Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

23:59
Happy New Year

Việt Nam và triển vọng kinh tế 2012

Trong báo cáo mới nhất có tên "Triển vọng kinh tế châu Á - Cơn bão của sự bất ổn", ông Tai Hui -Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế Đông Nam Á của Standard Chartered Bank, đưa ra những cảnh báo bắt đầu từ sự hồi tưởng tới cuộc đại suy thoái.

Tại Việt Nam, giới kinh doanh khá quan tâm đến những bản báo cáo thường kỳ mà ông Tai Hui đưa ra. Trong lần đến Việt Nam hồi tuần trước, ông đã mang đến những dự báo không mấy tích cực về nền kinh tế thế giới năm 2012.
Thế giới: "Mây đen" bao phủ bầu trời
So sánh những số liệu của cuộc đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ trước với giai đoạn từ 2007 và dự kiến đến 2016, ông Tai Hui lo ngại những gì đang diễn ra tại Mỹ khiến người ta hồi tưởng lại quá khứ. Hiện nay tỷ lệ người có việc làm tại nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1984. Nguy hiểm hơn là thời gian thất nghiệp trung bình của người lao động Mỹ tính đến tháng 6 vừa qua đã lên tới khoảng 40 tuần. Theo ông Tai Hui, điều này sẽ khiến cho họ càng khó tìm được việc làm mới, và do đó dẫn tới việc chi tiêu của các hộ gia đình Mỹ sẽ càng bị hạn chế, từ đó tác động ngược lại tới sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ.
Với châu Âu, các số liệu khảo sát cho thấy nguy cơ suy thoái kinh tế là rất hiện hữu. Chỉ số niềm tin kinh tế hiện đang có xu hướng đi xuống và đứng ở mức dưới mức trung bình dài hạn. Các chỉ số quan trọng khác như công nghiệp và dịch vụ cũng đang theo chiều hướng tương tự. Đặc biệt, sự lo lắng gia tăng với các nước thuộc khu vực ngoại vi đồng Euro với mức tăng trưởng kinh tế được dự báo là rất kém của khu vực này trong năm tới. Tại khu vực đồng Euro, ông Tai Hui cho rằng môi trường kinh tế tại đây rất dễ đổ vỡ do những rủi ro chính như: sự leo thang của cuộc khủng hoảng thuộc khu vực ngoại vi đồng Euro và sự tiếp tục sụt giảm của hoạt động thương mại toàn cầu. Lý giải về nguyên nhân gây ra sự leo thang có thể có của cuộc khủng hoảng thuộc khu vực ngoại vi đồng Euro, ông Tai Hui chỉ ra những quan ngại như: sự hoài nghi về khu vực đồng Euro với gói cứu trợ gia tăng ở phía bắc khu vực này; chính sách thắt chặt tiền tệ trong khu vực ngoại vi đồng Euro; nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp gây náo loạn và đe dọa lây lan sang các nước khác; suy thoái không thể tránh khỏi ở châu Âu sẽ như cú sốc phá hủy niềm tin khiến thị trường liên ngân hàng đóng băng và do đó các ngân hàng thương mại có thể phá sản.
Trong khi những dự báo về tình hình kinh tế Mỹ và châu Âu trong năm tới là u ám thì ở khu vực châu Á bức tranh có phần sáng sủa hơn. Đà tăng trưởng đang quay trở lại với khu vực này bất chấp mức tăng trưởng xuất khẩu có chậm lại. Trung Quốc và Ấn Độ - hai nền kinh tế lớn của châu Á - được dự báo sẽ vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2012, với mức tăng tương ứng là 8,5% và 7,8%. Trong khi đó những nền kinh tế mới phát triển tại đây như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và Hồng Kông được dự báo sẽ chỉ đạt được tốc độ tăng trưởng ở quanh mức 3,5%.
Việt Nam: Bóng ma lạm phát lùi dần
Standard Chartered Bank dự báo 11,3% là mức lạm phát của Việt Nam trong năm 2012
Cũng giống như các tổ chức dự báo kinh tế cả trong và ngoài nước khác, vị đứng đầu của bộ phận nghiên cứu kinh tế khu vực Đông Nam Á này của SCB cho rằng mối quan ngại số 1 đối với Việt Nam trong năm 2012 vẫn sẽ là vấn đề lạm phát. Áp lực của sự phá giá đồng tiền, giá điện và giá xăng dầu tăng và nhu cầu nội địa mạnh mẽ là những nhân tố góp phần làm cho lạm phát vẫn ở mức cao. Trong khi mức lạm phát dự báo cho Việt Nam ở cuối năm nay vào khoảng 18,7%, tức là gần tương đương với mức dự báo của Chính phủ Việt Nam, thì con số này cho năm tới ở vào khoảng 11,3%. Đáng chú ý là lạm phát ở Việt Nam chỉ giảm mạnh từ mức 17% cho quý 1 năm sau xuống mức 10,9% cho quý 2, 8,9% cho quý 3 và cuối cùng là mức 7,9% cho quý 4.
Do khó khăn tại châu Âu và Mỹ vẫn còn đó nên ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động thương mại của Việt Nam là khó tránh khỏi vì đây là những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường khác, đặc biệt là Nhật Bản và Trung Quốc, vẫn tiếp tục tăng nên tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm tới được dự báo vẫn tốt hơn khu vực. Do vậy, theo Standard Chartered Bank, thâm hụt thương mại trong năm tới của Việt Nam sẽ vẫn tương tự như năm 2011, khoảng 10 tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên, ông Tai Hui cũng cảnh báo, nếu giá thép và dầu tăng sẽ ảnh hưởng không tốt tới thâm hụt thương mại của Việt Nam. Không giống như lạm phát, do trong vòng 2-3 năm trở lại đây thâm hụt thương mại của Việt Nam khá ổn định nên ông Tai Hui cho biết đây chưa phải là mối quan tâm hàng đầu của ông trong năm 2012.
Một điểm đáng chú ý là, trong khi dự báo tỷ giá VND/USD sẽ đứng ở mức 21.000 đồng/USD vào cuối năm nay thì mức này lại được vị đại diện của SCB cho là sẽ vào khoảng 21.400 đồng/USD vào quý 1 năm sau và tăng lên 22.000 đồng/USD vào quý 3 năm sau. Vị thế của đồng đô la Mỹ được củng cố trên toàn cầu và nhu cầu cần phải giữ được một mức thâm hụt thương mại tương đối ổn định của Việt Nam chính là cơ sở cho những dự báo này.
Về tăng trưởng kinh tế, ông Tai Hui nhìn nhận, nếu nhìn lại những năm trước, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam luôn ở mức 7-7,5%. Tuy nhiên đi kèm với nó là tỉ lệ lạm phát khá cao. Với bối cảnh kinh tế bên ngoài cũng như cấu trúc bên trong của kinh tế Việt Nam hiện tại, ông cho rằng mục tiêu tăng trưởng khoảng 6% trong năm 2012 là phù hợp. "Mức tăng trưởng này sẽ giúp nền kinh tế tiếp tục được cải thiện, đồng thời không gây ra lạm phát tăng vọt", ông Tai Hui nói.
Với mức tăng trưởng GDP nói trên và để đảm bảo kéo lạm phát về quanh mức 10% vào thời điểm cuối năm sau, ông Tai Hui cho rằng Việt Nam chỉ nên đặt mức tăng trưởng tín dụng ở mức 15-17% cho năm tới. Và cũng giống như ở Việt Nam, ông Tai Hui cho biết các nhà đầu tư nước ngoài đang đặc biệt quan tâm tới những vấn đề của ngành ngân hàng Việt Nam. Để tránh gây ra những cú sốc cho nền kinh tế và để đảm bảo gửi đúng thông điệp tới thị trường, ông Tai Hui cho rằng lãi suất ngân hàng phải được giảm xuống một cách từ từ, nhưng thường xuyên. Với việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam - một vấn đề thời sự hiện nay tại Việt Nam - ông này cho rằng cần phải đặc biệt quan tâm tới vấn đề nâng cao năng lực tài chính của các ngân hàng, cải thiện năng lực điều hành và khả năng trị rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngân hàng.

Theo Doanh nhan

20:01

Cụ ông 99 tuổi li dị vợ 96 tuổi vì tội ngoại tình từ... 50 năm trước


Một cặp đôi "thọ lão" ở Rome vừa lập kỷ mới về ly hôn khi quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân 77 năm của mình. 

Cụ ông Antonio C 99 tuổi, sống ở Rome, Italy đang đệ đơn lên Tòa án nơi đây đòi li dị với vợ mình là cụ bà  Rosa C 96 tuổi. Cụ ông đã đi đến quyết định kết thúc cuộc hôn nhân 77 năm của mình.
Lí do bắt nguồn từ sự không chung thủy của cụ bà. Trước lễ Giáng sinh, cụ ông phát hiện ra trong ngăn kéo tủ vợ mình những bức thư tình nồng thắm. Kho thư tình yêu này được tích trữ từ cách đây 50 năm. Và như cụ ông Antonio phát hiện ra sự thật phũ phàng là đôi tình nhân kia bắt đầu hẹn hò nhau sau hơn 10 năm ông bà chung sống.
Sau 77 năm chung sống, ở cái tuổi 99, cụ Antoni vẫn quyết định "đường ai nấy đi".
(Ảnh minh họa)
Mặc dù hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, hai ông bà cũng đã có năm đứa con và hang chục người cháu nhưng cụ ông vẫn không thể chấp nhận sự lừa dối này. Ngay lập tức cụ yêu cầu li dị và nhanh chóng nộp đơn lên Tòa để thủ tục sớm hoàn tất.
Theo đơn ly hôn, trước đây hai ông bà cũng từng có thời gian ly thân và cụ ông chuyển về ở riêng với con trai mình.
Cụ Antoni gặp bà Rosa năm 1930 khi đang còn là một sĩ quan trẻ.
Trước đó, cặp đôi lâu đời nhất ly hôn ở Anh, Bertie và Jessie Wood, đều 98 tuổi đã chấm dứt cuộc hôn nhân của họ sau 36 năm chung sống. Cặp đôi này còn cùng qua đời ở tuổi 100. 
Hàn Hạnh Theo AusNews
14:01

Hiệu trưởng mầm non "gục ngã" vì... chứng khoán

Càng muốn gỡ chứng khoán, Huyền lại càng mắc vào mớ bòng bong do chính mình giăng ra...

Sinh ra trong một gia đình công chức gia giáo, Linh Thị Huyền lớn lên trong vòng tay yêu thương của bố mẹ. Trải qua tuổi thơ êm đềm tại thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan, Huyền luôn mơ ước được trở thành cô giáo mầm non, chăm sóc cho những em bé còn nhiều thiệt thòi, thiếu thốn ở quê hương của mình. Đến năm 1998, Huyền đã thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn. Trong quá trình học tập tại trường, Huyền luôn tâm niệm phải học tập cho tốt, lĩnh hội các kiến thức để phục vụ công tác của mình sau này.
Sau 3 năm miệt mài học tập, ra trường với tấm bằng loại khá, Huyền được phân về công tác tại Trường mầm non xã Bình Phúc, huyện Văn Quan. Với tâm huyết và trình độ vượt trội, sau 2 năm công tác, Huyền đã được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường mầm non Bình Phúc.
Dù ở cương vị quản lý, nhưng lòng yêu trẻ vẫn luôn cháy bỏng trong cô. Hàng ngày cô vẫn thường xuyên đến từng lớp để xem các cháu ăn ngủ thế nào và nhắc nhở các cô giáo quan tâm chăm sóc, dạy dỗ các cháu như chính con em của mình.
Đến năm 2003, Huyền gặp một kiến trúc sư xây dựng, công tác tại Sở xây dựng Lạng Sơn. Hai người nhanh chóng nên duyên vợ chồng và sinh ra một cậu con trai kháu khỉnh, khỏe mạnh. Chồng công tác ở thành phố nhưng lúc nào nghỉ là lại tranh thủ về khu tập thể của trường Bình Phúc để thăm 2 mẹ con. Bữa cơm đoàn tụ của cả gia đình luôn rộn rã tiếng cười.
Hạnh phúc tưởng chừng như đã mỉm cười với cô hiệu trưởng trẻ tuổi. Thế nhưng, cuộc đời có những điều không ai ngờ đến. Một ngã rẽ mà Huyền tự lựa chọn đã đẩy cô sang một cuộc sống khác. Không muốn sống cảnh vợ chồng mỗi người một nơi, do tích góp được chút vốn liếng, vợ chồng Huyền đã mua được một mảnh đất ở thành phố Lạng Sơn và quyết định làm nhà. Ngôi nhà mới xây khang trang, đẹp đẽ nhưng đôi vợ chồng trẻ lại nợ ngân hàng 100 triệu đồng. Huyền hoang mang không biết khi nào mới trả được hết nợ.
Đúng lúc đó, cô bạn thân đã rủ Huyền chơi chứng khoán. Sau khi nghe cô bạn “thuyết trình” về lợi nhuận kếch sù mà chứng khoán đem lại, Huyền bị thuyết phục. Cô đã vay tiền về để chơi chứng khoán. Lúc đầu, kinh doanh chứng khoán đem lại cho cô số tiền lãi nho nhỏ, Huyền vui mừng và tiếp tục vay tiền bạn bè, người thân để đầu tư (nhưng nói dối là để trả nợ tiền xây nhà). Tuy nhiên, do không phải là người chơi chứng khoán chuyên nghiệp, Huyền cùng bạn ôm rất nhiều cổ phiếu giá cao để rồi khi rớt giá lại không bán được hoặc phải bán với giá rất thấp. Càng muốn gỡ, Huyền lại càng mắc vào mớ bòng bong do chính mình giăng ra.
Túng quá làm liều, Linh Thị Huyền đã 3 lần dùng con dấu của Trường mầm non Bình Phúc, giả mạo chữ ký của hiệu phó và chủ tịch công đoàn để viết giấy sửa chữa công trình xây dựng của trường. Qua đó tạo lòng tin để vay tiền. Ban đầu, Huyền vay 19 triệu đồng với lãi suất 10.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày. Lúc này số tiền lãi còn rất nhỏ nên Huyền cũng không quan tâm. Sau đó Huyền tiếp tục vay thêm rất nhiều lần nữa. Lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền kiếm được rất ít nên Huyền không có khả năng chi trả cả vốn lẫn lãi. Cứ mỗi lần đến hạn, không trả được lãi, Huyền buộc phải ký vào giấy nợ số tiền gốc cộng thêm tiền lãi thành số tiền gốc vay mới.
Cứ thế đến tháng 8/2010, số tiền mà Huyền nợ đã lên đến 237, 5 triệu đồng. Như vậy, số tiền lãi mà Huyền phải trả mỗi ngày là hơn 2 triệu đồng. Không thể tìm đâu ra số tiền quá lớn đó, do chủ nợ thường xuyên đến nhà đòi nợ nên Linh Thị Huyền đã trốn khỏi địa bàn. Các bị hại cho vay tiền đã làm đơn tố cáo hành vi lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của Linh Thị Huyền. Công an thành phố Lạng Sơn đã ra lệnh truy nã toàn quốc, phối hợp với công an các tỉnh, thành trong cả nước để bắt giữ Linh Thị Huyền. Đầu tháng 12/2011, Linh Thị Huyền đã bị Công an thành phố Hà Nội phát hiện, bắt giữ và bàn giao cho Công an thành phố Lạng Sơn tiếp tục điều tra xử lý.
Giờ đây Huyền không còn là một hiệu trưởng trẻ tuổi, năng động, xinh đẹp mà là một bị can tiều tụy, mắt luôn đẫm lệ. Cô ân hận vì đã quá nông nổi khi tham gia vào một lĩnh vực kinh doanh nhiều rủi ro, vay lãi suất cao và làm giả giấy tờ, khi tỉnh ra thì đã quá muộn. Huyền mong muốn sau khi chịu hình phạt của pháp luật sẽ được trở về tiếp tục chăm sóc những học sinh thân yêu.
Theo Lạng Sơn online
13:00

LIỀU THUỐC MẠNH TRỊ THAM NHŨNG

Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình và cùng với đó phải là quá trình nhìn lại những thành tựu cũng như nhận diện những thách thức mới. Cũng giống như một vận động viên với sức chịu đựng dẻo dai, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc giảm nghèo và duy trì tăng trưởng kinh tế, thậm chí qua cả thời kỳ suy thoái toàn cầu. Nhưng Việt Nam vẫn đang tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn, trong đó có vấn đề tham nhũng.
Tham nhũng không phải là vấn đề riêng của Việt Nam, cũng không phải là một vấn đề mới. Thật vậy, nền kinh tế của Việt Nam đã tăng trưởng rất tốt trong những năm gần đây bất chấp tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ tham nhũng. Có ý kiến rằng, nếu tham nhũng có thể bôi trơn bánh xe tăng trưởng thì “tại sao phải tập trung chống tham nhũng khi tăng trưởng mạnh như vậy?". Nhưng đây là một câu hỏi sai. Đúng ra phải hỏi: "Liệu tốc độ tăng trưởng sẽ cao như thế nào và nền kinh tế sẽ công bằng hơn đến mức nào nếu tham nhũng được kiểm soát tốt hơn?".
Hiện nay đã có khá nhiều bằng chứng từ khắp nơi trên thế giới về tác động của tham nhũng đối với các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng. Những nhà đầu tư muốn tìm kiếm địa điểm hoạt động an toàn và hiệu quả có thể sẽ ngần ngại vì nạn tham nhũng, thậm chí dù chỉ tham nhũng "vặt". Một số khác có thể vẫn chọn đầu tư, do bị lôi kéo bởi nguồn lao động chăm chỉ hay nền kinh tế năng động, nhưng họ sẽ phải đối mặt với chi phí và rủi ro cao hơn. Các công ty ít do dự hơn, muốn đi đường tắt, sẽ có được lợi thế cạnh tranh. Cho dù sẵn sàng trả tiền hay không, việc phải trả các khoản thanh toán không chính thức sẽ làm tăng chi phí của công ty.
Không chỉ có các công ty trung thực bị ảnh hưởng mà cả người dân, khi các công trình của nhà nước được xây dựng với chất lượng thấp hơn và chi phí cao hơn. Nếu quyết định đầu tư được đưa ra mà có dính líu đến tham nhũng, thì thay vì có những dự án hiệu quả, ta sẽ có các dự án hiệu quả kém, được xây dựng không đúng chỗ với mức chi phí không phù hợp. Thực tế, các chuyên gia kinh tế Việt Nam đã lưu ý rằng tại Việt Nam, phải mất nhiều vốn hơn để tạo ra cùng lượng GDP so với hầu hết các quốc gia khác. Đây là hậu quả của đầu tư công kém hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiệu quả đầu tư kém, trong đó chắc chắn có tác động tham nhũng. Và khi một số công chức, công ty được hưởng lợi ích cá nhân với chi phí do xã hội gánh chịu, nạn tham nhũng sẽ làm giảm công bằng cũng như hiệu quả. Đây không phải là một phép tính có tổng bằng không. Những tổn thất đối với xã hội, khi mà người bệnh chưa được chăm sóc tới nơi tới chốn, trẻ em chưa có được điều kiện học tập đầy đủ, và chi phí làm đường quá đắt, lại là lợi ích cho những kẻ vô đạo đức, những kẻ đã xúc phạm niềm tin của cả hệ thống vì lợi ích của riêng  mình. Việt Nam xứng đáng được hưởng điều tốt hơn như thế.
Để chống tham nhũng có hiệu quả, không chỉ cần việc thực thi pháp luật mạnh mẽ, mà còn phải tăng tính minh bạch. Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc cải thiện tính minh bạch đối với nhiều lĩnh vực, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Như đã được nhấn mạnh trong Báo cáo Phát triển Việt Nam 2010, do Ngân hàng Thế giới cùng với các đối tác khác biên soạn, mặc dù có rất nhiều văn bản pháp luật yêu cầu công khai những thông tin nhất định, trong thực tế rất khó có được thông tin. Một nghiên cứu gần đây về tính minh bạch trong quản lý đất đai cung cấp thêm bằng chứng cho việc này: mặc dù các tài liệu phải được công bố trực tuyến, chỉ có một nửa trong số các trang web của các tỉnh thực sự có đưa thông tin như báo cáo sử dụng đất, và chỉ 9% số tỉnh có bản đồ về hiện trạng sử dụng đất trên mạng. Các quy định về tính minh bạch không được thực hiện đầy đủ. Và Báo cáo Phát triển Việt Nam 2012, được phát hành mới đây tại hội nghị tư vấn các nhà tài trợ, đã đưa ra một bức tranh hoàn chỉnh hơn - xét về trung bình, những chuyển động thực hiện minh bạch tốt hơn có mức độ tham nhũng thấp hơn một cách đáng kể.
Cho dù là các khoản chi không chính thức đang bám theo người dân và các công ty, hay là việc phân bổ sai nguồn lực trong doanh nghiệp nhà nước, tham nhũng buộc những người dân Việt Nam lương thiện và chăm chỉ phải rất mất sức khi đóng góp vào sự phát triển; và sự thiếu minh bạch khiến họ phải sa sút những niềm tin cụ thể. Với một Quốc hội khóa mới và sự khởi đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội mới, đây chính là thời điểm để thổi một sức sống mới cho việc xây dựng tính minh bạch và thúc đẩy việc phòng, chống tham nhũng. Những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được thật đáng khen ngợi, và chúng ta hãy cùng nghĩ đến một Việt Nam có thể vươn xa thế nào nếu những liều thuốc phòng, chống tham nhũng ấy phát huy tác dụng mạnh mẽ.
(TNO) Victoria Kwakwa
Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam
11:31

Những người giàu nhất trên sàn chứng khoán


Sự "khắc nghiệt" của thị trường chứng khoán đã tạo ra nhiều kịch tính trong bảng xếp hạng những người giàu nhất trên sàn năm nay.

Người tăng thêm cả 1.000 tỉ đồng sau 1 năm nhưng cũng chỉ trong từng đó thời gian, có doanh nhân đã "mất" tới vài ngàn tỉ đồng. Người bứt phá ngoạn mục nhưng cũng nhiều gương mặt bị đánh bật khỏi top 10 trong bảng xếp hạng "Người giàu nhất trên sàn chứng khoán VN năm 2011".
Ông Phạm Nhật Vượng vẫn giàu nhất
Vững vị trí số 1 năm nay vẫn là doanh nhân nổi tiếng của Công ty Vincom Phạm Nhật Vượng với giá trị tài sản tính đến phiên giao dịch ngày hôm qua là 16.764 tỉ đồng, tăng gần 1.000 tỉ đồng so với năm ngoái. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, ông Phạm Nhật Vượng "vững ngôi đầu" trong bảng xếp hạng người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Sự bứt phá của ông Phạm Nhật Vượng trong bối cảnh sụt giảm chung của cả thị trường đã khiến khoảng cách giữa người đứng đầu và các vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng bị nới rộng. Tài sản của ông Vượng hiện lớn hơn tổng tài sản của 5 người tiếp theo (từ vị trí số 2 đến số 6) cộng lại.
Vẫn đứng vị trí thứ 2 trong top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán năm 2011 nhưng giá trị tài sản của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) chỉ còn 4.348 tỉ đồng. So với con số 11.366 tỉ đồng của năm 2010, tài sản của "bầu" Đức đã "bốc hơi" 2/3 giá trị. Thị trường chứng khoán ảm đạm đang khiến con đường đi tới ước mơ trở thành "tỉ phú USD đầu tiên của Việt Nam" của bầu Đức ngày càng dài thêm.
Vị trí thứ 3 của năm nay thuộc về bà Phạm Thu Hương, Công ty Vincom, vợ của ông Phạm Nhật Vượng với tổng tài sản trị giá 2.891 tỉ đồng. Năm ngoái, bà Hương xếp vị trí thứ 6. Bứt phá ngoạn mục từ vị trí cuối cùng của "top 10" trong bảng xếp hạng những người giàu nhất trên sàn chứng khoán năm 2010 lên vị trí thứ 4 năm nay là bà Hoàng Thị Yến, Tập đoàn Masan với tài sản 1.971 tỉ đồng, tăng thêm trên 400 tỉ đồng. Ngược lại, việc giảm tới 3/4 giá trị tài sản so với năm ngoái đã khiến ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo, "Người giàu nhất trên sàn chứng khoán năm 2007" tụt xuống vị trí số 8 với tài sản chỉ còn 1.399 tỉ đồng so với 4.042 của năm 2010.
Giữ vị trí thứ 5 là gương mặt hoàn toàn mới, ông Hồ Hùng Anh, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Masan với 1.789 tỉ đồng. Ông chủ Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt, Nguyễn Văn Đạt giữ vị trí số 7 với tài sản 1.455 tỉ đồng. "Chốt bảng" là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đại Dương, ông Hà Văn Thắm. Ông Thắm là gương mặt mới trong top 10 năm nay với tài sản 862 tỉ đồng. Bị đánh bật ra khỏi top 10 là bà chủ của Công ty Quốc Cường Gia Lai Nguyễn Như Loan, Chủ tịch Công ty chứng khoán Sài Gòn - Nguyễn Duy Hưng và Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo - Đặng Thị Hoàng Yến.
Minh họa: DAD
Một năm "mất" 7.000 tỉ đồng
Xét về con số tuyệt đối, đây là mức "bốc hơi" lớn nhất về giá trị tài sản trong bảng xếp hạng năm nay so với năm ngoái và có lẽ cũng là mức hao hụt kỷ lục trên sàn chứng khoán VN từ trước tới nay. Người "mất" trên 7.000 tỉ đồng trong năm 2011 này là ông chủ HAG Đoàn Nguyên Đức.
Việc mất cả ngàn tỉ đồng chỉ trong một năm còn gặp ở nhiều gương mặt lọt vào top 10 của bảng xếp hạng năm nay. Cụ thể, ông Đặng Thành Tâm "mất" khoảng 2.000 tỉ đồng; ông Trần Đình Long (Tập đoàn Hòa Phát) "mất" 1.623 tỉ đồng... Giá trị hao hụt cực lớn nhưng việc này không quá bất ngờ với nhiều người bởi 2011 là năm cực kỳ khó khăn của thị trường chứng khoán VN. Nếu tổng tài sản của 10 người giàu nhất trên sàn năm 2010 đạt 48.406 tỉ đồng thì năm nay, chỉ còn 34.728 tỉ đồng, giảm tới 13.678 tỉ đồng. Nếu phiên giao dịch cuối cùng của năm ngoái, VN-Index đóng cửa ở mức 484,66 điểm thì phiên giao dịch "chốt" năm 2011, chỉ số này chỉ còn 348 điểm.
Tuy nhiên, việc sụt giảm là tình trạng chung của chứng khoán toàn cầu và nhiều tỉ phú trên thế giới cũng rơi vào tình trạng bị bốc hơi tài sản một cách nhanh chóng. Vụ mất kỷ lục nhất cho tới thời điểm này thuộc về tỉ phú giàu thứ 3 của Mỹ, sáng lập viên kiêm giám đốc điều hành của hãng công nghệ Oracle, ông trùm Larry Ellison khi bị hao hụt 4 tỉ USD trong chưa đầy một ngày. Đó là phiên giao dịch ngày 21.12 khi cổ phiếu của hãng này giảm tới 14%. Có thể thấy, chưa bao giờ sự "khắc nghiệt" của chứng khoán thể hiện rõ ràng như năm nay.
Thứ hạng, giá trị tài sản, gương mặt cũ - mới đã có nhiều thay đổi kịch tính nhưng điểm chung là doanh nghiệp bất động sản vẫn góp mặt nhiều nhất trong bảng xếp hạng năm nay cũng như các năm trước.
Những người giàu nhất  qua các năm
Năm
Họ và tên
Tài sản (tỉ đồng)
2006
Trương Gia Bình - Công ty FPT
 2.354
2007
Đặng Thành Tâm - Tập đoàn Tân Tạo, Kinh Bắc 
6.293
2008
Đoàn Nguyên Đức - Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai 
6.159
2009
Đoàn Nguyên Đức - Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai 
11.439
2010
Phạm Nhật Vượng - Tập đoàn Vincom 
15.775
2011
Phạm Nhật Vượng - Tập đoàn Vincom 
16.764
10 người giàu nhất năm 2011
TT
Họ và tên
Tài sản (tỉ đồng)
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
Phạm Nhật Vượng
Đoàn Nguyên Đức
Phạm Thu Hương
Nguyễn Hoàng Yến
Phạm Thúy Hằng
Hồ Hùng Anh
Nguyễn Văn Đạt
Đặng Thành Tâm
Trần Đình Long
Hà Văn Thắm
16.764
4.348
2.891
1.971
1.919
1.789
1.445
1.399
1.340
862
(TNO) Nguyên Khanh
11:30

Nghệ An:
Lời kể của thủy thủ sống sót trong vụ chìm tàu Vinalines Queen

Chiều nay (30.12), khi nghe tiếng của chồng là thuỷ thủ Đậu Ngọc Hùng – người còn sống sót trong vụ chìm tàu Vinalines Queen – trên điện thoại, chị Lại Thị Thoa oà khóc. Rồi hai vợ chồng cùng khóc nức nở...

Sau khi anh Hùng (quê xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) nói được mấy câu thông báo mình may mắn được tàu hàng London Courage (Anh) cứu sống, còn 22 thuyền viên cùng tàu Vinalines Queen bị lật chìm xuống biển, thì điện thoại mất tín hiệu.

Đến 16 giờ 30.12, anh Hùng lại điện về nhà tiếp và cho biết, khi tàu Vinalines Queen bị nghiêng về phía bên phải thì anh gặp may mắn là đang đứng trên tàu phía bên trái nên không bị tàu úp chùm xuống đáy biển. Theo lời kể của Hùng thì anh chỉ kịp nhảy xuống biển và may mắn ôm được một chiếc phao cứu sinh. Còn 22 người trên tàu do còn ở phía bên phải con tàu và ở dưới gầm tàu nên hầu hết không kịp thoát ra ngoài; có người kịp nhảy xuống biển thì bị tàu lật trúng và phao bên phải không bung ra được.

Gia đình anh Hùng
Do lênh đênh trên biển từ ngày 25.12, nên đến hôm nay (30.12), sức khoẻ của anh Hùng vẫn còn yếu và đang được các thuỷ thủ, thuyền viên trên tàu hàng London Courage (quốc tịch Anh) chăm sóc. Tàu London Courage cứu được anh Hùng khi đang trên biển chạy về Singapore. Đến chiều tối qua, sức khoẻ anh Hùng đã bình phục dần và đang được tàu London Courage đưa về địa phận Indonesia.
Ông Đậu Ngọc Cư (66 tuổi), cha của Hùng khóc nói: “Từ ngày con Thoa đọc báo và phía công ty thông báo tàu Vinalines Queen cùng Hùng mất tích trên biển, gia đình chúng tôi rất lo lắng. Vợ tôi và Thoa thì nằm khóc, bỏ ăn, đêm không ngủ được nên nhiều lần bị ngất xỉu phải cấp cứu. Tôi cũng rối bời, lo lắng, hằng ngày chỉ biết đi ra đi vào động viên vợ và con cháu và thắp hương cầu khấn tổ tiên. Tôi cũng từng là ngư dân nên rất hiểu nỗi khó khăn, nguy hiểm rình rập các thuyền viên, thuỷ thủ trên tàu”.

Còn bà Ngô Thị Ngoãn, mẹ của anh Hùng cũng nói trong nước mắt: “Mấy ngày qua tôi không ăn, không ngủ được vì thương con. Tôi nghĩ dại lỡ nó có mệnh hệ gì chắc chúng tôi không sống nổi. Cháu Vân Anh - con anh Hùng - thì mới được bốn tuổi, vợ còn trẻ công tác tại trạm y tế xã mấy hôm nay cũng không thể đi làm được. Con tôi may mắn sống sót, nhưng niềm vui không trọn vẹn khi 22 người bạn của Hùng cùng tàu đã chìm xuống biển rồi”.

Cùng chung niềm vui với gia đình ông Cư, bà Ngoãn là hàng trăm người dân kéo đến nhà rất đông. Ai cũng cho là “chuyện lạ Việt Nam “ và tranh nhau cung cấp thông tin cho nhà báo bởi máy điện thoại của hai ông bà liên tục đổ chuông không thể tiếp được chúng tôi. Thấy cúng tôi tất bật, ông Cư cũng tranh thủ cho biết: Hùng là con út và là đứa con trai duy nhất trong gia đình 5 chị em và đó cũng là “hồng phúc” của chúng tôi, tôi cảm ơn trời đất.
(LĐO) Hương Nhàn

10:44

Đại gia bỏ 4.000 USD mua trinh thiếu nữ 18 tuổi

  (Bị bắt quả tang khi đang "mây mưa" với khách trong nhà nghỉ ở phường Thanh Nhà (Hà Nội), một thiếu nữ 18 tuổi khai nhận mới "hành nghề" có 2 tháng nay sau khi bán "cái ngàn vàng" cho một đại gia lấy 4.000 USD.

Ngày 30- 12, công an quận Hai Bà Trưng - Công an TP Hà Nội cho biết, đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Hồng Vân (20 tuổi ở phường Bạch Đằng, quân Hai Bà Trung) về hành vi môi giới mại dâm.

Trước đó, qua trinh sát, lực lượng cảnh sát đã ập vào 1 nhà nghỉ ở phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) bắt quả tang 2 đôi nam nữ đang có hành vi mua dâm.
Nguyễn Hồng Vân (bên phải) và 1 gái mại dâm bị bắt
Hai cô gái 18 và 23 tuổi khai đến từ tỉnh phía Nam khai nhận được điện thoại của má mì Vân đến đây để phục vụ khách. Mỗi lần như vậy, Vân thu 3 triệu đồng (trong đó gái được hưởng 2,5 triệu).

Cùng thời điểm này, ở một phòng khác công an còn phát hiện một cô gái trong đường dây của Vân đang chờ khách đến để phục vụ. 3 cô gái cùng má mì Nguyễn Hồng Vân được đưa về trụ sở cảnh sát để điều tra.

Theo lời khai của gái bán dâm 18 tuổi, cô mới "hành nghề" này được khoảng 2 tháng nay. Trước đó, cô đã bán "cái trong trắng" của mình cho một đại gia với giá 4.000 USD (hơn 80 triệu đồng).
1 gái mại dâm trong đường dây của má mì Nguyễn Hồng Vân
Theo một cảnh sát tham gia phá án, sau khi học hết lớp 12, Nguyễn Hồng  Vân ít nhận được sự quan tâm từ phía gia đình đã xin vào các quán bar, karaoke ở Hà Nội để làm tiếp viên.

Hơn một năm phục vụ tại đây, cô từng đi phục vụ khách và quen biết khá nhiều gái làm tiền nên đã hành nghề môi giới mại dâm cho các khách quen, có người “bảo lãnh”.

Các “hot girl” trong đường dây của Vân đến từ nhiều địa phương khác nhau, chủ yếu thuộc thế hệ 9X.

Đây là vụ bắt đường dây bán dâm tiền triệu thứ 2 ở Hà Nội chỉ trong nửa tháng qua. Ngày 14-12, công an cũng đã phát đường dây gái gọi cao cấp giá 400-2.000 USD mỗi lượt “đi khách”.

Những "chân dài" trong đường dây này được điều từ TPHCM ra Hà Nội bán dâm cho những khách đi xe BMW đã bị bắt quả tang khi đang “hành sự” tại khách sạn 3 sao Sunny Hotel (ở ngõ 168 - phố Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa).
(NLĐO) F.Hưng
10:22

Chợ chiều, rã đám:
EVN Telecom lộn xộn trong thời điểm chuyển giao

Nhà mạng EVN Telecom của Tập đoàn Điện lực VN chính thức được chuyển giao cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội – Viettel kể từ 1.1.2012 dù vẫn còn nhiều thắc mắc, khiếu nại của các nhà mạng khác vì cho rằng vi phạm Luật Cạnh tranh.

Tuy vậy, tác động trực tiếp, nhanh nhất của cuộc chuyển giao này lại là khách hàng của EVN Telecom...    
Dù ngày chuyển giao chính thức là 1.1.2012, tuy nhiên các cửa hàng giao dịch, trung tâm chăm sóc khách hàng, phòng kỹ thuật... của EVN Telecom tại Đà Nẵng đã đóng cửa, cắt các giao dịch với khách từ trước đó nửa tháng. Người sử dụng mạng điện thoại của EVN Telecom dù trả tiền đầy đủ, nhưng nếu có trục trặc, thắc mắc, khiếu nại về dịch vụ, tiền cước... thì không thể tìm được người có trách nhiệm để giải quyết.

EVN Đà Nẵng đóng cửa, “trốn” giao dịch với khách hàng.
Trụ sở tổng đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông EVN Telecom tại Đà Nẵng tại 391 Trưng Nữ Vương đã khép hờ hoặc đóng cửa gần nửa tháng nay. Nhân viên tứ tán. Điều đáng nói là đơn vị này hoàn toàn không có treo bảng báo hoặc một dòng thông báo nào để giải thích cho hiện tượng giao dịch trì trệ, thiếu trách nhiệm với khách hàng trong giai đoạn “ngừng hoạt động”, chờ chuyển giao cho Viettel. Do dịch vụ nhà mạng ngày càng kém, nhiều khách hàng khu vực quận Hải Châu tìm đến “hội sở” của EVN Telecom Đà Nẵng để thanh lý hợp đồng và họ đã phải khốn khổ đi “truy tìm” người có trách nhiệm.    
Các phòng giao dịch, chăm sóc khách hàng cho đến lãnh đạo phụ trách viễn thông của điện lực Đà Nẵng đều tình trạng khoá trái cửa. Một khách hàng cho biết, khi đã tìm được cán bộ viễn thông của EVN Telecom thì họ cũng không giải quyết được. Nhân viên giao dịch của tổng đại lý EVN Telecom Đà Nẵng - ông Trần Ngọc Phúc - cho biết: “Toàn bộ hệ thống dữ liệu liên quan đến khách hàng đều đã bị khoá. Nhân viên giao dịch và kỹ thuật viên không thể vào mạng để cắt dịch vụ (chấm dứt thuê bao)...”. Thế nhưng, ông Phúc và các nhân viên tại tổng đại lý này không thể đưa ra những hướng dẫn về địa điểm mới, thời gian và ai sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi của khách hàng.
Một số nhân viên khác chỉ biết đưa ra lời ta thán: “Mong khách hàng thông cảm, EVN Telecom đang giai đoạn bàn giao. Bản thân các nhân viên viễn thông của EVN Telecom cũng không biết “số phận” của mình như thế nào, vì Viettel không tiếp nhận nhân sự cũ của EVN Telecom. Với thái độ cư xử kiểu “phụ bạc” một cách trắng trợn của EVN Telecom đối với khách hàng như hiện nay không chỉ gây bức xúc, thiệt hại cho người tiêu dùng, mà còn gây hậu quả nặng nề cho nhà mạng tiếp nhận bàn giao - Viettel - trong thời gian sắp tới. Cũng dễ có sự thông cảm với lề lối làm việc trì trệ theo kiểu ngày tàn của EVN Telecom, trong không khí EVN không thưởng tết... Tuy nhiên, khách hàng khó có thể chấp nhận bị cư xử thiếu thiện chí, gây thiệt hại của EVN Telecom như hiện nay.   
(LĐO) THANH HẢI
09:01

Phát hiện xăng có hàm lượng methanol cao


Xe máy sử dụng xăng có hàm lượng methanol cao có thể gây ra hiện tượng rò rỉ dẫn đến cháy nổ

Ngày 30-12, Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết cơ quan này đã phát hiện Cửa hàng Xăng dầu Mai Dịch (Công ty Cổ phần Sản xuất Dịch vụ xuất nhập khẩu Từ Liêm – TULTRACO) bán  xăng không chì RON 92 kém chất lượng.
Pha methanol vào xăng vì lãi cao
Kết quả kiểm nghiệm ngày 28-12 của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng I cho thấy hàm lượng ôxy thực tế chiếm 8,8% khối lượng (theo tiêu chuẩn là 2,7%), cao hơn 3 lần mức quy định; hàm lượng methanol trong xăng là 15,3% thể tích (theo tiêu chuẩn là 0,5% thể tích).
Cửa hàng Xăng dầu Mai Dịch, nơi phát hiện xăng có hàm lượng methanol cao
Theo các nhà khoa học, sở dĩ các cửa hàng pha methanol vào xăng là do có mức lãi cao vì giá methanol chỉ bằng khoảng 50% giá xăng. 
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, trước lần kiểm tra của Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Đội QLTT số 13 (Chi cục QLTT TP Hà Nội) cũng đã kiểm tra tại Cửa hàng Xăng dầu Mai Dịch và kết luận các chỉ số đạt chất lượng. Mẫu xăng này được lấy vào ngày 12-12, do người dân khiếu nại sau khi đổ xăng tại cửa hàng thì có hiện tượng xe vẫn nổ máy nhưng không chạy được.
Đẩy trách nhiệm
Cùng ngày, phóng viên Báo Người Lao Động đã có mặt tại Cửa hàng Xăng dầu Mai Dịch. Do cây xăng nằm ở ngã ba Hồ Tùng Mậu và Lê Đức Thọ nên khách hàng khá đông.
Ông Nguyễn Kim Quân, Phó Tổng Giám đốc kinh doanh TULTRACO, cho biết doanh nghiệp này nhập xăng của Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) và cửa hàng bán xăng là đại lý của tổng công ty. “Xăng dầu chúng tôi nhập thẳng về bồn rồi bán ra chứ không có bất kỳ tác động nào” - ông Quân khẳng định. Ông Nguyễn Xuân Cảnh, cửa hàng trưởng, cũng tỏ ra bất ngờ về kết quả này. “Chúng tôi đã có công văn gửi lên tổng công ty để yêu cầu giải thích rõ” - ông Cảnh nói.
Tuy nhiên, khi liên hệ với Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội,  đại diện đơn vị này phủ nhận thông tin trên và cho rằng TULTRACO không phải là đại lý chính thức mà chỉ là một đơn vị bán lẻ. Theo vị này, sau khi biết thông tin về xăng kém chất lượng, tổng công ty đang tổ chức xác minh và sẽ phản hồi với Bộ Khoa học  và Công nghệ. 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội đã có hợp đồng đại lý xăng dầu với TULTRACO đến hết 31- 12-2011 theo hình thức đại lý bán lẻ.
Đại tá Nguyễn Đức Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học về PCCC và cứu hộ, Cục Cảnh sát PCCC (Bộ Công an), cho biết theo các tiêu chuẩn kỹ thuật, đối với xăng RON 92, hàm lượng methanol cao sẽ rất nguy hiểm. Methanol là dung môi mạnh, gây ăn mòn, thậm chí phá hủy rất nhanh các kết cấu bằng cao su và nhựa. “Xe máy sử dụng xăng có hàm lượng methanol cao có thể gây ra hiện tượng rò rỉ dẫn đến cháy nổ” - ông Thắng nói.
Hai ô tô lại bốc cháy
Rạng sáng 30-12, ô tô 4 chỗ của Công ty Thức ăn Thủy sản Việt Hoa đang đậu trên đường Trần Quý Cáp (phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ - Quảng Nam) thì bốc cháy. Khi người dân phát hiện, chiếc xe đã bị thiêu rụi hoàn toàn. Tài xế Lê Văn Ánh (27 tuổi) cho biết xe bị cháy trong tình trạng tắt máy từ nhiều giờ trước.
Cùng ngày, trên tuyến Quốc lộ 1A (tỉnh Bắc Ninh), xe tải Mercedes Benz của Công ty TNHH Khí Công nghiệp Sao Mai đang lưu thông theo hướng Hà Nội - Lạng Sơn cũng bốc cháy. Theo tài xế Đỗ Duy Phương, sau gần một giờ, lửa đã thiêu hủy toàn bộ hệ thống dẫn điện, dàn nóng lạnh…
X.Hiếu – B.T.Q
(NLĐ) Nguyễn Quyết
08:00

Giá vàng sẽ tiếp tục giảm?


Theo các chuyên gia tài chính, giá vàng có thể tiếp tục đi xuống do giới đầu tư quốc tế vẫn bán vàng

Mặc dù ngày 30-12, thị trường vàng chỉ còn biến động nhẹ nhưng 6 phiên giao dịch trước đó, giá vàng trong và ngoài nước đã giảm mạnh. Nhiều người tự hỏi thời gian tới giá vàng sẽ đi về đâu?
Bốn tháng, giảm gần 7 triệu đồng/lượng
 Lúc 9 giờ ngày 30-12, giá vàng thế giới bất ngờ leo lên 1.558 USD/ounce, tăng 13 USD/ounce so với giá đóng cửa của phiên giao dịch trước là 1.545 USD/ounce. Giá vàng SJC cũng tăng thêm 50.000 đồng/lượng, mua vào 41,45 triệu đồng/lượng, bán ra 42,05 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, đến 15 giờ, giá vàng thế giới ở mức 1.559 USD/ounce, song giá trong nước lại giảm còn 41,1 triệu đồng/lượng (mua vào), 41,9 triệu đồng/lượng (bán ra).  
Ngày 30-12, giá vàng trong nước chỉ biến động nhẹ. Ảnh: HỒNG THÚY
Giới kinh doanh vàng cho biết: Do giá vàng liên tục giảm mạnh nên những người chuyên “lướt sóng” vàng ồ ạt bán ra để cắt lỗ. Trong khi đó, sức mua khá yếu buộc các đầu mối lớn hạn chế “ôm” hàng, có thời điểm “ép” giá mua vào thấp hơn bán ra trên 800.000 đồng/lượng.
Diễn biến của thị trường vàng trong thời gian gần đây cho thấy, từ đầu tháng 12-2011 đến nay, vàng đã “bốc hơi” 12% giá trị. Nếu tính  tại mức giá kỷ lục 49 triệu đồng/lượng được thiết lập vào ngày 23-8 thì chỉ trong 4 tháng, giá vàng trong nước đã giảm khoảng 7 triệu đồng/lượng, riêng ngày 29-12 giảm khoảng 1 triệu đồng/lượng. Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới cũng giảm trên 364 USD từ đỉnh cao 1.923 USD/ounce (ngày 1-9) xuống còn 1.559 USD/ounce lúc 15 giờ ngày 30-12.
Đi xuống trong ngắn hạn
Theo phân tích của trang thông tin thị trường vàng Kitco.com, các nhà đầu tư đang bán vàng để mua trái phiếu. Trong khi đó, đồng euro chỉ còn đổi được 1,29 USD khiến làn sóng bán vàng lan rộng khi các khoản vay USD đến hạn trả nợ. Mặt khác, thời điểm cuối năm, các nhà đầu tư thường chốt lời nên giá vàng tất yếu đi xuống.
Thế nhưng, Ngân hàng Hồng Kông – Thượng Hải (HSBC) cho rằng khi vàng giảm giá mạnh sẽ không ít nhà đầu tư mạnh dạn mua vào làm vàng tăng giá trở lại. HSBC còn cho biết nguồn cung vàng từ 1,22 triệu ounce (năm 2010) đã giảm còn 1 triệu ounce (năm 2011). Tuy nhiên, một số chuyên gia am hiểu thị trường cho rằng giá vàng trong sáng 30-12 đi lên chủ yếu là do các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã bán trước đó với giá cao, nay mua lại giá thấp để kiếm lời nhưng chỉ giao dịch với số lượng rất nhỏ, còn các quỹ đầu tư vàng không mua vào.
Trong nước, một lãnh đạo Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết hiện giới đầu tư trong và ngoài nước còn mạnh tay bán vàng nên nhiều khả năng giá sẽ tiếp tục đi xuống. Công ty Sacombank-SBJ nhận định: Giá vàng quốc tế và trong nước có thể còn duy trì xu hướng giảm trong tuần tới. Còn ông Nguyễn Thế Hùng, Trưởng đại diện hãng kinh doanh vàng MKS (Thụy Sĩ)  tại Việt Nam, cho biết do các ngân hàng ở châu Âu đang gặp khó về vốn nên siết chặt hoạt động cho vay khiến giới đầu tư quốc tế phải bán vàng để lấy tiền mặt và động thái này hiện vẫn tiếp tục diễn ra, làm cho giá vàng tiếp tục giảm trong ngắn hạn.
Nên chọn thời điểm thích hợp
Giới phân tích cho rằng tuy giá vàng đã rơi vào vùng thấp nhất trong vòng 6 tháng qua nhưng mua vàng vào thời điểm cuối năm có thể sẽ còn gặp nhiều rủi ro bởi giá vàng đang biến động, các quỹ đầu tư vàng không tham gia thị trường (phải khoảng 2 tuần nữa, các tổ chức tài chính lớn mới thật sự quay lại thị trường).
Ông Nguyễn Thế Hùng cho rằng vàng chỉ có thể tăng giá thật sự khi các ngân hàng trung ương ở châu Âu tuyên bố đã bơm tiền ra thị trường để giải quyết tình trạng nợ công hoặc cuộc họp vào ngày 3-1-2012 sắp tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố điều chỉnh lãi suất cơ bản, đưa ra những thông tin tích cực về kinh tế Mỹ.
(NLĐ) Thy Thơ
07:30

Việt Nam nhận thêm 4 máy bay Su-30MK2

Interfax dẫn một nguồn tin trong ngành công nghiệp - quốc phòng Nga cho biết, chuyên gia nước này vừa bàn giao cho phía Việt Nam thêm 4 chiến đấu cơ Su-30MK2.

Theo nguồn tin, hôm 30/12, từ vùng Komsomolsk-on-Amur, hai chiếc máy bay vận tải An-124 của Nga đã vận chuyển bốn chiến đấu cơ Su-30MK2 sang Việt Nam.

Đây là bốn chiến đấu cơ Su-30MK2 đầu tiên trong hợp đồng cung cấp 12 máy bay loại này được Nga ký với Việt Nam. Bốn chiến đấu cơ Su-30MK2 tiếp theo sẽ tiếp tục được chuyển giao cho Việt Nam vào năm 2012.

Đầu năm 2009, Việt Nam đã ký kết một hợp đồng trị giá 400 triệu USD để mua 8 máy bay Su-30MK2 (không bao gồm vũ khí).

Trong tháng 2/2010, Việt Nam tiếp tục ký một hợp đồng mua thêm 12 chiến đấu cơ Su-30MK2 kèm vũ khí và phụ tùng. Tổng giá trị ở hợp đồng thứ hai vào khoảng 1 tỷ USD.

Trong đầu năm 2011, Nga đã hoàn thành bàn giao đủ 8 máy bay Su-30MK2 trong hợp đồng đầu tiên, và bắt đầu thực hiện hợp đồng thứ hai, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2012.
Chiến đấu cơ đa năng Su-30MK2 của Không quân Việt Nam.
Việt Nam tích cực mua máy bay chiến đấu và các trang thiết bị kỹ thuật hàng không của Nga từ những năm 1990.

Năm 1995, Việt Nam đã mua của Nga lô 6 máy bay Su-27 đầu tiên (5 Su-27SK và một Su-27UBK) với giá trị 150 triệu USD. Đầu năm 1997, Việt Nam tiếp tục mua lô 6 máy bay Su-27 thứ hai (5 Su-27SK, 1 Su-27UBK). Ngoài ra, Việt Nam còn ký hợp đồng với Nga để cải tiến hai máy bay MiG-21.

Trong giai đoạn từ năm 1996 - 1998, KnAAPO và công ty Sukhoi đã nâng cấp 32 máy bay Su-22M4 và Su-22UM3. Hiện nay, có khoảng 53 máy bay tiêm kích bom Su-22M4/UM3 hoạt động trong biên chế Không quân Nhân dân Việt Nam.

Trong tháng 12/2003, Rosoboronexport ký hợp đồng trị giá 120 triệu USD để cung cấp cho Việt Nam 4  chiếc Su-30MK cùng với vũ khí, các thiết bị phụ tùng thay thế và cải tiến cần thiết theo yêu cầu của Việt Nam. Đến năm 2004 Việt Nam đã nhận đủ 4 máy bay này.

Việt Nam đang ngỏ ý muốn mua các máy bay huấn luyện/chiến đấu Yak-130 (ước tính khoảng 8 chiếc).

                                                 
Phạm Thái (theo Interfax)
01:10

Đình chỉ tuyển sinh ba trường đại học, cao đẳng

Theo kết luận thanh tra Bộ GD&ĐT về việc thực hiện cam kết thành lập trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2011, ba trường bị đình chỉ tuyển sinh là ĐH Văn Hiến, ĐH Đông Đô và CĐ CNTT TPHCM.

Cụ thể, trường ĐH Văn Hiến bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012 với lý do chưa có đất, tỷ lệ sinh viên trên giảng viên cơ hữu quá cao (4947 sinh viên/52 giảng viên, đạt 95,1%); Trường ĐH Đông Đô bị đình chỉ tuyển sinh với như ĐH Văn Hiến, tỷ lệ sinh viên 4276/77 giảng viên (55%).
Trường CĐ CNTT TPHCM bị đình chỉ tuyển sinh với lý do diện tích đất quá nhỏ, tỷ lệ sinh viên trên giảng viên cơ hữu quá cao (6420 sinh viên/76 giảng viên, đạt 84,5%).
Cũng trong năm 2012, Bộ GD&ĐT đình chỉ tuyển sinh đối với 12 ngành thuộc bốn trường đại học. Theo đó, ĐH Chu Văn An bị đình chỉ tuyển sinh bốn ngành (Kỹ thuật xây dựng công trình, Tiếng Anh, tiếng Trung, Việt Nam học) do chưa có giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sỹ và tiến sỹ. Trường ĐH Nguyễn Trãi không được tuyển sinh hai ngành Kế toán và Quản trị kinh doanh do chưa có giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sỹ, tỉ lệ sinh viên/giảng viên cao. Trường ĐH Lương Thế Vinh không được tuyển bốn ngành (Công nghệ Kỹ thuật điện – điện tử; Công nghệ thực phẩm, Bảo vệ thực vật, Khoa học Thư viện) do chưa có giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sỹ và tiến sỹ.
Có ngành không có giảng viên cơ hữu
Theo kết luận thanh tra của Bộ GD&ĐT, qua kiểm tra, hầu hết các trường chưa thực hiện cam kết. Các chỉ tiêu theo văn bản cam kết khi thành lập trường hầu hết đều cao, nhiều chỉ tiêu quá cao, khó thực hiện được. Có trường chưa định hình được hướng phát triển như trường ĐH Hà Hoa Tiên.
Bộ GD&ĐT cho biết, tại thời điểm kiểm tra, số lượng giảng viên cơ hữu ở nhiều trường không đảm bảo. Trong số 24 trường đã kiểm tra, 10 trường dưới 100 giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn. Ba trường có số giảng viên cơ hữu chưa đến 60 người như ĐH Nguyễn Trãi có 55 giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn; trường ĐH Hà Hoa Tiên có 59 giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn; trường ĐH Văn Hiến có 52 giáo viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn.
Một số trường công lập tuyển sinh vượt quá quy mô cam kết như trường ĐH Kinh tế - Quản trị Kinh doanh – ĐH Thái Nguyên vượt 126% cam kết. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội vừa tuyển sinh đại học, vừa tuyển sinh CĐ, THCN, dạy nghề.
Một số trường tư thục có xu hướng tuyển sinh ngày càng ít như ĐH Hòa Bình, ĐH Chu Văn An, ĐH Nguyễn Trãi, đặc biệt trường ĐH Hà Hoa Tiên chỉ đạt 4,2% cam kết.
Kết luận thanh tra của Bộ GD&ĐT cho biết, một số trường chưa xây dựng được cơ sở vật chất độc lập, ba trường chưa có đất như ĐH Văn Hiến, ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Đông Đô; ba trường có diện tích đất dưới một ha là CĐ CNTT TPHCM, ĐH Kiến trúc Đà Nẵn, ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu. Trường ĐH Hòa Bình đã có đất nhưng khó xây dựng được cơ sở trong vài năm tới.
Bộ GD&ĐT cũng cho biết, đến năm 2013, nếu các trường này không khắc phục được các điều kiện bảo đảm chất lượng, sẽ xem xét đình chỉ hoạt động giáo dục.
(TPO) Đỗ Hợp

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

23:45

Trung Quốc thu hồi dầu ăn nghi chứa chất ung thư


Trung Quốc lại hứng chịu thêm vụ bê bối an toàn thực phẩm - Ảnh: AFP
Giới chức y tế Trung Quốc đã ra lệnh thu hồi sản phẩm dầu ăn của ba công ty ở nước này sau khi phát hiện chúng chứa hàm lượng cao chất gây ung thư, theo Tân Hoa xã hôm 29.12.
Cũng theo nguồn tin trên, việc thu hồi này liên quan tới dầu ăn do ba công ty ở tỉnh Quảng Đông sản xuất là Fusheng Oil, Manyi Peanut Oil và Mabao Oil.
Tân Hoa xã dẫn nguồn từ các quan chức y tế tỉnh cho biết, các sản phẩm dầu ăn trên chứa hàm lượng aflatoxin, chất được cho gây ung thư, vượt quá mức cho phép.
Các nhà máy của ba công ty này cũng đã được lệnh tạm ngưng hoạt động.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu sản phẩm dầu “bẩn” của ba công ty trên được đưa ra thị trường.
Chất aflatoxin này do nấm mốc sản sinh và hàm lượng cao chất này có thể dẫn tới bệnh ung thư ở một số loại động vật, theo giới chức y tế.
Không lâu trước đó, báo chí Trung Quốc cũng đã đưa tin một mẻ sữa Mông Ngưu được sản xuất tại nhà máy ở thành phố Mi Sơn, tỉnh Tứ Xuyên vào ngày 18.10 có chứa lượng chất aflatoxin M1 vượt quá mức cho phép.
Tập đoàn sữa Mông Ngưu hôm 25.12 đã phải lên tiếng xin lỗi người tiêu dùng và khẳng định mẻ sữa trên đã được tiêu hủy.
(TNO) Huỳnh Thiềm
22:01

Vẻ đẹp bốc lửa của Hoa hậu Brazil

Hoa hậu Brazil 2010 Debora Lyra (người vừa gặp tai nạn nghiêm trọng) được đánh giá rất cao bởi khả năng chinh phục người đối diện nhờ thân hình bốc lửa và gương mặt khả ái.













(Dân Việt) Cẩm Ngọc