Quỹ bình ổn giá điện: EVN
minh bạch rồi hãy tính!
Cập nhật lúc 10:21
Theo TS
Ngô Đức Lâm, trước tiên ngành điện cần công khai, minh bạch đầu vào, giá điện
phải theo thị trường rồi mới tính đến chuyện lập quỹ bình ổn giá.
Hợp lý nhưng trước tiên cần minh bạch
Bộ Công thương vừa công bố dự thảo quyết định Thủ tướng quy định về cơ
chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân để xin ý kiến nhân dân, trong đó
có đề cập tới việc hình thành quỹ bình ổn giá điện.
Theo đó, nguồn hình thành quỹ bình ổn giá điện sẽ được trích từ giá
bán điện và tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện. Quỹ chỉ được trích lập
khi các yếu tố đầu vào hình thành giá bán điện giảm so với hiện hành và chi
phí sản xuất kinh doanh điện bị “treo” (chưa được tính hết vào giá bán điện)
đã được xử lý hết.
Cũng theo dự thảo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được giao quyền
thực hiện việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá điện.
Góp ý với dự thảo quy định về điểm này, TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó
Viện trưởng Viện Năng lượng cho biết, việc thành lập quỹ bình ổn giá điện
cũng là hợp lý nhưng trước đó EVN cần làm rõ nhiều vấn đề.
Theo đó, thông thường Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng
có trách nhiệm xây dựng quỹ bình ổn giá. EVN muốn có quỹ bình ổn giá điện
nhưng thị trường điện lực hiện nay giá lên, xuống chưa rõ ràng, người dân
chưa được hưởng lợi gì giờ lại muốn họ phải đóng thêm tiền thì chưa thuận.
"Hiện nay vẫn chưa có sự đồng thuận cao giữa người sử dụng điện
và EVN xung quanh vấn đề giá điện. Tính thị trường của điện lực chưa được rõ
ràng, hoàn hảo, nói cách khác nó vẫn mang tính chất độc quyền. Bao nhiêu năm
qua người dân chỉ thấy giá điện lên mà chưa bao giờ thấy giá điện xuống và
triển vọng này trong tương lai cũng chưa có. Bởi thế, nếu bây giờ lại phải bỏ
tiền ra đóng quỹ bình ổn giá điện là thiếu công bằng, thiếu hợp lý.
Tôi cho rằng ngành điện cần học tập xăng dầu khi giá xăng dầu đang
được điều hành theo cơ chế thị trường: giá xăng dầu thế giới giảm thì giá
trong nước cũng giảm theo và ngược lại, dù vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng giá
xăng dầu trong nước có mức giảm chưa tương xứng với giá thế giới nhưng ít ra
nó có lên có xuống. Điều người dân mong muốn là thị trường điện lực phải rõ
ràng, giá điện phải phản ánh đầy đủ cơ chế thị trường và phải minh bạch,
ngoài ra phải có lên có xuống" TS Ngô Đức Lâm chỉ rõ.
Cũng theo TS Lâm, rất nhiều nước trên thế giới đã có thị trường điện
cạnh tranh và người dân được hưởng lợi về giá. Tuy nhiên, ở Việt Nam, giá
điện chưa có cạnh tranh, chỉ có một mình EVN ra giá và người dân không được
lựa chọn.
"Còn nhiều tồn tại xung quanh vấn đề công khai và minh bạch giá
điện, như cần làm rõ năng suất trong ngành điện, công khai các đầu vào để
tính toán chi phí. Điều này mới quan trọng, nó dẫn tới giá thành không thực,
trong đó còn có thể có những yếu tố chưa minh bạch, chưa đúng mà người tiêu
dùng cần biết vì chính họ bị thua thiệt, chưa bảo đảm tính hợp lý và hợp
lệ... Phải làm rõ những điều này rồi hẵng tính đến chuyện đóng quỹ này,
quỹ nọ" ông nhấn mạnh.
Xem lại cách quản lý của ngành điện
Có ý kiến cho rằng giá điện sản xuất ở Việt Nam đang rẻ hơn giá điện
sinh hoạt, khiến cho doanh nghiệp dễ dãi lựa chọn công nghệ Trung Quốc giá rẻ
nhưng hao tổn điện năng. Đặt câu hỏi: Nếu chính thức phải thành lập quỹ bình
ổn giá điện liệu có xảy ra tình trạng người dân sẽ phải trả thêm tiền điện để
bình ổn điện cho các doanh nghiệp dùng công nghệ lạc hậu?
TS Ngô Đức Lâm cho rằng: Trong những lần phát biểu trước đây, tôi đều
chỉ rõ giá điện chưa minh bạch ở đầu vào, trong đó có vấn đề tiêu hao nhiên
liệu của các nhà máy phát điện chạy than và công nghệ mà nó sử dụng. Trước
đây, khi Nhà nước còn quản lý, nhiên liệu cho 1kWh điện rất rõ ràng để tính,
nhưng từ khi giao cho EVN quyền được đặt giá, chưa có cơ quan nhà nước nào
đảm bảo rằng EVN tính số nhiên liệu cho 1kWh điện có đúng không.
Vì thế, không loại trừ khả năng có nhà máy điện sử dụng công nghệ kém.
Họ có thể sử dụng công nghệ lạc hậu của Trung Quốc hay thậm chí cả những nhà
máy dù có công nghệ hiện đại nhưng quản lý kỹ thuật chưa đáp ứng được kéo
theo mức tiêu hao nhiêu liệu lớn.
"Chi phí cho giá phát điện là chi phí lớn nhất ảnh hưởng tới giá
điện, chiếm trên 70% tổng giá thành. Trong đó có 2 yếu tố là mức tiêu hao
nguyên liệu đầu vào và phương thức huy động tối ưu của điều độ với các dạng
phát điện khác nhau. Mức tiêu hao nhiên liệu của thiết bị nhà máy tại Việt
Nam lớn hơn nhiều so với thế giới.
Nếu quản lý tốt sẽ đạt hiệu suất cao và có khả năng giảm được giá
điện. Do đó, Nhà nước nên xem xét, kiểm tra lại quản lý của ngành điện rồi
hẵng bàn đến những chuyện khác", TS Ngô Đức Lâm nói.
Theo ông Lâm, minh bạch về giá điện chính là yếu tố quan trọng đầu
tiên để đạt được mục tiêu giá điện Việt Nam vận hành theo cơ chế thị trường.
Trong đó phải làm rõ các chi phí đầu vào để thống nhất cách tính giá điện hợp
lý, sau đó mới bàn đến vấn đề lộ trình tăng giá, cách thức tăng giá...
"Về nguyên tắc, đầu vào thay đổi thì giá điện phải thay đổi
nhưng đầu vào là cái gì thì phải công khai để người dân có thể kiểm tra.
Người ta chỉ nghĩ đến giá nhiên liệu tăng thì giá điện phải tăng nhưng lượng
tiêu hao như thế đã hợp lý chưa thì cần phải làm rõ".
(Theo
Đất Việt) Thành
Luân
Không biết rồi còn chuyện gì kì khôi hơn cái chuyện quỹ bình ổn giá
điện? Xăng dầu phụ thuộc biến động giá thế giới hằng ngày cần bình ổn là một
nhẽ. Không biết giá "nước thủy điện", giá than có biến động hằng
ngày không mà cần bình ổn?
Thương Giang
|
Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét