"Phù phép" khóa học dạy nghề
cho người thất nghiệp: Lớp học "nói dối" để trục lợi
Cập nhật lúc 14:47
Hàng ngàn người thất nghiệp tham gia học nghề tại các cơ sở thuộc
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (215 Trung Kính, Q. Cầu Giấy) được hướng
dẫn ký vào các giấy tờ có nội dung xin học sửa xe (mức hỗ trợ 6 triệu
đồng/người) nhưng trên thực tế, họ được cho đi học lái xe (mức hỗ trợ 3 triệu
đồng/người). Tại buổi khai giảng, giáo viên chủ nhiệm thậm chí còn dặn dò học
viên cách nói dối để ứng phó với các cuộc kiểm tra đột xuất.
Tại buổi khai giảng, các học viên đều cặm cụi hoàn thành hồ sơ đăng
ký học sửa xe mà không thắc mắc gì.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp sau hơn 10 năm triển khai đã để
lại nhiều dấu ấn tích cực. Với những lao động mất việc làm, bảo hiểm thất
nghiệp không chỉ chi trả trợ cấp tháng (không quá 1 năm) bù đắp phần nào vào
khoản thu nhập thiếu hụt mà còn hỗ trợ thêm cả kinh phí học nghề (không quá 6
tháng) cho người có nhu cầu.
Trên thực tế, điều này đã giúp cho không ít người thất nghiệp
vượt qua được khó khăn bước đầu, sớm quay lại thị trường lao động.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 11.2019, đường dây nóng Báo Lao Động nhận
được phản ánh về hoạt động bất thường tại một số cơ sở hỗ trợ học nghề trên
địa bàn TP. Hà Nội, có dấu hiệu trục lợi tiền ngân sách.
Sân tập lái Nhật Tân, nơi các học viên sẽ được học lái xe thay vì sửa
xe ôtô.
Cầm trên tay Quyết định hỗ trợ học nghề sửa chữa ôtô, anh N.V.T
(trú tại Hà Nội) hồ hởi tham gia buổi khai giảng được Công ty CP Đào tạo nghề
và Vận tải ôtô Thành Công (số 22, ngõ 157, Pháo Đài Láng, Q. Đống Đa) tổ chức
tại sân tập lái Nhật Tân (ngõ 464 Âu Cơ, Q. Tây Hồ).
Tại đây, anh T. tá hỏa khi các cán bộ của Công ty Thành Công cho
biết lớp học sửa chữa ôtô chỉ là trên giấy tờ. Thực chất, gần 50 học viên có
mặt tại buổi khai giảng sẽ tham gia vào lớp đào tạo lái xe, dù tất cả đều
cùng có quyết định đi học sửa chữa ôtô.
Hỏi han xung quanh, anh T. càng hoảng hốt khi nhận ra dường như
chỉ có mình anh không được biết trước về sự bất thường này.
Quyết định của anh T ghi rõ ngành nghề đào tạo là học sửa xe ô tô.
Với mong muốn thực tâm là được học nghề sửa chữa, anh T. nhiều
lần đem thắc mắc lên những người có trách nhiệm của Trung tâm Dịch vụ việc
làm (thuộc Sở LĐTBXH Hà Nội), nhưng những gì anh nhận lại chỉ là chuỗi ngày
chờ đợi. Anh T. sau đó quyết định phản ánh tới Báo Lao Động.
“Quyết định một đằng, thực hiện một nẻo. Đã thế tại lớp học, các
cán bộ cũng thường xuyên nhắc học viên khi ai hỏi là học ngành gì thì phải
nói là học sửa chữa ôtô. Tôi cho rằng điều này là bất thường. Rất mong Báo
Lao Động vào cuộc làm rõ”, anh T. nói.
Anh T. cũng cho PV biết, quy định mức hỗ trợ học nghề đối với
người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Thời
gian hỗ trợ học nghề theo thời gian học thực tế nhưng không quá 6 tháng.
Trụ sở chính của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tại số 215 Trung
Kính.
Như vậy, đối chiếu theo Quyết định về việc hỗ trợ học nghề của
anh T. do Sở LĐTBXH Hà Nội cấp, với khóa học đào tạo sửa xe theo quy định kéo
dài 6 tháng, anh T. sẽ nhận 1 triệu đồng mỗi tháng, tổng cộng 6 triệu đồng.
Trong khi đó, một khóa đào tạo lái xe theo quy định chỉ kéo dài 3
tháng. Nghĩa là với mỗi bộ hồ sơ học sửa xe thay vì lái xe, số tiền mà quỹ
Bảo hiểm thất nghiệp phải “gánh” thêm là 3 triệu đồng.
Ngoài ra, các học viên không được trực tiếp lĩnh tiền. Tiền này
sẽ được chuyển thẳng về Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Sau đó, Trung tâm
sẽ tự thanh toán với đối tác dạy nghề là Công ty Thành Công...
Dạy học viên nói dối
Phóng viên Báo Lao Động sau đó đã nhập cuộc xác minh thông tin
anh T. phản ánh. Tại một buổi khai giảng diễn ra hồi trung tuần tháng 11.2019
ở sân tập lái Nhật Tân, trong gian phòng khá đông đúc, phóng viên ngồi cạnh
một thanh niên tên T.H.Đ (SN 1994).
Đ. nhanh chóng điền và ký tên vào tờ đơn in sẵn gửi Công ty Thành
Công có nội dung đề nghị được học nghề sửa chữa ô tô mà không có bất cứ băn
khoăn nào.
Cũng giống như Đ, hầu hết những người có mặt tại buổi khai giảng
đều không ai cảm thấy thắc mắc. Tất cả cặm cụi ghi chép để sớm hoàn thiện bộ
hồ sơ học sửa xe trước khi giáo viên chủ nhiệm tới.
Mỗi cuối tháng, học viên đều phải ký vào bản đề nghị hỗ trợ tiền học
nghề.
Một lúc sau, giáo viên chủ nhiệm lớp xuất hiện trên bục giảng,
giới thiệu tên là Hồng và yêu cầu cả lớp giữ im lặng. Ông Hồng sau đó bất ngờ
hỏi lớn: “Các bạn đăng ký học nghề gì?”. Ở bên dưới, lao xao tiếng học viên
đáp lại: “Học lái xe ạ!”.
Dường như chỉ chờ có vậy, giọng ông Hồng nghiêm lại: “Ở đây không
đào tạo lái xe. Các bạn nhớ rõ cho rằng ở đây đào tạo nghề sửa chữa ô tô.
Quyết định một đằng lại bảo một nẻo. Riêng câu này nếu có kiểm tra mà các bạn
bảo học lái xe thì lập tức các bạn dừng học luôn. Các bạn nhớ cho rằng, chúng
ta học sửa xe…”.
Rồi thêm nhiều lần nữa trong buổi học đầu tiên, bất cứ khi nào có
cơ hội, vị giáo viên đều lặp lại lời căn dặn rằng đây là lớp sửa xe. Khi có
đoàn kiểm tra, giáo viên sẽ báo trước cho học viên để đi học đầy đủ và trả
lời được gẫy gọn.
Giáo viên tên Hồng liên tục dặn dò học viên cách nói dối.
“Thực ra người ta cũng ít kiểm tra. Mà kiểm tra cũng sẽ báo trước
từ 3-5 ngày. Có những lúc họ kiểm tra đột xuất chúng tôi còn phải gọi điện
cho học viên cả đêm. Vì nếu bị phát hiện, không chỉ các bạn mà Trung tâm cũng
sẽ bị khiển trách” – ông Hồng nói. Sau đó vị chủ nhiệm lớp bắt đầu phân tích
kỹ hơn lợi ích của việc “lách luật”.
Theo đó, nếu học viên đăng ký học lái xe ôtô thì chỉ được hưởng 3
tháng tiền hỗ trợ, tương đương với 3 triệu đồng/người, không đủ kinh phí để
đào tạo. Nhưng nếu đăng ký học sửa chữa ôtô, mỗi trường hợp sẽ được hưởng tới
6 triệu đồng.
Để rút được tiền thì cứ mỗi cuối tháng, học viên phải ký 1 bản đề
nghị thanh toán hỗ trợ học nghề. Khoản tiền này sau đó sẽ không qua tay người
học mà chuyển trực tiếp đến Công ty Thành Công làm 6 đợt, mỗi đợt 1 triệu
đồng.
Vị giáo viên cũng gợi mở cách để rút ngắn thời gian học xuống còn
một nửa là bỏ tiền túi đóng thêm 3 triệu đồng. Khi đó, công ty sẽ tạo điều
kiện để hợp thức hóa hồ sơ...
Theo thống kê từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong 10
tháng đầu năm 2019, trên địa bàn có hơn 7.000 trường hợp thất nghiệp được
hưởng chế độ học nghề. Trong đó, số người đăng ký học sửa xe là 1.446 trường
hợp, chiếm gần 21%.
(Theo Lao Động) NHÓM PV
|
Thứ Năm, 19 tháng 12, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét