Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Nhân viên Viettel nhận lương khủng: Minh oan cho EVN, Petrolimex

Cập nhật lúc 07:39

(Doanh nghiệp) - "EVN và Petrolimex không phải không có lợi thế nhưng cũng có quá nhiều ràng buộc như về an toàn năng lượng, có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế".

Đó là nhận định của PGS.TS Tạ Văn Lợi, Trưởng Bộ môn Kinh doanh quốc tế, Viện Thương mại & Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân khi trao đổi với Đất Việt về số liệu báo cáo lên bộ Thông tin Truyền thông mới đây của Viettel, về thu nhập bình quân của 25.000 nhân viên của Tập đoàn này là 23,7 triệu đồng/người/tháng.
Biến thuận lợi thành năng lực cạnh tranh và khác biệt
Chia sẻ cụ thể, ông Lợi cho rằng, thu nhập như vậy không phải quá cao so với các công ty quốc tế, hay một vài vị trí quan trọng của các công ty trong nước nhưng là cao đối với các công ty trong nước nói chung.
Nếu xét về mức sống và chi tiêu thì mới dừng ở mức thu nhập trung lưu nếu xét theo luật thuế thu nhập nếu chỉ có một người trong gia đình 4 người làm việc ở Viettel thì các khoản giảm trừ cho một hoặc hai con thì mức thu nhập sau thuế cũng chỉ hơn 16-17 triệu để nuôi gia đình.
Hơn nữa, ông Lợi cho biết: "Nếu cho rằng Viettel là tập đoàn duy nhất trả lương theo năng suất lao động thì tôi tin rằng thu nhập trên cũng là hợp lý.
Tuy nhiên, xét về giác độ quản trị thì phải phân biệt rõ thu nhập khác với lương. Thu nhập sẽ bao gồm các khoản ngoài lương như thưởng, phụ cấp…. Kinh nghiệm quản trị quốc tế nói chung là lương chỉ trả theo chế độ, còn thưởng mới theo đóng góp. Không ai làm giầu bằng đồng lương nhưng có thể giầu có bằng tiền thưởng do công lao đóng góp lớn.
Có nhiều CEO hàng đầu thế giới dám nhận lượng 1$ khi công ty gặp khó khăn nhưng họ vẫn kỳ vọng vào tiền thưởng (có khi lên đến hàng triệu $) mà họ dám cam kết sẽ đưa công ty vượt qua khó khăn và có lợi nhuận lớn. Nếu Viettel giữ đúng nguyên tắc đó thì tôi mới tin là động lực để phát triển".
Nhìn nhận về kết quả báo cáo tăng trưởng hàng năm của Viettel, Petrolimex và EVN, theo quan điểm của ông Lợi thì nếu nói so sánh các tập đoàn với nhau cũng có chút khập khễnh.
Ông nhận định: "Khác với mọi người luôn đổ lỗi do “cơ chế” thì tôi xin khẳng định là do con người. Thành do người mà bại cũng do người. Không thể phủ nhận vai trò cá nhân trong các quyết định kinh doanh vừa có tâm và có tầm.
Viettel ra đời có những thuận lợi nhất định nhưng đã biến nó thành năng lực cạnh tranh, năng lực khác biệt khi nói về Viettel là nói đến dẫn đầu chi phí thấp. Mặc dù, hiện nay Mobile, Vinaphone có rẻ hơn nhưng không gây ấn tượng trong lòng công chúng như Viettel đã làm cách đây chục năm".
Theo ông Lợi phân tích thì EVN và Petrolimex không phải không có lợi thế nhưng cũng có quá nhiều ràng buộc như về an toàn năng lượng, có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, nhưng đấy cũng chỉ là biện minh vì có nhiều cách giải quyết các ràng buộc này bằng việc tách bạch kinh doanh và chức năng điều tiết rành mạch.

Viettel biết tận dụng cơ hội để phát triển
Viettel biết tận dụng cơ hội để phát triển

"Câu chuyện này tranh cãi sẽ còn dài nhưng quan điểm cá nhân tôi thì vẫn nên tách bạch rõ ràng như vậy thì EVN và Petrolimex mới phát triển được và lúc đó mới nên so sánh được", ông Lợi cho hay.
Viettel là điểm sáng nhưng không thể là mô hình chuẩn
Nhìn nhận ở một góc độ khác, theo ông Lợi, mức độ ảnh hưởng tới các ngành trong nền kinh tế khác nhau, còn phụ thuộc nhiều yếu tố như cân đối liên ngành, hàm tác động. Thế nhưng, nguyên nhân chính là do mức độ ảnh hưởng khác nhau, thời điểm Viettel bung ra và gây ấn tượng tốt cho cả người tiêu dùng, Nhà nước nên người dân cũng đủ khôn ngoan để phản ứng trước các lý do tăng giảm giá cả các chi phí xăng, điện, viễn thông.
Mặt khác, tỷ trọng chi phí xăng và điện trong cơ cấu chi tiêu của người dân cũng khá cao nên việc phản đối mạnh mẽ là tất yếu.
Trong khi đó, dù việc định biên và tinh giảm biên chế luôn là vấn đề phức tạp, nhưng Viettel làm được, đó cũng là thành công lớn.
"Các nơi khác làm chưa được nếu xét theo giác độ nghiên cứu kinh tế thì theo tôi là do hài hòa được lợi ích cả hai phía người lao động và doanh nghiệp. Trong nhóm người lao động cũng phải hài hòa giữa người ở lại và người về hưu, người bị tinh giảm.
Có vô vàn lý do để con người nghi kỵ nhau nhưng cũng có từng ấy cách con người có thể hài hòa với nhau. Triết lý quản lý con người vĩ đại nhất chính là tạo ra cơ chế mà mọi người làm việc như là làm cho chính họ. Vì vậy, nếu đó là thông tin chính xác thì tôi xin giành lời khen cho Viettel", ông Lợi nhấn mạnh.
Chính vì vậy, thực chất, nói Viettel là điểm sáng trong giai đoạn hiện nay là chính xác. Còn kinh doanh cũng chưa thể nói trước vì nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như IBM, NOKIA … cũng có thể “ngã ngựa”.
"Vì thế, nên nếu lấy mô hình Viettel cho mô hình chuẩn Tập đoàn kinh tế Nhà nước thì tôi không nhất trí. Vì Tập đoàn có vốn Nhà nước không hẳn là mấu chốt dẫn đến thành công của Viettel mà như trên tôi thấy là do chiến lược kinh doanh đúng đắn, cách quản trị kinh doanh minh bạch, con người lãnh đọa có tâm và tầm … mới là nguyên nhân dẫn đến thành công", ông Lợi cho biết thêm.
Mặt khác, ông Lợi cho rằng: "Theo tôi thì Nhà nước nên tập trung vào vai trò quản lý Nhà nước của mình, hãy để thị trường phát triển theo đúng nghĩa, còn nếu buộc phải tham gia thì phải tách bạch như là một nhà đầu tư góp vốn, có lợi nhuận cao thì góp nhiều và rút vốn khi cần thiết.
Người đại diện vốn phải được ăn lương và cử từ Bộ nội vụ sang làm đại diện như các nước vẫn làm hơn là lấy mô hình Viettel làm chuẩn".
(Theo Đất Việt) Thanh Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét