Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

Tiếp tục “dịch” tẩy chay bằng dân lập

07:45

Vì tem “văn bằng”:

Nam Định “thanh lọc” giáo viên tại chức

Gần 40 giáo viên tiếng Anh tiểu học của tỉnh Nam Định có nguy cơ bị mất việc bất cứ lúc nào vì chỉ có bằng tốt nghiệp hệ tại chức

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 2-11, giáo viên Nguyễn Thị Thúy, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP Nam Định),  cho biết không chỉ cô mà nhiều giáo viên có bằng tốt nghiệp hệ tại chức khác của tỉnh cùng có chung lo lắng không biết ngày nào mình sẽ phải rời trường sau khi tỉnh này nói không với cử nhân hệ tại chức.
Không được tái ký hợp đồng
Từ đầu năm học đến nay, cô Thúy và 4 giáo viên hợp đồng khác của Trường Tiểu học Nguyễn Trãi không được ký hợp đồng lao động, chưa được nhận lương và cũng không biết mình sẽ được nhận lương bao nhiêu. “Thông báo miệng của lãnh đạo trường rằng giáo viên hợp đồng có bằng tại chức sẽ bị nghỉ việc khiến chúng tôi rất hoang mang”- cô Thúy tâm sự.

Sinh viên Khoa Cơ khí Trường ĐH Lương Thế Vinh - Nam Định 
có nguy cơ không được tuyển dụng vào biên chế do đây là trường dân lập

Theo giáo viên Phan Thị Nhàn của Trường Nguyễn Trãi,  mấy năm nay, năm nào các giáo viên diện hợp đồng cũng bị dọa “đuổi” để lấy giáo viên có bằng cử nhân chính quy vào biên chế. Năm học 2010 - 2011, các giáo viên hợp đồng của trường dạy tới mấy tháng mới được nhận lương.
Tại Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu, giáo viên Trần Kim Yến  cho biết thêm, cô đã dạy tại trường 11 năm nhưng chưa được ký hợp đồng dài hạn. Hợp đồng ngắn nhất là 3 tháng, dài nhất là 9 tháng. Riêng năm nay, vì Sở Nội vụ Nam Định có quy định không lấy nhân sự có bằng cử nhân hệ tại chức, dân lập nên cô Yến chưa được tái ký hợp đồng.
Lo mất việc
Năm 1996, Sở GD-ĐT Nam Định và Viện ĐH Mở Hà Nội liên kết mở lớp cao đẳng Anh văn dành cho các sinh viên của tỉnh. Theo phản ánh của các giáo viên, khi mới vào học, họ được thông báo đây là hệ đào tạo chính quy. Tuy nhiên, theo giáo viên Trần Kim Yến đến khi khóa I kết thúc (1996-1998), các cô mới biết mình chỉ được nhận bằng tại chức chứ không phải chính quy. Nhiều người sau đó đã học thêm 2 năm tại chức ngành tiếng Anh sư phạm tại Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Trường ĐH Hà Nội) để lấy bằng ĐH và học thêm lớp chuẩn hóa từ 8-10 tháng để có chứng nhận bổ túc kiến thức đạt trình độ ĐH chính quy. Nhưng mọi nỗ lực học tập của các giáo viên đều không được chấp nhận vì tấm bằng tốt nghiệp vẫn chỉ là bằng tại chức.
Với 11 năm theo nghề, giáo viên Trần Kim Yến nói việc mất việc chỉ vì tấm bằng tại chức là quá oan ức.
Đề nghị UBND tỉnh có biện pháp xử lý
Chiều 2-11, ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định, xác nhận thông tin về việc gần 40 giáo viên có nguy cơ bị nghỉ việc, sở đã biết. Tuy nhiên, do đã phân cấp nên việc có cho nghỉ việc những giáo viên này hay không do Phòng Giáo dục và UBND TP Nam Định quyết định. Ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND TP Nam Định, cũng khẳng định việc gần 40 giáo viên tiếng Anh tiểu học của TP dạy hợp đồng hơn 10 năm nay và có nguy cơ phải ngừng dạy học là đúng sự thật. UBND TP đã đề nghị UBND tỉnh có biện pháp xử lý để các giáo viên này đỡ bị thiệt thòi.
Được biết nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên xuất phát từ việc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định ngày 26-8 ra thông báo một số nội dung về tuyển dụng công chức năm 2011, trong đó đưa ra điều kiện không xét tuyển biên chế đối với sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức, các trường ngoài công lập.
                                                         NLĐ- Bài và ảnh: YẾN ANH
 Lãnh đạo Nam Định quý nước sơn hơn tốt gỗ. Nhưng đã làm thì làm đến nơi đến chốn: Thanh lọc ngay những công chức đương nhiệm có văn bằng tại chức, công lập vì không bảo đảm tiêu chuẩn “nước sơn”!
                                                        Kinh Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét