Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012


21:40

 Quản lý vàng:

Đại biểu chê Ngân hàng Nhà nước


(VTC News) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) thẳng thắn cho rằng việc quản lý thị trường không có được “kết quả quan trọng” như Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã trình bày.

Trong phiên họp Quốc hội sáng nay (31/10), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sau 5 tháng hoạt động, Nghị định 24 vê quản lý thị trường có “kết quả quan trọng”. Tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) thẳng thắn cho rằng việc quản lý thị trường không có được “kết quả quan trọng” như vậy.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến khẳng định: “Nhận định này còn nhẹ nhàng và né tránh nhiều vấn đề rất nóng trong thời gian qua”.
“Chúng ta đang ngồi đây, còn ngoài kia hàng đoàn người xếp hàng chờ chuyển đổi vàng để có bao bì của SJC. Chúng ta cứ thản nhiên là người dân phải tự bảo vệ mình”. - Ông Hiến thẳng thắn nói.
Theo ông Hiến, từ khi Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý và siết chặt kinh doanh vàng, thị trường chia làm hai: SJC và phần còn lại. Phần còn lại luôn bám sát giá vàng thế giới còn SJC thường cao hơn giá vàng thế giới từ 2 đến 3 triệu đồng/lượng.
Ông Hiến băn khoăn: "Thống đốc đã nói vừa qua hệ thống ngân hàng mua 60 tấn vàng thế thì tại sao Nhà nước lại phải mua 60 tấn vàng trong lúc giá tăng, tại sao không nhập khẩu vàng từ nước ngoài nếu tỷ giá ổn định?".
Ngày 28/10 họp báo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cho biết SJC nhận gia công và tính phí. Câu hỏi nữa mà ông Hiến đặt ra là SJC gia công vàng cho ai, tại sao giá chênh lệch như vậy, và chênh lệch vào túi ai, ngân sách Nhà nước có được hưởng không?
Cũng theo ông Hiến, từ khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách trên, số lượng không nhỏ các tổ chức kinh doanh vàng và người dân phải bỏ tiền túi ra chuyển đổi.
Ngày 19/1, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã cho phép SJC chuyển đổi 13 tấn vàng từ vàng miếng các thương hiệu khác sang thương hiệu SJC. Ngày 24/8, con số này là 16 tấn, tương đương 418.000 lượng.
Gần 30 tấn vàng là con số rất lớn nhưng “Quy trình chuyển đổi từ phi SJC sang SJC bị buông thả để mặc thị trường xoay xở, phần thiệt thuộc về người dân và các doanh nghiệp giữ vàng phi SJC” - Ông Hiến nhận định.
Gần đây, thị trường lại xôn xao hiện tượng vàng nhái SJC gây hoang mang cho người dân. Vấn đề ở chỗ chỉ SJC mới “có quyền phán đó là hàng nhái hay không” trong khi đó vàng vẫn là 4 số 9. Nếu là vàng nhái thật đó cũng là tất yếu theo quy luật thị trường. Và khi đã khẳng định đó vàng nhái, SJC sẽ thu chênh 3 triệu đồng/lượng.
Ông Hiến phân tích: “Chúng ta có thể làm phép tính. Dân chuyển đổi vàng mất 3 triệu đồng/lượng. Nếu vàng đó là vàng nhái thì phải bán lại cho SJC, dân mất thêm 3 triệu đồng nữa. Một lượng vàng, dân mất 6 triệu đồng”.
Người dân sẽ bị thiệt hại với vàng nhái nhưng theo ông Hiếu hiện sẽ rất khó cấm vàng nhái vì chênh lệch giá và độc quyền.
“Chỉ có ở nước ta, vàng mới phụ thuộc vào thương hiệu mà không phụ thuộc vào tuổi vàng” - Ông Hiến chia sẻ.
Vàng còn bất hợp lý khi giá vàng trong nước đắt hơn giá vàng thế giới. Các Ngân hàng thương mại không được huy động vàng phải mua vào giá cao. Mục đích kéo sát giá thế giới không thực hiện được.
Ông Hiến kết lại: “Tôi nghĩ lưu giữ vàng là truyền thống, tập quán, là mục đích đề phòng rủi ro nên thị trường vàng vẫn tồn tại một cách khác quan".
Chốt lại, đại biểu Hiến xin mượn lời đại biểu quốc hội TP. HCM Trần Du Lịch là "không thể cấm nổi thị trường vàng”.
(Theo VTCNews) Bảo Lâm

21:18

Tháp truyền hình hàng chục tỷ không cần hồ sơ thiết kế!


Ông Trần Anh Tú, Giám đốc Đài PTTH Nam Định cho rằng, hiện vẫn chưa xác định được thời điểm tháp bị đổ và sức gió là cấp mấy nên chưa thể khẳng định “bị đổ là do không đáp ứng các thông số về kỹ thuật”.

 Sớm xây dựng tháp truyền hình mới!
Chiều 31/10, PV VietNamNet đã có buổi làm việc với ông Tú sau sự cố tháp này bị gió bão quật đổ.
Ông Trần Anh Tú cho rằng: Trước mắt, Đài phối hợp với các cơ quan chức năng để khắc phục sự cố này. Chúng tôi đã đề nghị viễn thông Nam Định kéo cáp quang cho hệ thống truyền hình cáp. Ngoài ra, NTV cũng đề nghị VTV cho mượn thiết bị để phát sóng.

Cũng theo ông Tú, hiện tại nhà đài vẫn sản xuất chương trình và phát trên truyền hình cáp. Khoảng 10 ngày nữa, Đài Nam Định sẽ tìm vị trí phát sóng analog để các gia đình bắt sóng truyền hình bằng ăng ten thông thường có thể xem được.
Sau khi khắc phục các sự cố, Đài PTTH Nam Định sẽ tiến hành xây dựng tháp truyền hình mới, ngay tại vị trí tháp bị đổ.
Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư, về chất lượng kỹ thuật công trình tháp truyền hình mới như thế nào, đang là bài toán đặt ra.
“Trước mắt, chúng tôi sẽ xin hỗ trợ từ Đài truyền hình Việt Nam và các đơn vị liên quan quan, sau đó sẽ xin ý kiến từ tỉnh” - ông Tú nói.
Không có hồ sơ thiết kế kỹ thuật!
Được biết, tháp ăngten này do VTC mua từ nhà sản xuất - Công ty Le BLANC (Malaysia) - rồi bán lại cho Đài PTTH Nam Định.

Tháp truyền hình đã thành sắt vụn

Ông Trần Anh Tú khẳng định việc nhập khẩu thiết bị đã được thẩm định đầy đủ. Còn về thiết kế, do mua trọn gói từ Malaysia nên không có thiết kế kỹ thuật.
Cũng theo ông Tú, sau khi công trình này hoàn thành (6/2010), chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã tiến hành nghiệm thu và kiểm tra chất lượng công trình.
Kết quả nghiệm thu khẳng định đây là công trình đạt tiêu chuẩn về chất lượng.
Tuy nhiên, sau sự cố tháp bị đổ, nhiều nghi vấn về chất lượng công trình này đã được đặt ra.
Cụ thể, theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 2737-1995, tháp truyền hình phải chịu được gió tốc độ 181 km/giờ (cấp 15). Ngoài ra, phải tính toán đến sự cố vừa xảy ra tình huống bão và động đất để thiết kế tháp đạt tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, trong bản hợp đồng mua tháp ăng ten giữa một bên là chủ đầu tư –Đài PTTH Nam Định với đơn vị cung cấp thiết bị là Tổng công ty truyền thông đa phương tiện (VTC) lại ghi rõ: “Tháp được thiết kế chịu được tốc độ gió 120km/giờ”.
Như vậy, phía chủ đầu tư và đơn vị cung cấp thiết bị đã tự ý, thỏa thuận hạ tiêu chí kỹ thuật của tháp truyền hình. Ông Tú không nói lý do vì sao lại hạ thấp tiêu chí này.
Theo ông Tú, mô hình thiết kế của công trình này na ná với tòa tháp ở Bình Dương. Tuy nhiên, đặc điểm thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu ở 2 địa phương là hoàn toàn khác nhau.
“Bây giờ, không thể khẳng định tháp bị đổ là do không đảm bảo chất lượng. Bởi, hiện tại chưa ai khẳng định được tại thời điểm tháp bị đổ, sức gió là bao nhiêu. Có thể nó là cấp 12, hoặc cũng có thể là trên cấp 12” - ông Tú cho hay.
Trong khi đó, tài liệu từ Trung tâm dự báo khí thượng thủy văn TƯ, thì sức gió đo được tại TP Nam Định vào lúc 20 giờ 23 phút tối 28/10 là 17m/s (cấp 7), giật 29m/s (cấp 11), tương đương 104 km/ giờ.
Tòa tháp ở Nam Định bị bão quật đổ vào khoảng 20 giờ 40 phút.
Như vậy, nếu như chỉ số kỹ thuật tháp truyền hình chịu được sức gió 120km/giờ theo như trong bản cam kết giữa chủ đầu tư và đơn vị cung cấp thiết bị là chính xác thì tháp truyền hình sẽ không bị đổ.
Trao đổi với VietNamNet xung quanh sự cố này, ông Nguyễn Văn Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho rằng: Hiện, phía tỉnh đang khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão, lo cứu đói cho người dân.
Riêng về sự cố tháp truyền hình bị đổ, tỉnh giao cho lãnh đạo Đài PTTH Nam Định phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết.
Liên quan đến sự việc này, hiện Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cũng đã cử người về để tìm hiểu nguyên nhân.
(Theo VietNamnet) Hoàng Sang – Kiên Trung

20:50

 Khánh My “nối gót” Mai Phương Thúy diện áo dây treo

 

(iHay) Xuất hiện tại một sự kiện vào tối 29.10 tại TP.HCM, Giải vàng Ngôi sao người mẫu 2011 Khánh My ngay lập tức gây chú ý bởi vẻ ngoài xinh đẹp và lộng lẫy.


Diện chiếc váy bắt mắt của nhà thiết kế Lê Thanh Hòa, Khánh My khoe được làn da trắng ngần cùng tấm lưng thon dài kèm đường cong "chết người".








(iHay Thanh niên)

19:33
 Có lợi ích nhóm trong điều hành xăng dầu


(baodautu.vn) Tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội sáng nay (30/10), Hội trường Quốc hội nóng lên khi đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) gay gắt chất vấn về việc điều hành giá xăng dầu.

Theo đại biểu Lê Thị Nga, việc điều hành xăng dầu thời gian qua gây bức xúc rất nhiều cho nhân dân và dư luận. Trong khi đó, lời hứa của của Bộ trưởng Bộ Công thương về sửa đổi Nghị định 84, sau một năm vẫn chưa được thực hiện. “Tại sao với những lĩnh vực thiết yếu khác như như điện, Chính phủ đề nghị Quốc hội xây dựng Luật mà  xăng dầu Chính phủ vẫn kiên trì điều hành bằng văn bản dưới luật. Đề nghị xây dựng thành luật để giám sát tốt hơn”.
Theo đại biểu Lê Thị Nga, hiện trên thị trường có 12 DN xăng dầu đầu mối, song 90% thị phần lại thuộc về 3 DN lớn, đặc biệt, riêng Petrolimex chiếm thị phần tới 60%. Trên thực tế, mỗi lần DN xăng dầu tăng, giảm giá đều có biểu hiện bắt tay ấn định giá, vi phạm luật cạnh tranh. Những yếu tố này đã đầy đủ dấu hiệu để Cục Quản lý cạnh tranh tiến hành điều tra hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh với DN có thị phần thống lĩnh thị trường . Tuy nhiên, do cả Cục Quản lý cạnh tranh lẫn Petrolimex đều thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương, nên đến nay vẫn chưa có cuộc điều tra nào diễn ra. Tình trạng này kéo dài khiến Nhà nước luôn bị DN xăng dầu gây sức ép tăng giá, còn người dân thì luôn chịu thiệt thòi.
Trước biểu hiện vừa đá bong, vừa thổi còi trong quản lý xăng dầu, đại biểu Lê Thị Nga nhấn mạnh, cử tri đang đặt câu hỏi về dấu hiệu tham nhũng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực xăng dầu. Vì vậy, đề nghị Bộ Công an vào cuộc kiểm tra những DN xăng dầu. Bên cạnh đó, bà Nga cũng đề nghị, Quốc hội cần xây dựng Cơ quan giám sát thị trường độc lập, tách khỏi cơ quan quản lý nhà nước.
Liên quan đến vấn đề tạm nhập, tái xuất xăng dầu, đại biểu Lê Thị Nga cho rằng, đường đi của xăng dầu tạm nhập tái xuất thời gian qua không được kiểm soát, thiếu minh bạch. Những sai phạm trong tạm nhập tái xuất chủ yếu được phát hiện bởi báo chí, khiến dư luận nghi ngờ năng lực kiểm tra của cán bộ quản lý thị trường có vấn đề hay đã cố tình tiếp tay cho sai phạm.
Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thị Nga, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng giải trình,  theo quy định, Hội đồng cạnh tranh là do Thủ tướng Chính phủ điều hành, không phải thuộc quản lý của Bộ Công thương. Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) là cơ quan giúp việc cho Hội đồng Cạnh tranh. “Chúng tôi cũng nhận thức rằng, Cục Quản lý cạnh tranh đặt trong Bộ Công thương là không hợp lý, nên chúng tôi đang xem xét đề nghị tách Cục Quản lý cạnh tranh ra khỏi Bộ Công thương, trực thuộc Hội đồng canh tranh”, Bộ trưởng khẳng định.
Về vấn đề tạm nhập, tái xuất xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, đây là điều cần thiết vì do điều kiện địa lý, một số nước trong khu vực như Lào, Campuchia yêu cầu Việt Nam cung cấp xăng dầu. Hơn nữa, các máy bay, tàu thủy vào Việt Nam cũng có nhu cầu tạm nhập, tái xuất xăng dầu. Việc tạm nhập, tái xuất xăng dầu không chỉ do Petrolimex mà còn nhiều DN khác đảm nhận. Bộ trưởng cũng thừa nhận,m thời gian qua có một số trường hợp lợi dụng tạm nhập tái xuất xăng dầu để trục lợi. Lực lượng cán bộ quản lý thị trường và hải quan đã phát hiện, nghiêm túc xử lý. Trước mắt, liên Bộ Công thương và Tài chính  đã thống nhất ban hành quy định chỉ cho phép hoạt động tạm nhập tái xuất theo nhu cầu đối ngoại và tàu thuyền, máy bay nước ngoài.
Về thị phần của các DN kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng cho hay, hiện có 12 đầu mối kinh doanh xăng dầu. Theo Nghị định 84, Nhà nước không hạn chế đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, đến giờ  vẫn chưa có DN đề nghị thành lập thêm. Việc một số DN chiếm thị phần lớn trên thị trường, theo Bộ trưởng là do lịch sử để lại, và do DN này có nhà máy lọc dầu.
(Theo baodautu.vn)  Hà Tâm

13:19

 Mua vé số tri ân liệt sỹ, 15 người trúng giải đặc biệt


Câu chuyện 15 người cùng lúc ẵm trọn giải đặc biệt xổ số kiến thiết miền Bắc vừa mới xảy ra tại ba xã: Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ của huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng).
 

Theo thông tin từ phía chính quyền huyện Thủy Nguyên, ngày 2/11 tới, đại diện lãnh đạo Công ty Xổ số miền Bắc sẽ về tận nơi trao giải cho các hộ dân trúng giải đặc biệt.


Gia đình chị Loan - anh Việt trúng giải đặc biệt trị giá 200 triệu đồng - Ảnh: H.P.

Bộ số đặc biệt 15 vé được chia đều cho ba xã, mỗi xã có năm người trúng giải và mỗi giải trị giá 200 triệu đồng, trong đó một người bị thất lạc vé.

Chị Chu Thị Liên, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phục Lễ, cho biết để có kinh phí tu bổ, xây dựng tượng đài các anh hùng liệt sĩ tại trung tâm huyện Thủy Nguyên, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã phát động phong trào mua vé số ủng hộ gây quỹ tại 37 chi hội phụ nữ các xã và thị trấn trên địa bàn, mỗi chi hội ủng hộ 2.500 vé vào đầu tháng 10. Việc “góp những đồng tiền lẻ” thông qua mua vé số được đông đảo người dân hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình.

Cô giáo Lê Thị Thức, hiệu trưởng Trường tiểu học Lập Lễ, là một trong số những người trúng giải đặc biệt nhưng đến nay vẫn còn ngỡ ngàng vì không tin vận may đã đến với mình. “Sau khi nhận được số tiền thưởng, tôi sẽ trích một phần ủng hộ cho quỹ của hội phụ nữ xã, ủng hộ quỹ học sinh nghèo vượt khó... số còn lại sẽ cho con du học tại Úc thời gian tới” - cô Thức chia sẻ.

Cũng là một trong những người may mắn lần này, chị Đinh Thị Nga (đội 14, thôn Bảo Kiếm, xã Lập Lễ) hớn hở khoe: “Tôi mua vé số để ủng hộ việc lập quỹ xây dựng đài tưởng niệm liệt sĩ nên có nghĩ gì tới việc trúng hay không trúng đâu. Không ngờ! Mà cũng thật là may, gia đình đang nợ nần do nghề đi biển vài năm trở lại đây thua lỗ liên tục, một mặt do nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, mặt khác giá xăng dầu tăng cao nên thu không đủ chi...”.

Tương tự là trường hợp của vợ chồng chị Đoàn Thị Loan và chồng Đinh Khắc Việt (thôn 6, xã Phả Lễ). Chị Loan cho biết anh Việt sau khi đi làm về thấy mấy chị phụ nữ trong xã đang xúm xít bên đường nên tò mò lại gần xem. Thấy họ bán vé số để gây quỹ xây đài tưởng niệm liệt sĩ gì đó nên mua hai vé (trong đó một vé có số cuối 49 và một vé có số cuối 53). Sau đó anh Việt mang vé về đưa cho người thân nhưng không ai nhận, đành bỏ vào góc bàn. Tối 25/10, thấy cán bộ xã báo anh nằm trong số những người trúng giải đặc biệt nhưng vợ chồng anh Việt, chị Loan vẫn bán tín bán nghi. Chỉ sau khi xem kết quả trên mạng, vợ chồng chị Loan mới tin.

Theo Hải Phong
 Tuổi Trẻ

12:21
Khoảng cách

      Cuộc sống này khi nào cần khoảng cách?
      Nếu không có khoảng cách, sẽ chẳng có những vì sao, tinh tú
      Và chẳng có bầu trời.
      Nếu không có khoảng cách trên đường giao thông, tai họa kinh hoàng.
      Nếu không có khoảng cách giữa người và con vật
      Con người sẽ coi con vật như con người
      Còn con vật sẽ coi con người là con vật.
      Nếu không có khoảng cách chủ tớ, chủ sẽ làm tớ, tớ sẽ thành chủ.
      Nếu không có khoảng cách chính trị và doanh nhân
      Lũng đoạn được sinh ra.
      Chỉ có tình yêu
      Không có khoảng cách.
(Theo dongquanho.blogspot.com) Đinh Hoàng

12:01

 1 tỷ USD để tăng lương từ 1/7/2013


(Dân trí) - Theo phương án tăng lương vừa được Chính phủ trình Quốc hội, mức tiền lương tối thiểu chung cho cán bộ công chức, cán bộ nghỉ hưu, người có công (8 triệu người) sẽ tăng 100 nghìn đồng/tháng trong 6 tháng, bắt đầu từ 1/7/2013 tổng kinh phí khoảng 21.700 tỷ đồng (1 tỷ USD).

Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng nay 31/10, Bộ trưởng Bộ tài chính Vương Đình Huệ cho biết: Vấn đề tăng lương không chỉ là mối quan tâm của người hưởng lương mà còn của Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan.
Tuy nhiên, để tăng lương đúng lộ trình 1/5/2013 thì cần 60.000 đồng - 65.000 tỷ đồng (tương đương 3 tỷ USD) và 29.000 tỷ đồng để thực hiện mức lương tối thiếu 1,05 triệu đồng và phụ cấp công vụ 25% thêm 4 tháng trong 2013.
“Điều này vượt quá khả năng cân đối của ngân sách năm 2013, do thu ngân sách 2012 đạt thấp, mức tăng thu 2013 cũng khó khăn do mức tăng trưởng dự báo chỉ 5,5%. Trước tình hình này, Chính phủ báo cáo Quốc hội tháng 5/2013 dự kiến thực hiện một phần mức lương tối thiếu hoặc bố trí tăng lương cho người nghỉ hưu, người có công, cán hộ có hệ số lương thấp”, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho hay.
Tuy nhiên, sau khi thảo luận, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo dự kiến trình Quốc hội xem xét phương án tăng lương ngay trong khi xem xét quyết định dự toán ngân sách trong kỳ họp này với phương án cụ thể như sau:
Tăng mức tiền lương tối thiểu chung cho cán bộ công chức, cán bộ nghỉ hưu, người có công (8 triệu người) ở mức 100 nghìn đồng/tháng trong 6 tháng, bắt đầu từ 1/7/2013 tổng kinh phí khoảng 21.700 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD). Trong đó, nguồn ngân sách trung ương lo 18.400 tỷ, địa phương 3.300 tỷ đồng.
Với ngân sách địa phương 3.300 tỷ đồng, Chính phủ sẽ lấy ở 10% tiết kiệm chi thường xuyên đã bố trí trong dự toán trình quốc hội và 50% tăng thu dành để làm lương còn lại ở một số địa phương.
Bộ trưởng Huệ cho biết thêm, để có nguồn tăng lương phải cơ cấu lại các nguồn chi ngân sách và triệt để tiết kiệm chi tiêu. Bởi dự toán thu nội địa xuất nhập khẩu, dầu thô ở mức cao, độ rủi ro lớn nên không tăng thêm khoản dự toán thu.
Theo đó, để vừa đạt mục tiêu tăng lương, vừa đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5%, dự kiến Chính phủ báo cáo Quốc hội giảm mức đầu tư công từ 180.000 tỷ đồng xuống 170.000 tỷ nhưng vẫn đảm bảo cao hơn mức bội chi ngân sách, phát hành trái phiếu chính phủ 55.000 tỷ đồng - 60.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo khẳng định của Bộ trưởng Huệ, dù cắt giảm đầu tư công nhưng vẫn đảm bảo tổng mức 225.000 tỷ đồng đã được Quốc hội quyết định cho cả giai đoạn đến 2015, đồng thời tiết kiệm chi ngân sách trung ương 10%, giảm bớt chi hoàn thuế giá trị gia tăng, trong điều kiện ngân sách 2012 có tăng thu thì sẽ bố trí tăng thêm cho mức hụt chi này.
“Đây là phương án khả thi nhất có thể tính đến, Chính phủ cố gắng kiểm soát lạm phát ở 7 - 8% để đảm bảo tăng thu nhập thực tế cho người hưởng lương”, Bộ trưởng khẳng định.
(Theo Dân trí)  Nguyễn Hiền
Cái nhỏ nhoi nhất: Bữa cơm công nhân (và cả nông dân), đơn vị tính tiền nghìn.
Cái “vĩ đại nhất”: Sự tham nhũng, lãng phí (đang hiện hữu), đơn vị tính nghìn… tỉ.
Mong các vị Đại biểu Nhân dân hãy nhớ tới chuyện nhỏ nhoi: bữa cơm người dân.
Thương Giang

Tam đoạn luận


20:11
Thước đo cán bộ

- Dù đang khó khăn nhưng tớ quyết xuất ngoại một chuyến cậu ạ…
-Định chu du thiên hạ học mẹo kinh doanh à?
-Mẹo kinh doanh đầy trên mạng ấy, nhưng có phải ai cũng hợp duyên áp dụng được mẹo kinh doanh đâu? Tớ đi chuyến này là quyết nhập thiết bị đo kiểm chất lượng...
-Rỗi hơi à?
-Ơ kìa! Cậu đúng là không thức thời gì cả. Hậu kiểm đang là nhu cầu bức thiết và chính đáng đấy cậu ơi!
-Cậu không thức thời thì có ấy! Cần chi bỏ cả đống tiền nhập thiết bị công nghệ hiện đại…Nán chờ thiên tai, biết ngay chất lượng!
-Ý cậu là chờ lũ lụt biết ngay thân đập có mấy que sắt. Chờ bão giông hiểu được sức bền vật liệu tháp truyền hình. Chờ nước lên đo luôn mặt bằng đường bộ. Đợi nước xuống phơi lộ bê tông bằng cốt gỗ mục tre ngâm. Khi mưa lâm thâm biết ngay trần sàn nứt dột chứ gì?
-Chính xác! Biết thế rồi còn…
-Cậu đúng là nhanh nhẩu đoảng, vội vàng hư. Thiết bị mà tớ định nhập là công nghệ tiên tiến đo được chất lượng, năng lực người thiết kế thi công.
-Thế lại càng rỗi hơi! Cứ tam đoạn luận mà suy là ra vấn đề…
-Nghĩa là lấy thiên tai bão lũ đo chất lượng công trình, lấy chất lượng công trình đo năng lực cán bộ chứ gì?
-Chí phải!
(Theo Tiền phong)  Kẹo Cu Đơ

10:28

Xin 100.000 tỉ đồng ngân sách mua lại nợ xấu


Ngày 25.10, Ngân hàng Nhà nước công bố chậm nhất là ngày 15.11, cơ quan này sẽ trình Thủ tướng Chính phủ đề án thành lập Cty mua bán nợ có quy mô vốn đến 100.000 tỉ đồng, có khả năng xử lý khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Nhưng phía sau câu chuyện này là điều gì?

Đợi được… cứu

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến ngày 31.5.2012 nợ xấu của NH chỉ ở mức 4,47%. Nhưng mới đây, Thống đốc NHNN đã xác nhận, “cục nợ xấu” hiện phải đến 8,6 – 10%. Với tỉ lệ nợ xấu là 8,6%, số tiền tương ứng đã là 202.000 tỉ đồng. Và phía NHNN cho rằng: Chỉ cần có cơ chế hợp lý, có thể xử lý được “cục nợ xấu” này.

Nói là thế, nhưng đã quá lâu mà chưa thấy cơ chế nào xử lý “cục nợ xấu”, ngoài việc đề xuất lấy 100.000 tỉ đồng của ngân sách mua lại “cục nợ xấu” như vừa nêu.

Đã có quá nhiều hội thảo, diễn đàn, hội nghị... thu hút nhiều chuyên gia, các nhà quản lý... hiến kế gạt bỏ “cục nợ xấu”. Nhưng điểm khác thường là nợ xấu phát sinh từ các NHTM, thì các NHTM phải tích cực và tự giác xử lý nợ xấu. Nhưng hiện nay, việc xử lý nợ xấu lại đang dồn lên vai các cơ quan quản lý nhà nước. Các cơ quan chức năng đang mải tranh cãi việc có nên thành lập các Cty mua bán nợ xấu (AMC) trực thuộc NHNN không? Có nên mở rộng mô hình Cty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC) thuộc Bộ Tài chính? Có nên dùng NSNN để giải quyết nợ xấu?... mà chẳng mấy ai nhắc đến việc các NHTM phải tự xử lý “cục nợ xấu” do chính họ gây ra. Thậm chí, còn có ý kiến nại ra rằng: Ngân hàng không thể tự xử lý được nợ xấu(?).

Đã vậy, các NHTM không hề chứng tỏ họ muốn xử lý cục nợ xấu của mình. Bằng chứng là tỉ lệ nợ xấu của từng NHTM là bao nhiêu vẫn là con số “lơ mơ”, nên các cơ quan chức năng vẫn đang tìm số liệu nợ xấu của NH như “thầy bói xem voi”, việc giải quyết nợ xấu của NH cứ như bác sĩ chữa bệnh, nhưng người bệnh chỉ thò mỗi ngón tay cho xem(!). Điều này dễ làm cho dư luận hiểu rằng đây là thái độ đang chờ đợi sự cứu trợ của NHNN và Chính phủ. Các NHTM hiểu rằng Chính phủ sẽ không thể để các DN phá sản hàng loạt vì không tiếp cận được vốn vay NH do nợ xấu, vì thế sẽ phải bơm tiền cứu cả hệ thống ngân hàng để cứu DN.

Giá trị thật của “cục nợ xấu”


“Cục nợ xấu” đã làm tê liệt cả nền kinh tế, nhưng giá trị còn lại của khối tài sản đảm bảo cho những khoản vay NH của “cục nợ xấu” đến lúc này còn là bao nhiêu, đó là ẩn số mà các NHTM đang cố tình “lờ” đi.

Công bố của NHNN, các NHTM đã trích lập quỹ dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu được 70.000 tỉ đồng. Như vậy, số nợ xấu còn lại chỉ khoảng 132.000 tỉ đồng mà giá trị tài sản đảm bảo là 135% giá trị khoản nợ đối với 84% số nợ xấu (như công bố của NHNN) thì làm gì quá khó khăn đến mức cần 100.000 tỉ để xử lý. Cần gì NHNN phải lập Cty mua bán nợ để giải cứu(?).

Nhưng số “tài sản đảm bảo với giá trị khoảng 135% giá trị khoản nợ” mà NHNN công bố là “quá xa vời so với thực tế”. Bởi đa số tài sản đảm bảo đem thế chấp NH là BĐS và các dự án BĐS mới được cấp phép.

Hiện nay giá BĐS đã giảm rất nhiều lần so với lúc thế chấp để vay tiền và nhiều dự án đã được cấp phép nhưng không triển khai và có nguy cơ bị Nhà nước thu hồi, nên giá trị tài sản đảm bảo thực tế còn lại được bao nhiêu thì không thấy NHNN nói đến. Nhiều dự án BĐS thế chấp vào NH, lãi suất NH chiếm tới 50% cơ cấu giá thành. Nay giá BĐS đã hạ thấp, mà NH cứ giữ nguyên số tiền vay và lãi suất, đang là nguyên nhân gây tồn kho BĐS giá cao.

Mặt khác, theo công bố của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm nay cả nước có 26.324 DN giải thể, phá sản, ngừng sản xuất kinh doanh. Trong số này có bao nhiêu DN là khách nợ của các NHTM? Khách nợ không còn tồn tại thì khoản nợ xấu này làm sao thu hồi được. Điều này cũng không thấy NHNN nhắc đến.

Có một thực tế, trong quá trình thẩm định tài sản đảm bảo để cho vay, có không ít cán bộ tín dụng của một số NH đã nâng khống giá trị tài sản thế chấp lên cao gấp nhiều lần so với thực tế (Báo Lao Động đã có bài viết về tình trạng này), nên giờ đây khả năng thu hồi loại nợ xấu này không khả thi, bởi giá trị tài sản đảm bảo không còn đáng là bao nhiêu so với khoản tiền NH đã cho vay, khoản nợ này cũng được đưa vào “cục nợ xấu”.

Còn rất nhiều trường hợp NH cho vay đã dựa trên những tài sản đảm bảo “ảo”, dẫn đến mất tiền của NH. Như trường hợp Cty TNHH CN-TM Thái Sơn (Hải Phòng) mang tất cả tài sản là văn phòng, dự án BĐS, nhà xưởng đóng tàu, phôi thép... cùng thế chấp vào hàng loạt NH để vay cả hơn 1.000 tỉ đồng. Cty Thái Sơn đã phá sản và khoản nợ coi như mất trắng. Giá trị tài sản đảm bảo tiền vay mà không ít NH đang ôm lúc này, không khác gì “đười ươi giữ ống”. Riêng về Cty Thái Sơn - các NH nào là chủ nợ, Lao Động sẽ có loạt bài vào các số tới.

Một thực tế mà không NH nào nói ra là việc hàng loạt “sổ đỏ” đang thế chấp ở các NH, có bao nhiêu cuốn là sổ giả? Được biết, riêng một trường hợp Lê Bá Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) câu kết với một nhân viên hợp đồng Phòng TN-MT của huyện Gia Lâm lấy trộm gần 30 phôi “sổ đỏ” chế thành những cuốn “sổ đỏ” giả đem thế chấp NH vay gần 80 tỉ đồng.

Chỉ riêng ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã mất hơn 400 phôi “sổ đỏ”, nhưng chưa thấy công bố thu hồi được bao nhiêu. Những câu chuyện nêu trên đã góp phần tạo nên “cục nợ xấu” không thể thu hồi của NH. Thành lập Cty xử lý nợ xấu với số vốn 100.000 tỉ đồng phải chăng mục đích là hợp thức hóa các khoản nợ cho vay không đúng quy định pháp luật của các NHTM? Cty xử lý nợ 100.000 tỉ này sẽ xử lý thu hồi nợ như thế nào với những khoản nợ không còn khả năng thu hồi?    
(Theo Lao Động) Công Thắng

09:15
Vụ 2 doanh nghiệp lớn nhập xăng “bẩn”:

 “Quả bóng trách nhiệm” bị đá qua đá lại  


Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 10 do Bộ Công Thương tổ chức chiều 29-10, các vấn đề nóng liên quan đến vấn đề giá điện, giá xăng dầu tiếp tục là mối quan tâm lớn của báo chí.

Hàng ngàn tấn xăng "bẩn” thẩm lậu trót lọt

Lợi dụng hình thức tạm nhập tái xuất, mới đây, hai "đại gia” lớn ngành xăng dầu là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ đã nhập về gần 8.000 tấn xăng không đạt chất lượng. Vụ việc đã sớm được phát giác và hai doanh nghiệp (DN) này đã bị buộc phải tái xuất số xăng không đạt chuẩn trên.

Cụ thể, theo thông tin từ Bộ Khoa học - Công nghệ, vừa qua, Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ (Thalexim) đã nhập 7.602,252 tấn xăng A92 không chì từ Singapore. Lô hàng này được đăng ký tại tờ khai hải quan ngày 8-10. Ngay sau đó, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, qua kiểm tra, đã thông báo kết luận, lô xăng này có chất lượng không đạt chuẩn của Việt Nam vì có chứa một số phụ gia dung môi sec-butyl acetate với hàm lượng 3% thể tích. Đây là phụ gia không thông dụng, chưa được đăng ký và chưa được chấp thuận của Bộ Khoa học - Công nghệ. Trước đó, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Bộ Khoa học - Công nghệ) cũng đã phát hiện trường hợp tương tự là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) nhập khẩu xăng A95 có pha dung môi sec-butyl acetate.

PVOil đã đề nghị được tái chế lô xăng trên để có thể tiêu thụ tại Việt Nam. Tuy nhiên, các thông tin liên quan đến dung môi sec-butyl acetate mà PVOil đưa ra chỉ mang tính tham khảo. Bộ Khoa học - Công nghệ cho hay, PVOil không cung cấp được các bằng chứng khoa học, tài liệu chứng minh độ an toàn, đảm bảo sức khỏe, môi trường, bảo vệ động cơ xe khi sử dụng xăng pha sec-butyl acetate.

Như vậy, hình thức tạm nhập – tái xuất tiếp tục bộc lộ những lỗ hổng để nhiều doanh nghiệp tận dụng trục lợi. Và việc để hai doanh nghiệp lớn thẩm thấu trót lọt một lượng lớn xăng dầu "bẩn” vào trong nước một lần nữa cho thấy sự nhẹ tay trong quản lý, thậm chí là buông lỏng của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, tại buổi họp báo, "quả bóng trách nhiệm” lại bị các Bộ đá sang cho nhau. Ông Nguyễn Xuân Chiến – Vụ Phó Vụ Thị trường trong nước đã khẳng định rằng: "Bộ Công thương chỉ có tránh nhiệm kiểm tra hàng hóa đang lưu thông trên thị trường. Còn khi sản phẩm xăng dầu nhập vào trong nước, Bộ Khoa học - Công nghệ là cơ quan chịu trách nhiệm lấy mẫu kiểm tra chất lượng để lưu thông trên thị trường hay không”. Phải chăng Bộ Công thương hoàn toàn đứng ngoài cuộc?

Giá xăng vẫn "neo”, giá điện chưa có lý do để tăng

Liên quan đến vấn đề giá xăng thế giới đã giảm, tại sao xăng trong nước vẫn "neo” giá, không chịu giảm? Ông Chiến cho rằng, liên Bộ Công thương – Bộ Tài chính vẫn đang bám rất sát thị trường thế giới. Giá xăng dầu thế giới giảm nhưng không giảm theo xu hướng liên tục và ổn định, lúc giảm, lúc lại tăng một cách thất thường. Do đó, đây chưa phải là cơ sở để giảm giá xăng dầu trong nước. Bên cạnh đó, liên Bộ vẫn đang sử dụng Quỹ bình ổn để hỗ trợ thêm cho giá của mặt hàng này. "Liên Bộ sẽ tiếp tục theo sát giá thế giới, và khi thấy đủ điều kiện sẽ tiến hành điều chỉnh giảm giá xăng dầu theo đúng tinh thần Nghị định 84”.

Về giá điện, trả lời câu hỏi: Liệu giá điện có điều chỉnh tăng trong thời gian tới? Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) khẳng định: Về cơ cấu hình thành giá điện, Bộ Công thương đã rà soát chi phí sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong cả 3 tháng 7, 8 và 9. Kết quả rà soát cho thấy chi phí thực tế vẫn thấp hơn chi phí theo kế hoạch đề ra. Do vậy, trong tháng 10 và cả tháng 11, Bộ Công thương vẫn chưa có chủ trương điều chỉnh giá điện”.
(Theo Đại đoàn kết)  Duy Phương

Gần đây, người dân bỗng thấy thị trường xăng dầu “bình lặng” quá. Thường thì hơn chục ngày là thấy họ nhấp nhổm trình xin tăng giá. Thì ra đã hơn chục ngày qua giá xăng dầu thế giới sụt giảm quá sâu. Ngay cả khi có bão sandy ở Mỹ, giá xăng vẫn giảm (thường thì giá xăng dầu sẽ tăng khi nước Mỹ gặp bão lớn). Do vậy chẳng còn lý do gì để tăng giá (mà lẽ ra phải xin giảm giá). Giá điện cũng vậy, xăng chưa tăng thêm, than chưa tăng giá theo đề nghị thì điện chưa tìm thấy cớ để điều chỉnh (tăng) giá. Lúc này, người dân mới thấm thía thế nào là “LỢI ÍCH NHÓM”.
Thương Giang

08:01

 Khả năng giảm chi rất lớn


Đề xuất lùi thời hạn tăng lương tối thiểu theo lộ trình được đưa ra, dù thất vọng nhưng nhiều người cũng đành ngậm ngùi chấp nhận khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ thú nhận "không còn dư địa nào để tăng thu cho mục tiêu bù vào lương trừ phi in tiền".


Tuy nhiên, việc công khai thu - chi ngân sách ngay sau đó với bội chi vẫn tăng cao cho thấy, có quá nhiều điều cần phải nói xung quanh vấn đề này.
Chúng ta đều biết, việc tăng lương tối thiểu đã có lộ trình từ trước chứ không phải "đùng một cái", nói tăng là tăng. Nghĩa là ngân sách đã có kế hoạch, có sự chuẩn bị nguồn tiền cho khoản chi này nên không thể nói thiếu hay không có tiền. Như vậy có 2 khả năng, hoặc là nguồn tiền này có nhưng đã bị sử dụng cho việc khác, hoặc xây dựng kế hoạch tăng lương mà không hề có sự chuẩn bị về nguồn lực để thực hiện. Thu - chi ngân sách là chuyện lớn, chuyện đại sự nên việc thiếu hụt ngân sách để tăng lương theo lộ trình, dù với lý do gì cũng cần phải làm rõ để có hướng xử lý.
Ngân sách khó khăn không có tiền để tăng lương nhưng bội chi vẫn tăng vượt dự toán tới gần 11% (tính đến giữa giữa tháng 10.2012), đặc biệt là việc "vung tay" cho hội hè, khánh tiết, quản lý hành chính và gần 40.000 khoản chi sai ở khắp nơi, khắp các lĩnh vực là điều không thể chấp nhận.
Nên nhớ, tỷ lệ thu ngân sách trong GDP của Việt Nam đang ở mức cao nhất khu vực nên trông chờ vào tăng thu để tăng lương thì không thể và không nên. Cách duy nhất là "siết" chi. Theo tính toán của một số đại biểu Quốc hội, chỉ cần "siết" một số khoản chi thường xuyên, cắt giảm đầu tư công, cắt giảm chi phí quản lý hành chính, hội hè, khánh tiết, chi sai, động thổ, khởi công; lãng phí, thiếu hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước... cũng đủ để không phải lùi thời hạn tăng lương như đề xuất nói trên.
Có thể khẳng định, siết chi tiêu công là bài toán đơn giản nhất, đúng đắn và hợp lý nhất trong bối cảnh hiện nay. Khi thu nhập bị "teo" đi vì giá xăng, giá điện, giá nước, dịch vụ y tế, giáo dục... tăng lên, hàng triệu gia đình, hàng triệu người dân cũng phải cắt giảm chi tiêu. Các khoản chưa cần thiết, gấp gáp như sửa chữa nhà cửa, đổi xe, hạn chế ăn hàng quán, thay thịt bằng rau, đổi sữa ngoại sang sữa nội... đã được thực hiện. Với ngân sách cũng tương tự, khi nguồn thu eo hẹp thì chi tiêu mua sắm công, các khoản chi cho lễ hội, trụ sở mới, đi nước ngoài, xe công, hội họp, tinh giản bộ máy... phải được thực hiện một cách kiên quyết. Người dân có thể thực hiện được, không có lý do gì ngân sách không thể thực hiện được.
Quan trọng hơn, hoãn tăng lương không chỉ gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân mà còn tác động xấu đến cả nền kinh tế. Bởi tăng lương sẽ kích thích tiêu dùng, giải quyết tồn kho, thúc đẩy sản xuất. Ngược lại, không được tăng lương người dân sẽ càng thắt chặt chi tiêu. Sức mua đã giảm, sẽ càng giảm hơn, hoạt động của doanh nghiệp sẽ tiếp tục đình trệ và kinh tế nói chung đương nhiên bị ảnh hưởng mạnh.
Dư địa tăng thu không còn nhưng dư địa giảm chi thì rất lớn. Vấn đề còn lại là chúng ta có quyết liệt thực hiện hay không mà thôi.
(Theo Thanh niên) Nguyên Hằng

07:12

 Cháy nổ lớn ở xưởng gỗ, nhiều người nguy kịch


(NLĐO) - Chiều 30-10, một vụ cháy nổ lớn tại DNTN Đức Tâm (ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu - Đồng Nai, chuyên chế biến gỗ xuất khẩu) khiến 23 người bị phỏng, trong đó nhiều người nguy kịch.


Theo thông tin ban đầu, khoảng hơn 14 giờ, các công nhân phát hiện ngọn lửa bốc lên từ khu xưởng sản xuất của đơn vị liền kéo đến chữa cháy.

Khi họ đang dập lửa thì bỗng dưng có một tiếng nổ lớn. Trong phút chốc, ngọn lửa bao trùm. Vụ cháy nổ khiến khói bụi bay mù mịt, tiếng kêu cứu thất thanh, nhiều người gục xuống quằn quại, kẹt trong đám cháy.

Ngay lập tức, những người bên ngoài đã tìm cách tiếp cận, kéo hàng chục người bị thương đang trong tình trạng rất hoảng loạn ra ngoài. Tổng cộng, có tất cả 23 người đã phải nhập viện cấp cứu sau đó. 

Sở PCCC Đồng Nai đã điều 2 xe chữa cháy và 40 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường. Sau 2 giờ chữa cháy, lửa mới hoàn toàn được dập tắt.

Bệnh viện Thống Nhất chiều 30-10 gần như náo loạn khi hàng chục bệnh nhân nhập viện ồ ạt. Các bác sĩ cho biết hầu hết các nạn nhân đều bị phỏng cấp độ 2-3; có trường hợp phỏng nặng 60-70% cơ thể.



Khi nhận tin cấp báo, lực lượng y tế đã phải điều 7 xe cấp cứu đến hiện trường. Đến 19 giờ, 21 người bị phỏng nặng đã được chuyển lên các bệnh viện ở TPHCM để tiếp tục điều trị.

Bác sĩ Trần Đoàn Đạo, Trưởng khoa Phỏng - Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết: "Có 15 nạn nhân được chuyển đến vào khoảng 17 giờ 50 phút. Người bị nặng nhất là đàn ông, diện tích phỏng lên đến 72 % cơ thể, người bị nhẹ nhất khoảng 8%".

Trong số 15 nạn nhân nhập viện có 1 phụ nữ. Nạn nhân lớn tuổi nhất sinh năm 1965, nhỏ nhất sinh năm 1996. Tất cả họ đều là những công nhân nghèo khó, đi làm xưởng gỗ để sinh sống qua ngày.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bác sĩ Đạo nhấn mạnh: “Sau khi nhập viện, các nạn nhân được chống sốc phỏng, được các bác sĩ kê thuốc giảm đau và kháng sinh nhằm phòng ngừa bội nhiễm. Bệnh nhân phỏng sâu sẽ được cắt bỏ hoại tử và ghép da sau đó”.

Ngồi thất thần bên hành lang Khoa Phỏng, một cô gái trẻ với khuông mặt ủ dột cho biết: “Gia đình tôi có 3 người làm xưởng gỗ này, giờ thì 2 anh trai tôi bị phỏng nặng, gia đình cũng không khá giả mấy. Không biết họ phỏng nặng hay nhẹ, có để lại di chứng gì hay không?”.

Buồn bã không kém, chị Phạm Thị Mỹ Lệ (SN 1985) cho biết em trai chị là Phạm Quốc Sang (SN 1994) đang làm vịêc trong xưởng thì nghe một số công nhân khác la cháy nên chạy vào dập lửa nhưng không ngờ bị lửa táp vào toàn thân.

“Thấy nó đau đớn mà cả nhà rớt nước mắt” - chị Lệ rầu rĩ.

DNTN Đức Tâm có khoảng 200 công nhân. Ban đầu, cơ quan chức năng xác định nơi xảy ra nổ lớn chính là chỗ đặt lò sấy ở khu vực sản xuất của công ty.

Đến tối cùng ngày, Công an tỉnh Đồng Nai vẫn đang phối hợp với Sở PCCC khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc.

(Theo Người Lao động)  X. Hoàng - P. Dũng


06:54
Tỷ tỷ đồng không mãi “chôn” trong …. đất 

Trong cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 10-2012, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã có một bản "thuyết trình” khá cơ bản, và phần nào thuyết phục về những đường hướng mở ra trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài cho thị trường bất động sản nước ta. Dù ở một góc độ nào đó, theo cách nói của người Việt Nam thì vẫn chỉ là "xài”, là đánh … "du kích”. Tất nhiên, trong thời điểm hiện tại, đó là những giải pháp có thể chấp nhận được. Nhưng cái tầm nhìn hiện thời đó, khó có thể thuyết phục trong một tương lai không xa.


Nhiều khu chung cư đang giảm giá bán xuống dưới mức trung bình
Ảnh: Quốc Anh
Từ chuyện chung cư Đại Thanh ở khu đô thị Xa La, Hà Đông, Hà Nội đã làm "cú PR (tạm hiểu là khuếch trương thương hiệu – PV) ngoạn mục” bằng cách giảm giá bán cho hàng trăm căn hộ xuống hơn mức trung bình là 10 triệu đồng/m2, đến chuyện  Công ty Lê Thành (phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) đưa ra "chiêu PR” bằng cách cho thuê căn hộ hoàn chỉnh trong vòng 15 năm, với mức giá chốt là 240 triệu đồng, đến chuyện các doanh nghiệp bất động sản khác, cả ngoài Bắc trong Nam, đã và (chắc chắn!) sẽ làm, nhằm "kích cầu thị trường bất động sản” để tìm mọi cách hâm nóng thị trường này, xem ra (từ thực tế) vẫn khá nhạt nhòa!

Bởi vì dù muốn nói gì thì nói, giờ là thời điểm kinh tế khó khăn,  đa phần người dân (dù một số không nhỏ rất có nhu cầu!), nhưng tâm lý ngàn đời của người Việt Nam là … cũng vẫn phải nghe ngóng khi định bỏ cả đống tiền mua đất hoặc nhà. Mặc dù nói thẳng ra rằng, nếu thị trường này không suy thoái theo "con bài đô mi nô” của nền kinh tế, chắc chắn (tại nội thành Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) đố ai có thể bỏ ra  khoảng từ 300 đến 500 triệu đồng để được ở trong những căn chung cư tối đa khoảng bốn chục mét vuông. Vậy đây là cơ hội hay đây là điều tất nhiên sẽ đến?

Lại chắc chắn, sẽ đố ai tìm ra được câu trả lời! Bởi vì cũng như đố ai đoán định  được "nguyên nghĩa” thị trường bất động sản Việt nam. Đã nhiều năm rồi, chính thị trường này bị thao túng, bị "làm giá”, khiến cho chính nó cũng chẳng phải là nó. Và người có nhu cầu thật cứ "xoay như chong chóng” bởi những người chẳng có nhu cầu, mặc sức chạy theo người ta làm giá, mặc sức cuốn vào cái gọi là "tâm lý bầy đàn”, thậm chí thấy người ta mua thế, mình cũng phải thế mà không đoán định, không cân lượng được giá trị thực của nó là bao nhiêu?

Để đến lúc, cơ quan quản lý nhà nước bảo rằng, hiện đang có cả tỷ tỷ đồng "chôn” theo bất động sản, nền kinh tế bị teo tóp, ngân hàng dè chừng, doanh nghiệp đình đốn …. thì cuối cùng đất vẫn chỉ là đất, người ta mới "tá hỏa tam linh”! Bao nhiêu đại gia phất lên từ đất, bao nhiêu kẻ "ăn theo” nhà và đất, giờ phần thì phá sản, phần lặn không sủi tăm, lại có phần lần lượt theo đuôi nhau …  "xộ khám”! Người ta vẫn nói rằng, đất chỉ là đất, nhà chỉ là nhà, chỉ có giá trị thực là đã bị thổi lên trong một thời gian quá dài, nên giờ không dễ quay về … mặt đất!

Cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan truyền thông, dư luận xã hội … vẫn ra rả nói về "nút thắt” bất động sản đối với nền kinh tế xã hội và dân sinh. Vì rằng, đa phần nguồn tiền của nền kinh tế và người dân, hiện đang "đóng băng” ở lĩnh vực này (như cách nói của một lãnh đạo ngành xây dựng). Nhưng cơ quan chức năng thì vẫn "rối” một lối ra. Doanh nghiệp bất động sản (nếu chưa phá sản) thì cũng quay cuồng những mong (chí ít!) thu hồi lại được những đồng vốn bỏ ra, mà sao khó quá. Mọi nẻo đường để đến chỗ … hồi sinh dường như vẫn mịt mùng. Nhiều cách làm táo bạo, quyết đoán đã nảy sinh từ thực tế, nhưng vẫn chỉ là những phát pháo lệnh lẻ loi, đơn điệu. Vì rằng, đã nhiều năm qua, sự "thổi giá” quá mức, quá nhu cầu thực tế của người tiêu dùng, gần như đã khiến thị trường này đi chệch đường ray. Để đến lúc, muốn quay trở về giá trị thực, thì mọi chuyện đã quá xa vời ….

Nhưng chắc chắn nền kinh tế, cơ quan chức năng, doanh nghiệp hữu quan và người dân đã hoàn toàn bất lực. Trong cái khó, sẽ "ló” nhiều cái khôn. Tất nhiên, vì cả tỷ tỷ đồng không mãi "chôn” …..trong đất!
(Theo Đại đoàn kết)  Thanh Tường

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012


22:11

Chung cư 10 triệu đồng/m2:

Khi thị trường cất tiếng

Những tranh cãi xung quanh vấn đề giảm giá chung cư là cơ hội để mổ xẻ những bất cập hiện tại của thị trường...


Khi đánh giá về dự án Đại Thanh, ít người biết rằng dự án này, cũng như các dự án khác của Công ty Đầu tư tư nhân số 1 Lai Châu chỉ phải chịu một chi phí rất thấp về đất.

Phát biểu tại một diễn đàn về bất động sản tuần trước, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư dầu khí toàn cầu (GP Invest) đã lên tiếng phản đối động thái “giảm giá chung cư” tại dự án Đại Thanh của Công ty Đầu tư tư nhân số 1 Lai Châu.

Ông Hiệp nói rằng với kinh nghiệm của một người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, không thể nào doanh nghiệp có thể làm dự án mà bán ra với giá 8 - 10 triệu đồng/m2 được và “nếu nhà được bán với giá đó chỉ có thể là doanh nghiệp ăn bớt nguyên, vật liệu”.

Ngay cả khi chủ dự án Đại Thanh sử dụng các vật liệu rẻ tiền, thang máy giá bằng một nửa của chúng tôi thì cộng các chi phí vào cũng phải ở tầm 12 triệu đồng/m2. Không hiểu sao căn hộ Đại Thanh lại được bán với giá 10 triệu đồng?”, ông này nói.

Phát biểu của ông Hiệp, cùng với sự phụ họa của nhiều ý kiến khác sau đó, dường như đã và đang tạo ra một không khí chống lại động thái giảm giá từ các dự án căn hộ chung cư. Lãnh đạo một số cơ quan quản lý nhà nước cũng “đánh tiếng” về việc sẽ thanh tra cái này, kiểm tra cái kia để “làm rõ” động thái giảm giá từ dự án Đại Thanh.

Nhưng về phương diện thị trường, ứng xử đó có phù hợp cả về mặt lý là các quy định pháp luật hiện hành lẫn mặt tình - sự hoan hỉ của đông đảo nhân dân đang mong muốn giá nhà đất phải trở về mức hợp lý, để ai ai cũng có cơ hội sở hữu nhà?

Kinh doanh là... kinh doanh


Thị trường bất động sản Hà Nội trên thực tế mới chỉ phát triển trong khoảng hơn mười năm. Trong thời gian đó, đã hình thành nên một số doanh nghiệp bất động sản có tên tuổi nhưng cách thức đầu tư, con đường đi của họ là khác nhau.
Giảm giá là con đường tất yếu để thúc đẩy bán hàng tại các dự án chung cư hiện nay, đơn giản là nguồn cung vẫn tiếp tục tăng trong bối cảnh kinh tế khó khăn”.

Ở thời điểm 2012 nhìn lại, có thể thấy hai hình ảnh trái ngược: trong khi những chủ đầu tư “nhà nước” hoặc có nguồn gốc “nhà nước”, tức các doanh nghiệp cổ phần hóa, nhận được rất nhiều lợi thế và ưu đãi tự nhiên, đặc biệt là về đất đai, thì ngược lại nhóm các nhà đầu tư tư nhân thuần túy đã đi một con đường chông gai và cũng “thị trường” hơn nhiều.

Nhưng cho dù con đường đi khác nhau, thì giữa họ đều có điểm chung là nếu muốn thành công, phải lựa chọn đúng thời điểm của thị trường. Thời điểm đúng sẽ khiến cho dòng tiền được đảm bảo, và chủ đầu tư có thể hiện thực hóa được lợi ích một cách tối ưu.

Thời điểm đầu năm 2011, khi thị trường vẫn còn rất “ấm áp”, chủ đầu tư các dự án chung cư Times City và Rừng Cọ có lẽ đã cảm nhận được sức ép lớn lao từ sự thoái trào của thị trường nên đã tiến hành chiết khấu, giảm giá dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau.

Với những nhà đầu tư “bảo thủ” khác, họ vẫn công bố giá bán cao và hệ quả là cho đến nay, có thể thấy rằng chính sách bán hàng đã thất bại, như trường hợp dự án căn hộ cao cấp Mandarin Garden.

Giảm giá là con đường tất yếu để thúc đẩy bán hàng tại các dự án chung cư hiện nay, đơn giản là nguồn cung vẫn tiếp tục tăng trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Giảm giá sớm hay muộn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như năng lực tài chính của chủ đầu tư, ý muốn làm ăn lâu dài hay rút lui sớm khỏi thị trường…

Kinh doanh, suy cho cùng thì vẫn là bài toán chi phí - lợi ích: đối với một nhà đầu tư thông minh, nếu nguồn doanh thu của một dự án vẫn đủ đảm bảo một mức lợi nhuận nhất định thì chuyện giảm giá là hoàn toàn dễ hiểu. Trong điều kiện thị trường đi lên, một dự án có thể sinh lợi 100%, nhưng trong bối cảnh khó khăn, dự án đó có thể chỉ hòa vốn cũng có thể chấp nhận được.

Khi đánh giá về dự án Đại Thanh, ít người biết rằng dự án này, cũng như các dự án khác của Công ty Đầu tư tư nhân số 1 Lai Châu chỉ phải chịu một chi phí rất thấp về đất. Những lô đất được sử dụng để triển khai dự án hiện nay, chính xác đã được “mua” với giá thấp từ nhiều năm trước, một cách làm có nhiều điểm tương đồng với Hoàng Anh Gia Lai ở Sài Gòn. Không nói ra, nhưng nếu loại bỏ yếu tố chi phí đất, các nhà đầu tư bất động sản đều hiểu rằng mức giá trên dưới 10 triệu đồng/m2 chung cư là khả thi.

Tối đa hóa lợi ích vẫn là điều các chủ đầu tư phải tính toán trước hết. Lãnh đạo của Công ty Đầu tư tư nhân số 1 Lai Châu hẳn cũng đã hết sức “đau đầu” với bài toán đầu ra của dự án này. Lựa chọn giữa việc giữ giá và… ế, hay bán giá thấp để nhanh chóng hoàn tất dự án, khơi thông dòng tiền cho những dự án khác, là điều sẽ phải tính toán.

Hơn nữa, suy cho cùng, một dự án bất động sản thì cũng chỉ như là một “công ty con” trong một “công ty mẹ”: trong bối cảnh nhiều dự án khác đã sinh lợi tốt, một dự án có thể sinh lợi kém đi, thậm chí lỗ, là chuyện bình thường.

Ứng xử của nhà quản lý

Khá ngạc nhiên là trong bối cảnh Chính phủ và Bộ Xây dựng nhiều lần kêu gọi xây nhà cho người thu nhập thấp, quyết định giảm giá bán tại dự án Đại Thanh có thể khiến chủ đầu tư dự án này đối mặt với nhiều hoạt động thanh kiểm tra trong thời gian tới.

Trong chính cuộc gặp mặt nói trên của Bộ Xây dựng cũng như trong các diễn đàn khác, nhiều cơ quan chức năng của thành phố đã “đánh tiếng” về việc sẽ thanh kiểm tra, điều mà các chủ đầu tư hết sức lo ngại trong bối cảnh hiện nay. Đến mức, một số chủ đầu tư đang muốn linh hoạt bán hàng như tại dự án Đại Thanh có thể sẽ phải “suy nghĩ lại”.
Trên phương diện quản trị quốc gia, theo người viết, câu chuyện về giảm giá chung cư có thể được xem là một “case study” thú vị về điều hành kinh tế - xã hội”.

Không nói ra, nhưng nhiều cơ quan có lẽ cảm thấy khó xử khi mức giá 10 triệu đồng/m2 tại dự án Đại Thanh đã thấp hơn so với mức giá hiện đang được công bố bán tại nhiều dự án nhà cho người thu nhập thấp tại Hà Nội.

Câu hỏi là nếu một chung cư thương mại có thể được bán với giá 10 triệu đồng mà “vẫn có lãi” như thừa nhận của chính lãnh đạo Công ty Đầu tư tư nhân số 1 Lai Châu, thì những kêu ca của các chủ đầu tư các dự án nhà ở thu nhập thấp có đáng tin cậy?

Đừng quên rằng các dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp đã nhận được khá nhiều ưu đãi về đất đai, vốn, thuế… những điều mà các dự án thương mại khó lòng tiếp cận được. Bao nhiêu công sức của các cơ quan chức năng để xây dựng nên bảng giá của nhà thu nhập thấp đang có nguy cơ bị phủ nhận, và đó là điều mà các cơ quan này sẽ khó chấp nhận!

Trở lại với phát biểu của lãnh đạo GP Invest, thật khó để chấp nhận những thắc mắc như vậy. Suy cho cùng, thị trường là cạnh tranh, nếu một doanh nghiệp cảm thấy ngạc nhiên với cách làm của doanh nghiệp khác, có lẽ trước hết cần tìm hiểu xem tại sao doanh nghiệp đó lại có thể làm được như thế, vì sao giá thành của họ thấp hơn, cách thức quản trị doanh nghiệp có điểm gì đáng học tập…

Tuy nhiên, GP Invest “nóng ruột” cũng là dễ hiểu. Nằm cách dự án Đại Thanh chỉ vài km và có vị trí gần trung tâm hơn, nhưng dự án Nam Đô Complex của GP Invest hiện đã hoàn thiện phần thô cũng chỉ có thể bán cầm chừng. Trong số những khách hàng đang nhắm nhe dự án Nam Đô Complex, có lẽ cũng có người đang đắn đo trước con số 10 triệu đồng/m2 tại dự án Đại Thanh, mức giá chưa bằng một nửa tại Nam Đô Complex.

GP Invest, cũng như nhiều nhà đầu tư khác, hoàn toàn có quyền nêu ý kiến về chuyện giảm giá ở dự án Đại Thanh. Tuy nhiên, nếu chỉ vì những ý kiến phản đối kiểu này mà nhà quản lý vội vàng đưa ra những cách hành xử làm khó chủ đầu tư, thì đó là điều phải cân nhắc.

Trên phương diện quản trị quốc gia, theo người viết, câu chuyện về giảm giá chung cư có thể được xem là một “case study” thú vị về điều hành kinh tế - xã hội. Lựa chọn giữa một bên là tiếng nói từ thị trường và một bên là ý chí chủ quan của nhà quản lý, lựa chọn giữa một bên là các chủ đầu tư luôn muốn tối đa hóa lợi ích và một bên là quyền lợi của đông đảo người dân, ắt hẳn đều không dễ dàng!
                                                        (Theo VnEconomy)