Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

Nga-Mỹ ngầm thỏa thuận trên lưng Ukraine?

Cập nhật lúc 14:30 
(Quan hệ quốc tế) - Nga và phương Tây mà dẫn đầu là Mỹ đang tìm cách thỏa hiệp về vấn đề Ukraine, trong khi Kiev buộc phải chấp nhận công thức đổi Crimea lấy Donbass?
Những động thái bất ngờ
Những tuyên bố gần đây của các bên cho thấy quan hệ băng giá giữa Nga và phương Tây do vấn đề Ukraine đang có những dấu hiệu khả quan.
Ngày 19/1, một quan chức của nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng cho biết vùng lãnh thổ này để ngỏ khả năng thỏa hiệp đối với vấn đề tiến hành bầu cử địa phương tại Donbas- điểm mấu chốt trong tiến trình thực thi thỏa thuận Minsk.
Ông Denis Pushilin, người đại diện cho nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tham dự cuộc gặp của nhóm tiếp xúc với Ukraine và Tổ chức An ninh và Hợp tác (OSCE), cho biết phía ông "phải đưa ra sự nhượng bộ". Tuy nhiên, ông hối thúc chính phủ được phương Tây ủng hộ tại Kiev cũng có sự nhượng bộ tương tự.
 Nga-My ngam thoa thuan tren lung Ukraine?
Ông Denis Pushilin (giữa)
Tuyên bố của ông Pushilin được đưa ra trong bối cảnh chiến sự bất ngờ nóng lên tại Donbass khiến nhiều người tỏ ra hoài nghi. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng phát biểu của ông Pushilin là tin cậy khi căn cứ vào động thái của Washington và Moskva.
Nổi bật nhất là cuộc gặp bất ngờ giữa Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Âu Á, bà Victoria Nuland, và cố vấn tổng thống Nga Vladislav Surkov hôm 15/1.
Bà Nuland, trong chuyến công du các nước Lithuania, Romania, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ, ban đầu không có kế hoạch gặp ông Surkov. Tuy nhiên, bà đã bay tới biên giới Lithuania và vùng lãnh thổ Kaliningrad thuộc Nga để hội đàm với ông Surkov, người có tên trong danh sách trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Cuộc hội đàm được cho là kéo dài 4 tiếng này, đã trở thành chủ đề được truyền thông đồn đoán rất nhiều. Nhiều nhà phân tích cho rằng cuộc gặp đã đem lại một "thỏa thuận bí mật" giữa Mỹ và Nga xung quanh cuộc xung đột Ukraine.
 Nga-My ngam thoa thuan tren lung Ukraine?
Bà Nuland và ông Surkov đã có cuộc gặp bất ngờ
Những chi tiết của một thỏa thuận như vậy được đồn đoán theo nhiều hướng: một số cho rằng Donbas sẽ chính thức là một phần của Ukraine, song được trao quy chế đặc biệt và được phép thực thi chính sách đối ngoại riêng, trong khi số khác lại cho rằng Nga sẽ nhượng bộ để Ukraine kiểm soát biên giới của họ cùng với các lãnh thổ ly khai.
Cuộc gặp Nuland-Surkov diễn ra đúng vào lúc còn có những diễn biến khác cũng được xem là dấu hiệu cho thấy cả Nga lẫn phương Tây đều muốn phá vỡ thế bế tắc cho tiến trình đàm phán.
Hồi đầu năm, Moskva đã bổ nhiệm ông Boris Gryzlov làm đại diện mới của Nga tham gia các cuộc đàm phán của nhóm tiếp xúc Minsk. Gryzlov là quan chức an ninh nhiều ảnh hưởng tại điện Kremlin, do đó việc bổ nhiệm này có thể là dấu hiệu cho thấy Moskva tham gia các cuộc đàm phán với thái độ nghiêm túc hơn, và có thể là mang tính xây dựng hơn so với trước đây.
Còn EU thường xuyên kêu gọi Kiev thực hiện những nghĩa vụ của họ trong thỏa thuận Minsk. EU cũng lên tiếng nhiều hơn yêu cầu Chính phủ Ukraine tiến hành những thay đổi hiến pháp, theo đó dành sự tự trị nhiều hơn cũng như quyền đưa ra các chính sách địa phương cho những khu vực hiện thuộc sự kiểm soát của lực lượng đòi độc lập.
Bên cạnh đó, giới phân tích phương Tây cho rằng nhân tố không kém phần quan trọng thúc đẩy thỏa thiệp cho vấn đề Ukraine là hiện trạng nền kinh tế Nga. Mặt khác, một số nước châu Âu, trong đó có Đức và Italy, muốn thúc đẩy một thỏa thuận có thể chấm dứt cuộc xung đột ngay sát lãnh thổ phía đông, đồng thời bãi bỏ những lệnh trừng phạt cũng gây hại cho chính nền kinh tế của chính các nước này.
Đổi Crimea lấy Donbass?
Trong khi đó, báo chí Nga cho biết đích thân Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã gặp đại diện toàn quyền mới của Liên bang Nga Boris Gryzlov trong Nhóm Tiếp xúc giải quyết tình hình ở Donbass khi ông này tới Kiev. Cuộc gặp làm dấy lên đồn đoán về những thỏa thuận bí mật giữa Ukraine với Nga.
Về thông tin công khai, ông Gryzlov đã hội đàm với người đồng cấp Ukraine, cựu Tổng thống Leonid Kuchma. Bộ Ngoại giao Ukraine đã gửi văn bản đề nghị Cơ quan hàng không nhà nước cho phép máy bay hãng hàng không Nga chở ông Gryzlov vào lãnh thổ Ukraine.
  
Ông Boris Gryzlov
Các chuyên gia đặt ra thắc mắc rằng nếu Ukraine áp đặt lệnh trừng phạt (cấm các hãng hàng không Nga) thì cần tuân thủ chúng. Không có lý do gì để vi phạm luật.
Ngày 13/1, khi xuất hiện thông tin về cuộc gặp giữa ông Poroshenko với ông Gryzlov, nhiều chính trị gia tại Kiev đã tỏ ra giận dữ. Phó Chủ tịch Verkhovna Rada (Quốc hội), thành viên đảng Tự cứu (Samopomich) trong liên minh cầm quyền, bà Oksana Syroid, cho rằng "chiến tranh lồng ghép đã dẫn tới ngoại giao lồng ghép".
Bà Syroid Syroid lưu ý rằng việc cho phép chính trị gia Nga thăm Kiev bí mật thể hiện sự thiếu tôn trọng công dân của cả Ukraine lẫn EU. Samopomich yêu cầu Bộ Ngoại giao giải thích về điều đó.
Oleg Lyashko- Chủ tịch đảng Cấp tiến trong liên minh cầm quyền đã phát tín hiệu chống lại các biện pháp áp đặt từ bên ngoài về cải cách hiến pháp. Ông này thậm chí còn coi Gryzlov là “đại diện nước xâm lược” thản nhiên đến thủ đô Kiev và rằng đây là “điều chưa từng có trong lịch sử".
  
Các tay súng đòi độc lập tại Donetsk
Trong khi đó, giới chuyên gia đồn đoán cuộc đàm phán giữa Tổng thống Poroshenko với ông Gryzlov có đề cập đến chủ đề Crimea, thậm chí là một công thức “đổi Crimea lấy Donbass".
Đề cập tới chuyến thăm của ông Gryzlov, đại diện của Ukraine trong phân nhóm đàm phán chính trị tại Minsk, ông Roman Bessmertny, bình luận: "Điều này ít người biết, tôi không muốn đề cập tới nội dung và ý nghĩa chuyến thăm…Chuyến thăm không giúp giải quyết tình hình hiện nay, ngược lại, nó gây tâm lý trong xã hội".
Ông này cho rằng sự cho phép của Ukraine là sai lầm, có thể khiến Kiev mất đi các quan điểm đạt được trước đó.
Trong khi đó, cao ủy về giải quyết hòa bình, đại diện của Ukraine trong phân nhóm nhân đạo tại Minsk, bà Irina Gerashchenko, khẳng định chuyến thăm của ông Gryzlov không ảnh hưởng tới quan điểm của Kiev.
(Theo Đất Việt) Bằng Tường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét