Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

Kỳ họp Quốc hội khóa XIII:

06:55

“ĐỪNG NÓI TĂNG LƯƠNG”
Lương tối thiểu tiếp tục là đề tài nóng trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự án Bộ luật Lao động sửa đổi sáng 22/11.

ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) phân tích: "Nhìn vào lương ở doanh nghiệp, lương tối thiểu của quốc gia sẽ thấy hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và trình độ nguồn nhân lực, mức thu nhập và mức sống trung bình của quốc gia".
Nhưng ông Hùng thấy dự luật ghi "lương tối thiểu là để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu" là chưa thỏa đáng, vì "nhu cầu sống tối thiểu luôn ổn định". Theo ông, đó là cách nghĩ và cách bảo vệ người lao động trong điều kiện đời sống xã hội còn thấp, thu nhập ở mức dưới trung bình, nhưng nay nước ta đã có mức thu nhập trung bình.

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) thì băn khoăn dự luật ghi chỉ "đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho người lao động" mà không nói gì đến gia đình họ.

Theo ĐB Bùi Mạnh Hùng, lương tối thiểu phải được điều chỉnh theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội và giá cả thị trường, song trên thực tế, rất ít doanh nghiệp nâng lương so với mức quy định, rất ít doanh nghiệp chia sẻ giá trị thặng dư để nâng cao đời sống cho người lao động.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng (ĐB Đồng Nai) cũng thấy lương doanh nghiệp trả cho người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, xoay quanh tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định trong khi mức này không hề bám sát thực tế xã hội, giá cả thị trường.

Ông Tùng còn chỉ ra việc tồn tại hai hệ thống lương một theo thang bảng, một là trả thực không thống nhất chứa đựng nguy cơ gây thiệt hại rất lớn cho người lao động khi hưởng bảo hiểm xã hội theo thang bảng lương căn cứ trên lương tối thiểu. "Đó sẽ là gánh nặng cho xã hội, cho Nhà nước khi người lao động về hưu lại hưởng bảo hiểm xã hội chỉ xấp xỉ lương tối thiểu", ông Tùng nói.

ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá) thì lưu ý rằng "trong 4 năm vừa qua, 90% các cuộc đình công xảy ra xuất phát từ vấn đề tiền lương".

Theo Chủ tịch Tổng LĐ Lao động Việt Nam, biện pháp căn cơ chính là kiến tạo lại lương tối thiểu cho sát với thực tế.

ĐB Đỗ Mạnh Hùng chỉ ra điều bất hợp lý là căn cứ xác định mức lương tối thiểu trong dự luật chỉ có ba yếu tố, gồm nhu cầu tối thiểu của người lao động và gia đình, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền công trên thị trường lao động. "Không thể bỏ qua yếu tố chỉ số giá sinh hoạt, nhất là khi dự luật được thảo luận trong một năm mà CPI tăng đến gần 20%", ĐB tỉnh Thái Nguyên nói.

"Kỳ họp trước, nhiều cử tri đã ngạc nhiên và suy nghĩ trước câu nói chân thành của ông Vũ Văn Ninh khi đó còn là Bộ trưởng Tài chính 'Vợ tôi đi chợ về cũng kêu lắm'", vì vậy, ông Đỗ Mạnh Hùng đề nghị nghiên cứu đưa chỉ số giá sinh hoạt vào làm căn cứ xác định mức lương tối thiểu.

Ông Đặng Ngọc Tùng thì cho rằng không nên duy trì cách làm hiện nay là hàng năm Chính phủ ban hành lương tối thiểu vì "Chính phủ vừa nói giá cả ngoài chợ đã lên hết" - lương có tăng vẫn không bù đắp được mức tăng của thị trường.

Ông đề nghị "thống nhất lương tối thiểu đủ đảm bảo cuộc sống của người lao động, hàng năm trượt giá bao nhiêu thì cuối năm nhân lên bấy nhiêu, đừng nói là tăng lương".

Chung Hoàng - Ảnh: Minh Thăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét