Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Ai sẽ điều chỉnh ‘giấc mộng’ của lãnh đạo TQ?

Cập nhật lúc 14:45 
  
Kết thúc thời kỳ “thao quang dưỡng hối” (giấu mình chờ thời), những năm sắp tới sẽ là thời điểm TQ cọ xát trong vai trò cường quốc.
Qúa trình này không phải ở dạng tĩnh, theo nghĩa lộ trình đó cứ thế từ hiện tại tiếp diễn đến tương lai, mà ngược lại: luôn trong thế thương lượng, giằng co, có thể dẫn đến thắng lợi hay suy tàn.  
TQ của thế hệ lãnh đạo thứ 5 đang mong muốn định hình thế giới bằng giấc mộng “vì sự nghiệp đổi mới vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”. Nhưng thế giới cũng sẽ giúp điều chỉnh lại TQ thông qua các “đòn bẩy” và “thang giá trị”. Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á AIIB là thí dụ điển hình. 
 thao quang dưỡng hối, Trung Quốc, Tập Cận Bình, AIIB, ODI, đầu tư hạ tầng, ngân hàng, IMF, Worldbank
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Toàn quyền Australia Peter Cosgrove tại Diễn đàn Bắc Ao, nơi AIIB được thảo luận. Ảnh: Reuters
Thử nghiệm AIIB  
AIIB được đề xuất bởi Chính phủ TQ năm 2013 và bắt đầu triển khai từ tháng 08/2014. AIIB đang được các nhà quan sát đánh giá là một thành công trong cuộc chơi đa phương do TQ dẫn dắt. Chỉ dấu được nhắc đến nhiều nhất là sự tham gia “rầm rộ” của các nước, bất chấp sự phản đối từ Washington.  
Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 15/4 thông báo 57 nước được phê chuẩn làm thành viên sáng lập, bao gồm cả Anh, Pháp, Đức, Ý; và cả Úc, Hàn Quốc, những nước đang là đồng minh của Mỹ tại châu Á. 
AIIB là một cơ hội để TQ xây dựng vai trò lãnh đạo của mình. Tuy nhiên, AIIB cũng thử thách năng lực điều phối các vấn đề mang tính quốc tế của TQ. Những ghi nhận từ cuộc tranh luận nội bộ của nước này cho thấy vẫn đang có sự giằng co giữa các cách thức khác nhau trong cả mục tiêu, lẫn phương thức quản trị mà AIIB hướng đến.  
Nghiên cứu của một học giả TQ chỉ ra: có ý kiến cho rằng AIIB cần phục vụ chương trình kinh tế (và chính trị) của TQ, tăng cường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ liên quan tới phát triển cơ sở hạ tầng cùng với Chiến lược “Một vành đai, một con đường”. Theo đó, những quốc gia không tôn trọng TQ hay có những vấn đề chính trị-an ninh với nước này sẽ nhận được ít vốn hơn. 
Ngược lại, quan điểm ban đầu thành lập ngân hàng thương mại đa phương, hơn là một “Cơ quan hỗ trợ phát triển” (để phục vụ cho các mục tiêu đối ngoại nhất định) đặt ra câu hỏi làm thế nào để cân bằng giữa (i) nhu cầu cạnh tranh và (ii) nhu cầu hoàn trả trong việc đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng.  
Khi đề xuất ý tưởng thành lập, TQ nhấn mạnh tới “khoảng trống 8 nghìn tỷ USD trong thị trường cơ sở hạ tầng châu Á” mà các thể chế tài chính hiện nay không thể đáp ứng. Nước này còn tuyên bố AIIB sẽ là một bộ máy minh bạch, đơn giản và hiệu quả. Điều này là một hướng đi hoàn toàn khác với mục tiêu sử dụng AIIB như một “ngân hàng chính trị hay theo đuổi phương châm đổi cơ sở hạ tầng để lấy tài nguyên”.  
Chưa thể kết luận luồng tư tưởng nào sẽ giành chiến thắng cuối cùng. Nhưng những chỉ dấu đến nay cho thấy TQ đang ưu tiên cách tiếp cận thứ hai trong giai đoạn khởi điểm. Chẳng hạn như việc đảm bảo cơ cấu đa phương của AIIB trong quá trình đàm phán thành lập.  
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính TQ Lâu Kế Vĩ, AIIB sẽ có cấu trúc quản lý ba tầng: (i) Ban quản trị (Board of Governors), (ii) Ban giám đốc (Board of Directors) và (iii) Chủ tịch/Ban quản lý (President/Bank Management). Ban quản trị là bộ phận quyết định cao nhất, đưa ra quyết định dựa trên việc bỏ phiếu theo tỷ lệ cổ phần. Cũng theo quan chức này, ban giám đốc sẽ được tuyển chọn khách quan bởi ban quản trị để quyết định về ngân sách và dự án. Theo đó, nếu TQ cố gắng thúc đẩy các khoản cho vay không hợp lý thì ban giám đốc sẽ ngăn chặn. 
Hay trong buổi đàm phán thứ hai để thành lập AIIB vào tháng 1/2015 tại Mumbai. Buổi làm việc được Thứ trưởng Bộ Tài chính TQ Sử Diệu Bân và Trợ lý Bộ trưởng Bộ Tài chính Ấn Độ Dinesh Sharma cùng chủ trì. Dù nhóm chuẩn bị thành lập AIIB gồm chủ yếu là các quan chức TQ, nhưng việc đồng chủ trì với Ấn Độ cho thấy nội bộ TQ đã chấp nhận việc đa phương và đa dạng trong cơ cấu nhân sự.  
Tuy nhiên, sự đa dạng này rất có thể sẽ chỉ là hình thức bởi TQ không giấu diếm việc sẽ nắm giữ quyền phủ quyết trong AIIB. Điều này sẽ làm giảm đáng kể động lực tham gia hoạt động thực tế trong AIIB của các nước.  
Trong một tuần cao điểm dồn dập về AIIB, ngày 23/3 có nguồn tin được cho là từ một chuyên gia cao cấp của TQ tiết lộ Bắc Kinh sẽ từ bỏ quyền phủ quyết. Điều đó có nghĩa là một hình dung AIIB do TQ khởi xướng, nhưng không do TQ chi phối và bá quyền. Nếu đúng như thế thì điều này phản bác hoàn toàn lập luận của các nhà quan sát phương Tây khi nói AIIB sẽ được dùng như một “ngân hàng chính trị”. Tuy nhiên, chưa tới ba ngày sau, người phát ngôn Bộ ngoại giao TQ Hoa Xuân Oánh phủ nhận quan điểm trên. Song bà Oánh cũng không nói liệu TQ có hay không tiếp tục sẽ theo đổi quyền phủ quyết.  
thao quang dưỡng hối, Trung Quốc, Tập Cận Bình, AIIB, ODI, đầu tư hạ tầng, ngân hàng, IMF, Worldbank
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ tư từ phải) họp với các vị khách trong lễ ra mắt AIIB tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, ngày 24/10. Ảnh: Reuters
Trở lại với thực tế 
Cuộc tranh luận về AIIB trong thời gian vừa qua đang bị thổi phòng và dẫn dắt bằng nhiều giả thuyết. Sau khi các thông tin ban đầu về dự án ngân hàng phát triển này qua đi, chúng ta sẽ phải quay lại với các cuộc tranh luận nghiêm túc hơn. Ba trong số đó là động cơ, mục đích và khả năng tác động thật sự của AIIB với vai trò của một thiết chế tài chính lấy mục tiêu cung cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng tại châu Á.    
Chẳng hạn, sự thiếu công bằng trong quá trình ra quyết định tại các thiết chế tài chính hiện tại mà chủ yếu là Qũy tiền tệ thế giới (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) đã khiến rất nhiều quốc gia phản đối. Nguyên nhân là do hệ thống bỏ phiếu dựa trên sự góp vốn và quyền phủ quyết dành cho cổ đông lớn nhất - Mỹ.  
Suốt nhiều năm qua, các thành viên của IMF đã liên tục kêu gọi cải cách vấn đề quản trị của IMF nhằm cho phép các nước khác có thể tác động nhiều hơn tới quá trình ra quyết định. Viện trợ từ các thể chế tài chính như IMF và WB - do phương Tây lãnh đạo luôn đi kèm các điều kiện, không chỉ về kinh tế, mà còn bao gồm cả các giá trị điều chỉnh chính trị và xã hội.  
Đối với các nước phát triển, sự cứu trợ của các tổ chức này mang lại rất nhiều thiệt hại và rủi ro. Thậm chí, đôi lúc, còn khiến tình hình tồi tệ hơn, như trường hợp Khủng hoảng tài chính châu Á 1997. Các biện pháp mang tính dân chủ hóa và tự do hóa thương mại mà IMF và WB đưa ra bị đánh giá theo nhiều cách khác nhau. Một cách “trung lập” nhất các liều thuốc đắng này không “dã được tật”. Thay vì uống thuốc để ổn định tình hình, thì con bệnh ngày càng hoảng loạn và trở nặng.   
Chính vì vậy, sự ra đời của AIIB, Con đường tơ lụa và cả Ngân hàng BRICS hiện đã nhận được sự ủng hộ. Ngoài lý do lợi ích, đối với nhiều nước (trong đó chủ yếu là các nước đang phát triển) đó còn là một giải pháp để phá vỡ thế độc quyền của các định chế “bá quyền” có sẵn.  
Tương tự như việc Mỹ thành lập IMF và WB sau Thế chiến II, sự thành lập AIIB của TQ – dưới góc nhìn của những lý thuyết gia theo đuổi chủ nghĩa hiện thực đề cao môi trường vô chính phủ và sức mạnh quốc gia được xem là một bước đi để thiết lập bá quyền thông qua ảnh hưởng kinh tế.  Thời điểm của một quốc gia trỗi dậy trở thành cường quốc phải có một nền kinh tế mạnh, một quân đội mạnh, một đồng tiền mạnh và khả năng phân bổ lợi ích cho các nước láng giềng thông qua các kênh ảnh hưởng.  
Nhưng quan trọng hơn, đó là khả năng chuyển hóa từ một người chấp nhận tuân theo các luật lệ (rule taker), thành một người tạo ra luật chơi (rule maker). Vào thời điểm IMF thành lập, nước Mỹ là người thắng cuộc, ngồi trong bàn để vẽ lại bản đồ thế giới. Asian Development Bank (ADB) cũng được ra đời và đẩy mạnh các hoạt động trong quá trình nước Nhật trở lại với vai trò cường quốc kinh tế khu vực.  
Như vậy, bá quyền phương Tây liệu sẽ được thay thế bằng một bá quyền theo kiểu TQ, mà AIIB là biểu hiện rõ nét nhất? Khác với những nhận định có phần lạc quan, có lẽ AIIB chỉ nên được giới hạn như một thử nghiệm trong việc TQ chuyển hóa sức mạnh đang lên của mình thành quyền lực hợp tác và trách nhiệm.  
Việc các nước có chuẩn mực về quản trị và môi trường cao tham gia sẽ là động lực để AIIB trở thành một ngân hàng đa phương với cách thức quản lý minh bạch và có trách nhiệm. Đó là lập luận của những người ủng hộ. Lập luận này có thể bị nghi ngờ bởi mô hình quyền phủ quyết, góp vốn và bỏ phiếu trong ban quản trị hiện vẫn chưa có thống nhất cuối cùng.  
Nhưng sẽ là thậm xưng nếu cho rằng TQ có thể tùy ý làm gì thì làm trong “ngân hàng riêng” do Bắc Kinh khởi xướng. Thực tế là với 50 tỷ vốn đầu tư ban đầu (bằng 1/3 vốn của Ngân hàng phát triển châu Á - ADB), dự kiến sẽ tăng lên 100 tỷ USD khi số lượng thành viên tăng lên, cùng cơ chế quản trị đa phương phức tạp và rắc rối hơn, TQ sẽ phải tiếp tục giới hạn lại mục tiêu và điều chỉnh một cách phù hợp các tiếp cận chính sách. 
Là một thử nghiệm, AIIB có thể gia nhập vào hệ thống toàn cầu theo nhiều cách thức: phân chia thị phần với các ngân hàng phát triển sẵn có; phân chia lại thị trường; cạnh tranh và thay thế được các định chế hiện thời. Tuy vậy, thử thách thực sự đối với TQ không phải là đánh bật các đối thủ cạnh tranh; mà  là quản trị một hệ thống để các đối thủ cạnh tranh cùng chịu hợp tác và “chơi” theo luật của mình.
(Theo TuanVietNam) TS. Trương Minh Huy Vũ – TS. Phạm Sỹ Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét