washington hiện nay là cần làm “một cái gì đó” để làm hình ảnh của nước Nga và Putin “méo mó hơn”, “xấu xí hơn”, nhằm buộc châu Âu vào “cỗ xe tù” của mình và tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt Moscow, khiến cả Nga và EU đều “ngắc ngoải”.
  
Mỹ đang tiếp tục phá hoại quan hệ giữa Nga và châu Âu?
Phá uy tín của Nga trong tiến trình hòa bình Syria
Các chuyên gia Nga cho rằng, nguyên nhân chính của cuộc tấn công thông tin vào Tổng thống Nga là sự kiện bắt đầu cuộc đàm phán giữa chính phủ Syria và các đại diện phe đối lập tại Thụy Sĩ (Hội nghị Geneva-3), dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc vào ngày 29 tháng 1.
Hiện Moscow là một trong những “người chơi” chính trong quá trình giải quyết cuộc xung đột Syria. Nga đã thực hiện thành công chiến dịch quân sự chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS, trong quan hệ liên lạc ngoại giao chính thức với Bashar al-Assad.
Vị thế của Moscow ở khu vực Trung Đông đang được củng cố và nâng cao qua sự hiện diện ở Syria và cả Iran, Lebanon. Dường như đã thấy hình bóng của Liên Xô trước đây trong những hành động của Nga ở Trung Đông và cả Bắc Phi (ví dụ như Ai Cập).
Tình hình đang phát triển có lợi cho Moscow. Nga đang duy trì vai trò chủ chốt trong quá trình giải quyết ở Syria, trên bản đồ địa chính trị có thể sẽ diễn ra những thay đổi quan trọng. Nhưng có những kẻ không hài lòng với triển vọng này và đó là nguyên nhân của các cuộc tấn công thông tin bài Nga.
  
Nga đang đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hòa bình ở Syria
Phá uy tín của Putin trong cuộc bầu cử sắp tới
Vấn đề này đã được Moscow thẳng thắn chỉ ra chứ không phải là nghi ngờ gì cả. Sau khi Mỹ tuyên bố ông Putin là “Tổng thống tham nhũng”, Điện Kremlin đã tuyên bố rằng, những phát ngôn buộc tội là âm mưu của Mỹ nhằm gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Nga.
Người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin là ông Dmitry Peskov bày tỏ với các nhà báo rằng, tuyên bố của phía Mỹ là sự một âm mưu đê hèn nhằm “xúc phạm và sỉ nhục” nước Nga và hạ uy tín cá nhân Tổng thống Putin.
“…chúng tôi thấy rằng dù phải hơn 2 năm nữa cuộc bầu cử tổng thống của Nga mới bắt đầu diễn ra, nhưng ngay từ bây giờ phương Tây đã bắt đầu âm mưu phá hoại”, ông Peskov mỉa mai việc Mỹ sớm “chạy đà” cho việc gây ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín của ông Putin trước bầu cử.
Người phát ngôn của Tổng thống Nga khẳng định rằng, phương Tây đang “tích lũy tiêu cực” để mang ra chống lại ông chủ Điện Kremlin. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng, những trò hề này không hề làm giảm sút tí nào uy tín chính trị của nhà lãnh đạo Nga.
(Theo Đất Việt) Thiên Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét