Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

16:00

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc:
Chính quyền không thể đứng ngoài cuộc

 “Chính quyền địa phương phải hỗ trợ người nông dân trong việc khuyến khích các cơ sở thu mua ký hợp đồng với thương lái Trung Quốc và ký hợp đồng với nông dân”.
Chở dừa ra tới tàu mới biết giá
Ngày 25/10, chúng tôi theo chân các thương lái Bến Tre đi mua dừa và chở dừa ra giữa sông Hàm Luông để bán cho các tàu Trung Quốc (TQ) đang neo đậu tại đây. Lúc này có năm chiếc tàu lớn mang mã hiệu của TP Hải Phòng neo đậu chờ mua dừa. Xung quanh là hàng trăm chiếc ghe của thương lái Bến Tre chờ đến lượt giao dịch.
Ông Đinh Văn Hiếu ở huyện Mỏ Cày Bắc chở 7.000 trái dừa khô ra tàu bán cho TQ với tâm trạng lo âu: “Không biết hôm nay họ mua giá bao nhiêu, lời hay lỗ nữa?”. Ông Hiếu bảo rằng từ xưa đến nay làm ăn với thương nhân TQ ai cũng bị đau tim như vậy. Họ không bao giờ làm hợp đồng thu mua, không thông báo trước giá cả mà mãi tới khi chở dừa ra tới tàu thì mới biết giá. Chính vì vậy có chuyến lời chút đỉnh, nhưng cũng có nhiều chuyến lỗ cháy túi. Một thương lái tên Hùng ở thành phố Bến Tre kể hồi giữa tháng 10/2011 ông chở 1.500 trái dừa loại 2 (900gam/trái) ra tàu nhưng thương nhân TQ chê dừa nhỏ không mua. Thế là ông phải đem ra chợ bán từng trái nhưng chỉ được 6.000 đồng/trái, lỗ tới 3.000 đồng/trái. “Họ bảo tàu đầy, không mua nữa là xong, ai làm gì được họ!” - ông Hùng bức xúc.
Tại tỉnh Vĩnh Long, hàng trăm hộ dân ở huyện Bình Minh và Bình Tân đã đua nhau trồng khoai lang để bán cho TQ khi thấy các thương nhân nước này đến tận nơi đặt trạm mua giá cao. Tại huyện Bình Tân đã có hơn 5.500ha đất trồng khoai lang, tăng hơn 1.500ha so với năm trước. Còn tại huyện Bình Minh diện tích trồng khoai lang gần 300ha.
Ông Hồ Vĩnh Sang, chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre, cho biết số thương nhân TQ đến Bến Tre phần lớn đều yêu cầu các cơ sở sản xuất sản phẩm cấp thấp để dễ mua. Hậu quả là hiện trên địa bàn tỉnh Bến Tre có khoảng 80% sản phẩm thạch dừa thô chỉ bán được cho thương lái TQ. Và điều đáng nói là không một hợp đồng nào có giá trị pháp lý. Trong tháng 7 và 8/2011 thương lái TQ đồng loạt ngưng mua thạch dừa, nên có khoảng 80% cơ sở sản xuất phải ngưng hoạt động.
Không chỉ vậy, hiện các doanh nghiệp ở Bến Tre còn bị sập “bẫy” của thương nhân TQ về yêu cầu chất lượng. Trước đây họ bảo sẽ mua chỉ xơ dừa có độ ẩm cao, kể cả lẫn tạp chất. Còn bây giờ đột ngột từ chối mua loại này, nếu mua thì hạ giá rất thấp. Lý do mà các thương nhân TQ đưa ra là họ không cần mặt hàng này nữa!
Ông Võ Hùng Dũng, giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp VN tại Cần Thơ, nói.
- Việc mua bán với các thương nhân Trung Quốc cần nói rõ không đánh đồng tất cả các thương nhân vì có một số doanh nghiệp các tỉnh như Quảng Đông... làm ăn rất uy tín. Đây là các doanh nghiệp chế biến thực phẩm và họ cũng rất muốn có hợp đồng để đảm bảo nguồn cung cũng như ổn định sản xuất của mình.
Tuy nhiên, họ không có các chân rết ở các khu vực cửa khẩu nên để tìm nguồn hàng họ phải nhờ một số thương lái Trung Quốc tại đây.
Một số người buôn bán ở biên giới Trung Quốc, nhất là tỉnh Quảng Tây, chủ yếu là dạng đầu cơ, lợi dụng nhu cầu trong nước của họ để kiếm lợi nhuận. Sản phẩm nông nghiệp của VN khi giao dịch với những thương lái, hầu hết đều xuất khẩu qua đường tiểu ngạch và khi nhu cầu cần thì họ đẩy giá lên, nhưng khi giá xuống thì họ bỏ mặc người thu hoạch.
Bài học này đã xảy ra ở ĐBSCL hơn 10 năm trước đối với nhãn và gần đây là đối với thanh long ở tỉnh Bình Thuận. Nhiều nông dân làm trung gian mua bán thanh long với thương lái Trung Quốc đã rất ngán ngẩm với việc mua bán xuất qua đường tiểu ngạch khiến thanh long xuất bán ban đầu lời cao nhưng sau đó lỗ nặng.
Chính quyền địa phương phải hỗ trợ nông dân trong việc khuyến khích các cơ sở thu mua ký hợp đồng với thương lái Trung Quốc và ký hợp đồng với nông dân. Những thương lái ở cửa khẩu này không lớn nhưng phải có hợp đồng để họ có trách nhiệm và nông dân sẽ an tâm trong sản xuất.
Chính quyền địa phương không thể nói là quản không xuể, bởi hầu hết những điểm thu mua mở ra một cách công khai trên địa bàn. Đồng thời chính quyền địa phương cũng phải hướng dẫn nông dân tập làm quen với việc mua bán có hợp đồng theo như thông lệ quốc tế.
Chúng ta cần xác định Trung Quốc là một thị trường tiềm năng để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Mặc dù không có quy định pháp luật nào ràng buộc các cơ sở thu mua nông sản ký hợp đồng với người dân, cũng như các cơ sở này phải ký hợp đồng với thương lái Trung Quốc, song để tránh thiệt hại cho nông dân, cách tốt nhất là phải thực hiện mua bán theo hợp đồng.
Chúng ta nên khuyến khích các công ty lương thực của các tỉnh thay vì chỉ tập trung cho thị trường gạo cũng nên tìm hiểu thị trường các mặt hàng nông sản khác.
Nên đầu tư bộ phận tìm hiểu thị trường để có thể xuất bán các sản phẩm cho nông dân. Có thể mới đầu chỉ cần xuất thô nhưng sau đó nghiên cứu để chế biến và bán cho họ.

                                                                NGỌC HẬU - TTO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét