“Nhà cái có bao giờ thua con bạc?”*
Họ từng là những nhà đầu tư lớn trên sàn vàng, từng đặt lệnh mua bán vàng… ảo với hàng chục tỉ đồng. Tuy nhiên, tỉnh lại sau cuộc chơi, họ chẳng còn gì ngoài số tiền nợ khổng lồ và những ngày tháng mướt mồ hôi vì phải “đáo tụng đình”…
Ngày 31-10, TAND TPHCM đã tuyên án vụ kiện tranh chấp hợp đồng mua bán vàng giữa nguyên đơn là ông T.T.N (ngụ quận Phú Nhuận - TPHCM) và bị đơn là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). HĐXX đã bác toàn bộ yêu cầu của ông N. đòi ACB bồi thường tổng cộng 250 tỉ đồng cũng như đề nghị của ông N. về việc sẽ trả lại cho ACB số tiền đã nhận từ các giao dịch hơn 146 tỉ đồng.
Tỉ phú vàng điêu đứng
Trước đó, theo đơn khởi kiện cũng như trình bày của ông N. tại phiên tòa, đầu tháng 12-2007, ông N. ký hợp đồng giao dịch vàng với ACB để kinh doanh trên sàn vàng. Sáng 24-12-2007, ông N. đặt lệnh bán 3.000 lượng vàng với giá 15.690.000 đồng/lượng. Sau đó, nhân viên của ACB thông báo đã khớp lệnh được 150 lượng, còn 2.850 lượng chưa khớp nên ông N. đặt lệnh hủy 2.850 lượng chưa khớp, đồng thời đặt tiếp lệnh bán 2.850 lượng vàng, giá lúc này chỉ còn 15.660.000 đồng/lượng.
Tuy nhiên, đến cuối buổi chiều cùng ngày, nhân viên ngân hàng gọi điện cho ông N. nói đã nhầm lẫn khi thông báo lệnh buổi sáng. Theo đó, ở lần đặt lệnh bán 3.000 lượng vàng đầu tiên đã khớp lệnh bán 2.850 lượng chứ không phải 150 lượng. Theo ông N., hậu quả của sự nhầm lẫn này đã khiến trong tài khoản của ông bị âm 2.700 lượng vàng. Ông N. đã cung cấp cho tòa băng ghi âm một số lãnh đạo của ACB thừa nhận việc nhầm lẫn này.
Đến ngày 10-3-2008, ACB tự ý chấm dứt hợp đồng tín dụng hạn mức kiêm hợp đồng cầm cố số dư tài khoản đồng Việt Nam/vàng, chấm dứt việc giải ngân đối với ông N. mà không thông báo cho ông N. biết. Sau đó, ông N. không thể đặt lệnh bán, rút vàng.
Ngày 21-3-2008, giá vàng tham chiếu thay đổi dẫn đến tỉ lệ ký quỹ rớt xuống còn 3,7% (thấp hơn tỉ lệ xử lý) và ACB đã tự ý bán 3.000 lượng vàng trên tài khoản của ông N. căn cứ vào hợp đồng đã bị ACB chấm dứt trước đó. Do không biết ACB chấm dứt hợp đồng với mình nên từ ngày 27-3 đến 1-4, ông N. đặt lệnh bán tổng cộng 2.750 lượng vàng nhưng không thể đặt lệnh mua.
Ông N. khởi kiện, yêu cầu ACB bồi thường thiệt hại tổng cộng 8.450 lượng vàng; đồng thời ông sẽ trả lại cho ACB số tiền đã nhận từ các giao dịch trên hơn 146 tỉ đồng.
Về phần mình, tại tòa, đại diện ACB cho rằng không có việc đặt lệnh “nhầm” 2.700 lượng vàng như ông N. khai; ACB không chấm dứt hợp đồng giao dịch vàng, chỉ chấm dứt việc giải ngân cho vay khi tiền trong hạn mức không còn. Ngân hàng không có lỗi nên không bồi thường.
HĐXX nhận định những yêu cầu của ông N. là không có căn cứ nên không được chấp nhận. Ngoài ra, án phí dân sự ông N. phải chịu là 358 triệu đồng. Sau phiên tòa, ông N. cho biết sẽ kháng cáo lên tòa phúc thẩm.
Bi kịch nhà đầu tư bị ngân hàng kiện
Tại vụ kiện của ông N., chúng tôi còn được gặp một số nhà đầu tư đến tham dự phiên tòa với hàng chồng hồ sơ trên tay. Ngược lại với ông N., họ là những người bị ngân hàng kiện đòi nợ với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng. Trong số đó có người đã bị tòa xử thua kiện cũng có người sắp phải hầu tòa.
“Từ nhà đầu tư được đón tiếp, mời chào, chúng tôi trở thành con nợ. Trong hợp đồng tín dụng kiêm khế ước nhận nợ thể hiện chúng tôi có người vay 10.000 chỉ vàng, người 8.000 chỉ vàng nhưng thực tế không ai nhận được 1 chỉ vàng nào. Vàng ảo nhưng nhà, đất thì mất thật, vợ chồng ly dị, gia đình ly tán. Tất cả chúng tôi đều “chết” trên sàn vàng”- bà P.T.B.L.N (ngụ quận Gò Vấp - TPHCM) nói. Cùng chung tâm sự, ông T.V.T (ngụ huyện Hóc Môn) đưa cho chúng tôi xem bản án mà tòa án mới tuyên cách nay chưa lâu (ngày 29-9) buộc ông phải trả cho Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) 6.659,62 chỉ vàng (bao gồm cả vốn lẫn lãi). Dù tại tòa, ông T. không thừa nhận có ký vay nợ hợp đồng tín dụng như ngân hàng nêu mà đây là giao dịch mua bán trên sàn vàng (đầu tư vàng ảo) tại Eximbank, ngân hàng tự quy ra số tiền trên, thực tế ông T. không nhận được chỉ vàng nào. Tuy nhiên, theo HĐXX, “ông T. trước khi ký hợp đồng trên có mua bán vàng với ngân hàng, sau đó thỏa thuận ký hợp đồng tín dụng là do các đương sự tự nguyện thỏa thuận với nhau, ngân hàng không ép buộc ông T. ký biên bản thỏa thuận”. Bi kịch hơn, vợ ông T. cũng bị ngân hàng kiện và cũng bị tuyên buộc phải trả nợ cho Eximbank cả vốn lẫn lãi là 2.462,18 chỉ vàng SJC. Nếu không có khả năng trả nợ, ngân hàng sẽ có quyền đề nghị Cục Thi hành án phát mãi tài sản thế chấp. Nhưng “có phải tất cả tài sản thế chấp là của chúng tôi đâu, đó còn là tài sản của bà con, bạn bè” - ông T. nói.
Bỗng dưng mang nợ “Trong cuộc chơi này, chúng tôi vẫn hiểu luật “có chơi có chịu” nhưng không lường hết được bỗng dưng mang nợ thế này. Hình thức kinh doanh quá mới mẻ, trong khi chúng tôi lại thiếu hiểu biết để có thể tự bảo vệ mình, bị cái lợi trước mắt làm mờ lý trí. Tỉnh lại sau cuộc chơi, chúng tôi chẳng còn gì ngoài khoản nợ khổng lồ và... ổ bánh mì cầm hơi”. Xếp hồ sơ vào giỏ, bà P.T.B.L.N than thở. |
Tố Trâm (Tựa đề của Kinh Bắc)
Mô hình kinh doanh vàng lên sàn còn rất mới mẻ, nhiều khe hở cho kẻ xấu lợi dụng. Bạn muốn chuyển hướng đầu tư qua bất động sản có thể vào web mình đê tham khảo. Bán căn hộ giá rẻ Quận 11 tại TPHCM | Ban can ho gia re Quan 11 tai TPHCM
Trả lờiXóa