Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

SEA Games 26:

09:01

Thể thao Việt Nam trưởng thành vượt bậc

Có thể đánh giá đây là một kì SEA Games thành công với thể thao Việt Nam không chỉ vì thành tích vượt chỉ tiêu tới 26 tấm HCV mà còn là sự vươn lên của những môn thể thao Olympic và sự xuất hiện của một lớp VĐV trẻ nhiều tiềm năng.

Kỳ SEA Games của nhiều thành công

Theo đánh giá của ông Lâm Quang Thành, trưởng đoàn thể thao Việt Nam, thì đoàn đã thực hiện tốt chiến dịch SEA Games khi vượt xa chỉ tiêu ban đầu. Trong đó thành tích xuất sắc nhất, đáng mừng lại thuộc về các môn thể thao Olympic như TDDC, điền kinh, bắn súng, vật.

Chỉ đặt chỉ tiêu 2 HCV nhưng các cô gái và chàng trai của đội TDDC đã có một kì SEA Games khiến giới chuyên môn phải ngả mũ thán phục khi đoạt 11 tấm HCV trong tổng số 14 nội dung thi đấu tại đại hội. Đây là một kì SEA Games không thể nào quên với cô gái vàng Phan Thị Hà Thanh với 3 tấm HCV và 1 HCĐ. Trước đó, cô bé người Hải Phòng này cũng đã đoạt tấm HCĐ ở giải vô địch thế giới đạt chuẩn B Olympic và giành vé chính thức tham dự Olympic 2012 ở London (Anh). 
 
Ngân Thương và Hà Thanh toả sáng rực rỡ tại SEA Games 26. Ảnh: Kinh Bắc.
Chỉ tham dự thi đấu cho “đủ người” và không được đặt nhiều kì vọng do mới bình phục chấn thương nhưng Ngân Thương đã thể hiện một phong độ xuất thần. Ở tuổi 22, bị xem là quá già với môn TDDC nhưng chẳng ai ngờ “cô nàng búp bê” vẫn xuất sắc có được 2 tấm HCV và 1 tấm HCB. Đây có lẽ là món quà chia tay ấn tượng nhất của Ngân Thương trước khi chuyển hẳn sang công tác huấn luyện.

Điền kinh cũng có một kì SEA Games thành công vượt bậc khi đóng góp cho TTVN 9 tấm HCV đứng thứ hai chỉ sau TDDC. Ngoài những cái tên quen thuộc ở đấu trường khu vực như Trương Thanh Hằng, Vũ Văn Huyện, điền kinh Việt Nam còn giới thiệu những gương mặt trẻ xuất sắc. Chẳng hạn như thành tích của Dương Văn Thái khi được sự hỗ trợ của đàn anh Nguyễn Đình Cương đã giành tấm HCV ở nội dung 800m. Nguyễn Thanh Phúc (đi bộ), Dương Việt Anh (nhảy cao), Trần Huệ Hoa (nhảy xa ba bước), Nguyễn Trường Giang (ném lao)… là những cái tên không được kì vọng nhưng đã giành những tấm HCV quý giá.

Chỉ có được tấm HCB nhưng nỗ lực của Nguyễn Thị Phương ở cự ly 3000m rào nữ với cú ngã ở ngay vạch đích đã tạo nên một khoảnh khắc lịch sử rất đáng nhớ. Nhiều người hâm mộ thậm chí còn trao tặng Nguyễn Thi Phương tấm huy chương “kim cương” vì những nỗ lực đó.

Không đoạt được nhiều HCV nhưng bơi lội giới thiệu cho thể thao Việt Nam một gương mặt xuất sắc nhất SEA Games lần này. Tay bơi tuổi teen Quý Phước đã đi vào lịch sử “đường đua xanh” nước nhà với cú đúp HCV ở cự ly 100m bướm nam và 100m tự do. “Kình ngư” người Đà Nẵng còn phá một kỉ lục Sea Games, xác lập một kỉ lục quốc gia cũng như tiệm cận chuẩn B Olympic. Trước đó, anh cũng đã giành vé dự Olympic London 2012. Châu Bá Anh Tư cũng là một phát hiện thú vị ở môn bơi đường trường khi giành hai tấm HC V ở các cự ly bơi 10.000m và 5.000m. 

Mặc dù một số nội dung thế mạnh không được đưa vào thi đấu nhưng các môn thể thao Olympic khác như vật, bắn súng cũng mang về những cơn mưa vàng. Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh xứng đáng trở thành người thay thế đàn anh Nguyễn Mạnh Tường khi có 2 HCV và 1 HCB ở SEA Games lần này. Trần Lê Quốc Toàn là một phát hiện thú vị ở môn cử tạ khi phá được “dớp” đen đủi ở cự ly 56 kg đeo bám thể thao Việt Nam suốt mấy kì SEA Games qua. Lực sĩ trẻ này thậm chí đã vượt mặt niềm hi vọng Thạch Kim Tuấn, mới giành HCV ở giải Olympic trẻ năm 2010 để đứng lên bục cao nhất nhận huy chương.

Vovinam lần đầu tiên đưa vào thi đấu ở một kì SEA Games cũng đã có màn ra mắt thành công với 5 tấm HCV. Đấu kiếm vượt chỉ tiêu khá xa với 5 HCV. Pencak Silat dù bị nước chủ nhà Indonesia chèn ép những đã xuất sắc có được 6 chức vô địch đều ở các nội dung đối kháng. Lặn vẫn duy trì được đẳng cấp hàng đầu Đông Nam Á với 5 HCV trong khi Shorijin Kempo là một bất ngờ khi ở môn võ mới này các VĐV của chúng ta cũng có tới 4 tấm HCV. Judo, Teakwondo, Karatedo, Wushu đều xuất sắc hoàn thành chỉ tiêu Vàng đề ra từ trước ngày lên đường.

Những nỗi buồn

Nhưng không chỉ có niềm vui. Thất bại của U23 Việt Nam là một khoảng lặng cho đoàn thể thao Việt Nam. Bóng đá là môn thể thao được kì vọng nhiều nhất nhưng cũng đem đến sự thất vọng lớn lao nhất. Thầy trò Goetz đã không là chính mình và trong cả chặng đường SEA Games chưa bao giờ họ có được một màn trình diễn thuyết phục xứng đáng với vị thế của đội bóng đi chinh phục giấc mơ vàng.
Nữ hoàng điền kinh Vũ Thị Hương chính thức bị soán ngôi khi VĐV này trắng tay ở cả hai cự ly được coi là sở trường của mình là 100m và 200m. Hương đã quá chủ quan trước sự vươn lên mạnh mẽ của các đối thủ trong khu vực và một chấn thương trong lúc tập luyện đã khiến thành tích của cô bị suy giảm nghiêm trọng. Tiến Minh là cây vợt có thứ hạng cao nhất tại SEA Games lần này nhưng anh vẫn chưa thoát khỏi điểm yếu là trạng thái tâm lý quá kém. Bị loại ngay ở tứ kết trước một đối thủ vô danh, Tiến Minh thực sự là nỗi thất vọng.

Nhưng bóng đá dù sao cũng chỉ chiếm một bộ huy chương. Vũ Thị Hương, Tiến Minh không giành HCV là điều nằm trong “dự tính” của các nhà hoạch định thể thao. Nhìn chung, TTVN đã trải qua một kì SEA Games thành công hơn mong đợi. Với thành tích 96 HCV chúng ta đã vượt qua mục tiêu 70 HCV đề ra từ trước ngày lên đường. Không chỉ có thế, các môn thể thao Olympic của chúng ta đã chiếm ưu thế một cách áp đảo trước sự cạnh tranh quyết liệt của Indonesia và Thái Lan.

Với sự đồng lòng, nỗ lực và quyết tâm cao của các thành viên, đoàn TTVN đã đạt được thành tích đáng biểu dương tại SEA Games lần này, khẳng định sức mạnh của TTVN tại đấu trường khu vực. Một SEA Games thành công và nó sẽ là bước đà cho TTVN với nhiều gương mặt mới mẻ tiến bước hơn nữa ở những đấu trường tầm cỡ hơn trong thời gian tới.

Kim Phượng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét