Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

Kinh doanh mỹ phẩm chiết xuất từ tế bào gốc: Phớt lờ lệnh cấm

Cập nhật lúc 13:46

 Mặc dù, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã ra văn bản cấm các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm các sản phẩm mỹ phẩm có thành phần nguồn gốc từ con người từ ngày 12/3 nhưng trên thực tế, nguồn hàng này vẫn đang được chào mời rộng rãi trên mạng.
 Loạn giá, mập mờ nguồn gốc
Đánh vào tâm lý luôn mong muốn níu kéo tuổi thanh xuân của chị em phụ nữ, thời gian gần đây trên thị trường xuất hiện loại mỹ phẩm được cho là có khả năng “cải lão hoàn đồng” với hàng loạt những công dụng như tăng độ bóng sáng, tăng tính co giãn, đàn hồi cho làn da, làm mờ vết tàn nhang...

Sản phẩm “tế bào gốc” được rao bán rộng rãi trên các trang mạng

Chỉ cần một cú kích chuột và gõ tìm kiếm trên thanh công cụ, chúng tôi không khỏi hoa mắt trước hàng loạt những địa chỉ cung cấp nguồn hàng cũng như các cơ sở thẩm mỹ lớn nhỏ có thể đáp ứng mọi nhu cầu làm đẹp, mà trong đó danh mục chăm sóc bằng mỹ phẩm chiết xuất từ tế bào gốc luôn được in đậm cùng những lời quảng cáo, chào mời vô cùng hấp dẫn. Có lẽ vì những ưu điểm vượt trội mà những sản phẩm, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp từ tế bào gốc có giá không hề rẻ. Cụ thể nếu mua lẻ sản phẩm sẽ có giá từ 500 ngàn đồng – 5 triệu đồng/lọ tùy vào từng trọng lượng.  
Lần theo địa chỉ một trang web có tên tamtrang.net, chúng tôi không khỏi choáng ngợp với rất nhiều loại mỹ phẩm được giới thiệu chiết xuất từ tế bào gốc của các hãng khác nhau. Đặc biệt, phần lớn nguồn hàng này đều được nhập từ Mỹ, Anh, Hàn Quốc... và theo đó, mức giá cũng có sự chênh nhau đáng kể. Ví dụ một hộp sản phẩm có tên Max Cream (tế bào gốc Mỹ) có giá gốc là 3.339.000 đồng/hộp đang trong đợt khuyến mại giảm xuống còn 3.000.000 đồng/hộp. Tuy nhiên theo chia sẻ của chị Ngọc Minh (Bạch Mai – Hà Nội) cho biết: “Da mình bị nám, sau một thời gian điều trị thì da mặt trở nên thô ráp. Nghe nhiều bạn bè rỉ tai về loại mỹ phẩm được coi là khắc tinh của nám, mình đã tìm mua mỹ phẩm được chiết xuất từ tế bào gốc về dùng thử. Qua khảo sát, một mẫu sản phẩm tầm trung cũng dao động từ 3 triệu – 5 triệu đồng/hộp nên mình đành chọn sản phẩm dùng thử là miếng đắp mặt nạ với mức giá mềm hơn là 350 ngàn đồng/ miếng. Mặc dù đã được khuyến mại nhưng tính ra vẫn bằng cả hộp sữa cho con, như thế cũng tốn kém…”. Chị Minh còn cho biết thêm, những sản phẩm được quảng cáo có công dụng kết hợp 2 trong 1, 3 trong 1... vừa chống lão hóa, trẻ hóa cơ thể, vừa ngăn ngừa được các loại bệnh tật, tăng khả năng sinh lý cho cả nam và nữ... thì mức giá có thể lên tới 15 – 20 triệu đồng/hộp.
 
 Công tác kiểm tra và xử lý vẫn còn nhiều khe hở     Ảnh minh họa
Theo thạc sỹ Phan Kim Ngọc – Trưởng phòng thí nghiệm tế bào gốc trường đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQGHN) cho biết: “Tế bào gốc người có thể thu nhận từ máu cuống rốn, màng lót cuống rốn, nhau thai... các tế bào này và các sản phẩm thu nhận từ chúng gọi là sinh phẩm. Các sinh phẩm này có thể được sử dụng trong công nghệ thẩm mỹ. Tuy nhiên hiện nay rất ít khách hàng biết được rõ ràng nguồn gốc thật sự là được chiết xuất từ thực vật, động vật hay nhau thai nên vô tình trở thành nạn nhân để các nhà cung cấp “múa” giá”.
Theo tìm hiểu, tại các cơ sở thẩm mỹ, liệu trình chăm sóc trọn gói bằng sản phẩm này có giá cao hơn gấp nhiều lần. Trung bình một gói dịch vụ kéo dài từ 7 – 10 buổi, khách hàng phải trả chi phí lên tới vài chục triệu đồng. Theo lý giải của chị Hải My -  một chủ thẩm mỹ viện trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) liệu trình chăm sóc ở các cơ sở thẩm mỹ là một liệu trình khép kín với sự hỗ trợ của những kỹ thuật như hút bã nhờn, xông hơi lạnh để khít lỗ chân lông... nên sẽ giúp cho sản phẩm phát huy tác dụng triệt để hơn. Mức giá trung bình từ 15 – 30 triệu đồng là hợp lý, còn một số cơ sở thẩm mỹ lợi dụng sự cả tin của khách hàng để đẩy giá lên cao hơn thì khách hàng nên xem lại.
Trước hàng loạt những thông tin về lệnh cấm mới được ban hành trong tháng 3 vừa qua về việc các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm có thành phần nguồn gốc từ con người, admin (người quản lý trang web tamtrang.net) cho biết: “Do sản phẩm mình đang dùng cho khách đều là sản phẩm nhập ngoại và được cấp phép tại nước ngoài nên được lưu hành và sử dụng ở tất cả các nước. Hiện nay, kênh cung cấp của mình đều ở các spa, thẩm mỹ viện nên thường mua với số lượng lớn để phục vụ khách”.
Xử lý chưa đủ mạnh
Trao đổi với chị Quỳnh Nga (chủ thẩm mỹ viện Ruby Spa – Đặng Thái Thân – Hà Nội) chúng tôi được biết hiện nay nhiều nơi lợi dụng sự mập mờ về thành phần chiết xuất trong sản phẩm để tự ý nâng giá lên bán cho khách. Ví dụ các sản phẩm cũng là chiết xuất từ tế bào gốc nhưng là tế bào gốc của thực vật, noãn thực vật... bị biến thành sản phẩm tế bào gốc từ người để bán giá cao. Tuy nhiên là người có kinh nghiệm lâu năm trong kinh doanh các dịch vụ thẩm mỹ, spa nên chị Nga cũng cho biết thêm: “Các loại mỹ phẩm xịn được chiết xuất từ tế bào gốc của người thường được kiểm duyệt rất gắt gao và có giá ... không tưởng chỉ những ngôi sao thế giới như Angela Jolie, Victoria Beckham... mới “đủ sức” sử dụng. Còn tất cả những sản phẩm bán trôi nổi trên thị trường,  mập mờ về nguồn gốc và chất lượng đều không đáng tin.
Nghị định số 176/2013/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế” quy định tại điều 51 về vi phạm quy định về kinh doanh mỹ phẩm, cụ thể kinh doanh mỹ phẩm có thành phần chất cấm sử dụng trong mỹ phẩm hoặc vượt quá giới hạn cho phép đối với các chất có quy định giới hạn nồng độ, hàm lượng sử dụng theo quy định của pháp luật; sẽ chịu mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp tổng trị giá lô hàng vi phạm dưới 20.000.000 đồng hoặc phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp tổng trị giá lô hàng vi phạm từ 20.000.000 đồng trở lên. Theo luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc cty Luật Tinh Hoa) cho biết: Hiện nay, quy định của Pháp luật về quản lý kinh doanh, lưu hành mỹ phẩm là tương đối đầy đủ. Trong công tác quản lý vẫn còn những kẽ hở dẫn đến tình trạng buôn bán những loại mỹ phẩm chiết xuất từ tế bào gốc vẫn tràn làn là do nhiều cơ quan cùng có quyền quản lý một việc dẫn đến trường hợp chồng chéo, nhường nhau trong xử lý vi phạm. Việc phối hợp giữa các đơn vị chức năng còn khó khăn, không đồng bộ. Có nơi hành vi vi phạm bị xử lý, có nơi thì không. Điều này tạo cho người vi phạm tâm lý, việc làm sai bị xử lý chỉ là rủi ro nên không chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật.
(Theo Lao động Thủ đô) Tuệ Liên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét