Thế giới Hồi
giáo lại dậy sóng
Cập
nhật lúc 15:41
Bộ Ngoại giao Saudi Arabia gọi
những lời chỉ trích của Iran về hệ thống tư pháp nước này là
"can thiệp trắng trợn" vào công việc nội bộ.
Reuters ngày
3/1 cho biết, việc Saudi Arabia hành quyết 47 người bị kết tội khủng
bố, bao gồm một giáo sĩ có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng Hồi
giáo dòng Shi'ite thiểu số ở nước này đã khuấy động sự giận dữ
trong khu vực. Vụ hành quyết đồng thời 47 người này bao gồm một số
lãnh đạo tổ chức al-Qaeda báo hiệu rằng, Saudi Arabia sẽ không tha
thứ cho các cuộc tấn công, cho dù là các phần tử thánh chiến Hồi
giáo dòng Sunni hay dòng Shi'ite thiểu số.
Hàng trăm
người Hồi giáo Shi'ite đã biểu tình ở Qatif phía Đông Saudi Arabia
để phản đối việc nước này tử hình giáo sĩ al-Nimr Nimr. Giáo sĩ
này là người chỉ trích mạnh mẽ nhất đối với chính quyền nhà
nước Saudi Arabia, phá vỡ sự im lặng của các nhà lãnh đạo cộng
đồng Shi'ite ở Saudi Arabia trước đó trong việc đấu tranh đòi bình
đẳng với người Hồi giáo Sunni.
al-Nimr Nimr
đồng thời cũng là nhân vật trọng yếu tổ chức các cuộc biểu tình
phản kháng của người Shi'ite bùng nổ năm 2011 trong phong trào Mùa
xuân Ả Rập. Nhân vật này chỉ trích sự phân biệt đối xử của chính
phủ Saudi Arabia đối với người Shi'ite thiểu số. Vụ hành quyết 47
người diễn ra tại 12 thành phố bằng cách sử dụng đội bắn hoặc
chặt đầu.
Website của
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã đăng hình minh họa một
đao phủ Sunni đứng cạnh kẻ giết người khét tiếng của tổ chức
khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (ISIS hay IS) "John thánh
chiến" với chú thích: "Liệu có bất kỳ sự khác biệt nào
không?" Website này cũng tuyên bố, Lực lượng Vệ binh Cách mạng
Iran sẽ có hành động trả đũa thích đáng để "lật đổ chế độ
khủng bố, chống Hồi giáo". Saudi Arabia đã triệu Đại sứ Iran đến
để phản ứng về vụ việc.
Tại Iraq, các
nhân vật lãnh đạo tôn giáo và chính trị nổi tiếng đòi cắt đứt
quan hệ với Saudi Arabia, kêu gọi xem lại các nỗ lực thúc đẩy xây
dựng một liên minh chống lại tổ chức khủng bố ISIS trong khu vực.
Phán quyết
của Saudi Arabia đã gia tăng mối lo ngại trong những năm gần đây bởi
Trung Đông bất ổn, đặc biệt là ở Syria và Iraq. Ngay cả các đồng
minh phương Tây của Saudi Arabia cũng bày tỏ lo ngại về sự cứng rắn
của quốc gia Hồi giáo này như Ngoại trưởng Đức hay người phụ trách
chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu.
Trong số 47
người bị hành quyết hôm Thứ Bảy, có 43 chiến binh thánh chiến dòng
Sunni bao gồm một số nhà lãnh đạo nổi bật của al-Qaeda, đã bị kết
tội tấn công các mục tiêu tòa nhà chính phủ, cơ quan ngoại giao
phương Tây từ năm 2003 đến 2006. 4 người Shi'ite bị kết tội tham gia
các vụ nổ súng, đánh bom xăng giết chết một số cảnh sát trong
cuộc biểu tình chống chính phủ giai đoạn 2011 - 2013, bao gồm al-Nimr
Nimr.
Hầu hết các
nhóm thánh chiến coi liên minh Saudi Arabia - Hoa Kỳ như kẻ thù. Giáo
sĩ do chính phủ Saudi Arabia chỉ định điều hành các trường Hồi giáo
Sunni ở quốc gia này vẫn bị al-Qaeda và ISIS gọi là "kẻ hành
tà giáo".
Mustafa Alani,
một nhà phân tích an ninh Bộ Nội vụ Saudi Arabia nhận xét, sẽ có
áp lực rất lớn và phổ biến đối với chính phủ khi trừng phạt những
người này, bao gồm các lãnh đạo của al-Qaeda. Nó sẽ gửi một thông
điệp. Những nhà phê bình chính phủ Saudi Arabia thì nói rằng, chính
phủ đã không nỗ lực giải quyết vấn đề trên tinh thần khoan dung
giáo phái, làm tăng thù hận của những kẻ ngoại đạo.
Theo AP ngày
3/1, cuối ngày Thứ Bảy, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia gọi những lời
chỉ trích của Iran về hệ thống tư pháp nước này là "can thiệp
trắng trợn" vào công việc nội bộ của họ. Trước đó, Bộ Ngoại
giao Iran đã triệu Đại sứ Saudi Arabia lên phản đối việc hành quyết
giáo sĩ al-Nimr Nimr
(Theo Giáo dục
VN) Hồng Thủy
|
Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét