Chủ tịch ký
liều và 'tiền chùa' triệu đô
Cập nhật lúc 09:11
Trong khi người dân gánh nặng
đủ các loại phí, tỷ lệ % dân nghèo còn khá cao, tiêu chí thoát nghèo không
bền vững mà quan chức đầu tỉnh cả năng lực và trách nhiệm đều còn non kém,
dẫn đến sự lãng phí hàng chục triệu USD, thì nước Việt này còn lên thác xuống
ghềnh lắm.
Sau vụ việc ông Chủ tịch tỉnh Hà Nam
“bảo kê” cho xe của các doanh nghiệp tư nhân phá nát cầu đường, ông Chủ tịch
tỉnh Quảng Bình xây mộ bố vi phạm quy hoạch chung của tỉnh, ngang nhiên hợp
pháp hóa việc làm tư lợi đó bằng mọi cách, tuần này báo chí lại tiếp tục ồn
ào vụ việc ông Chủ tịch tỉnh Quảng Bình “ký liều”. Khiến bất cứ ai đọc và
biết về vụ việc này cũng bỗng thấy… “nóng mặt” và choáng.
Trên “dự án chồng dự án”
Không phải bởi sức nóng của Dự án pin
mặt trời có tổng vốn 14 triệu USD vay của CP Hàn Quốc và vốn đối ứng của CP
Việt Nam, được xem là dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời lớn nhất VN ưu
tiên cho Quảng Bình, trải dài trên địa bàn 10 xã của 04 huyện.
Cũng không phải bởi sức nóng của Dự án
đầu tư xây dựng công trình cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, với tổng
số vốn 368 tỷ đồng từ ngân sách TƯ cho Quảng Bình. Mà “nóng” và choáng, bởi
dù biết có hai dự án cùng mục tiêu cấp điện, nguy cơ “dự án chồng dự án” đẻ
ra đứa con… lãng phí, là nhãn tiền, nhưng ông chủ tịch tỉnh này vẫn cứ ký,
cho triển khai.
Đáng chú ý, mặc dù là vốn vay của CP
Hàn Quốc, nhưng dự án được ưu tiên cấp vốn dưới dạng ngân sách. Nghĩa là,
Quảng Bình được hưởng lợi từ nguồn vốn này mà không phải trả nợ. Việc trả nợ
vay cho CP Hàn Quốc thuộc trách nhiệm của CP Việt Nam. Và để duy trì Ban quản lý Dự
án, riêng tiền lương phải chi 1,3 tỷ đồng/năm.
Điều trớ trêu, dự án điện lưới sẽ trùm
lên hầu hết địa bàn mà dự án pin mặt trời đang triển khai cho cùng một mục
tiêu cấp điện vùng sâu, vùng xa!
Rút cục, dự án 14 triệu USD đi vay của
Hàn Quốc có nguy cơ thành phế liệu.
Phải chăng, vì đây là “tiền chùa” quốc
tế, và tỉnh Quảng Bình lại không phải trả nợ, nên thân phận 14 triệu USD… rẻ
bèo?
Khi đọc đến đây, người viết bỗng nhớ
tới một câu chuyện cảm động. Đó là trong dịp Tết Ất Mùi vừa qua, xã Phước
Bình (Bác Ái- Ninh Thuận) do ông Pinăng Hoàng làm chủ tịch xã, có 218 hộ
nghèo (với gần 2000 nhân khẩu) người dân tộc Raglai được nhận gạo cứu đói của
Chính phủ. Một chuyện bất ngờ, quà tết với số tiền 150.000đ/ hộ, bà con trong
xã nhận, riêng gạo cứu đói giáp hạt của Chính phủ trợ giúp, đồng bào rủ nhau
từ chối. Lý do, do thổ nhưỡng tốt, xã có nghề trồng chuối và chuối bán chạy,
nên các hộ bảo nhau từ chối nhận gạo cứu đói, để nhường cho các xã khác.
Số gạo trợ cấp giáp hạt cho 2000 con
người có lẽ không quá lớn, nhưng tấm lòng “lá rách đùm lá… nát” của người dân
xã Phước Bình, như trong bài viết của báo Đất Việt, lại rất lớn.
Chả lẽ, một ông chủ tịch tỉnh, mà cách
nghĩ lẫn cách hành xử lại kém xa một ông chủ tịch xã và 2.000 người dân nghèo
đến thế?
|
Một
trong nhiều Dự án pin mặt trời nhỏ lẻ như thế này sẽ bị tháo dỡ vì không
đồng bộ với Dự án pin mặt trời vay của Chính phủ Hàn Quốc. Ảnh: Tiền Phong
|
Trả lời báo chí
về vụ dự án chồng dự án, ông Chủ tịch tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài có cách
thanh minh vừa đổ lỗi vừa như… thú tội: Một dự án khổng lồ như vậy,
tôi ký là trên cơ sở tham mưu của các ngành từ dưới lên trên đầy đủ hết,
nhưng... đã chồng và có thể gây lãng phí (TP, ngày 11/4). Ông
cũng cho biết, tới đây “sẽ chỉ đạo cho kiểm điểm
nghiêm túc những tập thể, cá nhân liên quan”.
Tuy nhiên, nếu
đọc kỹ các thông tin trên báo chí, người đọc sẽ thấy vấn đề nghiêm trọng hơn
rất nhiều, không thể nhẹ nhàng theo kiểu cho kiểm điểm nghiêm túc như lời hứa của ông này. Hàng loạt
câu hỏi cần đặt ra cho tỉnh Quảng Bình, và cho các quan chức có trách
nhiệm của tỉnh:
Đó là, không chỉ vi phạm Quyết định
2081 của TTCP (ưu tiên cấp điện cho những xã không có điện), cố tình để “dự
án chồng dự án”, mà ngay cả dự án điện lưới cũng có vấn đề.
Theo nguyên tắc, ở hai xã Tân Trạch,
Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) không thể kéo điện lưới. Vì điện lưới sẽ đi qua
rừng đặc dụng Phong Nha- Kẻ Bàng (Di sản thiên nhiên thế giới đã được UNESCO
công nhận), xâm hại khoảng 90 hecta rừng đặc dụng, theo đánh giá của giới
chuyên gia. Điều này là vi phạm ngay cả Hiệp ước 1972 về bảo vệ Di sản thiên
nhiên thế giới của UNESCO mà VN là một trong các thành viên tham gia, nhưng
Quảng Bình cũng không tham khảo ý kiến của đại diện UNESCO tại VN.
Còn một lãnh đạo của Vườn QG Phong Nha
- Kẻ Bàng cho biết, đến nay chưa nhận được văn bản nào thông báo về việc sẽ
kéo điện lưới đi qua rừng đặc dụng Phong Nha- Kẻ Bàng. Theo quy định, nếu chỉ
chặt tỉa cành nhánh ở rừng đặc dụng thì UBND tỉnh ra quyết định, còn nếu ở
mức độ chặt bỏ cây rừng thì phải xin ý kiến TTCP (TP, ngày 19/3)
Vậy mà ông Phan
Văn Thường, GĐ Sở Công Thương lại cho rằng, dự án kéo điện lưới trải rộng
trên địa bàn toàn tỉnh, lại triển khai từ đây đến năm 2020, nên chỉ cần cam
kết bảo vệ môi trường với các địa phương khi triển khai thi công là đủ (?) (TP, ngày 03/4). Ô, niềm tin
thường… “ngây thơ”! Hay là sự vô trách nhiệm, biến báo cho hành vi vi phạm?
Vì sao mà trước đó, dự án này đã không
hề có báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định, nhưng vẫn được ông
chủ tịch tỉnh phê duyệt. Vì kém hiểu biết, vì tham mưu kém, hay vì còn những
lý do gì khác?
Việc chủ tịch tỉnh quá tin ở bộ máy
tham mưu, kéo đến sự ký bừa, dự án chồng dự án, như lời ông tự nhận. Vậy vì
sao lại có những chuyên gia, những tham mưu coi phép nước (QĐ 2081 của TTCP)
bằng… vung? Đằng sau chuyện tham mưu, là chuyện gì?
Vì sao, ngay cả khi vụ việc đổ bể, ông
Bí thư Tỉnh ủy QB mới biết. Bởi theo ông, UBND tỉnh đã không hề báo cáo với
Tỉnh ủy vấn đề dự án lưới điện quốc gia. Cũng không thông qua Hội đồng ND
tỉnh như quy định pháp luật, vì đây là dự án nhóm B. Một dự án lớn, mà Chủ
tịch tỉnh không báo cáo Bí thư TU. Trong khi theo chức năng, Đảng luôn có
nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện đường lối chiến lược phát triển KT- XH của
tỉnh.
Mặc dù mấy năm
nay, công tác xóa đói giảm nghèo của QB đã có những kết quả nhất định. Nhưng
con số còn hơn 23.000 hộ nghèo (cuối năm 2014), và tính chất các hộ thoát
nghèo lại thiếu bền vững, chỉ cần chút biến cố là các hộ thoát nghèo trở lại… em vẫn như ngày xưa, thì việc lãng phí tới 14 triệu
USD của một dự án đi vay, chỉ vì quan liêu, thiếu hiểu biết, hay bởi những lý
do gì khác nữa không thể biết, ở một tỉnh nghèo, thật khó chấp nhận.
|
Dự án lưới điện quốc
gia đi qua Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: Tiền Phong
|
Dưới “phí chồng phí”
Đặt những con số lãng phí, thất thoát
qua các dự án, mà Dự án pin mặt trời ở Quảng Bình, chỉ là một ví dụ cụ thể,
trong bối cảnh các loại phí tính trên đầu người dân, người nông dân, mới thấy
thật xa xót.
Xa xót, bởi ông
Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH mới đây đã phải nói thẳng: “Không có nước nào nhiều khoản
phí như ở ta” khi UB Thường vụ QH cho ý kiến vào dự luật phí,
lệ phí.
Đó là một hiện thực. Quốc gia nào
cũng phải trông vào các nguồn thuế, nguồn phí của dân, một trong những nguồn
thu cho quốc gia. Tuy nhiên, mặc dù có cả Pháp lệnh Phí và Lệ phí với những
quy định chi tiết, rành mạch cụ thể, nhưng trong thực tế việc thực hiện, thi
hành lại không… rành mạch lắm. Dẫn đến tình trạng “phí chồng phí”, giả danh
phí, lệ phí tràn lan.
Rõ khéo. Trên thì “dự án chồng dự
án”, dưới thì “phí chồng phí”. Rút cục, đều là “phí” của dân phải đóng. Phí
đến độ nào?
Báo Kinh tế và Đô thị, ngày 11/4 mới
đây cho biết, báo cáo "Tổng quan môi trường thuế VN 2014" của Công
ty Vietnam Report, trung bình trong 05 năm gần đây, tỷ lệ thu từ thuế và
phí/GDP của Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan và Malaysia khoảng 15,5%,
Philippines 13% và Indonesia 12%... Việt Nam thuộc diện huy động thuế, phí
vào loại trung bình thấp, ở mức 12 - 14% GDP. Song với tình trạng phí chồng
phí và lạm thu ở nhiều nơi, khiến mỗi người dân VN phải gánh tỷ lệ chịu thuế,
phí/ GDP cao gấp 1,4 - 3 lần so với các nước trong khu vực.
Còn con số thống kê của Bộ NN&PTNT
cho biết, nông dân phải gánh đến 131 khoản đóng góp, trong đó có 93 loại phí,
lệ phí theo quy định, 38 khoản đóng góp xã hội khác. Ngoài các khoản phí, lệ
phí theo quy định, một hộ nông dân bình quân mỗi năm phải đóng từ 250.000 -
800.000 đồng cho các khoản.
Trong khi đó, tỉ lệ hộ dân nghèo của
XH ta còn khá cao.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Úc) cho
biết, mặc dù theo con số của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, VN chỉ có
6% hộ nghèo (tỉ lệ này vào năm 2012 là gần 10%). Nhưng kết quả đo lường của
WB lại theo chuẩn khác. WB đã hợp tác với Tổng cục Thống kê VN, đưa ra chuẩn
về nghèo ở VN như sau: Thu nhập hàng tháng (năm 2010) trên đầu người là 653
ngàn đồng. Từ đó, WB tính được rằng cả nước VN hiện nay có gần 17 triệu người
nghèo, chiếm tới… 20% dân số của cả nước. Tính ra, cứ 05 người thì có
01 người nghèo.
Tỉ lệ nghèo này cũng phân bố không
đồng đều giữa các tỉnh. Các tỉnh thuộc Tây Bắc vẫn là nghèo nhất. Lai Châu,
có tới 76%. Điện Biên, Hà Giang: 71%. Sơn La: 64%, Lào Cai: 57%...v.v… Vùng
nghèo thứ hai là Tây Nguyên. Ở Tây Nguyên, chỉ riêng tỉnh Kon Tum, có gần 50%
người dân được xếp vào nhóm nghèo.
Đối lập với cái nghèo là sự giàu có. Giàu
có đến mức độ nào?
Theo PetroTimes ngày 10/4, tạp chí
The Economist và Ngân hàng Citi (Citibank) công bố báo cáo về các tác động
của nhóm người giàu mới nổi cho thấy ở châu Á, nhóm người giàu mới nổi của
Việt Nam tăng cũng khá nhanh, đứng thứ 03 chỉ sau Ấn Độ và Indonesia. Báo chí
VN cũng đã từng công bố danh sách 500 người giàu nhất trên thị trường chứng
khoán VN và cũng là giàu nhất xã hội. Thậm chí có một nghị sĩ công khai với
QH và cử tri rằng mình có 500 tỉ đồng.
Nhưng con số giàu nhanh, giàu sổi,
hay giàu bền vững đó của VN cũng không… hoán đổi nổi số phận của nước Việt-
vẫn là một nước rất nghèo với gần 17 triệu người nghèo thu nhập chưa đầy 35
USD/ tháng. Con số giàu có đó chỉ có sức tải một thông điệp buồn, rằng sự
phân hóa giàu nghèo trong XH ngày càng sâu sắc. Và cùng với vấn nạn tham
nhũng, đạo lý văn hóa XH xuống dốc, góp phần làm cho KT- XH bất ổn.
Chính vì thế, ở một góc độ khác, các chuyên gia cho rằng, việc công bố
con số GDP với thu nhập đầu người gần 2.000 USD không có nhiều ý nghĩa, bởi
thực chất vẫn có tới gần 17 triệu người dân không hề được hưởng thụ gì con số
bình quân 2000 USD. Có giáo sư người Nhật còn tiên liệu, cảnh báo, VN không thoát
khỏi “bẫy trung bình”. Có nghĩa là rất có thể phải chịu thân phận mãi mãi là người đi sau.
Ở góc độ chất
lượng và giá trị mức sống, Hiệu Minh, cựu chuyên gia IT của WB đã có một phân
tích thấu đáo khi cho biết, nói về sự phát triển của một quốc
gia, ngoài GDP- tổng sản phẩm nội địa, các quốc gia văn minh rất
chú ý đến SPI (Social Progress Index) - chỉ số phát triển xã hội bao gồm nhu
cầu cơ bản của con người, nền tảng của cuộc sống (well-being) và cơ hội. Bên
cạnh GDP, phải có cả chỉ số SPI này mới làm nên một thước đo hoàn chỉnh về
chất lượng sống một quốc gia.
Thế nhưng nếu
so với GDP thì SPI quả là một thước đo… khó tính. Bởi nền tảng của SPI cao “chính là thể chế chính trị minh bạch, luật pháp nghiêm minh,
công bằng về cơ hội, quyền con người được đảm bảo” (Tuần Việt Nam, ngày
10/4).
Mà nếu vậy thì
hành trình của VN còn đường xa muôn dặm sơn hà…
Sự phát triển của mỗi quốc gia là dựa
trên sự phát triển của mỗi địa phương, mỗi tỉnh, t/p. Ở đó, các quan chức đầu
tỉnh chính là cánh tay giúp việc đắc lực cho nhà nước, triển khai đường
hướng, chính sách của nhà nước, góp phần thúc đẩy XH phát triển.
Thế nhưng,
trong khi người dân gánh nặng đủ các loại phí, tỷ lệ % dân nghèo còn khá cao,
tiêu chí thoát nghèo không bền vững mà quan chức đầu tỉnh cả năng lực và
trách nhiệm đều còn non kém, dẫn đến sự lãng phí hàng chục triệu USD thì
nước Việt này còn lên thác xuống ghềnh lắm.
(Theo TuanVietNam) Kỳ Duyên
Nhà báo Kỳ Duyên nói ông chủ tịch "ký liều" chắc chỉ nói vui thôi. Chúng ta ai chẳng hiểu các quan khi đã làm đến hàng Tỉnh rồi thì thừa hiểu giá trị mỗi chữ ký của mình lắm lắm. Họ không những luôn tuôn ra những "lời vàng ý ngọc" mà còn viết (ký) ra hàng đống tiền ấy chứ!
Thương Giang
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét