Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2016

Khó tránh khủng hoảng thừa đại học

Cập nhật lúc 16:07    
            
Đại học ở Việt Nam mấy chục năm dù đáp ứng được nhu cầu học tập của đại bộ phận người dân nhưng lại gặp phải phản ứng dữ dội từ thị trường lao động.

LTS: Tiếp tục loạt bài về nguyên nhân dẫn tình trạng gần 200.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp. Trong bài viết này, Ths. Trương Khắc Trà sẽ làm rõ nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng trên. Theo tác giả, đó là khâu đào tạo đại học một cách rầm rộ, tràn lan. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả quan điểm này.   

Thông thường thuật ngữ “khủng hoảng” thường chỉ làm người ta liên tưởng đến lĩnh vực kinh tế, chính trị hay nhiều nhất cũng chỉ là văn hóa, nhưng hiện nay đi kèm với “khủng hoảng” sẽ có nguy cơ xuất hiện thêm lĩnh vực mới đó là giáo dục đại học!

Nhiều chuyên gia giáo dục quốc tế ngỡ ngàng trước độ "giỏi” của học sinh Việt Nam, điều này đã được khẳng định qua các kỳ thi Olympic quốc tế các môn khoa học cơ bản và xếp hạng của các tổ chức uy tín trên thế giới… nhưng tại sao khi bước vào đại học, sau 4 năm hầu hết đều rơi vào tình trạng thất nghiệp?
Nguy cơ khủng hoảng đại học (Ảnh: tuanvietnam.net)
Chất lượng giáo dục đại học đã là chuyện muôn năm cũ nhưng chưa khi nào bớt nhức nhối, nhất là trong xu thế nhà nhà đi học, người người đi học khiến xã hội đang “bội thực” với những tấm bằng đại học mà bằng chứng là gần 200.000 cử nhân, thạc sỹ đang thất nghiệp!

Vì sao lại có tình trạng trên? Thực sự không phải quá khó để tìm câu trả lời và không thể đổ lỗi hoàn toàn cho khủng hoảng kinh tế khiến việc làm khan hiếm bởi hiện tại chúng ta đang thừa thầy, thiếu thợ, nhu cầu thị trường việc làm luôn rộng mở nhưng hầu hết tân cử nhân không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Theo thống kê mới nhất, cả nước hiện có 480 trường đại học, tăng gấp đôi so với 10 năm trở lại đây, mỗi năm cho ra lò khoảng nửa triệu lao động có bằng đại học, tuy nhiên trình độ của người lao động có tương xứng với tấm bằng đại học hay không thì thị trường lao động đã trả lời rõ ràng.

Giáo dục và đào tạo được xem là quốc sách hàng đầu, hoàn toàn hợp lý vì đó là xu thế của toàn cầu, hướng đến nền kinh tế tri thức và tạo ra những công dân toàn cầu phục vụ hội nhập.

Mục tiêu ấy khiến chúng ta sốt sắng thực hiện để đạt chỉ tiêu 450 sinh viên/10.000 dân vào năm 2020, sau một thời gian dài thực hiện khi ngoảnh lại mọi thứ đã trở nên quá ngổn ngang rối bời, số lượng chắc chắn sẽ đạt nhưng chất lượng vẫn mãi là dấu hỏi.

Khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2010 là thời điểm lên ngôi của các đại học tư thục, chúng ta áp dụng mô hình của Phương Tây trong khi trình độ quản lý và nội dung chương trình quá lạc hậu khiến các đại học tư không khác mấy với những cơ sở kinh doanh đội lốt giáo dục.

Những lùm xùm quanh việc mâu thuẫn lợi ích giữa các cổ đông trong các đại học tư gần đây như là bức tranh phản chiếu đầy đủ nhất về mặt trái của “xã hội hóa giáo dục”.

Nhận thấy sự bất cập, năm 2013 Bộ GD&ĐT đã có kế hoạch quy hoạch lại hệ thống đại học tuy nhiên sự sinh sôi nảy nở của hệ thống đại học trong vòng một thập kỷ qua phải cần rất nhiều thời gian để “gọt đẽo” sao cho vừa vặn, hợp lý.

Không thể phủ nhận việc “xã hội hóa giáo dục” đã tạo điều kiện cho toàn xã hội phát động cuộc cách mạng học tập, nhưng mặt trái của nó khiến những tấm bằng cử nhân không còn lung linh, sang chảnh, bởi để tồn tại các trường tư đã hạ thấp điểm sàn hết mức có thể trong một thời gian dài nhưng không thấy các ngành chức năng lên tiếng.

Nếu ngày xưa để đỗ vào một đại học bậc trung bình phải đạt số điểm 18, 20 nhưng từ khi các trường tư nở rộ số điểm để bước vào giảng đường đại học đôi lúc chỉ còn ½ số điểm đó, không thể nào có cử nhân chất lượng cao nếu học lực ở phổ thông chỉ đạt mức trung bình.
Nói như vậy không phải người học lực trung bình là không có quyền học đại học, nhưng ở đây thiếu sự phân luồng ngay từ đầu.

Đại học Việt Nam mấy chục năm qua chủ yếu phát triển theo số lượng, mặc dù đáp ứng được nhu cầu học tập của đại bộ phận người dân nhưng lại gặp phải phản ứng dữ dội từ thị trường lao động khi số lượng và chất lượng không không nằm trong mối tương quan thống nhất.

Đại học mở ra để giải quyết đầu vào mà không chú trọng đầu ra là đáp ứng nhu cầu lao động có chất lượng cho nền kinh tế, tất nhiên sẽ mất cân đối trong bài toán việc làm.
Lãnh đủ hậu quả này không chỉ là các bạn trẻ, các bậc cha mẹ mà còn cả xã hội phải đối phó với tình trạng thất nghiệp, nguồn lực quốc gia bị lãng phí.

Và cái gì đến cũng đã đến, hệ quả của việc các trường tư mọc lên như nấm đã khiến xã hội “bội thực” với tấm bằng đại học, trường tư lâm vào cảnh khốn đốn phải đóng cửa vì không thể tuyển sinh, trong khi đó đại học công lập vẫn đang loay hoay với bài toán chất lượng.

Một cuộc khủng hoảng đại học đang dần xuất hiện, đây là kết quả của việc đào tạo tràn lan, không căn cứ và nhu cầu thị trường lao động, âu cũng là tín hiệu tốt khi thị trường đóng vai trò là người phản biện chính sách, sẽ khách quan và trọng lượng hơn nhiều so với tiếng nói của chuyên gia và dư luận!?
(Theo GDVNO) Ths Trương Khắc Trà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét