Thứ Ba, 3 tháng 12, 2019

Tư nhân hóa nước sạch: Dân bị bắt làm con tin?

Cập nhật lúc 09:37      
AquaOne đã thế chấp 40,9 triệu trong tổng số 51 triệu cổ phần của Cty Cổ phần Nước mặt sông Đuống làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay gần 4.000 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng. Nhiều chuyên gia đặt vấn đề về việc tư nhân hóa cung cấp nước sạch: Người dân có bị bắt làm con tin?


Nhà máy nước mặt sông Đuống nhìn từ trên cao. Ảnh: Mạnh Thắng

Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, ngày 28/11/2017, Sở Xây dựng Hà Nội và Cty Cổ phần Nước mặt sông Đuống có một biên bản thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt sông Đuống. Trong đó, bên A (Sở Xây dựng) do ông Hoàng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở làm đại diện; bên B (Cty Cổ phần Nước mặt sông Đuống) do bà Đỗ Thị Kim Liên - Tổng Giám đốc làm đại diện.

Quy hoạch mở có lợi cho nhà máy nước mặt sông Ðuống

Đáng chú ý, tại thỏa thuận về vùng cấp nước nêu: Vùng cấp nước bao gồm bổ sung nguồn cấp nước cho khu vực phía Đông Bắc thành phố Hà Nội: quận Long Biên, huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, các khu đô thị và công nghiệp đường 179 thuộc Hà Nội và Hưng Yên; khu vực phía Nam Hà Nội: quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên và vùng phụ cận.

Căn cứ Quyết định số 499/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phạm vi cấp nước của Nhà máy Nước mặt sông Đuống gồm khu vực đô thị trung tâm phía Đông Bắc Hà Nội (quận Long Biên, huyện Gia Lâm, một phần huyện Đông Anh), khu vực Nam Hà Nội (một phần quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai); đô thị vệ tinh Phú Xuyên và nông thôn liền kề.

Quyết định số 2055/QĐ-TTg được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ghi rõ: Đồ án điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đảm bảo kế thừa Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Có thể thấy, vùng quy hoạch cấp nước tại Thủ đô Hà Nội đã được Chính phủ quy hoạch rất rõ nhưng thỏa thuận cấp nước lại có nhiều điều chỉnh theo hướng có lợi cho Cty Cổ phần Nước mặt sông Đuống, bổ sung nhiều khu vực cấp nước đô thị và có phần mở rộng là “vùng phụ cận”.

Nguy cơ tạo mầm mống khủng hoảng về sau

Theo dữ liệu từ Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp), Ngân hàng TNHH Indovina - chi nhánh Thiên Long nhận bảo đảm quyền sở hữu 11.977.438 cổ phần phổ thông của Cty Cổ phần Nước mặt sông Đuống thuộc sở hữu của Cty Cổ phần AquaOne. Số cổ phần này được định giá là 118,325 tỷ đồng, tức mỗi cổ phần của Nước mặt sông Đuống được định giá thế chấp bình quân là khoảng 9.850 đồng. Thời điểm phê duyệt cho vay năm 2018, Cty Cổ phần Nước mặt sông Đuống chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, nên chưa rõ Indovina dùng phương pháp nào để xác định được giá trị cổ phiếu như vậy.

Ngoài ra, AquaOne còn cầm cố 20 triệu cổ phiếu của Cty Cổ phần Nước mặt sông Đuống tại Cty Cổ phần Quản lý quỹ Sài Gòn (viết tắt là SSC) để vay vốn theo hợp đồng ký ngày 15/10/2018. Giá trị cổ phần tính theo mệnh giá là 200 tỷ đồng. Như vậy, AquaOne là cổ đông lớn nhất sở hữu 51% cổ phần Cty Cổ phần Nước mặt sông Đuống, nhưng phải đem thế chấp 40,9 triệu trong tổng số 51 triệu cổ phần của Cty này làm đảm bảo cho các khoản vay vốn lớn.

Tại Tọa đàm về an ninh nguồn nước và thị trường nước cạnh tranh (diễn ra sáng 2/12 tại Hà Nội), TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đặt vấn đề, tại sao Cty sông Đuống có chi phí cao mà thành phố vẫn cho họ làm; mỗi doanh nghiệp sản xuất với một chi phí khác nhau, nhưng tại sao lại chọn đơn vị này mà không phải đơn vị khác; có doanh nghiệp nào làm tốt hơn không; tại thời điểm đó, UBND thành phố Hà Nội chọn nhà đầu tư thế nào?

TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh (CEGR), băn khoăn: “Liệu có tình trạng 5-10 năm nữa, các nhà máy cung ứng đã bị cổ phần hóa rồi và ta bị bắt làm con tin không?”.

Theo TS Sơn, hiện nay, cung cấp nước sạch nhấn mạnh yếu tố thị trường nhưng lại quên mất trách nhiệm quản lý của Nhà nước về quy hoạch trong mạng lưới phân phối. Mạng lưới quy hoạch như thế nào cần minh bạch, ai quản lý phải thông tin đầy đủ cho người dân. Phải có quản lý rõ ràng về giá, về chất lượng, nếu không sẽ tạo ra mầm mống khủng hoảng về sau.
(Theo Tiền Phong) HIỂU MINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét