Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Đường sắt trên cao đội vốn hơn 800 triệu USD, chờ vay Trung Quốc?

Cập nhật lúc 14:12

(Tin tức thời sự) - Dự án đang bị chậm tiến độ phê duyệt cuối cùng 2 tháng, đội” vốn lên 868,06 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD) so với tổng mức đầu tư ban đầu.

Khó đủ đường vì Trung Quốc
Cụ thể, ông Triệu Khắc Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông nhìn nhận, tiến độ thi công trên hiện trường đến thời điểm này đã có chuyển biến nhưng còn chậm. 
Liên quan đến giá hợp đồng EPC, ông Dũng đánh giá, ngay tại thời điểm ký hợp đồng, các bên đã vận dụng nội dung về giá hợp đồng tạm tính và được Tổng thầu sao chép từ tổng mức đầu tư được duyệt mà không có các tính toán chi tiết khối lượng, không có đơn giá chi tiết cho từng hạng mục công trình để làm cơ sở quản lý khối lượng thi công chi tiết cũng như cho việc tính toán điều chỉnh giá khi cần thiết.
“Trong hợp đồng cũng không có quy định về cách lập dự toán hoặc cách tính trượt giá làm cơ sở để các bên lập dự toán và xác định giá hợp đồng chính thức đã gây khó khăn và mất nhiều thời gian cho việc xác định giá hợp đồng chính thức,” ông Dũng nói.
Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, đây là dự án ODA sử dụng vốn vay Trung Quốc, ngay từ khi ký hợp đồng và triển khai đến nay trong thiết kế, thi công, thiết bị, quy trình, công nghệ chủ yếu của Trung Quốc nên khó khăn trong thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, làm chủ công nghệ.
Đặc biệt, dự án ngay từ khi thực hiện không có chỉ dẫn kỹ thuật nên trong quá trình thực hiện các nhà thầu phụ Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, dự án lại sử dụng định mức của cả Trung Quốc và Việt Nam nên không thống nhất.
Đánh giá thêm, ông Dũng nói: “Việc hợp đồng đã ký không quy định cụ thể điều chỉnh giá khi kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng chưa phù hợp quy định. Toàn bộ đơn giá người- tháng trong thời gian kéo dài được lập mới là chưa phù hợp với quy định hiện hành, thông lệ của các dự án ODA".
Mặt khác, trong quá trình thi công, Ban QLDA đường sắt (Bộ GTVT) cũng đã không dưới 5 lần phải ra tối hậu thư, văn bản nhắc nhở Tổng thầu Trung Quốc về chất lượng, an toàn lao động cũng như tiến độ thi công. 
Thậm chí, tại các buổi làm việc với Bộ GTVT, Ban QLDA, lãnh đạo Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc đều cam kết đẩy nhanh tiến độ và thực hiện các nội dung chậm nhất vào cuối tháng 3/2015. 

Dự án đường sắt trên cao bị chậm tiến độ thi công 2 tháng và đội vốn gần 900 triệu USD
Dự án đường sắt trên cao bị chậm tiến độ thi công 2 tháng và đội vốn gần 900 triệu USD
Thế nhưng, hầu hết các cam kết này đều không được thực hiện đúng hạn. Tổng thầu vẫn chưa quyết liệt trong việc xử lý các tồn tại, vướng mắc, tiến độ dự án tiếp tục chậm trễ.
Bản thân Bộ trưởng Đinh La Thăng trong cuộc họp hồi đầu tháng 1/2015 đã nói thẳng: "Mỗi lần sự việc xảy ra, Tổng thầu lại nhận khuyết điểm nhưng đâu lại vào đấy. Tôi không tin lời hứa và nhận trách nhiệm của Tổng thầu nữa".
Chờ cam kết cho vay vốn từ Trung Quốc
Trong một diễn biến có liên quan, theo những người có liên quan, khó khăn lớn nhất của dự án hiện nay chính là “nắn” lại mức tổng đầu tư dự kiến giá trị điều chỉnh là 868,06 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD) so với tổng mức đầu tư ban đầu.
Trước đó, vào cuối tháng 12/2014, Bộ GTVT đã từng đề nghị Bộ KH&ĐT xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục tài trợ vốn vay ưu đãi bổ sung 250,6 triệu USD, nhưng cũng chưa được phê duyệt.
Cuối tháng 3/2015, Bộ KH&ĐT đã có văn bản trả lời Bộ GTVT, cụ thể phía Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung ương Trung Quốc (Eximbank Trung Quốc) chưa cam kết sẽ tiếp tục cho vay thêm. Do vậy, Bộ KH&ĐT cũng lưu ý Bộ GTVT cần chủ động tính toán đến tình huống này.
Ngày 3/4, tại cuộc họp báo quý 1/2015 Bộ GTVT, theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường thì Bộ đã có văn bản báo cáo Chính phủ cho phép điều chỉnh tăng vốn để làm cơ sở đàm phán với Ngân hàng Eximbank Trung Quốc vay vốn bổ sung.
Ông Trường cũng cho biết thêm: "Được biết, phía Eximbank đã thấy được nguyên nhân tăng vốn và yêu cầu phải tiêu hết số tiền đang có từ nay đến cuối năm sau đó mới tiếp tục đàm phán. Hiện, dự án mới giải ngân được 60%".
Vì sao nhà thầu kéo dài tiến độ?
Trước thực trạng nhà thầu Trung Quốc thi công chậm, đội vốn, TS Phạm Sanh - nguyên Giảng viên trường ĐH Bách Khoa TPHCM cho rằng: "Trong quá trình triển khai gặp các vấn đề chậm tiến độ, chất lượng thi công thấp, chắc chắn là do trong quá trình lựa chọn nhà thầu (tổ chức đấu thầu) đã có sơ hở. Cụ thể là vấn đề về năng lực, đặc biệt năng lực chuyên môn của nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu của dự án".
Từ đó, để thấy, thứ nhất, đó là chúng ta đang yếu kém trong việc quản lý hợp đồng. Thứ hai, tồn tại này là do chúng ta sử dụng hợp đồng BCC, cho phép Tổng thầu được tính trượt giá theo thị trường, đảm nhận gần như gói thầu hỗn hợp đi từ cung ứng, thiết kế, thi công. Việc cho tính trượt giá rất nguy hiểm, chắc chắn sẽ làm cho tiến độ chậm, kéo dài để nâng số tiền trượt giá.
Mặt khác, theo ông Sanh thì trong hợp đồng ký kết cũng quy định rõ nếu không đảm bảo được tiến độ, vi phạm thì có chế tài xử phạt. Nhưng, hiện nay vấn đề quản lý trượt giá ở Việt Nam vẫn còn bao cấp, chế độ bao cấp này thể hiện ở việc, giá cả phải dựa vào ý kiến Bộ xây dựng.
Bày tỏ quan điểm, ĐBQH Đinh Xuân Thảo - Ủy viên Ủy ban kinh tế cho biết: "Thứ nhất, xem lại hợp đồng giữa hai bên vì liên quan chủ đầu tư, nhà thầu, xem vướng mắc ở khâu thiết kế hay thi công, hay là khâu giám sát để chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.
Thứ hai, bây giờ là làm ăn kinh tế, phải quy trách nhiệm dựa trên hợp đồng kinh tế, đánh vào tài chính, sai là phạt, thêm nữa, người đi ký hợp đồng cũng phải chịu trách nhiệm chất lượng nhà thầu".
Trong khi đó, cũng đưa ra quan điểm trước vấn đề này, ĐBQH Bùi Thị An (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cho hay: "Thời gian qua, Bộ GTVT đã vào cuộc quyết liệt, tuy nhiên, khi đã làm cứng rắn nhưng mà đối tác không thực hiện được những yêu cầu của mình, thì phải xem xét lại, thay đổi chế tài khác cứng rắn hơn".
(Theo Đất Việt) Sơn Ca tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét