Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012


23:31

Khắc khoải 2012

 TuanVietNamnet-Tận thế không xẩy ra như khá nhiều người lo lắng, nhưng năm 2012 qua đi đã để lại cho nhân loại và đất nước những lo âu xác thực hơn và lớn  hơn  nhiều. 
Dù bạn là ai, lạc quan hay bi quan, dù bạn nhìn thế giới và đất nước từ góc độ nào, dù bạn thích nói và quen nghe những tin tốt bị thổi phồng hơn là những tin xấu đích thực, dù điều bạn nói có chính là điều bạn nghĩ hay không thì chắc chắn bạn cũng không thể phủ nhận năm 2012 trôi qua với quá nhiều điểm tối. 
Một vài điểm sáng chuyển biến ở Myanmar, tiến bộ trong việc ngăn chặn đại dịch HIV, hoặc cuộc vận lộn chống tan rã khối của khu vực đồng tiền chung Châu Âu…cũng không giảm bớt gam màu ảm đạm của bức tranh toàn cảnh. Trong khi  hầu hết các vấn đề hệ trọng bậc nhất tồn đọng từ lâu của thế giới, chẳng những không được giải quyết mà có vấn đề còn phát tác trầm trọng hơn, thì lại nẩy sinh những đe doạ mới, dập tắt phũ phàng những hy vọng vốn đã mong manh khi bước vào năm 2012. 
Người ta không thể không tự hỏi: Phải chăng loài người vẫn đang tạo ra ngày tận thế của mình bằng cách tiếp tục hành xử với nhau và hành xử với thiên nhiên một cách tệ hại như hiện nay?
Bi kịch là ở chỗ hầu như người ta biết những gì cần và phải làm, nhưng đã không làm hoặc không thể làm những việc đó. Những mâu thuẫn và xung đột gay gắt, những định kiến, kỳ thị, hằn thù, những thế lực đen tối, tham lam, tàn bạo vẫn đang đang áp đảo  lương tri lãnh mạnh, gây ra biết bao đau khổ cho con người trên thế giới, trong mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng, bất chấp cố gắng lương thiện của một bộ phận nhân loại. Các bài viết cuối năm của các phương tiện thông tin đại chúng chỉ có thể kiểm đếm được một phần sự thực đó. 
Những xung đột đủ màu sắc quốc gia, sắc tộc, tôn giáo, chính trị… tiếp diễn ngày càng gay gắt, đẫm máu hơn, những lò lửa cũ chưa kịp tắt, thì những lò lửa mới đã nhóm lên, sẵn sàng bùng ra. Cuộc chạy đua vũ trang mới mà  thế giới tiếp tục lao vào, khỏi đầu từ những quốc gia  nuôi tham vọng tranh bá đồ vương, kéo theo cả những quốc gia nghèo, đang phải vật lộn với đói rét, tật bệnh. 
Phân hoá giàu nghèo tiếp tục diễn ra cấp tập trên thế giới, trong mỗi quốc gia và cộng đồng tiếp tục đào sâu hố ngăn cách và sự thù hận giữa người và người. Đói khát, tật bệnh vẫn hành hạ con người không chỉ ở Châu Phi kiệt quệ, mà nạn nhân thê thảm nhất vẫn là trẻ em, người già, phụ nữ. Nạn bóc lột và tàn phá thiên nhiên quy mô toàn cầu ngày càng tàn khốc, gây ra những thảm hoa thiên nhiên khôn lường…
Năm 2012 các cuộc bầu cử ở gần sáu chục quốc gia, trong 4/5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và hầu hết các nước có sức mạnh kinh tế hàng đầu thế giới đã đưa ra sân khấu chính trị  những nhân vật mới có, cũ có với những tuyên ngôn nhiều giọng điệu. 
Đằng sau những lời lẽ tốt đẹp, người ta thấy nhiều hứa hẹn hoa mỹ, khoa trương, những huyễn tưởng, những mưu mô, thủ đoạn canh tranh với nhau và chèn ép tước đoạt kẻ yếu. Còn sự tự tin và lòng chân thật thì ít hơn nhiều. 
Không hiếm trường hợp sự phát triển của một quốc gia này lại kéo theo nguy cơ đe doạ và thậm chí có thể trở thành tai hoạ đối với những quốc gia khác. Trung Quốc là một ví dụ. Người ta chưa kịp mừng 1/4 nhân loại ở đó đang dần thoát khỏi cơ cực do  những thành tựu kinh tế của họ thì đã canh cánh  lo âu trước hàng loạt căng thẳng về kinh tế, chính trị, quân sự, môi sinh, trước những tranh chấp biển, đảo, đất liền, trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan do giới cầm quyền nước này tạo ra và dung dưỡng.
Hầu như mọi vấn nạn của thế giới đều ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Dù không phải là một nước nhỏ trên thế giới này, nhưng chúng ta lại có rất ít phương tiện vật chất và tinh thần để chủ động tác động đến các tiến trình quốc tế. Trong thế bị động, nhiều khi trong tư cách “người bị hại”, thì việc đề ra và thực hiện một sách lược tối ưu để tồn tại và phát triển  vốn đã là vấn đề vô cùng gian nan đối với bất cứ lực lượng lãnh đạo của quốc gia nào. Thế mà đất nước chúng ta, ngoài những khó khăn chung đó, lại còn phải đối mặt với những khó khăn đặc thù do vị trí địa chính trị và do chính mình gây ra.
(Theo VietNamnet)  Bùi Đức Lại

21:19
 Chống chuyển giá nhìn từ Keangnam Vina

Cuộc chiến chống chuyển giá tại các doanh nghiệp FDI đang được ngành thuế thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, phía sau cuộc chiến này, ngành thuế nhận thấy những lỗ hổng pháp lý quá lớn để các doanh nghiệp có thể lách qua, như trong trường hợp của Công ty TNHH Keangnam Vina mà VnEconomy đề cập dưới đây.

Tòa tháp Keangnam Hanoi Landmark do Cty Keangnam – Vina đầu tư.
Tháng 5/2007, để chuẩn bị tài chính cho dự án tổ hợp Keangnam Vina đã ký hợp đồng vay vốn từ ngân hàng Kookmin Bank. Cho đến nay, công ty này đã vay tổng cộng 400 triệu USD từ ngân hàng này và tổng số lãi vay và chi phí tài chính của việc vay đã lên tới trên 2.000 tỷ đồng.
Các chuyên gia của Cục Thuế Hà Nội tính toán rằng Keangnam Vina đã trả lãi suất trung bình khoảng 12% mỗi năm cho khoản vay từ Kookmin Bank. Trong khi đó, lãi suất vay vốn bằng USD tại Việt Nam trong thời gian gần đây chỉ dao động trong khoảng từ 5-7% mỗi năm.
Chênh lệch nói trên rõ ràng là một căn cứ để các chuyên gia về thuế vào cuộc để “tìm hiểu” kỹ hơn về khả năng Keangnam Vina đã tiến hành một giao dịch liên kết để chuyển một phần lợi nhuận về nước. Tuy nhiên, khi tham vấn Ngân hàng Nhà nước, ngành thuế mới nhận ra rằng, Việt Nam hiện nay chưa có quy định khống chế mức trần lãi suất cho vay bằng ngoại tệ!
Quy định hiện hành cho phép các ngân hàng tự định ra lãi suất đối với khách hàng theo hình thức thỏa thuận, qua đó thật khó để đưa ra một kết luận nào đó mà không đi kèm tranh cãi vì không có căn cứ pháp lý vững chắc.
Không chỉ có chênh lệch lãi suất, một chi tiết khác cũng khiến các chuyên gia ngành thuế nghi vấn: tổng cộng, một khoản tiền lên tới 30 triệu USD, tương đương hơn 485 tỷ đồng (tỷ giá năm 2008) đã được Keangnam Vina hạch toán vào chi phí tài chính với tên gọi là “phí cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính, thu xếp vốn vay”.
Khoản tiền này chắc chắn đã ở lại Hàn Quốc sau khi góp phần làm tăng “chi phí hợp lý” của Keangnam Vina tại Việt Nam.
Nghi vấn thứ ba cũng rất đáng chú ý là việc Keangnam Vina đã ký hợp đồng xây dựng với công ty Keangnam Enterprises, cũng là một thành viên trong tập đoàn Keangnam Investment tại Hàn Quốc, theo hình thức chìa khóa trao tay.
Hợp đồng này đưa lại cho Keangnam Enterprises một khoản doanh thu và đi theo đó là một khoản lợi nhuận khủng, lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Trong tình huống này, Keangnam Enterprises có hai lựa chọn: hoặc đóng thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ phần trăm trên lợi nhuận, hoặc đóng thuế nhà thầu theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu sau khi đã trừ đi doanh thu của các nhà thầu phụ.
Keangnam Enterprises sau đó đã chọn cách thứ hai. Thật bất ngờ, khi kiểm tra lại trên các chứng từ và tính toán chi tiết, các chuyên gia ngành thuế phát hiện rằng mức thuế phải nộp theo cách thứ hai chỉ bằng khoảng 10% cách thứ nhất. Phần lớn doanh thu và lợi nhuận đã “ở lại” với Keangnam Enterprises chỉ vì đơn giản là các quy định hiện hành của Việt Nam đã cho phép họ làm điều đó.
Hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng nào về nghi vấn chuyển giá của Keangnam Vina từ phía ngành thuế. Tuy nhiên, từ các phát hiện ban đầu tại doanh nghiệp này, rõ ràng hệ thống pháp lý của Việt Nam còn nhiều bất cập, qua đó có thể “tạo điều kiện” cho các doanh nghiệp FDI tiến hành “biểu diễn kỹ thuật” trên các báo cáo tài chính của họ.
Theo Anh Minh – VnEconomy

20:01

Trung Quốc biến tàu khu trục thành tàu hải giám?


(TNO) Một tờ báo Trung Quốc vào hôm nay, 31.12, loan tin nước này đã giao hai tàu khu trục và chín tàu hải quân cũ khác cho lực lượng hải giám, giữa lúc căng thẳng leo thangvới các nước trong khu vực.

Tờ International Herald Leader ở Trung Quốc đưa tin Bắc Kinh đã cải tạo các con tàu và sẽ chuyển chúng cho lực lượng hải giám nhằm “giảm tình trạng thiếu tàu bè dùng bảo đảm lợi ích trên biển”.
International Herald Leader (Quốc tế tiên khu đạo báo) là tờ báo trực thuộc hãng tin chính thức Tân Hoa xã của Trung Quốc. Bài báo của tờ này đã được nhiều trang mạng Trung Quốc đăng lại trong hôm nay, 31.12.
Theo tác giả Uất Chí Vinh thuộc Trung tâm nghiên cứu phát triển biển Trung Quốc, trong số 11 tàu được cải tạo, có hai tàu là tàu khu trục, một tàu sẽ hoạt động tại biển Hoa Đông và một tàu hoạt động tại biển Đông. Những tàu còn lại bao gồm tàu kéo, tàu phá băng và tàu khảo sát.
Hiện không rõ đây có phải là lần đầu tiên lực lượng hải giám Trung Quốc được bổ sung tàu khu trục hay không và khi nào thì việc chuyển giao sẽ diễn ra, theo AFP.
“Sức mạnh của lực lượng hải giám sẽ được tăng cường đáng kể và năng lực thực thi các nhiệm vụ sẽ được cải thiện rõ rệt, cung cấp sự bảo đảm cơ bản cho việc hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ lợi ích trên biển cam go trong hiện tại”, ông Uất viết trên tờ International Herald Leader.
Theo ông Uất, kể từ năm 2000, lực lượng hải giám Trung Quốc đã nhận tổng cộng 13 tàu mới và Bắc Kinh đã lên kế hoạch đóng 36 chiếc tàu hải giám mới từ nay đến năm 2015.
Trung Quốc hiện vướng vào tranh chấp tranh thổ với Nhật và một số quốc gia ở Đông Nam Á.
Bắc Kinh từng nhiều lần điều các tàu tuần tra công vụ đến vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật kể từ tháng 9.2012, sau khi Tokyo quốc hữu hóa quần đảo này.
Trong hôm nay, 31.12, tuần duyên Nhật cho biết có hai tàu công vụ Trung Quốc đã tiến vào vùng biển mà Tokyo tuyên bố là hải phận xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
(Theo Thanh niên) Sơn Duân 

 17:50
 Thị trường vàng 2013 sẽ có nhiều cơn sốt?

Năm 2012, nhà đầu tư vàng đều chứng kiến thị trường trong nước có nhiều cơn sốt. Năm 2013 giá vàng được dự đoán sẽ có những cơn sốt mạnh.

Biểu đồ giá vàng từ 2010 đến 2012.
Giới đầu tư vàng từng chứng kiến nhiều cơn sốt vàng, nhưng có lẽ 2 cơn sốt vàng lớn nhất của VN năm 2012 làm nhiều nhà đầu tư và DN (chủ yếu là ngân hàng) rơi vào vòng xoáy của cuộc đua giá và hậu quả cuối cùng là “tiền mất tật mang”.
Hai con sóng lớn
Hai thời điểm mà nhà đầu tư nhắc đến ở đây là tháng 8 (giá vàng trong nước tăng do thế giới) và tháng 11 do các ngân hàng (NH) đóng trạng thái vàng.
Còn nhớ, dòng tiền đổ ồ ạt vào thị trường vàng trong những ngày đầu tháng 8/2012 đã kéo giá mặt hàng này tăng nhanh từng giờ. Trái ngược với tình cảnh ảm đạm như các kênh đầu tư khác, thị trường vàng thực sự dậy sóng. Giá tăng vù vù, giao dịch sôi động. Người mua thậm chí chỉ xem cửa hàng còn vàng hay không chứ không hề so đo về mức giá hiện tại đắt hay rẻ.
Cơn sóng thứ hai, khiến nhiều NH kinh doanh vàng điêu đứng. Bắt đầu từ tháng 10/11 thị trường vàng trong nước lại dậy sóng. Nguyên nhân chính của cơn sóng vàng lần này được nhiều chuyên gia cho là do... các ngân hàng thương mại (NHTM), bởi họ là người mua tích cực trên thị trường và góp phần vào sự tăng giá mạnh mẽ của thị trường vàng trong nước.
Giá vàng trong nước và quốc tế vào thời điểm này chênh nhau từ 3 - 3,5 triệu đồng/lượng.
Ông Nguyễn Trung Hiếu - nhà đầu tư vàng cho biết, vàng luôn được ưa chuộng trên thế giới. Theo tôi vàng vẫn là kênh đầu tư tốt nhất. Bởi vàng bảo toàn của cải khi lạm phát xảy ra. Nếu bạn có cổ phiếu và của cải của bạn là tiền, thật không may tất cả tài sản đó có thể mất giá cùng với tiền tệ. Trong trường hợp đó, hãy nghĩ đến vàng. Đó là cách thức bảo vệ tốt nhất cho đồng tiền của bạn.
“Đỉnh sóng” 2013
Sau những biến động dữ dội trong năm 2011, giá vàng 2012 từng được các chuyên gia dự báo có thể đạt đỉnh mới với mốc 2.000 USD/ounce, thậm chí 2.500 USD/ounce. Dù vậy cho đến thời điểm này giá vàng thế giới chưa một lần vượt 1.800 USD/ounce với đường giá trung bình 200 ngày dao động quanh mức 1.660 USD/ounce.
Giá vàng được định theo USD và trong 10 năm trở lại đây tăng khoảng 17,5%. Theo ông Vũ Minh Châu - Tổng giám đốc Cty vàng bạc đá quý Minh Châu, sau mỗi năm diễn biến chậm chạp, giá vàng thường có màn đột phá mạnh. Dựa vào quy luật này, theo ông Châu, nhiều khả năng vàng sẽ sốt mạnh vào năm 2013. Về cơ bản thị trường vàng đang hướng đến một năm bùng nổ, và mức tăng vượt 20%.
Nhận định về giá vàng năm 2013, ngân hàng hàng đầu nước Mỹ Bank of America cho biết: “Chúng tôi cho rằng những chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn của Fed và ECB sẽ đẩy giá vàng lên cao hơn”. Theo đó mức đỉnh của năm 2013 được ngân hàng này dự báo là 2.000 USD/ounce và năm 2014 giá vàng có thể lên 2.400 USD/ounce.
Cùng quan điểm với nhận định này, ngân hàng HSBC khẳng định tin vào triển vọng đi lên của giá vàng mới mức trung bình trong năm 2013 là 1.850 USD/ounce, gần sát với mức dự báo 1.840 USD/ounce của ngân hàng Credit Suisse.
Ngân hàng Deutsche Bank của Đức trong dự báo giá vàng sẽ lên 2.000 USD/ounce trong năm tới. Còn ngân hàng BNP Paribas (Pháp) thì giá vàng sẽ lập đỉnh mới ở mức trung bình 1.865 USD/ounce. So với những năm trước, tâm lý thị trường đối với vàng trong năm 2012 đã trở nên thiếu kiên định hơn nhiều. Dù vậy chúng tôi kỳ vọng giá vàng sẽ lập đỉnh cao mới trong năm 2013 do các chính sách nới lỏng tiền tệ, rủi ro kéo theo liên quan đến sự đổ vỡ của khu vực Eurozone giảm xuống và lực hỗ trợ của nhu cầu vàng vật chất”, nhà phân tích Anne-Laure Tremblay của BNP Paribas khẳng định.
Vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn
Với tổng thể như vậy có thể hình dung vàng vấn là một kênh đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Quýnh - chuyên gia cao cấp Hiệp hội Kinh doanh vàng VN: Nhà đầu tư vàng theo hình thức lướt sóng cần rất thận trọng bởi ngoài rủi ro từ biến động giá vàng quốc tế thì những rủi ro từ chính sách trong nước luôn tiềm ẩn. Năm 2012 được coi là năm thị trường vàng trong nước có nhiều biến động từ các chính sách của NHNN, trong đó phải kể đến việc giá vàng trong nước luôn giữ một khoảng cách lớn với giá vàng thế giới. Hiện giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới tới 3 - 5 triệu đồng/lượng.
Nếu trong năm 2013, NHNN có chính sách can thiệp mạnh vào thị trường, đưa giá vàng trong nước về sát giá vàng thế giới, thì nhà đầu tư sẽ bị thiệt hại. Đặc biệt là khi thời gian đáo hạn của các chứng chỉ huy động ngắn hạn bằng vàng được phát hành mới sẽ kết thúc vào ngày 30/6/2013. Bên cạnh đó, Chính Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã từng hứa sẽ điều hành thị trường để giá trong nước = Giá thế giới + 400.000 đồng.
Xét về dài hạn, theo những phân tích ở trên, dù không thực sự mang lại lợi nhuận cao thì vàng vẫn là một kênh bảo toàn nguồn vốn tốt, thậm chí vẫn là lựa chọn hàng đầu trong 3 kênh đầu tư quan trọng: vàng - bất động sản - chứng khoán. Còn trong ngắn hạn, biến động giá cả là không tránh khỏi vì vậy các nhà đầu tư cần thận trọng trước khi quyết định đầu tư.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp

 14:37
'Rút ruột' xăng máy bay

Sau nhiều ngày tiếp cận khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), nhóm phóng viên phát hiện xăng trắng (xăng dùng cho máy bay - loại nhiên liệu có chỉ số octan cao) được buôn bán qua tay các đầu nậu.

Mua bán xăng máy bay trực tiếp từ xe bồn sáng 14-12. Ảnh: Chính Thành.
Xăng máy bay trong tiếng Anh được viết tắt là avgas (viết tắt của aviation gasoline) để phân biệt với xăng mogas (viết tắt của motor gasoline, là các loại xăng sử dụng hằng ngày cho ôtô, xe máy). Dù giá nhập khẩu cao hơn các loại xăng khác nhưng sau khi bị “rút ruột”, xăng máy bay được bán ra thị trường với giá thấp hơn xăng thường.
“Ăn đêm”
0h ngày 23-11, PV có mặt tại khu vực ngã ba Bạch Đằng - Hồng Hà giáp sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình, TP.HCM). Đây là tuyến đường chính chở nhiên liệu cho sân bay. 2g, tại khu vực thu mua xăng trắng gần khu hồ bơi 108 (cách cổng sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 400m), bà Hương - một đầu nậu - chạy chiếc xe máy màu đỏ biển số 53P2-9265 lấp ló trong bóng tối chờ “ăn hàng”.
Cạnh chiếc xe máy, bà Hương đã mua được bốn can nhựa loại 30 lít đầy xăng trắng (nhiều đầu nậu gọi là dầu Jet). Khoảng 15 phút sau, từ hướng đường Bạch Đằng, một xe bồn chở xăng máy bay đánh xinhan tấp vào.
Ngay tức tốc, tài xế tắt đèn pha, lôi từ trong cabin hai can nhựa loại lớn giao cho bà Hương rồi phóng nhanh ra phía đường Đào Duy Anh.
Hơn 3h, hai chiếc xe bồn màu vàng đặc trưng với dòng chữ “VN Air Petrol Company - Jet A1” liên tục tấp vào gần khu hồ bơi 108 thả bốn can nhựa cho bà Hương. Tới 3h30, bà Hương đã thu gom được sáu can xăng.
Theo tìm hiểu, cùng với các đầu nậu khác, bà Hương thường đợi “ăn hàng” từ rất sớm. Mỗi đêm, bà “ăn hàng” ít nhất sáu can xăng. Những ngày xe bồn chạy nhiều, bà mua khoảng 12 can. Mỗi lít xăng trắng các đầu nậu mua chỉ 15.000-18.000 đồng, trong khi đó loại xăng này được bán ra thị trường với giá 22.000-26.000 đồng/lít.
Một đầu nậu chở sáu can xăng máy bay về nhà sau khi “ăn hàng” trên đường Hồng Hà. Ảnh: Chính Thành.

Để tránh các cơ quan chức năng, sau khiNgoài bà Hương, ở khu vực ngã ba Bạch Đằng - Hồng Hà còn có trùm đầu nậu tên Châu, trạc ngoài 40 tuổi, chuyên mua xăng trắng với số lượng lớn.
Một người dân sống trong khu vực kể: “Tui thường xuyên thấy xe bồn thả xăng xuống cho các đầu nậu. Từ nửa đêm đến rạng sáng, nhiều xe máy chở lỉnh kỉnh can nhựa rảo quanh các tuyến đường Hồng Hà, Bạch Đằng để mua xăng. Nếu trước đây xe bồn hay dừng dọc đường hút xăng thì giờ họ hút sẵn bỏ trong can nhựa để tuồn hàng cho nhanh”.
Thường thì bà Hương và ông Châu đứng gần khu vực hồ bơi 108, ngã ba Bạch Đằng. Đêm nào “động”, lực lượng an ninh đi tuần gắt, các đầu nậu chạy vào cuối đường Bạch Đằng, nơi có bụi cây ven đường để đợi gom hàng.
4h ngày 26-11, ông Châu chở tám can nhựa không chạy về phía cuối đường Bạch Đằng và cho xe tấp vào một lùm cây chờ xe bồn. Khoảng năm phút sau, một xe bồn trờ tới. Tài xế lôi ra hai can xăng giao cho ông Châu. Tiếp sau đó, với chiêu thức tương tự, hàng loạt xe bồn khác dừng xe tuồn hàng.
Đến khoảng 5h, sau khi gom đủ tám can (khoảng 240 lít xăng trắng), ông Châu mới chở xăng từ cuối đường Bạch Đằng quẹo ra đường Nguyễn Thái Sơn.
Rạng sáng 11-12, khu vực này còn xuất hiện thêm bà Năm, một đầu nậu gom xăng trắng. Bà Năm đứng trong bóng tối gọi điện thoại cho ai đó, chỉ khoảng 10 phút sau một chiếc xe bồn trờ tới thả ba can xăng đầy ắp cho bà.
Trước đó, 2h sáng 9-12, bà Năm cũng gom được bốn can xăng với cách thức tương tự. Chiếc xe máy của bà Năm không biển số và ngang nhiên thu mua xăng trắng trên nhiều tuyến đường.
Đầu tháng 12, theo nguồn tin chúng tôi có được, khu vực ngã ba Bạch Đằng - Hồng Hà xuất hiện thêm một nhóm đầu nậu thu mua xăng. Nhóm này chở xăng bằng các thùng nhựa vuông loại 30 lít. Thời gian thu mua xăng rất sớm, vào 22g đến 1g hôm sau.
Lập “chốt” mua xăng
Sau khi “ăn hàng” xăng trắng, ông Châu luôn chạy vòng trong các con hẻm để về nhà. Sau nhiều ngày theo dõi, chúng tôi xác định được phòng trọ của ông Châu tại hẻm 290 Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh). “ăn hàng”, ông không tập kết hàng về thẳng nhà trọ mà đưa xăng về một căn nhà nằm trong hẻm trên đường Nguyên Hồng (Q.Bình Thạnh).
Ông Châu giao xăng máy bay cho tiệm tạp hóa của bà Dung ở trong con hẻm đường Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Ảnh: A.Thoa.
Ông Châu là một trong số đầu nậu thu gom xăng trắng có máu mặt. Do số lượng xăng máy bay tuồn ra lớn nên gần đây ông Châu đi gom xăng cả ban ngày. Mối hàng chính cung ứng xăng cho ông Châu là ông Dũng, trạc 40 tuổi.
Gần cuối đường Bạch Đằng (P.2, Q.Tân Bình), ông Dũng lập “chốt” thu mua xăng trắng của xe bồn từ 8g tới tận 14g-15g. Để che mắt cơ quan chức năng, ông Dũng có chiếc xe tải nhỏ làm dịch vụ “chuyên vá vỏ ôtô”.
Vào lúc cao điểm, cứ khoảng năm phút có một xe bồn chạy ghé điểm ông Dũng thả xăng xuống. Người dân khu vực này cho hay: “Gần đây, tình trạng thu mua xăng từ xe bồn diễn ra trắng trợn giữa ban ngày”.
Khoảng 10h ngày 14-12, ông Dũng và người làm đang thay vỏ xe thì một xe bồn màu vàng ra ám hiệu bằng cách bấm còi hai lần, đánh xinhan tấp vào. Tài xế nhanh chóng xuống xe lôi hai can nhựa lớn thả xuống đường.
Phước - người làm của ông Dũng - tiến lại xách hai can xăng đi, còn ông Dũng nhanh tay đưa hai can nhựa rỗng khác cho tài xế xe bồn. Thấy Phước để xăng bên ngoài, ông Dũng nhảy xuống xe, chạy lại kéo hai can xăng dúi vào giữa bụi cau trong lề đường.
Chỉ trong khoảng một giờ, có đến hàng chục xe bồn thả xăng cho ông Dũng. Có lúc xăng quá nhiều, chưa có người tới lấy hàng, ông Dũng chất xăng thành từng dãy phía trong lề đường. Có thể nói địa điểm mua xăng của ông Dũng luôn tấp nập xe bồn. Có thời điểm chỉ trong vòng hai giờ, ông Dũng mua được cả chục can xăng trắng.
Bán lẻ cho ai?
Theo điều tra của chúng tôi, sau khi gom hàng tại khu vực quanh sân bay, bà Hương chất xăng tại nhà ở hẻm 213 Quang Trung (Q.Gò Vấp). Căn nhà sang trọng một trệt hai lầu được bà Hương dành riêng phòng khách tập kết xăng.
Bà Hương không trực tiếp đi giao xăng mà đợi các mối lái khác tới mua ngay tại nhà. Chiều tối 2-12, bà Bằng - một mối hàng lớn của bà Hương - tới lấy hàng. Theo bà Bằng, bà Hương bán với giá 600.000 đồng/can 30 lít. “Bà Hương không bán lẻ xăng cho người lạ đâu” - bà Bằng nói.
Hằng ngày bà Bằng đi chiếc xe Cub 50 đến mua xăng. Theo một số đầu nậu, tuy không trực tiếp mua xăng từ xe bồn khu vực quanh sân bay, nhưng bà Bằng được liệt vào dạng “có cỡ” trong việc chuyên gom xăng trắng với số lượng lớn. Rất nhiều mối thu mua xăng lẻ biết bà Bằng. Ngoài nguồn xăng từ bà Hương, bà Bằng còn “ăn hàng” từ một số điểm khác.
Sáng 3-12, chúng tôi tiếp cận nhà bà Bằng nằm trong một con hẻm thuộc khu phố 5, đường Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp). Gặp chúng tôi, bà Bằng nói thẳng: “Cây xăng làm gì có hàng này. Đây là dầu máy bay chạy mà”.
Vừa chiết xăng vào một can nhỏ cho một thanh niên tới mua lẻ, bà ra giá: “Nếu mua lẻ tui bán 24.000 đồng/lít. Còn mua cả can 30 lít, tui lấy giá 22.000 đồng/lít. Giá này bằng giá tui đi bỏ mối cho các cây xăng. Tui chỉ lời mấy đồng bạc thôi”.
Bà Bằng còn hạ giọng cho biết thêm: “Nhiều cây xăng lấy xăng trắng pha với xăng thường để bán”. Không chỉ bán cho bà Bằng, bà Hương còn bán xăng cho ông Đức và ông Đông. Mỗi tuần ông Đức và ông Đông lấy 6-8 can xăng loại 30 lít.
Khi đi bỏ mối cho cây xăng, có chỗ mua cả trăm lít, bà Bằng lại bán với giá 22.000 đồng/lít. Thời điểm này xăng A92 giá 23.150 đồng/lít, xăng A95 giá 23.650 đồng/lít. Sau khi mua về, một số cây xăng trộn xăng trắng với xăng A92, A95, lời 1.150-1.650 đồng/lít.
“Tuy chỉ lời trên ngàn đồng/lít xăng, nhưng nếu mua với số lượng hàng trăm lít, tiền lời là không hề nhỏ” - bà Hoa, một chủ cửa hàng bán lẻ xăng trắng trên đường Đoàn Văn Bơ (Q.4), nhận định.
Bà Hoa lý giải đa số người mua xăng trắng với số lượng nhỏ từ vài lít tới một can 30 lít dùng vào việc khò, đốt bếp dầu, đốt vàng mã... với giá 24.000 đồng/lít: “Tuy mắc hơn dầu DO gần 3.000 đồng/lít nhưng xăng trắng đốt không khói, không hôi lại tỏa nhiệt lớn và lâu nên mọi người vẫn rất thích mua”.
Đối với ông Châu, loại xăng trắng được giao lẻ cho nhiều điểm. Trưa 15-12, ông Châu chở năm can xăng trắng đi giao cho bà Muội trong hẻm 340 Nguyễn Tất Thành (Q.4).
Bà Muội tiếp tục giao cho nhiều điểm, trong đó có cửa hàng bán lẻ dầu của bà Hoa trên đường Đoàn Văn Bơ (P.10, Q.4). Bà Hoa khẳng định: “Loại dầu trắng này đốt không khói, không như dầu ngoài cây xăng đốt rất khói”.
Bà Hoa cho biết thường bán lẻ giá 24.000 đồng/lít. Cùng ngày, tại tiệm tạp hóa trên đường Nguyễn Văn Đậu (Q.Bình Thạnh), bà Dung bán loại xăng trắng này với giá 26.000 đồng/lít.
Theo Tuổi Trẻ
Có gian lận trong vận chuyển xăng dầu
Trao đổi với phóng viên chiều 30-12, Tổng giám đốc Công ty Xăng dầu hàng không (Vinapco) Hoàng Mạnh Tuấn thừa nhận có tình trạng nhân viên, lái xe gian lận xăng dầu và chuyển xăng ra bên ngoài nhưng chưa nhận được nhiều bằng chứng để xử phạt.
Vinapco đã tăng cường khá nhiều biện pháp giám sát để hạn chế tình trạng gian lận trong vận chuyển xăng. “Công ty cũng tổ chức giám sát chặt chẽ quy trình vận chuyển xăng nhưng khi lơi lỏng thì tình trạng này lại bùng lên” - ông Tuấn cho biết.
Thời gian qua, Vinapco đã kỷ luật nhiều trường hợp, nhẹ nhất là cảnh cáo, buộc thôi việc. Những trường hợp gian lận xăng với số lượng lớn bị phát hiện đều do Vinapco hợp tác với cơ quan điều tra. “Chúng tôi có quỹ để thưởng cho những tin báo chính xác hành vi gian lận, ăn cắp xăng” - ông Tuấn khẳng định.
Không dùng xăng máy bay cho xe máy
Theo PGS.TS Nguyễn Vĩnh Khanh - khoa kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa TP.HCM: Xăng máy bay Jet A1 là một loại nhiên liệu tạo thành từ dầu kerosene (KO). Thành phần hóa học của Jet A1 chủ yếu là các hydrocarbon. Jet A1 khác nhiều so với xăng A92 hoặc A95, giống dầu diesel hơn.
Động cơ diesel (ví dụ xe buýt, xe tải, xe container...) có thể sử dụng Jet A1 để chạy được, vì tính chất của Jet A1 tương đối giống tính chất của dầu diesel. Còn động cơ xăng (xe máy, ôtô gia đình...) không dùng được Jet A1.
Dùng Jet A1 cho xe máy chắc chắn sẽ bị chết máy hoặc hỏng động cơ do bị kích nổ. Nếu pha Jet A1 với xăng A92, A95 thì tùy vào việc pha nhiều hay ít mà có thể sử dụng được cho động cơ xăng.
Theo Nam - Ngọc Khải
Tuổi Trẻ

 13:24
Ấn Độ:
Lại một cô gái suýt  bị hiếp trên xe buýt

Trong khi cơn phẫn nộ của người Ấn Độ đang trào dâng trước cái chết tức tưởi của nữ sinh y khoa 23 tuổi bị đánh, hãm hiếp tập thể trên xe buýt, lại có thêm cô gái bị quấy rối tình dục trên xe buýt đang chạy ngay giữa thủ đô New Delhi.

Xe buýt-nỗi kinh hoàng của thiếu nữ Ấn Độ. (Ảnh minh họa).
Cô gái trẻ bị quấy rối tình dục bởi phụ xe trên chiếc xe buýt đang chạy thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Vụ việc xảy ra tối ngày hôm qua (29 - 12) ở quận Tansen Marg thuộc thủ đô New Delhi, tờ Times of India hôm nay (30 - 12) đưa tin.

Cô gái được cảnh sát phát hiện đang khóc ấm ức trên xe buýt khi người lái xe dừng lại một đồn cảnh sát để hỏi về đường, tờ báo trên cho hay. Ngay lập tức, cảnh sát đã cho bắt giữ kẻ tội phạm được xác định danh tính là Ranjeet và người lái xe buýt.

Vụ quấy rối tình dục trên diễn ra trong bối cảnh cả đất nước Ấn Độ đang ngập tràn trong nỗi đau buồn và sự phẫn nộ trước tin nữ sinh y khoa Nirbhaya bị hãm hiếp tập thể cách đây 2 tuần đã qua đời tại một bệnh viện ở Singapore.

Nữ sinh viên Nirbhaya cùng bạn trai đã đối mặt với một trải nghiệm khủng khiếp đến mức khó ai có thể tưởng tượng được vào tối hôm Chủ nhật (16/12).

Tối hôm đó, nữ sinh viên ngành vật lý trị liệu cùng bạn trai đi xem phim về và đón chiếc xe buýt công cộng tại khu vực Munirka để về Dwarka ở phía Tây Nam thủ đô New Delhi. Vừa bước lên xe, những kẻ trên xe buýt bắt đầu chọc ghẹo, cợt nhả cô gái. Người bạn trai thấy vậy đã can ngăn những lập tức bị ít nhất 4 tên thanh niên đánh đập dã man bằng gậy sắt.

Kinh hoàng hơn, những tên quỷ râu xanh đội lốt người còn lôi cô gái xuống cuối xe và thay nhau hãm hiếp. Chúng còn đánh đập tàn bạo cô gái, nhét cả một thanh sắt vào người nạn nhân khiến các cơ quan nội tạng trong người cô gái bị huỷ hoại nặng nề.

Sau đó, những tên ác quỷ lột trần cả cô gái và bạn trai trước khi ném xuống đường lúc xe buýt vẫn còn đang chạy, cảnh sát Ấn Độ cho biết.

“Nữ bệnh nhân đã chịu nhiều vết thương nghiêm trọng trong cơ thể và trong não, khiến nhiều cơ quan nội tạng không hoạt động. Nữ sinh viên y khoa đã vô cùng dũng cảm trong cuộc chiến giành giật sự sống nhưng do tình trạng bệnh tình của cô quá nghiêm trọng nên cô đã không thể vượt qua", Bệnh viện Mount Elizabeth cho biết trong một tuyên bố.

Theo Kiệt Linh 
Vnmedia, THX

11:11
Về sai phạm nghiêm trọng tại Vigecam:
Thanh tra Bộ Quốc phòng chính thức kết luận

Báo Công an TPHCM đã đăng tải nhiều loạt bài phản ánh, điều tra về những sai phạm nghiêm trọng tại Vigecam, trong đó có vấn đề bằng cấp của ông Nguyễn Đức Phong - TGĐ công ty. Điều đáng quan tâm là các bộ ngành có liên quan lại liên tục đưa ra những lập luận thiếu cơ sở nhằm vô hiệu hóa kết luận của Thanh tra Chính phủ và “giải vây” cho những sai phạm rành rành tại đây. Đó chính là lý do khiến vụ việc cứ nhùng nhằng, kéo dài. Với nguyện vọng vụ việc cần sớm được đưa ra ánh sáng, các cán bộ, tập thể trong ngành gởi đơn khiếu nại khắp nơi. 

Sau khi báo phát hành, chúng tôi đã nhận được những tín hiệu tốt từ cơ quan cấp cao. Điều đó đã phần nào khiến những người trong cuộc phấn khởi. Vấn đề bằng cấp của ông Phong đã được làm rõ theo tinh thần văn bản số 882/TTr-XKT ký ngày 24-12-2012 của Thanh tra Bộ Quốc phòng. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin trích một số nội dung chính của văn bản này: “Sau khi nhận được đơn kiến nghị liên quan đến Cục nhà trường/BTTM và Trường Quân sự Quân đoàn 3 về việc cấp giấy chứng nhận học bổ túc văn hóa (BTVH) của ông Nguyễn Đức Phong; Thanh tra Bộ Quốc phòng đã cử Tổ công tác nắm tình hình và làm việc với Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3; Phòng Quân lực/Quân đoàn 3; Sư đoàn 31/Quân đoàn 3; Sư đoàn 320/Quân đoàn 3; Phòng Quân huấn/Quân đoàn 3; Trường Quân sự/Quân đoàn 3; Cục Nhà trường/BTTM, ông Võ Mạnh Thắng, nguyên Hiệu trưởng Trường Quân sự; Vụ Tổ chức - Cán bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trường Đại học Ngoại thương và các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan, thu thập tài liệu, chứng cứ, để xác định sự thật khách quan. Căn cứ kết quả nắm tình hình và ý kiến chỉ đạo của Bộ Quốc phòng tại Công văn số 5261/VP-PNCTH ngày 13-12-2012 của Văn phòng Bộ Quốc phòng; Thanh tra Bộ Quốc phòng thông báo như sau: về nội dung liên quan cấp giấy chứng nhận số 244/GCN-TQS ngày 3-3-2006 và giấy chứng nhận (cấp lại) không số ngày 17-3-2008 của Trường Quân sự Quân đoàn 3 do đồng chí Võ Mạnh Thắng ký là không có cơ sở và vi phạm Mục II, Thông tư số 20/2002/TT-BGD&ĐT ngày 12-4-2002 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 8-12-2000 của Chính phủ “V/v xác nhận các giấy tờ có liên quan đến kết quả học tập, thi cử trong lĩnh vực giáo dục gồm: học bạ, bảng điểm, giấy chứng nhận hoàn thành khóa học, kết quả thi học sinh giỏi...”. Bộ Quốc phòng giao Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 hủy bỏ các giấy chứng nhận trên của Trường Quân sự Quân đoàn 3 do đồng chí Võ Mạnh Thắng ký, đã cấp cho ông Nguyễn Đức Phong.

Như vậy mọi việc đã quá rõ, không còn gì để bàn cãi. Văn bản này đã khẳng định chuyện bằng cấp của ông Phong có “vấn đề” đúng như những gì Thanh tra Chính phủ đã kết luận ba năm trước. Khi sự thật được phơi bày, những người trong cuộc lại càng không hiểu vì sao trước đó không lâu Bộ GD-ĐT lại viện dẫn giấy chứng nhận số 244/GCN - TQS ngày 3-3-2006 của Trường Quân sự Quân đoàn 3 (xin nói rõ: giấy này được lập sau khi ông Phong đã dự thi đến...16 năm) để hợp thức hóa cho việc dự thi của ông Phong là phù hợp với thông tư 256 của Bộ GD&ĐT. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục đã ban hành công văn khẳng định Trường ĐH Ngoại thương cho học, cấp bằng tốt nghiệp đại học cho ông Nguyễn Đức Phong là đúng quy định. 

Theo những gì mà chúng tôi đã điều tra và phản ánh (bằng nhiều loạt bài đã đăng) thì ngay từ lúc dự thi, trong hồ sơ của ông Phong không hề có giấy xác nhận thời gian tham gia quân ngũ tại vùng núi, rẻo cao của cơ quan quân đội có thẩm quyền; nếu có, chỉ là lời tự khai của ông Phong. Nhưng Bộ GD-ĐT đã dựa vào văn bản số 902/GXN ngày 21-8-2012 của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 xác nhận thời gian công tác của ông Phong tại Quân đoàn 3 nhằm khẳng định vụ việc hợp lệ. Liệu lúc đó Bộ GD & ĐT có biết rằng việc sử dụng các giấy chứng nhận trên làm cơ sở ra báo cáo số 5700/BGDĐT-GDĐH ngày 29-8-2012 gửi Thủ tướng Chính phủ để công nhận tính hợp pháp cho việc dự thi của ông Nguyễn Đức Phong trước đây là trái với thông tư số 20/2002/TT-BGD&ĐT ngày 12-4-2002 (Báo CATP đã có loạt bài phản ánh). Kết luận của Thanh tra Bộ Quốc phòng đã nhấn mạnh rõ vi phạm này, cũng đồng nghĩa rằng việc hợp thức hóa quá trình dự thi của ông Phong của Bộ GD&ĐT đã bị “vô hiệu hóa”. Chẳng trách khi ban hành văn bản, Bộ GD&ĐT còn thòng vào câu: “hồ sơ lưu trữ liên quan đến việc học tập chương trình bổ túc văn hóa hết chương trình cấp 3 và dự thi tuyển sinh của ông Phong bị thất lạc, các xác minh và báo cáo của các đơn vị liên quan được xác nhận ở thời điểm hiện nay”. Chắc là Bộ Giáo dục đề phòng cho tình huống này sẽ xảy ra để phủi bỏ trách nhiệm (?!).

Việc Thanh tra Bộ Quốc phòng vào cuộc xác minh làm rõ, không chỉ khiến một số bộ ngành từng “chống đỡ” cho vấn đề bằng cấp của ông Phong phải nao núng mà còn đáp ứng được mong mỏi của dư luận trong và ngoài Vigecam. Điều trăn trở còn lại là ông Phong sẽ bị xử lý thế nào trước kết luận này? Những sai phạm nghiêm trọng khác tại Vigecam đến khi nào mới được làm sáng tỏ?
(Theo Công an TPHCM) SONG THIÊN

 10:40

Bộn bề sát giờ thu phí


Dù từ ngày mai, 1-1-2013, cả nước đã bắt đầu thu phí bảo trì đường bộ theo Thông tư 197/2012 của Bộ Tài chính nhưng hầu hết các địa phương đều khẳng định chưa thể tiến hành

Theo quy định, dựa vào điều kiện kinh tế - xã hội địa phương, UBND các tỉnh, TP phải xây dựng đề án về mức thu, cách thu phí bảo trì đường bộ đối với mô tô, xe máy để trình HĐND cùng cấp phê duyệt.
Đổ việc khó cho tổ dân phố
Sau khi được HĐND duyệt, UBND cấp tỉnh triển khai xuống UBND cấp xã, phường, thị trấn về biện pháp thực hiện. UBND xã, phường, thị trấn sẽ tiếp tục tổ chức triển khai, hướng dẫn các tổ dân phố, khu dân cư, xóm, thôn tiến hành thu như đối với một số loại thuế, phí khác mà lực lượng này đang làm. 
Nhiều người dân cho rằng việc thu phí phải đi kèm với trách nhiệm
nâng cấp đường sá. Ảnh: KỲ NAM
Đối với các xe máy phát sinh trước ngày 1-1-2013 thì tháng 1-2013 thực hiện khai, nộp phí cả năm 2013, mức thu phí 12 tháng; xe máy phát sinh từ ngày 1-1-2013 trở về sau thì xảy ra 2 trường hợp: Thứ nhất, thời điểm phát sinh từ ngày 1-1 đến 30-6, chủ phương tiện phải khai, nộp phí đối với xe máy, mức thu phí bằng 1/2 mức thu năm; thời điểm khai nộp chậm nhất là ngày 31-7. Thứ hai, đối với xe máy phát sinh từ ngày 1-7 đến 31-12 hằng năm thì chủ phương tiện khai, nộp phí vào tháng 1 năm sau (chậm nhất là ngày 31-1) và không phải nộp phí đối với thời gian còn lại của năm phát sinh.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu và trực tiếp qua đầu phương tiện đều có những khó khăn trong thực hiện. Tuy nhiên, việc Bộ Tài chính và Bộ GTVT quyết định thu qua đầu phương tiện là khó bảo đảm yếu tố công bằng giữa các phương tiện, vùng miền. “Đề án của Bộ GTVT đưa ra cũng chỉ mong muốn thu khoảng 40% phương tiện, còn thu được bao nhiêu là phụ thuộc vào cán bộ thôn, xóm, phường, xã” - ông Hùng nói.
Trong khi đó, một cán bộ khu dân cư thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ - Hà Nội cho biết vẫn chưa nhận được bất cứ phổ biến, chỉ đạo nào về thu phí bảo trì đường bộ. “Mặc dù chưa triển khai nhưng tôi có thể hình dung việc thu là không hề dễ dàng” - người này nhận định.
Còn phải chờ
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, cho biết kỳ họp cuối năm 2012, HĐND TP không đưa ra xem xét kế hoạch thu phí bảo trì đường bộ vì UBND TP chưa xây dựng xong. Theo lịch, sau Tết Nguyên đán một thời gian, HĐND TP mới tiếp tục họp, khi ấy nếu UBND TP đã chuẩn bị kỹ lưỡng thì vấn đề thu phí bảo trì đường bộ mới được bàn tới. 
Sở GTVT TPHCM cũng thừa nhận chưa thể thu phí bảo trì đường bộ từ đầu năm 2013. Hiện nay, địa phương này vẫn đang chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính về mức phí và tỉ lệ trích nộp lại. Sau đó, theo sự phân công, cơ quan đăng kiểm sẽ thu phí đối với ô tô; UBND phường, xã sẽ thu phí xe 2 bánh. Theo thông lệ, HĐND TP sẽ có kỳ họp vào giữa năm 2013, khi đó mới bàn đến vấn đề thu phí bảo trì đường bộ.
Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, cho biết bắt đầu từ ngày 1-1-2013, TP này sẽ thu phí bảo trì đường bộ đối với ô tô tại nơi đăng kiểm. Riêng xe 2 bánh, Sở GTVT TP đã giao về các tổ dân phố phụ trách thu khoản phí này. Tuy nhiên, hiện chỉ là phương án để chuẩn bị trình tại kỳ họp HĐND TP vào đầu năm 2013, sau đó mới quyết định thu phí như thế nào. “Nếu trong quá trình thu xảy ra vướng mắc thì sẽ tiếp tục nghiên cứu để có phương án hợp lý” - ông Dũng nói.
Các địa phương ở ĐBSCL và miền Trung vẫn chưa có động tĩnh gì về kế hoạch thu phí bảo trì đường bộ. Theo lãnh đạo các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Hậu Giang, Khánh Hòa, Bình Định, TP Cần Thơ... không thể thu phí này từ ngày 1-1-2013 vì chính quyền và người dân chưa sẵn sàng. “Chắc chắn tỉnh Cà Mau sẽ chưa thu phí bảo trì đường bộ theo đúng lộ trình bởi đây là việc phức tạp, cần có thời gian nghiên cứu và lập phương án khả thi để HĐND tỉnh thông qua” - ông Huỳnh Quốc Việt, Giám đốc Sở GTVT Cà Mau, nhận định.
CSGT chưa thể xử phạt
Theo ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, người dân cần tự giác nộp phí bảo trì đường bộ, nếu không thì có thể bị lực lượng CSGT xử phạt theo Nghị định 71 (ô tô từ 6 - 10 triệu đồng, xe máy 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng).
Tuy nhiên, một đại diện Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (Bộ Công an) cho rằng Luật Giao thông đường bộ chưa có quy định bắt buộc người dân phải mang theo giấy tờ là biên lai/giấy đóng phí bảo trì đường bộ nên không thể xử phạt. “Đến giờ, việc thu phí bảo trì đường bộ còn chưa triển khai nên sau ngày 1-1-2013, lực lượng CSGT không thể xử phạt người chưa đóng phí này” - vị này khẳng định.
(Theo Người Lao động) NHÓM PHÓNG VIÊN
 09:15
Vụ trung tá CSGT bị vợ giết: 
Bốn lần cố sát

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa có kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND TP.HCM đề nghị truy tố bị can Dư Kim Liên (44 tuổi, ngụ phường 11, quận 6, TP.HCM) về tội giết người.

Nạn nhân là Trần Xuân Chuyên (chồng bà Liên), nguyên trung tá CSGT đội Phú Lâm, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP.HCM.
Vì khoản nợ 1,3 tỉ đồng
Đến nay, theo kết luận điều tra, bà Liên có vay mượn tiền của vợ chồng ông TTT và bà VNXH nhưng không hề báo cho chồng biết. Khi số tiền nợ lên đến 1,3 tỉ đồng thì bà Liên mất khả năng chi trả. Do không đòi được nợ, đầu tháng 3-2012, ông T. và bà H. đã tìm đến ông Chuyên để đòi.
Khi biết chuyện vợ, ông Chuyên rất bực và truy hỏi, bà Liên đã thú nhận rồi năn nỉ bán nhà trả nợ nhưng ông Chuyên không đồng ý. Theo bà Liên khai, ông Chuyên dọa sẽ ly hôn, bà nghĩ rằng nếu ly hôn thì tài sản phải chia đôi. Do đó bà Liên đã lên kế hoạch sát hại người chồng nhằm có thể tự ý định đoạt bán hoặc cầm cố nguyên căn nhà để trả khoản nợ 1,3 tỉ đồng.
Thuốc độc và dụng cụ kim tiêm được công an tìm thấy tại hiện trường. Bị can Dư Kim Liên (ảnh nhỏ).
Bốn lần cố sát
Sau nhiều ngày toan tính, bà Liên bắt tay vào thực hiện kế hoạch. Ngày 11-3, sau khi tan ca, ông Chuyên đi uống bia với một số người bạn. Cùng thời điểm này, bà Liên đến tiệm thuốc mua 10 viên thuốc ngủ rồi về hòa tan vào sữa Ensure chờ ông Chuyên.
Đến 21 giờ cùng ngày, trước khi đi ngủ ông Chuyên kêu đói, bà Liên đưa hộp sữa pha thuốc ngủ cho chồng uống. ông Chuyên ngấm thuốc ngủ mê man nhưng liều lượng chưa đủ mạnh nên chưa tử vong. Rạng sáng 12-3, nghe chồng vẫn còn thở, bà Liên mua thêm năm viên thuốc ngủ đổ trực tiếp vào miệng chồng. Suốt ngày 12-3, bà Liên ngồi bên cạnh ông Chuyên, thấy ông Chuyên thở nên đến 20 giờ cùng ngày, bà lại mua thuốc trừ sâu về hòa tan trong nước rồi dùng kim tiêm bơm trực tiếp vào mông của ông Chuyên. Đến sáng 13-3, bà Liên kiểm tra vẫn thấy ông Chuyên nằm mê man nhưng vẫn phát ra hơi thở yếu ớt. Một lần nữa, bà Chuyên tiếp tục mua thuốc trừ sâu và bơm vào mông chồng. Khoảng 1 giờ sau, ông Chuyên đã tử vong. Biết chồng đã chết, bà Liên phi tang thuốc trừ sâu, kim tiêm, dùng khăn lau sạch sẽ thân thể chồng rồi hô hoán ông Chuyên chết tại nhà do đột quỵ. Theo kết luận điều tra, để đạt mục đích sát hại chồng, bà Liên đã chuẩn bị rất kỹ và quá trình gây án kéo dài từ đêm 11-3 đến sáng 13-3.
Đồng đội sinh nghi
Thông tin Trung tá Chuyên đột tử được báo về Đội CSGT Phú Lâm. Đơn vị cử người đến nhà xác minh thì phát hiện gia đình ông Chuyên (ngụ hẻm 371 đường Hậu Giang) đang gấp rút chuẩn bị chuyển thi thể ông về huyện Củ Chi an táng. Nghi ngờ có điều bất minh, một số cán bộ, chiến sĩ Đội CSGT Phú Lâm đã đến Công an quận 6 trình báo.
Ngay sau khi nhận tin báo, một tổ công tác của Công an quận 6 đã có mặt, tổ chức khám nghiệm và phát hiện ông Chuyên có dấu hiệu bị đầu độc, cơ thể bốc mùi thuốc trừ sâu, vùng mông có nhiều vết tiêm chích. Kiểm tra hiện trường, công an thu giữ tiếp một túi nylon bên trong có chứa một kim tiêm, ba bình nhựa chứa thuốc trừ sâu… Nhận thấy bà Liên có dấu hiệu khả nghi, công an mời bà lên làm việc và đấu tranh. Sau đó bà Liên đã thừa nhận hành vi giết chồng do nợ nần thúc ép. Được biết bà Liên và ông Chuyên kết hôn từ năm 1988, có hai con đã trưởng thành.
(Theo Pháp luật TP HCM) HOÀNG TUYẾT