Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

NGHE BỘ CÔNG THƯƠNG THANH MINH CHO TKV*
Cập nhật lúc 09:00                 
 Ngay sau buổi tọa đàm về Dự án khai thác bauxite Tây Nguyên do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pan Nature) tổ chức vào ngày 28/3/2015 vừa qua, Bộ Công Thương, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã chính thức có văn bản trả lời một số thông tin về Dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên.
Lo ngại khoản lỗ là chưa đủ cơ sở!
Tại cuộc tọa đàm về dự án này, đã có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về khoản lỗ của bauxite Tây Nguyên. Một số tính toán còn cho rằng, 2 nhà máy có thể lỗ hơn 37 triệu USD với sản lượng hiện nay. Tuy nhiên, theo Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương, với diễn biến giá alumin trên thế giới, có nhiều thuận lợi đang giúp 2 nhà máy rút ngắn thời gian lỗ, thu hồi vốn và tính toán nêu trên là chưa đủ cơ sở. Đại diện TKV cũng khẳng định, các dự án đang được thực hiện theo đúng kế hoạch, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Các dự án khai thác bauxite - sản xuất alumina của TKV tại Lâm Đồng và Đắk Nông là các dự án công nghiệp luyện kim lớn, đầu tư từ nguồn vốn tự có của TKV và nguồn vốn vay. Cũng như đối với nhiều dự án công nghiệp lớn, trong giai đoạn đầu thường bị lỗ vài năm (có thể gọi là lỗ kế hoạch - lỗ đã được tính trong dự án) do ban đầu chưa phát huy công suất, chi phí chuẩn bị sản xuất, chi phí vốn (lãi vay), khấu hao thiết bị giai đoạn đầu còn cao.
 
Nhà máy Sản xuất Alumina Tân Rai, Lâm Đồng
Đối với Dự án Tân Rai, hiện tại đang thực hiện ở giai đoạn lỗ kế hoạch như dự án đã tính toán, còn cả đời dự án sẽ đảm bảo hiệu quả kinh tế với thời gian lỗ kế hoạch là 4 năm và thời gian thu hồi vốn là 11,5 năm; Dự án Nhân Cơ đang tiến hành xây lắp. Việc một số người lấy việc dự án sẽ lỗ trong giai đoạn đầu để đánh giá hiệu quả kinh tế cho cả đời của dự án là không đúng bản chất. Tập đoàn cũng hoan nghênh các đóng góp có tính xây dựng và sẵn sàng lắng nghe các ý kiến xác đáng của các nhà khoa học có kiến thức và hiểu biết về các lĩnh vực liên quan.
Việc một số người luôn tìm cách “tấn công” các dự án của TKV, họ không có đầy đủ thông tin và hiểu biết về các vấn đề không thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình là không khách quan. Những ý kiến đánh giá được đưa ra trên các số liệu, dẫn chứng không chính xác, thiếu thực tế, thiếu tính khoa học sẽ phiến diện và không đáng tin cậy. Tập đoàn cũng khẳng định rõ, sẵn sàng và luôn tham gia các hoạt động khoa học được tổ chức, thực hiện nghiêm túc, có sự tham gia của các nhà khoa học chuyên ngành có uy tín, có đủ hiểu biết và thông tin về lĩnh vực liên quan. TKV không có bình luận gì về các ý kiến tại tọa đàm của Pan Nature tại Hà Nội và không tham gia cuộc tọa đàm này.
Đối với Dự án Nhà máy alumin Nhân Cơ do điều kiện vận tải xuống cảng biển xa hơn, hạ tầng khó khăn hơn nên hiệu quả kinh tế thấp hơn so với Dự án alumin Tân Rai. Với thời gian lỗ kế hoạch là 5 năm và thời gian thu hồi vốn 12 năm. Đóng góp cho ngân sách Nhà nước là 435.444 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 29% mức thu ngân sách năm 2013 của tỉnh Đắk Nông (1.500 tỉ đồng). Ngoài ra, cùng với việc TKV rút kinh nghiệm từ Dự án Nhà máy alumin Tân Rai, làm chủ hoàn toàn về công nghệ, cải tiến kỹ thuật và tổ chức sản xuất hợp lý để tiết giảm chi phí để tiến tới cổ phần hóa toàn bộ dự án. Với xu thế tăng giá alumin như cuối năm 2014 và đầu năm 2015, thì hiệu quả dự án sẽ được tăng lên đáng kể, giảm thời gian lỗ kế hoạch và rút ngắn thời gian thu hồi vốn dự kiến.
Hiệu quả bước đầu
Sau nhiều đợt thanh kiểm tra, tổng hợp đánh giá, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra kết luận trong báo cáo: “Hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an ninh - quốc phòng của 2 dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ do TKV làm chủ đầu tư”.
Trên cơ sở kết quả giám sát, ngày 23/6/2014 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 775/NQ-UBTVQH13, đánh giá việc triển khai thí điểm 2 dự án là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương có tài nguyên khoáng sản, thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội ở khu vực địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Hiệu quả tổng hợp bước đầu của 2 dự án đã tác động lan tỏa và tích cực đến phát triển kết cấu hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động tại các địa phương. Dự án đã tạo được sự đồng thuận và nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông.
Dự án Tân Rai sau 1 năm vận hành thương mại bước đầu đã có kết quả tích cực, đóng góp nguồn thu ngân sách Nhà nước năm 2013 là 93 tỉ đồng và tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh Lâm Đồng khoảng 1.284 tỉ đồng. Ước tính, sau khi dự án đi vào vận hành ổn định, số thuế, phí nộp ngân sách khoảng 430 tỉ đồng/năm, doanh thu của dự án dự kiến sẽ đạt trên 4.000 tỉ đồng/năm. Mặt khác, dự án còn đào tạo nghề và tuyển dụng trực tiếp trên 1.200 công nhân công nghiệp, tạo việc làm ổn định cho khoảng 12.000 lao động liên quan, chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao đời sống người dân khu vực dự án, đóng góp đáng kể cho nguồn thu của tỉnh Lâm Đồng.
Đầu tháng 2/2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã kiểm tra và chỉ đạo 2 dự án bauxite. Sau khi đi thị sát, kiểm tra tình hình sản xuất, tiến độ triển khai thực hiện các dự án, Thủ tướng đã đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của chủ đầu tư, địa phương, các đơn vị liên quan trong việc khắc phục và vượt qua khó khăn để triển khai dự án và đạt được những kết quả đáng vui mừng. Dự án Tân Rai đã đảm bảo hiệu quả tổng hợp, gồm cả hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và yêu cầu về môi trường. Những lo ngại về hoàn nguyên, xử lý bùn đỏ đều được giải tỏa bởi kiểm tra các thông số về môi trường đều đáp ứng được tiêu chuẩn cho phép; TKV đang tiến hành hoàn nguyên và trồng cây công nghiệp ngay sau khi khai thác; các hồ bùn đỏ được xây dựng quy mô, công nghệ hiện đại và bảo đảm an toàn. Những kết quả này đã khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước về khai thác bauxite để sản xuất alumin, nhôm là đúng đắn.
Hiện nay Bộ Công Thương đang chỉ đạo TKV tập trung chỉ đạo, làm tốt công tác bàn giao, quyết toán công trình; làm chủ công nghệ, tìm giải pháp tổ chức sản xuất tốt, cải tiến công nghệ, tiết giảm chi phí nâng cao hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thành đúng kế hoạch có sản phẩm vào cuối năm 2015. Đồng thời Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan hoàn thiện đề cương, phân công nhiệm vụ lập báo cáo tổng kết thí điểm sau khi 2 dự án hoàn thành đi vào vận hành, sản xuất, kinh doanh ổn định.
Với những cơ sở nêu trên, có thể yên tâm về hiệu quả kinh tế, xã hội của 2 dự án thí điểm khai thác bauxite, sản xuất alumin Tân Rai và Nhân Cơ. Theo tính toán, thì Dự án Tân Rai lỗ kế hoạch 4 năm đầu, Nhân Cơ lỗ 5 năm đầu do phải trả nợ các khoản vay đến hạn… Việc năm 2015 và một vài năm tiếp theo, các khoản lỗ mang tính chất lỗ kế hoạch theo dự kiến là theo quy luật tất yếu của dự án đã được tính toán.
Tùng Dương
* Tôi đã đọc các bài phản biện của một số chuyên gia và nhà khoa học nhưng có cảm giác hai phía đang vênh nhau cách nhìn nhận. Các chuyên gia đã đưa ra những con số cụ thể về chi phí để khai thác ra một đơn vị sản phẩm bô xít và giá thành bán sản phẩm đó. Con số bán ra thấp hơn chi phí làm ra sản phẩm thì họ không thể nói là sản xuất có lãi, đó là chân lý đơn giản. Họ không nói là phải đưa số tiền vay nợ vào sản phẩm, khoản đó doanh nghiệp phải tích cóp dần từ tiền lãi để sau này trả nợ, vậy mà Bộ CT lại cứ ghép khoản vay vào để biện minh cho cái sự lỗ, lãi và đưa ra khái niệm “lỗ kế hoạch”! Ai chẳng biết phải chừng hơn hai “nhiệm kỳ” nữa mới trả xong nợ (tất nhiên đa số các bác lúc ấy đã nghỉ hưu rồi). Khoản tiền trả nợ phải được góp dần từ khoản lãi hàng năm, sao lại hy vọng “sau này giá bô xít sẽ lên” để có nguồn trả nợ? Như vậy khác chi đánh bạc!
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét