Bình cứu hỏa phát nổ trong ô tô!
Cập nhật lúc 07:32
Qua thử nghiệm của
Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ - Bộ Công an, bình chữa cháy dạng dung
dịch, hóa chất sẽ phát nổ khi gặp nhiệt độ cao
Chiều 18-1, ông Ngô
Hiếu Thuận ( SN 1975, ngụ xã Song Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) cho
biết đã trình báo công an xã về việc bình cứu hỏa mini hiệu Fire Stop để phía
sau ô tô của ông phát nổ vào khoảng 11 giờ ngày 16-1. Công an xã Song Bình đã
lập biên bản vụ việc theo trình báo của ông Thuận. Vụ nổ chỉ làm rách một vết
nhỏ trên vách bên hông xe.
Nguy hiểm khó lường
Theo ông Thuận, vào
thời gian trên, ông lái xe từ TP Mỹ Tho về nhà rồi ra ngồi ở ghế đá thì nghe
một tiếng nổ. Kiểm tra xe, ông phát hiện bình cứu hỏa mini nói trên bị rơi
phần đầu ra khỏi thân bình nên vội báo công an xã.
Ghi nhận của phóng
viên cho thấy, bình cứu hỏa này đã cũ nhưng thời hạn sử dụng được ghi dưới
đáy bình là ngày 8-11-2017. Ông Thuận cho biết bình cứu hỏa ông mua ở TPHCM
được hơn 2 tháng nhưng không lấy hóa đơn.
Theo
ông Ngô Hiếu Thuận, bình cứu hỏa ô tô của ông đã phát nổ vào trưa 16-1 Ảnh:
MINH SƠN
Cùng ngày, trên kênh
VTC 14 đã phát một video clip về trường hợp ông Nguyễn Hoàng Hải (ngụ quận Ba
Đình, Hà Nội) trong lúc đi trên ô tô BMW thì bình cứu hỏa để trong cốp xe
phát nổ, xì bọt trắng xóa. Ông Hải vội vứt bình ra khỏi xe. Ông Hải cho biết
bình cứu hỏa này ông mới mua được 1 tuần ở phố Yết Kiêu (Hà Nội).
Với vụ việc của ông
Thuận, đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu
hộ (Bộ Công an), cho rằng cơ quan này cũng mới nghe báo cáo và đang cử cán bộ
xác minh. Theo ghi nhận ban đầu, đó là loại bình cứu hỏa bằng dung dịch.
“Vừa qua, chúng tôi
cũng đã thử cho nổ các loại bình cứu hỏa. Đúng là có những bình dạng lỏng,
hóa chất mà vượt quá giới hạn cho phép về nhiệt độ sẽ phát nổ. Bình dạng bột
thì không bị nổ, chịu được nhiệt độ trên 1.000 độ C. Chúng tôi đã báo cáo với
cục trưởng Cục PCCC về kết quả thử nổ các loại bình này và xin ý kiến công bố
công khai. Về nơi đặt bình cứu hỏa, hiện có một số loại xe không có chỗ để
nên còn phải tiếp tục nghiên cứu” - đại tá Thắng cho biết.
Trước vụ việc trên,
một tài xế ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang nhận định việc bình cứu hỏa để
trong ô tô 4 chỗ khá nguy hiểm. Hiện nay, nhiều người mua bình cứu hỏa mini
gắn lên xe nhằm đối phó với CSGT mà không biết loại nào an toàn.
Khi cháy nên rời khỏi xe
Trả lời câu hỏi việc
đặt bình cứu hỏa trong ô tô là “lợi bất cập hại ?”, đại tá Huỳnh Ngọc Quan -
Trưởng Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PCCC TP HCM - cho rằng
khi đưa sản phẩm ra kinh doanh, nhà sản xuất đã tính toán đến nhiều tình
huống có thể xảy ra. Những bình cứu hỏa mini chất lượng thường kèm theo van
tự động xả khí. Khi có ngoại lực tác động, nhiệt độ tăng cao, khí tự động xì
ra để giảm áp lực nên không có chuyện nổ.
Theo đại tá Quan, nếu
xảy ra trường hợp xe bỗng dưng phát cháy, điều mà tài xế cần làm đầu tiên là
nên thoát nạn rồi mới tính chuyện dập lửa. Vị trí thường xảy ra cháy, nổ trên
ô tô, xe tải chủ yếu ở phía đầu xe. “Để xử lý đám cháy, tài xế phải ra ngoài
ghế, chứ chẳng ai ngồi lì bên trong mà phun bình chữa cháy. Trong quy định,
bình chữa cháy nên để nơi dễ thấy, dễ lấy và dễ sử dụng. Nhưng theo tôi, đối
với ô tô nên bố trí phía sau cốp xe là dễ sử dụng nhất” - đại tá Quan lưu ý.
Ông Phạm Văn Tài, Phó
Tổng Giám đốc Công ty CP Ô tô Trường Hải, nhìn nhận khi người tiêu dùng trang
bị bình chữa cháy để đối phó như kiểu đội nón bảo hiểm dỏm thì dễ dẫn đến
cháy nổ nếu xe để ngoài nắng, với nhiệt độ cao. Đối với các loại ô tô ít chỗ
ngồi, khi cháy thì việc thoát thân là quan trọng nhất chứ không phải là lo
chữa cháy.
Không nên áp đặt
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Hà Nội, cho
biết qua thăm dò, các hội viên của hiệp hội không tán thành việc bắt buộc
trang bị bình chữa cháy trên ô tô. Đối với ô tô dưới 9 chỗ thì không có nơi
đặt bình chữa cháy to. Chỉ có thể để lăn lóc dưới sàn nhưng như thế rất dễ
xảy ra va chạm gây cháy nổ.
Quy chuẩn của kiểm định Việt Nam, mà mới nhất là Thông tư
70/2015/TT-BGTVT ngày 9-11-2015 của Bộ Giao thông Vận tải và trong các hạng
mục kiểm tra hiện nay đối với ô tô dưới 9 chỗ ngồi không có yêu cầu kiểm tra
bình chữa cháy. Quy định của Bộ Công an yêu cầu có bình chữa cháy cho xe dưới
9 chỗ ngồi là trái với quy chuẩn đăng kiểm Việt Nam.
V.Duẩn
Cần phải xem lại!
Một bình chữa cháy trên ô tô phát nổ tại Tiền Giang. Vậy là lo
ngại lớn nhất của người dân trước quy định của ngành công an về việc này đã
được chứng thực.
Không phải đến bây giờ mối nguy hiểm từ bình chữa cháy mới
được cảnh báo. Từ khi Bộ Công an ban hành Thông tư 57/2015/TT-BCA quy định ô
tô từ 4 chỗ ngồi trở lên phải trang bị bình chữa cháy, nhiều nhà khoa học đã
góp ý, phản biện. Nhiều người dân cũng nhiệt thành bày tỏ quan ngại từ chính
kinh nghiệm sử dụng các loại bình chữa cháy của bản thân. Một số nhà sản xuất
ô tô cũng nhìn nhận những nguy cơ này và chỉ rõ Việt Nam là “trường hợp đặc
biệt” quy định bắt buộc trang bị bình chữa cháy trên ô tô.
Khi ban hành một quy định, một chính sách, các cơ quan, ban -
ngành thường quên mất điều tối quan trọng chính là ý kiến đóng góp của người
dân nói chung và của nhà khoa học, nhà chuyên môn nói riêng. Ý kiến của một
nhóm người dễ dẫn đến chủ quan, không lường hết tác động của một quy định đến
đời sống, tính mạng của bao người dân. Cũng rất dễ thấy, ở nước ta những quy
định “trên mây” không ít và thường được các cơ quan chức năng hồ hởi ban hành
nhưng sau đó chết yểu vì quá xa rời thực tế.
Mọi chính sách, suy cho cùng, chính là nhằm phục vụ cộng đồng,
làm cho cuộc sống của người dân tốt hơn, an toàn hơn. Khi người dân cảm thấy
xa lạ với những chính sách ấy thì cần phải xem lại. Trưng cầu ý kiến của các
nhà chuyên môn, của người dân là điều cần thiết mà bất cứ quốc gia tiên tiến
nào cũng thực hiện. Lắng nghe ý kiến của người khác không có nghĩa sẽ bị chê
là thiển cận mà chính là tinh thần cầu thị, nhất là những việc quan trọng
liên quan đến đời sống, thậm chí là tính mạng của bao người.
Phạm Hồ
NHÓM PHÓNG VIÊN
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
|
Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét