Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

Đầu tư “trái tay” của một số tập đoàn, tổng công ty:

08:38

Chủ yếu vào lĩnh vực ngân hàng
Số liệu Bộ Tài chính vừa công bố cho thấy, trong số hơn 20.000 tỷ đồng mà các tập đoàn, tổng công ty đầu tư ra ngoài ngành thì hơn nửa trong số đó chảy vào hệ thống tín dụng tại các ngân hàng. Điều này cho thấy, với những món lợi nhuận khổng lồ, ngân hàng vẫn là nơi "bổ béo” hấp dẫn các "ông lớn”.
 
Với những món lợi nhuận khổng lồ,
ngân hàng vẫn là nơi "bổ béo” hấp dẫn các "ông lớn”Ảnh: NGỌC THẮNG
Trên 10 ngàn tỷ đồng "chảy” vào ngân hàng
Báo cáo của Bộ Tài chính vừa được Văn phòng Quốc hội tổng hợp gửi đến đông đảo đại biểu Quốc hội cho thấy, số tiền các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đầu tư ngoài ngành lên tới hơn 21.800 tỷ đồng. Trong đó, số tiền đầu tư vào ngân hàng lên tới 10.128 tỷ, gấp đôi số tiền đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (gần 5.380 tỷ đồng). Trên 10.000 tỷ đồng – một số số vốn không nhỏ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang nằm trong nguồn tín dụng tại hệ thống các ngân hàng thương mại. Rõ ràng, ngân hàng xem ra vẫn là một lĩnh vực hút vốn vì có nhiều lợi thế và lợi nhuận cao, là những lý do khiến các ông lớn có cơ hội là không dễ bỏ qua. Song, điều đáng nói ở đây là, đầu tư ngoài ngành lớn, song hiệu quả mà các tập đoàn, tổng công ty có được lại quá nhỏ so với số đầu tư, nếu không nói là thua lỗ.
Theo báo cáo của Ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện chiếm 70% vốn đầu tư của toàn xã hội, 50% vốn đầu tư nhà nước, 60% tín dụng của các ngân hàng thương mại... nhưng chỉ đóng góp vào GDP ở mức khoảng 37-38%. Đặc biệt, khả năng sinh lời của các DNNN không cao nếu không muốn nói là thua lỗ khi mà 1 đồng vốn của DNNN chỉ làm ra 0,095 đồng lợi nhuận trước thuế, trong khi đó, cũng 1 đồng, công ty cổ phần (được chuyển đổi từ DNNN) lại làm ra 0,19 đồng lợi nhuận.
Một ví dụ điển hình nhất về thực trạng trong đầu tư ngoài ngành có thể đưa ra đây là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Cũng giống như các tập đoàn, tổng công ty khác, từ năm 2005, EVN trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (AB Bank), nắm giữ 30% vốn điều lệ. Ngoài ra, tập đoàn này cũng đầu tư vào các lĩnh vực khác như bất động sản, chứng khoán. Song, sau một thời gian dài mải mê tìm kiếm và mong thu về những món lợi nhuận kếch xù từ "nghề tay trái”, rốt cục tập đoàn này lại đang phải tìm cách thoái vốn khi những lĩnh vực ngoài ngành không những chẳng mang lại lợi nhuận gì, thậm chí còn để lại những số nợ lớn mà thời gian qua dư luận đã nhiều lần "tố”. Để rồi, năm nào EVN cũng "tạo áp lực” xin tăng giá điện, nếu không sẽ không thể sản xuất vì thiếu vốn.
Được xem là nhanh nhạy trong việc thoái vốn và tái cơ cấu lại đầu tư ngoài ngành, chuyển từ vốn góp của tập đoàn cho các đơn vị thành viên, song nguồn vốn đầu tư ra ngoài ngành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn là con số hàng ngàn tỉ, đứng đầu trong danh sách các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư ngoài ngành.
                                     Duy Phương – Thúy Hằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét