Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

Cô giáo Tiểu học kể chuyện hài đi thi chứng chỉ Ngoại ngữ

Cập nhật lúc 14:09 

Đã bao lần kê khai lý lịch có mục điền thông tin trình độ ngoại ngữ mà tôi chưa khi nào đủ can đảm ghi vào đó ba chữ “Trình độ B”.

LTS: Câu chuyện về việc giáo viên học và thi chứng chỉ Ngoại ngữ thời gian qua trở nên dở khóc dở cười khi Bộ GD&ĐT có quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên. 

Nay cô giáo Tiểu học Đỗ Quyên mạnh dạn kể câu chuyện đi thi tiếng Anh của chính cô để chỉ ra rằng Thông tư của Bộ không sát với thực tế. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Trước Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ GD&ĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học công lập.

Thời gian gần đây, trong ngành giáo dục, một số đồng nghiệp của tôi ở nhiều nơi đang phải cuống cuồng tìm chỗ học tiếng Anh để thi lấy chứng chỉ.

Từ kinh nghiệm của mình, tôi nghĩ, việc giáo viên tiểu học đi học tiếng Anh cũng chỉ là hình thức học đối phó để có chứng chỉ hợp thức hóa theo đúng yêu cầu, chứ tuyệt nhiên trình độ ngoại ngữ cũng chẳng được nâng lên là bao.

Cách đây vài năm, một số người quen rủ tôi đi thi lấy chứng chỉ Anh văn, tôi cười mà nói với họ rằng: “Một chữ tiếng Anh cắn đôi cũng không biết, thi làm sao được?”. 
 
Thi chứng chỉ tiếng Anh dễ ợt, chỉ cần học thuộc mấy câu hỏi thông thường là được. (Ảnh: Đỗ Quyên)
Người bạn cười: “Cần gì biết mới thi được. Thi dễ ợt, chỉ cần học thuộc mấy câu hỏi thông thường là được. Họ cũng chỉ hỏi mình tên gì? Ở đâu? Bao nhiêu tuổi?...là được. Yên tâm đi, nhiều người thi về nói thế”. 
Nghe thấy cũng bùi tai, tôi nghĩ: “Đi một lần cho biết, chỉ mất khoảng gần 2 triệu lại lấy được chứng chỉ ngoại ngữ, biết đâu sau này sẽ có lúc dùng đến thì sao”. Nghĩ vậy, tôi đã đồng ý đi theo rất nhiều người.

2 giờ sáng ngày hôm đó, xe qua nhà đón chúng tôi đi vào thành phố Hồ Chí Minh. Đến nơi, sau khi ăn sáng xong, chúng tôi được vào ngồi trong một phòng học vô cùng rộng rãi. Nơi ấy, cũng đã chật kín người.

Nhìn qua, tôi biết họ cũng là giáo viên từ nơi khác đến như mình. Vài phút sau, chúng tôi được phát mỗi người một tập tài liệu photo bằng tiếng Anh dày cộm. 

Cầm trên tay, lật qua, lật lại, tôi cũng chẳng biết gì. Một người hướng dẫn tỏ vẻ am hiểu chỉ cho tôi học thuộc phần mình sẽ được hỏi. Căng mắt nhìn vào, tôi cũng lờ mờ hiểu được đó là những câu hỏi thông thường...

Tôi bắt đầu tập đọc theo kiểu em bé đang tập phát âm tiếng Việt. Thi thoảng lại ghé qua một cô bé còn rất trẻ, tôi đoán là một cô sinh viên hoặc ít ra là một người công chức cũng biết ít nhiều tiếng Anh để nhờ họ đọc mẫu.

Một lúc sau, chúng tôi bắt đầu làm bài trắc nghiệm trên tờ giấy thi do trung tâm phát. Người nọ, nhìn người kia sao y bản chính rồi nộp bài.

Tới phần trả lời phỏng vấn, vị giáo viên hỏi tôi những câu hỏi về tên, tuổi, đến từ nơi nào, nghề nghiệp...Cố gắng lắm, tôi cũng mới trả lời được một cách ê a. Kết thúc phần phỏng vấn của cả đoàn chừng một tiếng sau là chúng tôi ra về.

Vài tuần sau, cầm tờ chứng chỉ với trình độ ngoại ngữ B do Viện đào tạo và nâng cao...cấp mà đích danh Viện trưởng Giáo sư tiến sĩ khoa học P. kí, tôi cứ thấy quê quê, mắc cỡ thế nào.

Vì thế, đã bao lần kê khai lý lịch có cả mục trình độ ngoại ngữ...Tôi cũng không đủ can đảm ghi vào đó ba chữ “Trình độ B”. Tờ chứng chỉ với con dấu đỏ chói, đúng pháp quy được tôi xếp gọn gàng vào một góc xem như là một kỉ niệm.

Dù không biết ngoại ngữ nhưng tôi vẫn dạy học tốt. Luôn luôn đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh”, trong quá trình dạy, tôi cũng chẳng bao giờ phải vận dụng đến kiến thức ngoại ngữ để dạy hay hướng dẫn các em nên cũng chẳng thấy việc mình không biết ngoại ngữ là thiệt thòi.

Thiết nghĩ ,các thầy cô giáo tiểu học như chúng tôi chỉ cần đầu tư chuyên môn, năng lực và phẩm chất thật tốt để giảng dạy và giáo dục cho các em học sinh là đủ. Đâu nhất định phải có chứng chỉ ngoại ngữ như quy định mới đây.

Nếu vì quy định buộc thầy cô giáo tiểu học phải có chứng chỉ ngoại ngữ, vì quyền lợi, buộc lòng các thầy cô giáo cũng phải đi học và đi thi theo kiểu như tôi đã từng thi thì cái chứng chỉ nhận được cũng chẳng có tác dụng gì, ngoài việc để trang trí cho chủ nhân có đa bằng cấp.

Điều lợi không thấy nhưng điều thiệt thì rất nhiều như việc thầy cô mất thời gian đi học, đi thi, đôi khi còn bỏ bê việc dạy, chưa nói lại phải tốn thêm một khoản tiền lãng phí nữa.
(Theo Giáo dục VN) Đỗ Quyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét